Hồi giáo chống lại Hồi giáo

Print Friendly, PDF & Email

OST-ShiaSunni-NEWWAR

Nguồn: Shahid Javed Burki, “Islam versus Islam”, Project Syndicate, 18/02/2016.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Khủng hoảng đã có tác động mạnh đến thế giới Hồi giáo. Ở Syria, một cuộc chiến tranh tàn bạo đã cướp đi 250.000 mạng sống, lấy đi nơi ở của một nửa trong số 21 triệu cư dân của đất nước, và khiến một triệu người tị nạn phải sang châu Âu tìm kiếm nơi trú ẩn. Tại Yemen, bộ lạc Houthi đã nổi dậy chống lại chính phủ, và bây giờ đang phải đối mặt với các cuộc không kích do Saudi Arabia dẫn đầu. Những mâu thuẫn như thế phản ánh một số nhân tố, nổi bật nhất trong số đó là những cuộc xung đột giữa hai giáo phái Hồi giáo Sunni và Shia, và giữa những người theo chủ nghĩa nguyên giáo (fundamentalism) và những người theo chủ nghĩa cải cách.

Chính quyền do phái Alawite kiểm soát của Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhận được sự ủng hộ của các thế lực Shia, đặc biệt là Iran, khi ảnh hưởng trên toàn khu vực của quốc gia này phụ thuộc vào việc duy trì quyền lực của các chính quyền do người Shia kiểm soát. Và đó chính là lý do tại sao các thế lực người Sunni – mà nổi bật nhất là Saudi Arabia – đã cam kết lật đổ chính quyền đó. Chính phủ Yemen, ngược lại, là do người Sunni lãnh đạo, và do đó nhận được sự hỗ trợ của Saudi Arabia trong các vụ không kích nhắm vào lực lượng Houthis của người Shia do Iran hậu thuẫn. Không mấy ngạc nhiên khi căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia đã gia tăng trong thời gian gần đây, một xu hướng đạt đỉnh điểm là việc hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao sau khi Saudi Arabia hành hình một giáo sĩ Shia được nhiều người yêu mến.

Sự hỗn loạn được kích thích bởi những xung đột này – và bởi sự bất ổn tại các quốc gia khác trong khu vực, như Afghanistan và Iraq – đã dẫn tới sự nổi lên của một số lực lượng đáng gờm, bắt đầu với Nhà nước Hồi giáo (ISIS). Nhóm này đã thu được nhiều ảnh hưởng tới mức các tướng lĩnh Hoa Kỳ đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama cho phép triển khai thêm quân để tham gia cuộc chiến chống lại lực lượng này. Hơn nữa, có những báo cáo đã được đưa ra rằng Hoa Kỳ có thể trì hoãn việc rút quân khỏi Afghanistan, nơi mà một cuộc chiến tranh ngày càng tàn bạo chống lại chính phủ đã cho phép Taliban chiếm được lãnh thổ và tạo ra cơ hội cho ISIS hoạt động. ISIS cũng đã thâm nhập vào Pakistan.

Yếu tố tôn giáo của những cuộc xung đột dữ dội ở Trung Đông ngày nay là một lý do chính tại sao rất khó để hóa giải chúng. Sự chia rẽ giữa hai phái Sunni và Shia xuất phát từ năm 632, khi nhà tiên tri Muhammad qua đời mà không chỉ ra cách mà cộng đồng Hồi giáo đang phát triển nhanh chóng nên chọn người kế vị ông. Những người sau này trở thành tín đồ Shia tin rằng vị trí đó nên được duy trì trong gia đình ruột thịt của vị tiên tri và ủng hộ việc lựa chọn Ali ibn Abi Talib, em họ và con rể của nhà tiên tri. Những người sau đó trở thành tín đồ Sunni lại ủng hộ lựa chọn của các thành viên cấp cao trong cộng đồng: đó là Abu Bakr, một cố vấn thân cận của Muhammad.

Ngày nay, phần lớn trong 1,6 tỷ người Hồi giáo trên thế giới là tín đồ Sunni. Họ phân tán rộng rãi, trải rộng trên một vùng rộng lớn kéo dài từ Ma-rốc đến Indonesia. Sau nhiều thập niên di cư đến Châu Âu và Bắc Mỹ, đã có những cộng đồng người Sunni lớn mạnh ở một số nước phương Tây.

Người Shia có 225 triệu tín đồ và tập trung hơn về mặt địa lý. Iran, với 83 triệu người, là quốc gia nơi người Shia chiếm đa số lớn nhất thế giới, tiếp theo là Pakistan với 30 triệu người và Ấn Độ với 25 triệu người. “Lưỡi liềm Shia” – bao gồm Iran và các nước láng giềng lân cận Afghanistan, Azerbaijan, Iraq, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ – chiếm 70% tổng số tín đồ của giáo phái này.

Sự phân bố địa lý này là kết quả của một loạt các sự kiện lịch sử, một sự kết hợp giữa những cuộc chinh phục và cải đạo (thường là do ép buộc). Mặc dù đạo Hồi thâm nhập Iran bằng con đường chinh phục trong những năm 637-651, quốc gia này đã không chính thức áp dụng tư  tưởng Hồi giáo Shia mãi cho tới gần một thiên niên kỷ sau, khi triều đại Safavid của Shah Ismail I lên nắm quyền và vào năm 1501 tiến hành ép buộc các tín đồ Sunni của nước này cải đạo sang Hồi giáo Shia.

Hồi giáo Shia được truyền bá qua Nam Á thông qua các cuộc xâm nhập quân sự liên tiếp của những nhà cai trị Ba Tư sang Afghanistan và Ấn Độ. Ngày nay, các tín đồ Shia của khu vực tập trung ở các khu vực thành thị, và chủ yếu bao gồm hậu duệ của các quân nhân và công chức nhà nước khác, những người ở lại trong các vùng lãnh thổ chiếm được.

Hồi giáo Sunni, về phần mình, lần đầu tiên được truyền bá qua Nam Á bởi các thánh Sufi (Sufi saints), phần lớn trong số đó đến từ Trung Á và rao giảng một hình thức Hồi giáo khoan dung và bao trùm hơn so với hình thức đang phổ biến tại bán đảo Ả Rập. Nhưng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Saudi Arabia sau những năm 1970, khi giá dầu tăng vọt làm đất nước này trở nên giàu có một cách đáng kể, đã hỗ trợ cho việc thúc đẩy sự truyền bá của tư tưởng Wahhabi hà khắc và chiếm ưu thế tại vương quốc này.

Ngoài việc thu hút hàng triệu lao động Hồi giáo từ Nam Á, Saudi Arabia còn tài trợ việc thành lập các chủng viện tôn giáo Wahabbi (Wahabbi madrassa) dọc theo biên giới Afghanistan-Pakistan. Các thành viên Taliban (trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “các học trò”) ở cả Afghanistan và Pakistan là những sản phẩm của các chủng viện này, cũng như các lực lượng dân quân như Lashkar-e-Taiba và Lashkar-e-Jhangvi, những lực lượng đã thực hiện các cuộc tấn công vào các địa điểm tôn giáo ở Ấn Độ .

Sự rối loạn của ngày hôm nay phản ánh một cuộc đụng độ giữa những thế giới quan cả về thần học và chính trị. Những người Sunni bảo thủ, chẳng hạn như những người gia nhập trào lưu Wahhabi nguyên giáo, đã ủng hộ sự cai trị thần quyền độc đoán, trong khi những người Sunni theo tư tưởng Sufi ôn hòa hơn sẽ ưa thích các hệ thống chính trị tự do và bao trùm (tức không loại trừ các tư tưởng khác). Điều tương tự cũng đúng với những người Shia. Iran từ lâu đã bị mắc kẹt với chế độ cai trị thần quyền, nhưng bây giờ có vẻ như họ đang nhìn về phía cải cách.

Liệu sự chia rẽ giữa các phe phái có bao giờ được vượt qua hay không dường như chủ yếu phụ thuộc vào việc liệu những người theo chủ nghĩa cải cách có thể giành được đủ ảnh hưởng ở cả hai phe hay không. Nếu không, cuộc xung đột sẽ tiếp tục dữ dội, đẩy nhanh sự sụp đổ của trật tự khu vực mà chúng ta đang nhìn thấy bây giờ.

Shahid Javed Burki, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính của Pakistan và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, hiện là Chủ tịch Viện Chính sách công ở Lahore.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Islam versus Islam
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]