Cuộc chiến đơn độc chống giảm phát của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

china-inflation_2133080a

Nguồn: Andrew Sheng & Xiao Geng, “China’s Lonely Fight Against Deflation”, Project Syndicate, 29/02/2016.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Vào đầu tháng 2, khi Trung Quốc chào đón năm Thân, một bản tin của một quỹ phòng hộ được lưu truyền rộng rãi đã làm rối loạn thị trường tài chính bằng việc dự đoán rằng nền kinh tế sẽ hạ cánh cứng, hệ thống ngân hàng ngầm sẽ sụp đổ, và đồng nhân dân tệ sẽ bị phá giá. Sự ổn định chỉ được phục hồi sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên giải thích logic trong chính sách tỷ giá của Trung Quốc qua một cuộc phỏng vấn với tạp chí Caixin (Tài Tân).

Nhưng khả năng đảm bảo sự ổn định đó của Trung Quốc dựa trên nhiều vấn đề có liên quan lẫn nhau, bao gồm mức tăng trưởng năng suất thấp, lãi suất thực giảm, các công nghệ gây xáo trộn (disruptive), khả năng sản xuất dư thừa và mức nợ cao, cùng với tiết kiệm quá mức. Thực tế, cuộc chiến hiện tại về tỷ giá đồng nhân dân tệ phản ánh sự bất đồng giữa quyền lợi của những “kỹ sư tài chính” (như những nhà quản lý của các quỹ phòng hộ bằng đồng đôla) và những “kỹ sư thực thụ” (các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc).

Thị trường trao đổi ngoại tệ, trên lý thuyết, là những cuộc chơi thắng ăn cả, ngã về không: tổn thất của người mua là cái mà người bán đạt được, và ngược lại. Các kỹ sư tài chính rất thích đầu cơ trong những thị trường này, vì chi phí giao dịch rất thấp, và họ được phép bán khống[1] dựa trên đòn bẩy mà không cần phải dựa trên tài sản. Nhưng tỷ giá là một loại giá tài sản có ảnh hưởng kinh tế lớn, bởi nó ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại và dòng đầu tư trực tiếp thật.

Ngày nay, các kỹ sư tài chính định tỷ giá bằng các giao dịch tài chính không hẳn có liên quan đến những thông số nền tảng của nền kinh tế. Bởi vì thị trường tài chính thường mang tiếng là đi quá mức, nếu những người bán khống thắng bằng cách đẩy tỷ giá và nền kinh tế thật xuống một điểm cân bằng thấp hơn, thì những tổn thất sẽ xảy ra đối với đầu tư, việc làm, và thu nhập. Nói cách khác, những cái mà các kỹ sư tài chính đạt được sẽ là những mất mát của người dân.

Để đạt được những lợi ích này, các kỹ sư tài chính sử dụng các phương tiện truyền thông để gây ảnh hưởng đến cách thị trường phản ứng. Ví dụ, những người bán khống mô tả sự sụt giảm mạnh của giá nguyên liệu và dầu thô như những tác động xấu, cho dù giá năng lượng giảm thực chất có lợi cho phần lớn người tiêu dùng và thậm chí một số nhà sản xuất, bằng việc cho phép họ cạnh tranh với những đối thủ hùng mạnh hơn. Giá dầu thô và nguyên liệu giảm được dự báo sẽ đóng góp đến 460 tỉ đôla vào cán cân thương mại của Trung Quốc, bù đắp phần lớn những mất mát về dự trữ ngoại hối trong năm 2015.

Tương  tự, việc Trung Quốc tăng trưởng chậm và sự gia tăng các khoản nợ xấu đang được xem là những tác động hoàn toàn xấu. Những đó cũng là những khó khăn cần thiết trên con đường dẫn đến cải cách bên cung nhằm loại bỏ năng lực sản xuất dư thừa, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, và loại bỏ các ngành gây ô nhiễm.

Các “kỹ sư thật”, trừ những người mà óc phán đoán đã bị che mờ bởi lợi ích tài chính riêng, nên chống lại ảnh hưởng này, và cũng không được đầu hàng trước những cám dỗ của những biện pháp ngắn hạn. May mắn là các nhà chức trách Trung Quốc đã hiểu từ lâu rằng một tỷ giá đồng nhân dân tệ ổn định là rất quan trọng đối với ổn định quốc gia, khu vực, và thế giới. Đó chính là lý do mà họ không phá giá đồng nhân dân tệ trong cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á. Họ thấy được điều mà phần lớn những nhà phân tích không thấy: nếu để đồng đôla Mỹ làm đồng tiền an toàn duy nhất cho tiết kiệm toàn cầu, với lãi suất gần bằng không, thì điều đó sẽ có tác động giảm phát y như tác động của bản vị vàng hồi thập niên 1930.

Trước các áp lực giảm phát ngày nay, các “kỹ sư thực” của các nền kinh tế lớn của thế giới đã không sẵn lòng hoặc không thể phục hồi lạm phát. Nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ không sử dụng các công cụ tài khóa cho mục đích đó, do các hạn chế chính trị trong nước. Sự không sẵn lòng của châu Âu trong việc phục hồi lạm phát lại phản ánh nỗi lo sợ của Đức đối với lạm phát (điều đứng sau sự gắn bó lâu dài với chính sách thắt lưng buộc bụng). Nhật không thể tăng lạm phát được bởi vì dân số lão hóa và việc thực hiện một cách thiếu quả quyết kế hoạch kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, còn gọi là Abenomics. Và Trung Quốc giờ vẫn đang phải trả giá cho sự kích thích kinh tế quá mức được tạo nên bởi gói kích cầu trị giá 4 ngàn tỉ nhân dân tệ (586 tỉ đôla Mỹ) hồi năm 2009, biện pháp đã tạo thêm 80 ngàn tỉ nhân dân tệ nợ cho Trung Quốc.

Cùng lúc đó, hậu quả của những thao túng tài chính ngày càng tăng. Lãi suất bằng không hay âm không chỉ khuyến khích đầu cơ ngắn hạn trên thị trường tài sản và gây hại cho các khoản đầu tư dài hạn; mà mức lãi suất thấp này cũng đã phá hoại mô hình kinh doanh của các ngân hàng, công ty bảo hiểm, và những nhà quản lý quỹ. Tại sao những người tiết kiệm phải trả ngân hàng hay các nhà quản lý quỹ khoản phí trung gian 1-2% khi mức lãi dự kiến chỉ ở con số 0? Một hệ thống nơi mà các phương tiện trung gian tài chính chỉ có thể tăng mức lãi bằng cách tăng mức đòn bẩy – điều chỉ có thể bền vững bằng cách tăng cường nới lỏng định lượng – chắc chắn sẽ thất bại.

Nhìn lại quá khứ, một điều rõ ràng là các “kỹ sư” tài chính chỉ có thể thắng nền kinh tế thực nếu có sự hỗ trợ của các “kỹ sư siêu tài chính” (tức các ngân hàng trung ương). Ban đầu, sự mở rộng bảng cân đối của các ngân hàng  trung ương – lên tới 5 ngàn tỉ đôla từ năm 2009 – đã cung cấp cho các ngân hàng các khoản tín dụng giá rẻ họ cần để tránh phá sản. Nhưng việc các ngân hàng giảm mức đòn bẩy (hay giảm nợ, do các quy định điều tiết ngặt nghèo hơn), cộng với lãi suất âm, làm giá cổ phiếu của các tổ chức tài chính bị sụt giảm, dẫn đến sự giảm giá trị thuận chu kỳ thông qua giảm giá tài sản, thanh khoản kém (illiquidity), và sự tháo chạy của số đông.

Các kinh nghiệm trong quá khứ đã dạy các “kỹ sư thật” của Trung Quốc rằng cách duy nhất để thoát khỏi giảm phát là thông qua các cải cách cấu trúc một cách đau đớn, chứ không phải là bơm tiền giá rẻ và cạnh tranh phá giá. Câu hỏi bây giờ là nếu Mỹ và các quốc gia sở hữu những đồng tiền dự trữ có chịu chia sẻ gánh nặng trong việc đảm bảo ổn định tiền tệ toàn cầu hay không, thông qua một thỏa thuận tương tự như Thỏa thuận Plaza vào năm 1985, khi 5 nền kinh tế lớn đồng ý để đồng đôla Mỹ phá giá so với đồng Yên Nhật và đồng Mark Đức. Nếu không thì tại sao các quốc gia chủ nợ của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, phải tiếp tục cấp tiền cho những người đầu cơ chống lại chính họ?

Đồng đôla Mỹ là một nơi trú ngụ an toàn, nhưng những người tiết kiệm cần thanh khoản vẫn còn thiếu một người cho vay cuối cùng công bằng. Việc gửi tiền bằng các đồng tiền dự trữ với lãi suất gần bằng không chỉ có lý nếu bên ngân hàng không cấp tiền cho các hoạt động đầu cơ chống lại người gửi. Nhưng cho đến giờ thì những “kỹ sư tài chính” được tự do hoạt động, họ thậm chí không thể phá sản, hay là phải vào tù, nếu họ đủ lớn.

Vai trò chủ tịch luân phiên nhóm G-20 của Trung Quốc năm nay đem đến một cơ hội quan trọng để nhấn mạnh rằng sự ổn định của đồng nhân dân tệ là điều quan trọng không chỉ với Trung Quốc nói riêng, mà còn với hệ thống tài chính thế giới nói chung. Nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá so với đồng đôla Mỹ, thì những kẻ chiến thắng duy nhất là các “kỹ sư tài chính”.

Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào), thành viên của Viện Quốc tế Châu Á tại Đại học Hồng Kông và thành viên Hội đồng tư vấn về Tài chính bền vững của UNEP, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai Hồng Kông (HKSFC,) và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.

Xiao Geng (Tiểu Cảnh), Viện trưởng Viện IFF, là giáo sư tại Đại học Hồng Kông và là nghiên cứu viên tại Viện Quốc tế Châu Á thuộc Đại học Hồng Kông.

Copyright: Project Syndicate 2016 – China’s Lonely Fight Against Deflation

———————

[1] Bán khống (short-selling) là  cách kiếm lợi nhuận từ sự tụt giảm giá của một loại chứng khoán hay tiền tệ. Phần lớn các nhà đầu tư theo lâu dài một khoản đầu tư, hy vọng rằng giá của loại chứng khoán đó sẽ lên. Để thu lợi từ việc giá cổ phiếu đi xuống, người bán khống có thể mượn một chứng khoán và bán nó đi, mong muốn rằng nó sẽ giảm giá trong tương lai để người bán khống có thể mua nó lại với mức giá thấp hơn và hưởng chênh lệch giá (theo Wikipedia).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]