Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)

Print Friendly, PDF & Email

oecd

Tác giả: Nguyễn Thị Tố Nga

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development), viết tắt OECD, là một tổ chức liên chính phủ được thành lập theo một hiệp định ký tại Paris vào ngày 14 tháng 12 năm 1960 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của các nước thành viên và thế giới, tăng cường thương mại quốc tế. OECD có trụ sở chính đặt tại Paris (Pháp).

Tiền thân của OECD là Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC), được thành lập năm 1948 nhằm mục đích phục hồi kinh tế châu Âu và giám sát phân bổ viện trợ của Mỹ dành cho châu Âu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai thông qua Kế hoạch Marshall. OEEC đã rất thành công trong việc đạt được những mục tiêu tái thiết. Tuy nhiên, với việc viện trợ của Mỹ chấm dứt vào năm 1952, tổ chức này mất đi mục đích tồn tại của nó. Vào khoảng năm 1960, các nước thành viên đàm phán để Mỹ và Canada gia nhập tổ chức này nhằm tăng cường quan hệ kinh tế hai bờ Đại Tây Dương. OEEC chuyển thành OECD đánh dấu một định hướng chính sách mới, mang tính quốc tế hơn.

Hai mươi nước tham gia ký kết ngay từ ngày đầu thành lập OECD vào năm 1960 gồm có: Áo, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức (cũ), Hy Lạp, Iceland, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ. Tính đến thời điểm cuối năm 2011, OECD có tất cả 34 quốc gia thành viên. Mười bốn nước gia nhập OECD sau năm 1960 là Nhật Bản (1964), Phần Lan (1969), Australia (1971), New Zealand (1973), Mexico (1994), Cộng hòa Séc (1995), Hàn Quốc (1996), Hungary (1996), Ba Lan (1996), Slovakia (2000), Chile (2010), Estonia (2010), Israel (2010) và Slovenia (2010). Năm nước được OECD đề xuất Tăng cường Gắn kết (Enhanced Engagement), tăng cường quan hệ đối tác chặt chẽ và có tổ chức hơn hướng đến khả năng có thể trở thành thành viên của OECD là Ấn Độ, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, và Nam Phi.

Về cơ cấu tổ chức, cơ quan đầu não của OECD là Hội đồng OECD, thực hiện chức năng giám sát và định hướng chiến lược. Thành viên của Hội đồng gồm đại diện các nước thành viên và Ủy ban châu Âu. Các quyết định của Hội đồng được đưa ra dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Hội đồng giám sát hoạt động của các Ủy ban, được hình thành trên cơ sở đại diện của các nước thành viên. Ban Thư ký của OECD cung cấp các hỗ trợ cho hoạt động của các Ủy ban và do một Tổng Thư ký điều hành.

Mục tiêu chính thức của OECD được ghi trong Điều 1 Hiệp định thành lập là phối hợp chính sách nhằm:

  1. Đạt được sự tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo công ăn việc làm và nâng cao mức sống cho người dân ở các nước thành viên, trong khi vẫn duy trì được ổn định tài chính, và qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới.
  2. Góp phần vào sự lớn mạnh vững chắc về kinh tế của các nước thành viên và các nước không phải là thành viên trong quá trình phát triển kinh tế.
  3. Góp phần vào sự mở rộng thương mại thế giới trên cơ sở đa phương, không phân biệt đối xử phù hợp với các cam kết quốc tế.

Về đối nội, tổ chức này xác định sứ mệnh của mình là tập hợp các nước có cam kết chặt chẽ với dân chủ và nền kinh tế thị trường. Không giống như Liên minh Châu Âu, OECD là một tổ chức liên chính phủ, không phải là một tổ chức đứng trên quốc gia. Trên thực tế, OECD đưa ra các khuyến nghị không mang tính chất ràng buộc cho các nước thành viên. OECD cũng được xem là một diễn đàn quan trọng cho các nước thành viên phối hợp các chính sách kinh tế, trao đổi ý kiến, thảo luận các thỏa thuận liên quan đến thương mại và các vấn đề khác, xây dựng các mối liên hệ giữa các nước thành viên với các nước không phải là thành viên. Ngoài trọng tâm về kinh tế, OECD gần đây mở rộng nhiệm vụ của mình sang các vấn đề xã hội, chính trị, và văn hóa. OECD còn được xem là nguồn thông tin kinh tế và thống kê rất có giá trị cho các nước thành viên cũng như cho các tổ chức và cá nhân có quan tâm.

Về đối ngoại, OECD hiện có quan hệ hợp tác với hơn 70 nước không phải là thành viên của Tổ chức này. OECD cũng duy trì mối quan hệ mật thiết với các tổ chức dân sự và các nghị viện như Hội đồng châu Âu và Hội đồng NATO. Ngoài ra, OECD cũng có mối quan hệ chính thức với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Nông lương (FAO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Trong quan hệ Bắc – Nam, các nước OECD được xem là đại diện cho nhóm lợi ích đối trọng với các nước đang phát triển.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]