Đối lập yếu: Căn bệnh ung thư của chính trị Nhật

Print Friendly, PDF & Email

japan-politics

Nguồn: Gerald Curtis, “Weak opposition is a cancer in Japan’s political system”, East Asia Forum, 18/09/2016.

Biên dịch: Nguyễn Thùy Dương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Gần 40 năm kể từ năm 1955, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã thống trị hệ thống đa đảng của Nhật Bản. Các đảng đối lập đã không thể thách thức thành công sự thống trị của LDP ở cấp quốc gia, nhưng các đảng này có tác động quan trọng đối với chính sách và hoạt động chính trị. Nhật Bản có một đảng thống  trị chứ không phải là một hệ thống độc đảng.

Phe đối lập đủ mạnh để ngăn chặn việc thông qua nhiều chính sách mà LDP đã đấu tranh quyết liệt – như sửa đổi hiến pháp, hỗ trợ tài chính của chính phủ cho đền thờ Yasukuni gây tranh cãi, và đưa giáo dục đạo đức thời tiền Thế chiến II quay trở lại. Sự ủng hộ rộng rãi của người dân đối với lập trường của Đảng Xã hội Nhật Bản (JSP) về  vấn đề tái vũ trang và bảo vệ các quyền tự do được ghi trong hiến pháp không cho phép LDP thực hiện được các chính sách quan trọng mà đảng này đưa ra trong cương lĩnh ban đầu của đảng vào năm 1955.

Nửa thế kỷ sau, LDP lại tiếp tục thúc đẩy những chính sách này với một sức sống mới.

Các hệ thống đảng phân cực cùng các chia rẽ chính sách và tư tưởng sâu sắc có thể làm suy yếu sự ổn định chính trị. Nhưng vào thời hậu chiến ở Nhật Bản, sự giằng co giữa LDP thiên hữu và một phe đối lập thiên tả được chi phối bởi JSP đã tạo ra một sự căng thẳng tích cực kéo hệ thống chính trị vào vị thế trung dung. Theo thời gian, LDP – đảng đã bắt đầu quyết tâm lật đổ nhiều cải cách chính trị đã được thông qua trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng và viết nên một Hiến pháp mới – đã giảm các mục tiêu mang tính “phục thù” và đưa việc duy trì quyền lực trở thành mục tiêu bao trùm của mình. Nhấn mạnh một một cách tiếp cận thực dụng, LDP trở thành đảng chủ đạo theo đường lối trung dung.

Phía những người theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã không thực hiện một sự điều chỉnh tương ứng trong định hướng chính trị cụa họ và tiếp tục dịch về cánh tả. Điều này khiến cho các thành viên có xu hướng thiên hữu trong nhóm tách ra và thành lập Đảng Dân chủ Xã hội và cũng dọn đường cho Đảng Komeito (Đảng Công minh) được thành lập vào năm 1964. Đảng này có vị trí ở cánh tả so với LDP nhưng lại là cánh hữu nếu so với JSP.

Trong những năm 1990, sự sụp đổ của JSP dường như dẫn đến một hệ thống đảng chính trị được sắp xếp lại, tập trung vào sự cạnh tranh giữa LDP trung – hữu và Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) trung – tả mới thành lập. Dường như có khả năng là một sự thay đổi quyền lực luân phiên giữa hai đảng chiếm ưu thế này có thể trở thành một tình trạng “bình thường mới”. Quan điểm đó dường như được khẳng định khi DPJ có được một chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 2009 và nắm quyền kiểm soát chính phủ.

Thế nhưng điều đó đã không diễn ra. Ba năm DPJ nắm quyền đã chứng minh là một thảm họa đối với Đảng và là một điều may mắn bất ngờ cho LDP. Nhiều nhân tố góp phần vào sự thất bại của DPJ, trong đó các nhân tố quan trọng nhất là việc thủ tướng Yukio Hatomaya thiếu năng lực, nỗ lực của Ichiro Ozawa nhằm giành quyền kiểm soát Đảng, phương pháp tiếp cận mang thái độ thù địch của Đảng đối với bộ máy công chức, và khả năng xử lý yếu kém trong cuộc khủng hoảng bởi trận động đất Tohoku và thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Có vẻ như Đảng có thể khôi phục lại dưới thời thủ tướng Yoshihiko Noda, nhưng lúc đó thì đã quá muộn.

Kể từ lúc mất quyền lực vào tay LDP trong năm 2012, Đảng Dân chủ đã bối rối về việc làm thế nào để có thể khôi phục lại được sự ủng hộ của công chúng. Theo chủ tịch Katsuya Okada, Đảng Dân chủ đã chọn cách xác định các mục tiêu của Đảng không phải là về những gì Đảng ủng hộ, mà là những gì Đảng phản đối. Đảng chống lại chính sách phòng thủ tập thể, đạo luật bí mật quốc gia, và chống lại việc sửa đổi hiến pháp.

Giờ đây Đảng Dân chủ đã có một lãnh đạo mới, Renho Murata, người phụ nữ đầu tiên dẫn dắt một Đảng chính trị lớn của Nhật Bản. Bà đã từng là người mẫu và người dẫn chương trình truyền hình, có bố là người Đài Loan và mẹ là người Nhật Bản, mang đến một khuôn mặt tươi mới cho thế giới chính trị Nhật Bản vốn đơn điệu và bị chi phối bởi những người đàn ông lớn tuổi. Nhưng nhiệm vụ của bà phía trước là rất lớn khi phải xây dựng sự đoàn kết trong Đảng và soạn thảo các chính sách thay thế cụ thể, đặc biệt là về kinh tế, điều luôn là mối quan tâm chính của cử tri. Renho sẽ cần phải thuyết phục công chúng rằng bà có một sự hiểu biết thực tế về các vấn đề an ninh và rằng nếu Đảng của bà nắm giữ chính phủ lần nữa, họ sẽ không làm rối các vấn đề này. Thoát khỏi hình ảnh một Đảng không đại diện cho điều gì ngoài chống đối các chính sách của LDP sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Dư luận phê phán chính sách của LDP nhưng kiểu bất bình mạnh mẽ vốn khiến người dân biểu tình đông người chống lại LDP mấy năm trước đơn giản không còn nữa. Nỗ lực của Đảng Dân chủ nhằm đưa việc phản đối sửa đổi hiến pháp trở thành vấn đề then chốt trong chiến dịch tranh cử thượng viện năm 2016 hầu như không có tác dụng. Thủ tướng Abe hạ thấp vấn đề hiến pháp và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện chiến lược kinh tế của ông. Các lãnh đạo Đảng Dân chủ không bao giờ trình bày được rõ ràng một chính sách kinh tế của riêng họ.

Giờ đây do LDP không còn bị kéo về phía trung dung bởi các đảng bên tả nữa, các thành viên bảo thủ của Đảng yêu cầu Đảng trở về với gốc rễ của mình và thực hiện tầm nhìn của những người sáng lập ra nó. Các động lực đang thay đổi của chính trị đảng phái tại Nhật Bản đã bắt đầu kích hoạt sự dịch chuyển về cánh hữu của LDP.

Những người thiên hữu trong Đảng coi chiến lược kinh tế thực dụng, lấy kinh tế làm ưu tiên chính của “các chính trị gia chủ lưu bảo thủ” là một sự phả bội vô nguyên tắc đối với các lý tưởng và mục tiêu của Đảng. Ví dụ, thủ tướng Abe đã chỉ trích đảng của mình vì đã trở thành một Đảng nhằm duy trì quyền lực hơn là tìm cách thực hiện cương lĩnh ban đầu của mình – đặc biệt là việc sửa đổi hiến pháp do Mỹ soạn thảo. Abe tin rằng ông có trách nhiệm ưu tiên các mục tiêu của LDP được đặt ra bởi chính ông ngoại của mình, cựu thủ tướng Nobusuke Kishi, hơn nửa thế kỷ trước.

Về phần phe đối lập với LDP, không có tương lai cho Đảng Dân chủ hay bất cứ Đảng nào mà xác định mục tiêu tồn tại chính của họ là phản đối (các chính sách của LDP) và tránh đưa ra lập trường rõ ràng về những vấn đề khó khăn liên quan đến chính sách an ninh quốc gia. Sự thật đáng buồn là chưa bao giờ trong lịch sử thời hậu chiến của Nhật Bản phe đối lập chính trị lại yếu kém như bây giờ. Bà Renho đã nhận một nhiệm vụ rất khó khăn.

Hệ thống đảng phái chính trị của Nhật Bản sẽ được tự đổi mới bằng cách này hay cách khác. Có thể là sự đổi mới sẽ khiến cho LDP rất mạnh và phe đối lập thì lại bất lực đến mức Nhật Bản phát triển thành một hệ thống gần như độc đảng, trong đó cơ chế kiểm soát và cân bằng vốn cần thiết cho quản trị dân chủ bị suy yếu đáng kể. Nhật Bản cần phải tìm ra một cách thức mới để duy trì một hệ thống dịch chuyển về phía trung dung. Sự giằng co giữa phe bảo phủ phục thù và các phần tử cấp tiến bị chi phối bởi chủ nghĩa Mác vốn làm cho hệ thống trở nên trung dung trong quá khứ giờ không còn phù hợp nữa. Nhật Bản cần sự hiện diện của một đảng trung tả đại diện cho số đông và đưa đến cho công chúng một sự lựa chọn thực tế để thay thế cho LDP.

Gerald Curtis là Giáo sư hưu trí về Khoa học Chính trị tại Đại học Columbia.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]