CIA thẩm vấn Saddam Hussein như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The ex-CIA agent who interrogated Saddam Hussein”, BBC, 04/01/2017.

Biên dịch: Dương Thị Thùy Trang | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Khi Saddam Hussein – cố tổng thống Iraq bị bắt vào tháng 12 năm 2003, CIA đã yêu cầu một chuyên gia đến nhận diện và thẩm vấn ông. Người chuyên gia này tên là John Nixon.

Nixon đã nghiên cứu về Saddam Hussein từ khi mới gia nhập CIA vào năm 1998. Nhiệm vụ của ông là hiểu tường tận về những nhà lãnh đạo trên thế giới, phân tích được “những gì họ nghĩ” – theo như ông chia sẻ trên chương trình Victoria Derbyshire của đài BBC.

“Khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, các nhà hoạch định chính sách tìm đến chúng tôi với những câu hỏi như những người lãnh đạo đó là ai, họ muốn gì và tại sao họ làm như vậy”.

Nixon đang ở Iraq khi nhà lãnh đạo bị phế truất được quân đội Mỹ phát hiện trong một căn hầm nhỏ dưới lòng đất bên cạnh khu nông trại gần quê nhà ông ta ở Tikrit.

Khi tin tức về việc phát hiện ra Hussein lan truyền, Mỹ muốn xác nhận chắc chắn đó có thật sự là ông ta hay không và nhiệm vụ này được giao cho Nixon.

Tại thời điểm đó, có một vài tin đồn rằng Saddam Hussein có rất nhiều “hình nhân thế mạng”, nhưng Nixon – người đã rời khỏi CIA từ năm 2011 nói: “Ngay khi nhìn thấy, tôi biết đó chính là ông ta, không một chút nghi ngờ”.

“Ngay từ khi bắt đầu cuộc nói chuyện, tôi đã nhận ra ánh mắt ông ta nhìn tôi chính là ánh mắt tôi đã nhìn thấy trên trang bìa một cuốn sách viết về ông đặt trên bàn làm việc của tôi trong nhiều năm, không hề khác biệt.”

Nixon nhận nhiệm vụ thẩm vấn Saddam Hussein và ông là người đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này một cách kỹ lưỡng, suốt mấy ngày.

“Tôi phải luôn nhủ thầm rằng tôi đang phỏng vấn kẻ đang bị truy nã gắt gao nhất thế giới, điều này thật sự rất khôi hài”, ông nói.

Trong cuốn sách của mình: “Debriefing the President: The Interrogation of Saddam Hussein” (“Báo cáo cho Tổng thống: Thẩm vấn Saddam Hussein”), Nixon đã miêu tả vị lãnh đạo quá cố này là “đầy mâu thuẫn”.

Ông nhìn thấy “phần người” trong Saddam Hussein, ông nói, có một sự trái ngược rất lớn với những gì truyền thông Mỹ miêu tả.

“Đó là một trong những người lôi cuốn nhất mà tôi từng chạm trán. Ông ta có thể trở nên quyến rũ, tử tế, hài hước và lịch thiệp nếu ông ấy muốn.”

Nhưng ông ta cũng có thể trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết. Nixon miêu tả ông ta là một tên thô lỗ, ngạo mạn, độc ác và đáng sợ khi trở nên mất bình tĩnh.

“Đã có 2 đến 3 lần những chất vấn của tôi khơi dậy phần xấu xa của ông ta.” -Nixon nói.

Và, trong căn phòng thẩm vấn nhỏ bé, bẩn thỉu, Hussein ngồi trên một cái ghế xếp bằng kim loại và không bị ai khống chế cả.

Chỉ có Nixon, một nhà chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể và một người phiên dịch trong phòng.

Tuy nhiên, Nixon cho rằng Hussein, một người ái kỷ (tự yêu bản thân mình quá mức), “thích sự tương tác mà ông ta có được bằng cách nói chuyện với tôi”.

Kết thúc cuộc thẩm vấn đầu tiên, sau khi Nixon cố gắng xây dựng quan hệ với Saddam Hussein với hi vọng rằng ông ta sẽ hợp tác, Saddam nói rằng ông ta thích buổi nói chuyện này.

“Ông ấy đã phải lẩn trốn trong nhiều tháng trời và không mấy khi được trò chuyện.” Nixon nói.

Dù đã có một khởi đầu khả quan như vậy, nhưng sang ngày tiếp theo, Nixon nhận thấy Saddam Hussein “lại trở nên cảnh giác hơn”.

“Ông ta là một trong những người đàn ông đa nghi nhất mà tôi từng gặp – cứ mỗi câu hỏi tôi đưa ra ông ta lại có một câu hỏi khác dành cho tôi”.

Nixon thừa nhận CIA không đưa ra được nhiều lợi ích để thuyết phục Hussein mở miệng.

“Chúng tôi phải thuyết phục ông ấy rằng lời khai của ông mang nhiều ý nghĩa lịch sử và tạo ra một viễn cảnh rằng những quan điểm của ông sẽ được ghi âm lại và gửi đến các cường quốc mạnh nhất trên thế giới”.

Có những vùng thông tin Nixon buộc phải giữ bí mật, nhưng có những thông tin CIA cho ông toàn quyền giữ trên các thiết bị của mình.

“Tôi biết tôi phải cố gắng có được câu trả lời từ ông ta.

“Khi làm việc cho CIA, bạn được dạy cách để moi thông tin và biến chúng thành tài sản khả dụng.

“Nhưng bạn cũng phải rất cẩn trọng nếu không muốn đánh mất cơ hội lấy được thông tin khi lái vào chủ đề sai cách.”

Thông tin quan trọng nhất ở đây chính là về vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMDs)

Mỹ và Anh đã dùng những cáo buộc về việc phát triển vụ khí hủy diệt hàng loạt của Iraq làm lý do chính để phát động chiến tranh.

Nixon nói “đó là tất cả những gì Nhà Trắng muốn biết”, tuy nhiên, từ cuộc nói chuyện với Saddam Hussein, với các cố vấn của ông ta cũng như từ các nghiên cứu sau đó để khẳng định hay bác bỏ các tuyên bố của ông ta  – Nixon đi đến kết luận rằng vị lãnh đạo quá cố của Iraq đã chấm dứt các chương trình vũ khí hạt nhân từ nhiều năm trước và không hề có ý định khởi động lại.

Đây là quan điểm đã khiến nhiệm vụ của ông cùng các cộng sự bị xem là “thất bại”.

Ông không được mời đến báo cáo với Tổng Thống George W Bush cho đến tận 5 năm sau, vào năm 2008 khi xuất hiện những phát hiện riêng về Saddam Hussein từ FBI.

Nixon phê phán kịch liệt Tổng Thống Bush, ông cho rằng – với tư cách là một trong số ít người có cơ hội tiếp xúc với cả vị Tổng thống Mỹ lẫn Saddam Hussein – ông ấy thà dành thời gian cho Hussein còn hơn.

Theo ông Tổng thống Bush “đã bị tách biệt với thực tại”, khi các vị cố vấn “luôn vây quanh và nói những lời mà tổng thống muốn nghe”.

“Tôi từng nghĩ rằng những gì chúng tôi nói tại CIA là quan trọng và sẽ được tổng thống lắng nghe, nhưng dù chúng tôi có nói gì đi nữa, chính trị vẫn quan trọng hơn tin tức tình báo.”

Nixon nói ông cảm thấy “xấu hổ” về những gì đã diễn ra ở Iraq kể từ khi Saddam Hussein bị lật đổ.

Ông cho rằng chính quyền của Tổng thống Bush đã không nghĩ đến những diễn biến có thể xảy ra sau khi loại bỏ Saddam và với sự trỗi dậy của các tổ chức cực đoan như cái gọi là “Nhà nước Hồi Giáo” (ISIS) – ông vẫn tin rằng tình hình trong khu vực sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu Saddam vẫn còn cầm quyền.

Những ý kiến đó đã bị bác bỏ bởi cựu Thủ tướng Anh – Tony Blair, người lãnh đạo đất nước trong khoảng thời gian thực hiện cuộc xâm lược Iraq.