Nguồn: Karl Marlantes, “Vietnam: The War That Killed Trust”, The New York Times, 07/01/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Một ngày đầu mùa xuân năm 1967, tôi đang tham gia một cuộc tranh luận sôi nổi lúc 2 giờ sáng với các bạn học tại Đại học Yale về Chiến tranh Việt Nam. Tôi đến từ một thị trấn nhỏ ở Oregon, và đã từng tham gia Lực lượng dự bị Thủy quân lục chiến (Marine Corps Reserve). Còn bạn bè tôi chủ yếu đến từ các trường dự bị ở Bờ Đông. Một người trong số họ nói rằng Lyndon B. Johnson đã nói dối về cuộc chiến. Tôi thốt lên: “Nhưng … nhưng một Tổng thống Mỹ sẽ không nói dối người Mỹ!” Và tất cả họ đều bật cười.
Khi tôi kể câu chuyện đó cho các con tôi, chúng cũng cười phá lên. Dĩ nhiên là Tổng thống cũng nói dối. Tất cả các chính trị gia đều nói dối. “Lạy Chúa, Bố đến từ hành tinh nào vậy?”
Trước chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ đều giống như tôi. Sau chiến tranh Việt Nam, hầu hết người Mỹ đều giống như các con tôi.
Mỹ không chỉ thua cuộc, và trả giá bằng mạng sống của 58.000 thanh niên nam nữ. Chiến tranh Việt Nam còn thay đổi chúng ta trên tư cách một quốc gia, theo nhiều cách tồi tệ hơn: Nó khiến chúng ta hoài nghi và mất lòng tin vào các thể chế, đặc biệt là vào chính phủ. Đối với nhiều người, nó đã xóa mờ một suy nghĩ, đã từng gần như phổ quát – rằng một phần của việc làm công dân Mỹ là phục vụ đất nước mình.
Nhưng không phải mọi thứ về Chiến tranh Việt Nam đều tiêu cực. Là một trung úy Thủy quân lục chiến tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến cách mà cuộc chiến đã tập hợp những người đàn ông trẻ tuổi từ nhiều sắc tộc và chủng tộc khác nhau, và buộc họ phải tin tưởng lẫn nhau vì mạng sống của mình. Chính tình huống thử thách chủng tộc này đã đóng một vai trò to lớn, nhưng thường bị đánh giá thấp, trong việc thay đổi nước Mỹ theo hướng tiến tới sự hòa nhập thực sự.
Và ngay cả khi chiến tranh Việt Nam tiếp tục định hình đất nước chúng ta, vị trí của nó trong ý thức quốc gia lại đang dần biến mất. Khoảng 65% dân số Mỹ hiện dưới 45 tuổi và do đó họ không thể nhớ về cuộc chiến. Trong khi đó, chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, sự can dự của chúng ta vào Syria, cuộc chiến của chúng ta với chủ nghĩa khủng bố – những xung đột này đang đẩy chiến tranh Việt Nam lùi xa hơn vào quá khứ.
Đó lại càng là những lý do tất cả chúng ta phải nhớ về Chiến tranh Việt Nam và hậu quả của nó đối với ngày nay. Bài tiểu luận này sẽ mở đầu cho một loạt bài mới của The New York Times, “Vietnam ’67”, nhằm xem xét cách các sự kiện năm 1967 và đầu năm 1968 đã định hình Việt Nam, Mỹ và thế giới. Hy vọng rằng nó sẽ làm mới cuộc trò chuyện về một sự kiện lịch sử vốn đã trôi qua nửa thế kỷ.
Những gì độc giả nhận được từ cuộc trò chuyện đó là một vấn đề khác. Nếu tất cả những gì chúng ta làm là tranh luận tại sao ta lại thua, hoặc tại sao ta lại đặt chân tới đó ngay từ đầu, chúng ta sẽ bỏ qua câu hỏi thực sự quan trọng: Chiến tranh Việt Nam đã có tác động gì lên người Mỹ chúng ta?
CHỦ NGHĨA HOÀI NGHI
Chiến tranh Việt Nam đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận chính trị. Chúng ta đã quen thuộc với việc các nhà lãnh đạo nói dối về cuộc chiến: bịa đặt Sự kiện Vịnh Bắc Bộ, số lượng “các tỉnh được bình định” (mà chính xác thì “bình định” là gì?), và số thương vong (của quân địch) bị thổi phồng.
Người ta nói về “khoảng trống tín nhiệm” (credibility gap) của Johnson. Đây là một cách nói lịch sự rằng Tổng thống đã nói dối. Nhưng ở thời đó, khoảng trống tín nhiệm bị coi là bất thường và xấu xa. Đến cuối cuộc chiến, nó vẫn bị xem là xấu, nhưng đã không còn là bất thường nữa. Ngày nay, khi các chính trị gia nói dối, những người kiểm tra sự thật có thể chỉ ra điều gì là đúng, nhưng sau đó mọi người lại quên nó đi và tiếp tục sống.
Chúng ta đã chuyển từ ngây thơ sang hoài nghi. Người khác có thể lập luận rằng hai điều ấy đối lập, nhưng tôi nghĩ là không. Vì ngây thơ, anh có nguy cơ vỡ mộng, đó là những gì đã xảy ra với tôi và nhiều người trong thế hệ tôi. Nhưng sự hoài nghi thì ngăn cản anh từ trước khi anh bắt đầu. Nó khiến chúng ta xa lánh “chính phủ,” một từ mà ngày nay mang nghĩa là vũng lầy quan liêu. Nó đe dọa nền dân chủ, bởi nó phá huỷ ngay cả ý định mong muốn thay đổi của người dân.
Anh không thể hoàn thành hệ thống đường cao tốc lớn nhất thế giới, xây dựng một số lượng lớn các trường trung học và đại học công lập, thông qua chương trình “Xã hội vĩ đại” (Great Society – chương trình đối nội của Tổng thống L.B. Johnson, xoay quanh việc xóa bỏ đói nghèo và phân biệt chủng tộc – NBT), chiến đấu trong một cuộc chiến lớn, và đặt chân tới mặt trăng – những điều mà chúng ta đã làm được cùng lúc trong thập niên 1960 – nếu anh hoài nghi về chính phủ và các chính trị gia.
Tôi sống gần Seattle, nơi gần như không phải vùng đất của Donald J. Trump. Hầu hết những người bạn của tôi đều nhạo báng một cách đầy hoài nghi khẩu hiệu của Trump, Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại); vốn chỉ ra rằng mọi điều đều sai trong các thời kỳ trước. Thật vậy, nước Mỹ không phải là thiên đường, đặc biệt là cho các nhóm thiểu số. Nhưng vẫn có một vài sự thật. Chúng ta từng “vĩ đại” hơn vào thời đó. Chính Chiến tranh Việt Nam – chứ không phải chủ nghĩa tự do, không phải dân nhập cư, không phải toàn cầu hóa – đã làm chúng ta thay đổi.
CHỦNG TỘC
Tháng 12/1968, tôi ở trong một khu rừng nằm trên ngọn đồi cách khu vực phi quân sự khoảng 1 km. Một chiếc trực thăng đã thả xuống khoảng ba tuần một lần những thư từ ướt đẫm và những gói thức ăn nhàu nát. Trong đống đồ đó có một món dành cho Ray Delgado, một thanh niên 18 tuổi người gốc Tây Ban Nha đến từ Texas. Tôi nhìn Ray xé lớp vỏ bọc bằng giấy nhôm và cười toe toét, tay cầm thứ gì đó đưa lên cho tôi xem.
“Cái gì vậy?” Tôi hỏi.
“Đó là tamales.[1] Từ mẹ tôi.”
“Tamales là gì?”
“Anh muốn thử một miếng không?” Ray hỏi.
“Chắc chắn rồi.” Tôi nhìn nó, quay qua quay lại, rồi nhét luôn vào miệng và bắt đầu nhai. Ray và những người bạn gốc Tây Ban Nha khác của cậu ta ăn ngấu nghiến, còn tôi thì can đảm nhai và thầm nghĩ “Chả trách sao mà răng của người Mexico lại tốt tới vậy.”
“Thiếu úy,” Ray cuối cùng cũng cất tiếng. “Anh phải bóc cái vỏ bắp ra trước.”
Tôi đến từ một thị trấn chuyên khai thác gỗ ở bờ biển Oregon. Tôi từng nghe nói về tamales, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nó. Mãi đến khi gia nhập đại đội Thủy quân lục chiến ở Việt Nam, tôi mới nói chuyện với người Mexico. Đúng, những người như tôi gọi những người như Ray là “người Mexico,” dù họ cũng có “chất Mỹ” nhiều như chất Mỹ trong bánh táo— và tamales. Căng thẳng chủng tộc ở nơi tôi lớn lên là khi người Thụy Điển và người Na Uy tranh cãi với người Phần Lan mỗi tối thứ bảy tại bãi đậu xe ngoài sàn nhảy ở Labor Temple.
Tổng thống Harry Truman từng ra lệnh hòa hợp sắc tộc trong quân đội vào năm 1948. Đến chiến tranh Việt Nam, binh lính thuộc nhiều chủng tộc đã cùng nhau phục vụ trong quân đội. Nhưng việc đặt mọi người vào cùng một đơn vị rất khác so với việc khiến họ phải làm việc cùng nhau như một đơn vị.
Ký ức của đất nước chúng ta về hòa nhập sắc tộc chủ yếu là về những người dũng cảm trong phong trào dân quyền. Hãy tưởng tượng tất cả học sinh trung học ở Birmingham, Alabama – da trắng và da đen – đều được trang bị vũ khí tự động trong một môi trường mà việc dùng những vũ khí này cũng phổ biến như ăn trưa, và tất cả đều bị kích thích bởi testosterone. Đó mới là căng thẳng chủng tộc.
Trong suốt chiến tranh Việt Nam, đã có hơn 200 vụ giết chỉ huy (fragging) xảy ra trong quân đội Hoa Kỳ, các vụ việc được thực hiện bằng lựu đạn phân mảnh nên không thể xác định được kẻ giết người. Hầu như tất cả các vụ giết chỉ huy, ít nhất là khi thủ phạm bị bắt, đều có động cơ liên quan tới chủng tộc.
Tuy nhiên, trải nghiệm phổ biến hơn trong cuộc chiến là sự hợp tác và tôn trọng. Nếu tôi bị bắn hạ bởi đối phương và tôi cần một tay súng M-79, tôi sẽ hét gọi Thompson, bởi vì anh ấy là người giỏi nhất. Tôi thậm chí còn chẳng nghĩ về màu da của anh ấy.
Những người da trắng phải nghe nhạc soul (vốn phổ biến với người da đen) và những người da đen phải nghe nhạc đồng quê (vốn phổ biến với người da trắng). Chúng tôi không sợ nhau. Và trải nghiệm thời chiến đã gắn bó với chúng tôi. Hàng trăm ngàn thanh niên trở về từ Việt Nam với những ý tưởng khác nhau về chủng tộc — một số là tồi tệ hơn, nhưng phần lớn là tốt đẹp hơn. Nạn phân biệt chủng tộc đã không được giải quyết ở Việt Nam, nhưng tôi tin rằng đó là nơi mà đất nước chúng ta cuối cùng đã học được rằng tất cả chúng ta vẫn có thể cùng chung sống.
PHỤC VỤ
Tôi đang ở một buổi đọc sách ở Fayetteville, North Carolina khi một đôi vợ chồng trẻ xuất hiện tại bàn ký tặng. Người chồng đứng thẳng lưng trong bộ quân phục. Còn người vợ thì một tay bế một đứa bé sơ sinh, tay còn lại dắt theo một đứa khác chỉ mới biết đi. Cả hai đều trông như vừa mới tốt nghiệp trung học khoảng hai năm. Người phụ nữ bắt đầu khóc. Tôi hỏi cô ấy có chuyện gì không ổn, và cô nói, “Chồng tôi lại đi nữa, vào ngày mai.” Tôi quay sang người chồng và nói, “Ồ, là chuyến đi phục vụ thứ hai của anh à?”
“Không, thưa ông,” anh ấy đáp. “Là chuyến thứ bảy.”
Lòng tôi nặng trĩu. Liệu đây có phải là một nước cộng hòa?
Chiến tranh Việt Nam bắt đầu khi chế độ quân dịch kết thúc, và Lầu Năm Góc tạo ra cái gọi là “quân đội tình nguyện.” Nhưng tôi không nghĩ thế. Tôi gọi nó là “quân đội tuyển dụng.” Tình nguyện là những người vội vàng tới bưu điện để ghi danh đi lính sau khi Trân Châu Cảng hoặc Trung tâm Thương mại Thế giới bị đánh bom. Còn tuyển dụng thì phức tạp hơn nhiều.
Khi tôi lớn lên, cha hoặc chú của hầu hết các bạn tôi đều đã phục vụ trong Thế chiến II. Tất cả phụ nữ trong thị trấn đều biết rằng tàu khu trục nhỏ hơn tàu tuần dương, và trung đội nhỏ hơn đại đội, bởi vì chồng họ đều từng ở trên tàu khu trục hay ở trong trung đội. Thời ấy, người ta gọi đó là “phục vụ.” Ngày nay, chúng ta gọi đó là “quân đội.”
Sự thay đổi trong ngôn ngữ cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong thái độ của nền cộng hòa đối với lực lượng vũ trang của nó. Chế độ quân dịch là không công bằng. Chỉ có nam giới mới phải tòng quân. Và những người đàn ông có đủ khả năng chi trả học phí đại học sẽ không bị gọi đi nghĩa vụ cho đến giai đoạn cuối, khi cuộc chiến đã gần kết thúc.
Nhưng việc loại bỏ chế độ quân dịch đã không giải quyết bất công.
Giới tinh hoa Mỹ hầu như không phải đi nghĩa vụ quân sự. Khắc trên tường Đại sảnh Woolsey ở Đại học Yale là tên của hàng trăm thành viên của trường đã chết trong Thế chiến I và II. Ba mươi lăm người đã chết tại Việt Nam, và không có ai kể từ thời đó.
Thay vào đó, tầng lớp lao động Mỹ đang ngày càng hứng chịu gánh nặng chết chóc và thương vong kể từ Thế chiến II. Trong một nghiên cứu đăng trên tờ The University of Memphis Law Review, Douglas Kriner và Francis Shen đã xem xét khoảng cách giữa thương vong và thu nhập, so sánh sự khác biệt giữa thu nhập trung bình của các hộ gia đình (theo giá trị đồng USD năm 2000) trong các cộng đồng có số thương vong cao nhất (25%) với các cộng đồng còn lại. Bắt đầu từ khoảng cách thương vong – thu nhập gần bằng nhau trong Thế chiến II, khoảng cách này đã tăng lên 5.000 USD trong chiến tranh Triều Tiên, 8.000 USD trong chiến tranh Việt Nam, và bây giờ là hơn 11.000 USD trong chiến tranh Iraq và Afghanistan. Nói cách khác, ba nhóm có thu nhập thấp nhất đã phải hứng chịu thương vong nhiều hơn 50% so với ba nhóm có thu nhập cao nhất.
Nếu những bất bình đẳng này tiếp tục gia tăng, nỗi oán giận sẽ tăng lên cùng với nó. Nếu oán hận ngày càng gia tăng, sự chia rẽ giữa quân đội và dân thường vốn đã rộng sẽ càng rộng hơn. Đây là cách mà các nền cộng hòa sụp đổ, khi quân đội và một bộ phận người dân trung thành với người chỉ huy quân đội hơn là với đất nước họ.
Chúng ta cần trở lại với tinh thần của chế độ quân dịch, và cách mà mọi người nhận thức về việc phục vụ cho đất nước của họ. Chế độ quân dịch được hầu hết mọi người xem xét theo cùng một cách chúng ta nhìn nhận về thuế thu nhập. Tôi sẽ không đóng thuế nếu không có mối đe dọa bị ở tù. Nhưng là một công dân có trách nhiệm, tôi cũng thấy rằng đóng thuế là cần thiết để tài trợ cho chính phủ – chính phủ của tôi.
Người ta vẫn sẽ càu nhàu. Chúng ta than phiền về thuế. Mọi người vẫn cố gắng để có được những phần tốt hơn. Nhưng mọi người đều sẽ phục vụ. Họ sẽ làm việc cho “chính phủ” và có thể bắt đầu xem đó là “chính phủ của chúng ta.” Sẽ khó có thể hoài nghi về đất nước nếu anh cống hiến hai năm cuộc đời mình để biến nó thành nơi tốt đẹp hơn.
Hãy để nghĩa vụ quân sự chỉ là một trong nhiều cách để những người trẻ có thể phục vụ đất nước của họ. Với nghĩa vụ quân sự phổ quát, những cậu trai từ Seattle có thể sẽ cùng chia sẻ một chiếc tamale với những cô gái gốc Tây Ban Nha từ El Paso. Phe bảo thủ và phe tự do sẽ học cách làm việc cùng nhau vì một sự nghiệp chung. Chúng ta có thể trở lại tinh thần khi những người đến từ các chủng tộc khác nhau học cách để làm việc cùng nhau trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Chiến tranh Việt Nam sẽ tiếp tục định hình chúng ta, ngay cả khi ta đã quên mất nó làm điều ấy như thế nào. Nhưng vẫn chưa quá trễ để nhớ lại và bắt tay làm điều gì đó.
Karl Marlantes, tác giả cuốn sách “What It is Like To Go to War” và tiểu thuyết “Matterhorn,” từng là một lính Thủy quân lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam.
—————
[1] Tamales là một món ăn của người Mexico, được chế biến từ thịt băm, đem hấp hoặc nướng trong vỏ ngô (ND).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]