Nước Mỹ ‘bất hảo’ của Donald Trump

Nguồn: Joseph E. Stiglitz, “Trump’s Rogue America,” Project Syndicate, 02/06/2017.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Donald Trump đã ném một quả lựu đạn vào kiến trúc kinh tế toàn cầu vốn được xây dựng rất cẩn thận trong những năm sau khi Thế chiến II kết thúc. Nỗ lực phá huỷ hệ thống quản lý toàn cầu dựa trên luật lệ này – nay thể hiện trong việc Trump đưa Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 – chỉ là khía cạnh mới nhất trong cuộc tấn công của vị tổng thống Mỹ lên hệ thống các giá trị và các thể chế căn bản của chúng ta.

Thế giới đang dần dần chấp nhận sự bất hảo trong chương trình nghị sự của chính quyền Trump. Ông và các thân hữu đã tấn công nền báo chí Mỹ – một thể chế quan trọng để bảo vệ tự do, các quyền, và nền dân chủ của người Mỹ – gọi đó là “kẻ thù của nhân dân.” Họ đã cố gắng phá hoại nền tảng tri thức và niềm tin của chúng ta – nhận thức luận của chúng ta – bằng cách dán cái nhãn “giả mạo” lên bất cứ thứ gì thách thức những mục tiêu và lập luận của họ, thậm chí phủ nhận cả khoa học. Những lời bào chữa cho có của Trump về việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris chỉ là bằng chứng gần đây nhất cho điều này.

Mức sống của con người đã trì trệ trong cả thiên niên kỷ cho tới giữa thế kỷ 18. Chính thời kỳ Khai sáng, với việc theo đuổi diễn ngôn duy lý và nghiên cứu khoa học, đã làm nền tảng cho những sự gia tăng khổng lồ về mức sống trong hai thế kỷ rưỡi sau đó.

Đi cùng với thời kỳ Khai sáng là sự quyết tâm phát hiện ra và giải quyết những định kiến của chúng ta. Khi ý tưởng về sự công bằng của con người – và các quyền cá nhân cơ bản, tất yếu đi kèm với ý tưởng đó – nhanh chóng lan rộng, các xã hội bắt đầu đấu tranh để loại bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới, và cuối cùng là các khía cạnh khác của căn tính con người, trong đó có tình trạng khuyết tật và thiên hướng tình dục.

Trump đã tìm cách đảo ngược tất cả điều đó. Việc ông chối bỏ khoa học, đặc biệt là khoa học trong lĩnh vực khí hậu, đang đe dọa đến tiến bộ công nghệ. Và thái độ mù quáng của ông đối với phụ nữ, người gốc Tây Ban Nha, và người Hồi giáo (trừ những người mà ông và gia đình ông có thể hưởng lợi, như những người cai trị các vương quốc dầu mỏ vùng Vịnh), đang đe dọa đến hoạt động của xã hội và nền kinh tế Mỹ, bằng cách làm suy yếu niềm tin của người dân rằng hệ thống của nước Mỹ là công bằng đối với tất cả.

Là một người theo chủ nghĩa dân túy, Trump đã khai thác sự bất mãn chính đáng về kinh tế vốn trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây, khi địa vị xã hội của nhiều người Mỹ suy giảm trong lúc bất bình đẳng tăng cao. Nhưng mục tiêu thực sự của Trump – làm giàu cho chính mình và cho những kẻ tìm kiếm đặc lợi giàu có khác với phần thiệt thòi được đẩy sang cho những người ủng hộ ông – đã bị phơi bày qua những kế hoạch của ông về thuế và dịch vụ y tế.

Những cải cách thuế mà Trump đề xuất, theo thông tin hiện có, đã vượt qua các cải cách của George W. Bush xét về mức độ lũy thoái (phần lợi ích chảy vào túi của những người đứng đầu phổ phân phối thu nhập). Và ở một đất nước mà tuổi thọ người dân đang giảm, việc xem xét lại chính sách y tế của ông sẽ khiến thêm 23 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế.

Dù có thể biết cách thực hiện các giao dịch kinh doanh, Trump và nội các của ông lại không hề biết tổng thể hệ thống kinh tế hoạt động như thế nào. Nếu được thực hiện, các chính sách kinh tế vĩ mô của chính quyền Trump sẽ dẫn đến thâm hụt thương mại lớn hơn và suy thoái hơn nữa trong ngành chế tạo.

Mỹ sẽ chịu thiệt hại vì Trump. Vai trò lãnh đạo toàn cầu của đất nước đã bị phá hủy, trước cả khi Trump đánh mất lòng tin với hơn 190 quốc gia bằng cách rút khỏi Hiệp định Paris. Lúc này, việc xây dựng lại vai trò lãnh đạo đó sẽ đòi hỏi một nỗ lực thực sự anh hùng. Chúng ta chia sẻ một hành tinh chung, và thế giới đã học được rằng chúng ta phải thân thiện và làm việc cùng nhau. Chúng ta cũng học được rằng hợp tác có thể có lợi cho tất cả.

Vậy thế giới nên làm gì với một kẻ bắt nạt mang tính khí trẻ con, muốn mọi thứ cho riêng mình mà không chịu nghe lý lẽ? Làm sao thế giới quản lý được một nước Mỹ “bất hảo”?

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đưa ra một câu trả lời đúng đắn khi sau cuộc gặp với Trump và các nhà lãnh đạo G7 khác hồi tháng trước, bà nói rằng châu Âu không còn có thể “hoàn toàn tin tưởng vào các nước khác” và sẽ phải “chiến đấu vì tương lai của chính mình.” Đây là lúc để Âu tập hợp lại, tái cam kết với các giá trị Khai sáng, và đương đầu với nước Mỹ, như tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm một cách hùng hồn bằng một cái bắt tay đã chặn đứng kiểu khẳng định quyền lực đầu đàn trẻ con của Trump.

Châu Âu không thể dựa vào một nước Mỹ do Trump dẫn đầu về quốc phòng. Nhưng đồng thời họ cũng nên nhận ra rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc – dù nhóm lợi ích công nghiệp-quân sự của Mỹ có sẵn lòng thừa nhận điều đó hay không. Dù chống khủng bố là quan trọng và tốn kém, việc xây dựng tàu sân bay và siêu máy bay chiến đấu không phải là câu trả lời. Châu Âu cần tự quyết định xem mình nên chi tiêu bao nhiêu, thay vì tuân theo mệnh lệnh của các nhóm lợi ích quân sự vốn đòi hỏi phải chi 2% GDP cho quốc phòng. Sự ổn định chính trị có thể đạt được một cách chắc chắn hơn thông qua việc châu Âu tái cam kết với mô hình kinh tế dân chủ xã hội của mình.

Hiện nay chúng ta cũng biết rằng thế giới không thể dựa vào Mỹ trong việc giải quyết mối đe doạ sống còn mà biến đổi khí hậu đặt ra. Châu Âu và Trung Quốc đã làm điều đúng đắn khi tăng cường cam kết của mình đối với một tương lai xanh – đúng đắn cho hành tinh, và đúng đắn cho nền kinh tế. Cũng giống như việc đầu tư vào công nghệ và giáo dục đã cho nước Đức một lợi thế rõ rệt hơn trong ngành chế tạo tiên tiến so với một nước Mỹ bị ý thức hệ của Đảng Cộng hòa trói chân, châu Âu và châu Á sẽ đạt được một lợi thế gần như không thể vượt qua so với Mỹ trong các ngành công nghệ xanh của tương lai.

Nhưng các nước còn lại trên thế giới không thể để một nước Mỹ bất hảo phá hủy hành tinh. Họ cũng không thể để một nước Mỹ bất hảo lợi dụng mình bằng những chính sách “nước Mỹ trên hết” phi khai sáng – đúng ra là phản Khai sáng. Nếu Trump muốn rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris thì các nước còn lại nên áp đặt một loại thuế điều chỉnh carbon đối với hàng xuất khẩu không tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu của Hoa Kỳ.

Tin tốt là đa số người Mỹ không ủng hộ Trump. Hầu hết người Mỹ vẫn tin tưởng vào các giá trị Khai sáng, chấp nhận sự thực về tình trạng ấm lên toàn cầu, và sẵn sàng hành động. Nhưng với Trump, chúng ta cần biết rằng tranh luận duy lý sẽ không hiệu quả. Đã đến lúc hành động.

Joseph E. Stiglitz, chủ nhân giải Nobel Kinh tế năm 2001 và huân chương John Bates Clark năm 1979, là giáo sư tại Đại học Columbia, đồng chủ tịch Nhóm Chuyên gia Cấp cao về Đánh giá Tình hình Kinh tế và Tiến bộ Xã hội của OECD và là kinh tế trưởng của Viện Roosevelt. Ông là cựu phó chủ tịch cấp cao và kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới và chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Năm 2000, ông thành lập Sáng kiến Đối thoại Chính sách, một viện nghiên cứu chính sách về phát triển quốc tế có trụ sở tại Đại học Columbia. Cuốn sách gần đây nhất của ông là The Euro: How a Common Currency Threatens the Future of Europe.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Trump’s Rogue America
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]