Liệu Emmanuel Macron có thành công?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Dani Rodrik, “Can Macron Pull it Off?”, Project Syndicate, 09/05/2017.

Biên dịch: Nguyễn Hữu Quý An | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Chiến thắng của Emmanuel Macron trước Marine Le Pen cũng là chiến thắng tốt lành cần thiết của những người ủng hộ một xã hội mở, tự do và dân chủ trước những người bài ngoại theo chủ nghĩa bản địa. Nhưng cuộc chiến chống lại chủ nghĩa dân tuý hữu khuynh vẫn còn khá xa xôi mới đến đích chiến thắng.

Le Pen dành được hơn 1/3 số phiếu ở vòng bầu cử thứ hai, mặc dù chỉ có một đảng ngoài đảng Mặt trận Dân tộc của chính bà là đảng Debout la France – một đảng nhỏ của Nicolas Dupont Aignan – ủng hộ bà. Tỉ lệ tham gia bầu cử giảm rõ rệt so với kỳ bầu cử trước, cho thấy một lượng lớn các cử tri chán chường trước tình hình. Nếu Macron thất bại trong nhiệm kỳ 5 năm tới của mình, Le Pen và những người theo chủ nghĩa dân tuý bản địa sẽ trở lại mạnh mẽ hơn để báo thù ở châu Âu và nhiều nơi khác.

Trong quá trình tranh cử, Macron hưởng lợi từ trào lưu chống bộ máy chính trị truyền thống bởi thực tế ông đứng ngoài những đảng phái chính trị truyền thống. Nhưng khi đã trở thành Tổng thống, điều đó lại trở thành một bất lợi. Đảng Nền Cộng hòa Tiến bước của ông chỉ mới 1 tuổi. Ông sẽ phải xây dựng từ con số không một đa số lập pháp sau cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra tháng tới.

Những ý tưởng về kinh tế của Macron khó có thể định nghĩa được một cách đơn giản. Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông thường bị cho là thiếu cụ thể. Đối với nhiều người cánh tả và cực hữu, ông là một người theo chủ nghĩa tân tự do, không có nhiều khác biệt so với các chính sách thắt lưng buộc bụng của các đảng phái truyền thống vốn đã mang lại thất bại cho châu Âu và dẫn đến tình trạng bế tắc chính trị hiện tại. Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty, người từng ủng hộ ứng viên xã hội Benoît Hamon, đã mô tả Macron là người đại diện cho “Châu Âu của ngày hôm qua.”

Rất nhiều trong số những kế hoạch kinh tế của Macron thực sự có bóng dáng của chủ nghĩa tân tự do. Ông đã hứa hẹn sẽ hạ thuế doanh nghiệp từ 33,5% xuống còn 25%, giảm 120.000 việc làm trong lĩnh vực hành chính công, giữ thâm hụt ngân sách nhà nước dưới mức 3% mà Liên minh châu Âu quy định, và gia tăng sự linh động của thị trường lao động (một cách nói bóng bẩy của việc cho phép các công ty có thể dễ dàng đuổi việc người lao động hơn). Nhưng ông cũng hứa hẹn giữ lại các phúc lợi lương hưu, và mô hình phúc lợi xã hội ông đang hướng tới là hệ thống linh hoạt kiểu Bắc Âu – một sự kết hợp giữa sự ổn định kinh tế ở mức cao với các cơ chế khuyến khích dựa trên thị trường.

Đối với chướng ngại lớn nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của Macron – tạo công ăn việc làm –  không bước nào trong số này sẽ tạo ra thay đổi lớn, ít nhất là trong ngắn hạn. Như Martin Sandbu ghi nhận, việc làm là vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc bầu cử này và nên là ưu tiên số một của nội các mới. Kể từ cuộc khủng hoảng của khu vực đồng tiền chung euro, tỉ lệ thất nghiệp của Pháp đã luôn giữ ở mức cao 10%, và gần 25% đối với dân dố dưới 25 tuổi. Rõ ràng là không có bằng chứng nào cho thấy tự do hoá thị trường lao động sẽ làm tăng tỉ lệ có việc làm, trừ khi nền kinh tế Pháp nhận được một cú hích đáng kể về tổng cầu.

Đây là điểm mà các yếu tố khác trong kế hoạch kinh tế của Macron cần được cân nhắc đến. Ông đã đưa ra một kế hoạch kích thích tăng trưởng trong 5 năm trị giá 50 tỉ euro (khoảng 54,4 tỉ USD), bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh, bên cạnh việc mở rộng đào tạo cho đối tượng thất nghiệp. Tuy nhiên, do kế hoạch này trị giá chỉ nhỉnh hơn 2% tổng GDP hàng năm của nước Pháp, bản thân chỉ kế hoạch kích thích này có thể không đủ để gia tăng tỉ lệ việc làm.

Một ý tưởng tham vọng hơn của Macron là tiến gần hơn tới một liên minh tài khoá ở khu vực eurozone, với một Bộ Tài chính và một Bộ trưởng Tài chính chung. Điều này, theo ông, sẽ tạo ra sự luân chuyển ngân sách thường xuyên từ các quốc gia mạnh hơn đến các quốc gia bị thiệt thòi bởi những chính sách tiền tệ chung của khối. Ngân sách của eurozone sẽ được đảm bảo bởi đóng góp từ khoản thu thuế của các quốc gia thành viên. Một Nghị viện châu Âu độc lập sẽ đóng vai trò giám sát chính trị và đảm bảo trách nhiệm giải trình. Việc thống nhất ngân sách sẽ khiến các nước như Pháp có thể tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và tạo thêm việc làm mà không vi phạm quy định về mức trần thâm hụt ngân sách.

Một sự thống nhất tài khóa trên nền tảng hội nhập chính trị sâu hơn có vẻ hợp lý. Ít nhất nó cho thấy một lộ trình mạch lạc để giúp khối đồng tiền chung thoát ra khỏi tình trạng bế tắc hiện nay. Nhưng đường lối ủng hộ châu Âu mạnh mẽ của Macron không chỉ là vấn đề mang tính chính trị hay nguyên tắc. Chúng tối quan trọng đối với các chính sách kinh tế mà ông vạch ra. Nếu không có sự linh hoạt tài khoá lớn hơn hay sự chuyển giao ngân sách từ phần còn lại của eurozone, Pháp có vẻ như khó thoát khỏi tình trạng trì trệ việc làm trong thời gian sớm. Nhiệm kỳ Tổng thống của Macron thành hay bại vì vậy phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác trong phạm vi rộng hơn của Liên minh châu Âu.

Điều đó đưa chúng ta đến với nước Đức. Phản ứng đầu tiên của Angela Merkel đối với kết quả bầu cử không được tích cực cho lắm. Bà chúc mừng Macron – người mà theo bà “đã mang theo hy vọng của hàng triệu người Pháp”, nhưng cũng tuyên bố rằng bà sẽ không cân nhắc việc thay đổi các quy định ngân sách của khu vực đồng tiền chung. Và nếu cho dù Merkel (hoặc chính phủ tương lai của Martin Schulz) sẵn sàng hơn, cử tri Đức vẫn là một vấn đề cần vượt qua. Coi cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung là một vấn đề thuộc về đạo đức chứ không phải là do sự phụ thuộc lẫn nhau, những người dân Đức dè sẻn và chăm chỉ phản đối những con nợ hoang phí và dối trá. Các chính trị gia nước này vì thế sẽ không dễ thuyết phục cử tri đồng ý tham gia kế hoạch tài khoá chung.

Dự đoán trước những phản ứng từ nước Đức, Macron đã phản pháo: “Bạn không thể nói tôi ủng hộ một châu Âu mạnh và toàn cầu hóa, nhưng lại phản đối một liên minh ngân sách.” Ông tin rằng điều đó sẽ dẫn tới sự tan rã và một nền chính trị phản động: “Nếu không có sự chuyển giao ngân sách (trong một liên minh tài khóa), các quốc gia ngoại vi sẽ không thể hội nhập và sẽ tạo ra sự phân hoá chính trị, dẫn tới chủ nghĩa cực đoan.”

Nước Pháp có thể không thuộc khu vực ngoại vi châu Âu, nhưng thông điệp của Macron dành cho nước Đức đã rõ ràng: Hoặc là các anh giúp tôi và cùng xây dựng một liên minh đúng nghĩa – về kinh tế, tài khoá, và rốt cuộc là chính trị – hoặc là chúng ta sẽ cùng bị tiêu diệt bởi chủ nghĩa cực đoan.

Macron gần như đã đúng. Vì nước Pháp, vì châu Âu và vì phần còn lại của thế giới, chúng ta phải hy vọng rằng tiếp theo sau chiến thắng của ông sẽ là sự thay đổi ý định của người Đức.

Dani Rodrik là giáo sư ngành kinh tế chính trị quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn The Globalization Paradox: Democracy and the Future of the World Economy, và gần đây nhất là cuốn Economics Rules: The Rights and Wrongs of the Dismal Science.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Can Macron Pull it Off?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]