Bi kịch chiến tranh Việt Nam trong những gia đình Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Andrew Wiest, “When the War Came Home”, The New York Times , 23/05/2017.

Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nếu bạn đến Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, hãy đến bảng 20, dòng số 3. Nó ở gần vị trí gần cao nhất, nên có thể bạn sẽ phải nghển cổ một chút. Ở đó bạn sẽ thấy cái tên Donald M. Peterson. Pete, như các đồng đội vẫn gọi anh, là người Mỹ duy nhất hi sinh trong một trận chiến nhỏ diễn ra ở đồng bằng Mekong ngày 15 tháng 5 năm 1967 – một trận chiến được kể lại trong một bài viết của series này tuần trước.

Báo chí và truyền hình chưa bao giờ nhắc đến trận đánh này. Peterson chỉ là một trong 58.315 cái tên trên bức tường tưởng niệm. Nhưng cái tên đó có ý nghĩa to lớn đối với một gia đình nhỏ ở California.

Jacque McMullen là một cô bé có cha dượng là quân nhân, theo cha dượng từ căn cứ này đến căn cứ khác trước khi ổn định ở Santa Maria, California.  Bị thu hút ngay bởi một trong những chàng trai đầu tiên cô gặp, Jacque mời chàng trai ấy – Don Peterson – một điệu nhảy kiểu Sadie Hawkins, và hai người nhanh chóng yêu nhau. Nhiều thứ đã xảy ra trước khi kết thúc trung học như bóng đá, lướt sóng, và sau đó là những dự định cho một tương lai trưởng thành của cả hai người. Cặp đôi làm lễ cưới vào mùa xuân năm 1966, lúc đó Don 19 và Jacque 17 tuổi.

Họ tìm thấy một căn hộ nhỏ và chỉ mới bắt đầu cuộc sống mới khi Jacque phát hiện ra mình mang thai đúng vào ngày Don nhận được giấy báo nhập ngũ. Tháng 5 năm 1966 Don huấn luyện tại Fort Riley, Kansas, ở đó anh và Jacque sống chung với hai cặp đôi lính trẻ khác.

Don dùng kỳ nghỉ phép cuối cùng để đưa Jacque về nhà bố mẹ cô ở Alabama. Jacque sinh bé James bằng phương pháp sinh mổ ngay sau khi về nhà vào cuối tháng 12. Don chỉ được bế con một lần trước khi ra chiến trường. Không nghe theo lời bác sĩ, Jacque đi với Don tới ga tàu, ôm chồng tạm biệt và nói: “Đừng cố làm anh hùng, anh hãy cúi đầu thấp xuống. Mẹ con em cần anh.” Khi tàu vừa đi khuất, Jacque vùi đầu vào vai cha dượng và khóc.

Ngày 15 tháng 5 năm 1967, đơn vị của Don bị rơi vào bẫy mai phục của Việt Cộng. Các đồng đội của Don bị bắn tơi tả. Họ sẽ chết trừ phi ai đó làm điều gì đó. Don hét lớn “Các anh chạy nhanh, tôi sẽ bọc lót”. Sau đó Don đợi một lúc trước khi nhảy lên và bắn hết cỡ khẩu súng tự động M16 để cho đồng đội một cơ hội chạy thoát. Vài giây sau Don bị bắn vào ngực và tử trận. Ở California, Jacque Peterson đang nằm ôm bé Jimmy trong giường, vừa kỉ niệm Ngày của Mẹ đầu tiên trong đời.

Vài ngày sau, Jacque đang uống bia A&W ở nhà một người bạn thì có tiếng gõ cửa. Một người hàng xóm nói Jacque nên về nhà ngay, có một nhóm sĩ quan quân đội ở nhà cô. Khi về đến nhà, Jacque thấy 3 người mặc quân phục gọn gàng ngồi ở ghế sofa. Một người bước lên và nói: “Cô Peterson, tôi rất tiếc phải báo với cô rằng chồng cô đã hi sinh trong lúc làm nhiệm vụ ở Việt Nam.” Jacque chắc chắn rằng tin đó sai. Đó là một Peterson khác. Chồng cô, Don, vẫn còn sống. Chắc chắn đó là một nhầm lẫn.

Hai tuần sau ngày 15 tháng 5, Jacque được gọi tới nhà xác để nhận diện xác Don. Cô đưa bé Jimmy cho một người bạn và vào trong, run lên bần bật. Người phụ trách nhà xác bảo rằng cô cứ thong thả. Jacque tiến tới mở nắp quan tài, và đó là Don. Cô không thể khóc, cô chỉ ngồi đó nói chuyện với Don về mọi thứ – về con trai, về ngôi nhà, về tương lai của họ. Bốn tiếng sau một người bạn vào. Jacque phải đi, Jimmy cần cô. Jacque khó khăn lắm mới rời được khỏi Don, quay lại nói “Em sẽ quay lại ngay”.

Ba ngày sau, Don Peterson được chôn cất theo nghi thức danh dự quân đội ở Arroyo Grande, California. Sau khi nhận lá cờ gấp vào cuối lễ tang, Jacque ngồi một mình trong căn hộ nhiều giờ ôm Jimmy. Cô chỉ mới 19 tuổi và là một goá phụ chiến tranh, với đứa con trai 5 tháng tuổi. Rồi cô sẽ làm gì tiếp theo?

Trong niềm hi vọng điên cuồng tìm kiếm một tương lai cho mình và con trai, Jacque gặp và kết hôn với David Bomann, người đã hứa sẽ yêu Jimmy như con trai mình. Hai người quyết định rằng David nên nhận nuôi Jimmy và rằng để có một tương lai tốt đẹp, những ký ức về Don Peterson nên được xếp qua một bên. Gia đình Bomann ngày càng phát đạt, chuyển đến một trang trại nhỏ trồng nho.

Jimmy yêu bố nhưng khi vào trung học anh bắt đầu nghi ngờ. Anh trông không giống hai em gái lắm, và anh có cảm giác bố không đối xử với mình như với hai em. Cuối cùng Jimmy hỏi thẳng mẹ, Jacque đưa Jimmy lên gác xép và kể cho Jimmy về cha đẻ của cậu, Don Peterson. Ngày hôm đó thay đổi mọi thứ. Jacque nhận ra rằng cô đã cố gắng tìm người thay thế Don Peterson trong cuộc đời mình, cố gắng lấp đầy vết thương hở trong lòng mình. Nhưng đó là vết thương không lành. Hôn nhân sụp đổ, và Jimmy ra đi tìm kiếm quá khứ bị chối bỏ.

Jacque và David li hôn sau đó, và Jacque tiếp tục sống như một bà mẹ đơn thân. Cô làm hai việc một lúc, theo học trường y tá và nuôi ba đứa con một mình. Là một người mẹ và một y tá, Jacque Bomann cuối cùng cũng tìm thấy chính mình, nhưng cuộc sống vẫn không trọn vẹn. Về phần Jimmy, anh dường như nổi loạn, và cứ gặp hết rắc rối này đến rắc rối khác. Anh biết đến nhà Peterson và sau đó thậm chí còn tham dự các cuộc gặp mặt với đồng đội của bố mình để nghe chuyện về bố từ những người biết rõ bố nhất. Jimmy hiện tại đã có gia đình, và có sự nghiệp thành công trong ngành âm nhạc, nhưng anh không thể không cảm thấy bị lừa dối khi anh không có cơ hội thực sự gặp bố mình.

Hiện tại Jacque Bomann đã nghỉ hưu, là một bà nội hăng hái. Bà đã có một cuộc đời hạnh phúc, như bà nói, nhưng thỉnh thoảng bà suy nghĩ về những gì đã có thể xảy ra. Bà tự hỏi làm sao một cuộc chiến xa xôi như vậy lại có thể ảnh hưởng đến cuộc đời mình đến thế.

“Don là bạn thân nhất của tôi” – Jacque nói về Don. “Chúng tôi có nhiều kế hoạch tốt đẹp. Anh ấy là người đàn ông của gia đình và đang làm chồng, làm cha rất tốt. Đến lúc này tôi thấy cay đắng phải sống cuộc đời này một mình không có Don. Thật không công bằng. Trong sâu thẳm trái tim mình tôi rất buồn vì tôi chỉ có một mình. Khi nói về Don, tôi dường như ngồi ở một góc trong trái tim mình, nơi mọi cảm xúc của tôi đều ở đó. Ký ức về Don làm tôi hạnh phúc”.

Đứng ở Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, cố gắng hiểu ý nghĩa của nó trong khi nhìn vào danh sách những cái tên dài gần như vô tận, và đi dọc theo những hàng chữ được sắp xếp cẩn thận, có thể rất nặng nề. Tuy vậy mỗi cái tên đại diện cho ký ức về một con người luôn khát khao sống và yêu. Đằng sau mỗi cái tên được khắc là những trái tim tan vỡ của những ông bố bà mẹ mở cửa một buổi sáng chỉ để nhận tin báo tử của con trai mình.

Trong tổng số lính Mỹ chết trong cuộc chiến, 17.215 người đã kết hôn. Mỗi cái tên đại diện cho một bà goá phụ ở lại đối mặt với một tương lai không có chồng và những đứa trẻ không bao giờ có cơ hội được biết đến cha. Những người bố của họ không phải là người lắng nghe tâm sự, huấn luyện viên bóng chày hoặc bờ vai để dựa vào khi có chuyện buồn. Bố của họ, như Don Peterson, giờ chỉ là những cái tên trên bia đá.

Andrew Wiest là giáo sư lịch sử tại trường đại học Southern Mississippi và là tác giả của “The Boys of ’67: Charlie Company’s War in Vietnam.”

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài Vietnam 1967

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]