Kinh tế học có thể học được gì từ các ngành nhân văn?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Gary Saul Morson & Morton Schapiro, “Economics With a Humanities Face,” Project Syndicate, 28/07/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Minh Châu | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Trong một cuộc khảo sát năm 2006, giáo sư các trường đại học ở Mỹ được hỏi rằng sở hữu kiến thức trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu thì tốt hơn hay là nên sở hữu kiến thức chỉ trong một lĩnh vực. Trong số các giáo sư tâm lý học tham gia khảo sát, có 79% tỏ ra hứng thú với việc nghiên cứu liên ngành, giống như 73% các nhà xã hội học và 68% các sử gia. Những người ít nhiệt tình nhất? Các nhà kinh tế học: chỉ 42% người được khảo sát cho biết họ đồng ý với nhu cầu hiểu thế giới thông qua một ống kính đa ngành. Như một nhà quan sát đã nói một cách thẳng thừng: “Các nhà kinh tế nghĩ rằng họ không có gì để học hỏi từ bất cứ ai khác.”

Trên thực tế, các nhà kinh tế học sẽ được hưởng lợi rất lớn nếu họ mở rộng trọng tâm của mình. Nghiên cứu với đối tượng con người, kinh tế học có nhiều điều để học hỏi từ các ngành nhân văn. Điều đó không chỉ khiến các mô hình kinh tế học có thể thực tế hơn và dự đoán của nó có thể chính xác hơn, mà các chính sách kinh tế còn có thể hiệu quả hơn và công bằng hơn.

Dù là xem xét cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các nền văn hoá đa dạng, các câu hỏi đạo đức phát sinh khi các trường đại học theo đuổi tư lợi và các sinh viên của mình phải trả giá thay, hay là các vấn đề cá nhân sâu sắc liên quan đến chăm sóc sức khoẻ, hôn nhân, và gia đình, những hiểu biết kinh tế là cần thiết nhưng chưa đủ. Nếu những hiểu biết kinh tế này là tất cả những gì chúng ta xem xét thì các chính sách sẽ lúng túng và người dân phải chịu khổ.

Với niềm đam mê dành cho những lý giải dựa trên toán học, các nhà kinh tế học gặp nhiều khó khăn trong ít nhất ba lĩnh vực: diễn giải văn hóa, sử dụng diễn giải tự sự (narrative explanation), và giải quyết các vấn đề đạo đức vốn không thể chỉ xếp vào ngành kinh tế học đơn thuần.

Con người không phải là những sinh vật được tạo ra trước rồi mới được đưa vào một nền văn hóa nào đó như Achilles được nhúng xuống dòng sông Styx. Ngay từ đầu con người đã là những sinh vật văn hoá. Nhưng bởi vì văn hoá không thể được diễn đạt bằng các thuật ngữ toán học nên các nhà kinh tế học thường chấp nhận ý tưởng về một nhân tính tiền văn hóa.

Để hiểu con người như những sinh vật văn hóa, ta phải kể chuyện về họ. Cuộc sống con người không diễn ra theo một cách có thể dự đoán như cách sao Hỏa xoay quanh mặt trời. Các lựa chọn ngẫu nhiên, riêng biệt, và không thể lường trước đóng một vai trò hết sức quan trọng. Cuộc sống thể hiện cái gọi là “tính tự sự” (narrativeness), hàm ý nhu cầu diễn giải theo các câu chuyện. Và sự hiểu biết tốt nhất về điều này có thể thấy trong tiểu thuyết, cái có thể được xem là không chỉ là một hình thức văn chương, mà còn là một cách thức riêng để hiểu thế giới xã hội. Tuy các sự kiện mà tiểu thuyết miêu tả là hư cấu, nhưng hình dạng, trình tự, sự phân nhánh các sự kiện ấy lại thường là câu chuyện chính xác nhất mà chúng ta có về cách cuộc sống diễn ra.

Cuối cùng, kinh tế học tất yếu xoay quanh những câu hỏi đạo đức không thể giản lược thành kinh tế học – hay bất cứ ngành khoa học xã hội nào khác. Các nhà kinh tế học thường lén đưa những mối quan tâm đạo đức vào các mô hình của mình với những khái niệm như giá thị trường “hợp lý.” Nhưng có nhiều cách làm cho các vấn đề này trở nên rõ ràng và mở ra tranh luận về chúng.

Không có nguồn hiểu biết nào về đạo đức tốt hơn các cuốn tiểu thuyết của Tolstoy, Dostoevsky, George Eliot, Jane Austen, Henry James, và các nhà văn hiện thực vĩ đại khác. Tác phẩm của họ chắt lọc sự phức tạp trong các câu hỏi đạo đức vốn quá quan trọng để có thể an tâm giao phó cho một lý thuyết bao trùm – các câu hỏi kêu gọi sự cảm thông và sự đánh giá đúng đắn, thứ được phát triển thông qua kinh nghiệm và không thể hình thức hóa. Chắc chắn, một số lý thuyết đạo đức có thể đề cao sự cảm thông, nhưng đọc văn chương và đồng cảm với các nhân vật trong đó vốn đã bao gồm việc thường xuyên đặt mình vào vị trí của người khác. Nếu một người không cảm thấy đồng cảm với Anna Karenina thì người đó chưa thực sự đọc Anna Karenina.

Khi đọc một cuốn tiểu thuyết vĩ đại và đồng cảm với các nhân vật trong đó, bạn dành vô số giờ tương tác với họ – cảm nhận là người khác thì như thế nào từ bên trong họ. Bạn nhìn thế giới từ góc nhìn của một tầng lớp xã hội, giới tính, tôn giáo, văn hóa, khuynh hướng tình dục, hiểu biết đạo đức khác, hoặc những đặc điểm khác vốn định nghĩa và phân biệt trải nghiệm con người. Bằng cách gián tiếp sống cuộc đời của nhân vật, bạn không chỉ cảm nhận cái cô ta cảm nhận mà còn suy nghĩ về những cảm xúc ấy, xem xét những hành động mà chúng kéo theo, và, bằng cách luyện tập, có được sự thông thái để đánh giá con người thực sự với tất cả những sự phức tạp của họ.

Vấn đề không phải là từ bỏ những thành tựu vĩ đại của kinh tế học, mà là tạo ra cái mà chúng tôi gọi là “humanomics” (kinh tế nhân học), cái cho phép mỗi ngành giữ lại những phẩm chất riêng . Thay vì hợp nhất kinh tế học với nhân văn học, “kinh tế nhân học” tạo ra một cuộc đối thoại giữa hai bên.

Một cuộc trò chuyện như vậy sẽ đưa kinh tế học trở lại với những cội rễ lừng lẫy của mình trong tư tưởng của Adam Smith, người mà trong cuốn The Theory of Moral Sentiments đã công khai phủ nhận việc hành vi của con người có thể được mô tả đầy đủ theo “sự lựa chọn duy lý” của con người nhằm tối đa hóa lợi ích cá nhân của họ. Suy cho cùng, con người thường hành xử một cách ngu ngốc. Quan trọng hơn với Smith, sự quan tâm của con người đối với người khác là một “ước vọng nguyên thủy” không thể đơn giản hóa thành những mối quan tâm ích kỷ.

Các tác phẩm của Smith về kinh tế và đạo đức chia sẻ một cảm giác sâu sắc về những giới hạn của lý trí. Nền kinh tế kế hoạch tập trung chắc chắn sẽ thất bại, các mô hình đại số về hành vi cũng thế. Người ta cần một hiểu biết tinh tế về những cái riêng, kiểu tình cảm được kịch tính hóa nhờ Jane Austen và các nhà văn theo sau, nửa thế kỷ sau khi khảo luận đạo đức của Smith ra đời. Là một nhà tâm lý học vĩ đại, Smith biết chúng ta cần cả tiền bạc và tình cảm.

Các phương pháp kinh tế lượng và các mô hình toán học dạy chúng ta nhiều điều, nhưng không phải là tất cả. Đối với cuộc sống con người, với nét đặc trưng là tính ngẫu nhiên và tính tự sự của nó, câu chuyện là một cách tìm hiểu không thể thiếu. Đó là lý do tại sao tính nghiêm ngặt về định lượng, trọng tâm chính sách, và logic của kinh tế học phải được bổ sung bằng sự cảm thông, sự đánh giá, và sự thông thái vốn là tinh hoa định hình nên các ngành nhân văn học. Các nhà kinh tế phải “lên tiếng” với các ngành khác – và để các ngành khác “trả lời” lại.

Gary Saul Morson, giáo sư các ngành nghệ thuật và nhân văn tại Đại học Northwestern, là đồng tác giả cuốn Cents and Sensibility: What Economics Can Learn from the Humanities.

Morton Schapiro, giáo sư kinh tế học và hiệu trưởng trường Đại học Northwestern, là đồng tác giả cuốn Cents and Sensibility: What Economics Can Learn from the Humanities.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Economics With a Humanities Face
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]