28/01/1964: Liên Xô bắn hạ máy bay Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviets shoot down U.S. jet, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1964, Bộ Ngoại giao Mỹ giận dữ cáo buộc Liên Xô đã bắn hạ một máy bay phản lực của Mỹ đi lạc vào không phận Đức. Ba sĩ quan người Mỹ trên chiếc máy bay đã thiệt mạng trong vụ việc. Phía Liên Xô đáp trả bằng những cáo buộc rằng chuyến bay là một “sự khiêu khích thô bạo” và vụ việc này là một lời nhắc nhở xấu xí về căng thẳng Đông-Tây trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Theo quân đội Mỹ, chiếc máy bay phản lực đang thực hiện một chuyến bay huấn luyện qua Tây Đức và phi công đã bị mất phương hướng bởi một cơn bão dữ dội, khiến máy bay bay lệch 100 dặm khỏi đường bay chuẩn.

Hành động tấn công của Liên Xô nhắm vào chiếc máy bay đã gây ra làn sóng phản đối giận dữ từ Bộ Ngoại giao và các thành viên của Quốc hội Mỹ, trong đó có thượng nghị sĩ Hubert H. Humphrey, người lên tiếng cáo buộc Liên Xô đã cố tình bắn hạ máy bay “nhằm giành thế tấn công” trong Chiến tranh Lạnh.

Về phần mình, Liên Xô đã từ chối chấp nhận phản đối của Mỹ và trả lời rằng họ “có lý do để tin rằng đây không phải là lỗi hay sai lầm … Đó là một hành động xâm nhập rõ ràng.” Các quan chức Liên Xô cũng tuyên bố rằng chiếc máy bay đã được lệnh hạ cánh nhưng từ chối tuân theo. Ngay sau vụ việc, các quan chức Mỹ đã được phép đến Đông Đức để thu hồi các thi thể và xác máy bay.

Giống như nhiều vụ việc tương tự thời Chiến tranh Lạnh, bao gồm việc bắt giam các nghi phạm “gián điệp” và chiếm giữ tàu thuyến- sự kiện này dẫn đến những lần lời qua tiếng lại cực kỳ gay gắt giữa Mỹ và Liên Xô, nhưng ngoài ra thì chẳng còn gì khác. Cả hai nước đều đang phải xử lý những vấn đề lớn hơn: Mỹ vướng vào Chiến tranh Việt Nam, còn Liên Xô thì đang chia rẽ sâu sắc với Trung Quốc cộng sản. Tuy nhiên, cái chết của các phi công là một lời nhắc nhở rằng những nghi ngờ, căng thẳng, và luận điệu của Chiến tranh Lạnh hoàn toàn có tiềm năng bùng phát thành những cái chết và sự hủy diệt vô nghĩa.