Lào: Nạn nhân tiếp theo của ‘ngoại giao bẫy nợ’ của TQ?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: David Hutt, “Laos on a fast track to a China debt trap“, Asia Times, 28/03/2018.

Biên dịch: Anh Thư

Lào là một trong 8 quốc gia trên thế giới bị liệt vào “mối quan ngại đặc biệt” vì khủng hoảng nợ. Đây là nhận định được đưa ra trong báo cáo gần đây của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD), một cơ quan nghiên cứu về kinh tế có trụ sở ở Washington. Căn nguyên chính của mối quan ngại là các kế hoạch đầy tham vọng của quốc gia nhỏ bé này cho dự án đường sắt tốc độ cao trị giá 6,7 tỷ USD mà Trung Quốc đang muốn biến thành một phần của sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chi phí cho dự án này chiếm 1/4 giá trị GDP hiện nay của Lào. 1/3 trong số đó sẽ do công ty liên doanh Trung-Lào chi trả, trong đó, chính phủ Lào sẽ đóng góp khoảng 30%, tức khoảng 700 triệu USD. Thế nhưng, khoảng 480 triệu USD trong số đó lại là khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Chỉ có khoảng 220 triệu USD còn lại là từ ngân sách Lào.

Báo cáo của CGD lưu ý: “Các điều khoản tài chính đối với nhiều yếu tố của dự án đường sắt này vẫn là bí mật”. Những điều khoản mập mờ về 6 tỷ USD còn lại đang gây ra mối quan ngại rằng Bắc Kinh có thể đòi hỏi những nhượng quyền sở hữu từ phía Lào trong trường hợp vỡ nợ. Trung Quốc lâu nay đã trói buộc nhiều nhượng quyền sở hữu đất đai trong dài hạn đối với các dự án canh tác nông nghiệp và các dự án thương mại khác nhằm thúc đẩy quá trình di cư nhanh chóng của người lao động và giới chủ Trung Quốc. Tuyến đường tàu cao tốc này, nhằm kết nối Trung Quốc với Lào sau đó đến khu vực Đông Nam Á lục địa thông qua Thái Lan, sẽ mở đường cho sự di cư nhanh chóng hơn của người Trung Quốc đến phía Nam.

Trong khi đó, tình hình tài chính của Lào chẳng khác nào “ngọn lửa trước gió”, với tổng mức nợ ước tính chiếm 67,8% GDP trong năm 2016 và theo CGD có thể tăng lên 70,3% vào cuối năm 2018. Trong khi đó, báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết gần 65% nợ nước ngoài của Lào đến từ các chủ nợ mang tên Trung Quốc. Đầu năm 2017, IMF cảnh báo nợ nước ngoài của Lào vốn ở tình trạng “báo động” đã tăng từ “trung bình lên mức cao”. Bản thân Bắc Kinh cũng biết rõ về khả năng khó trả nợ của Lào khi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc năm 2014 tuyên bố sẽ giảm nợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, ngoại trừ các dự án liên quan lĩnh vực kinh tế chiến lược như khai khoáng và thủy điện.

Cũng trong năm 2014 chứng kiến sự ra đời của ngân hàng liên doanh Lào-Trung. Lúc đó, tin tức đồn thổi về sự ra đời của ngân hàng liên doanh này là do “động cơ” của một số doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động ở Lào nhưng lại “khát vốn” từ các ngân hàng của Trung Quốc. Chính sự khát vốn này cũng đã khiến các nhà đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng Trung Quốc trì hoãn các kế hoạch xây dựng đập thủy điện trên các phụ lưu sông Mekong. Điều này đã làm nẩy sinh các câu hỏi tương tự về khả năng tồn tại và phát triển thương mại cũng như những cơ sở hợp lý cho dự án tàu cao tốc nói trên, nhất là khi Thái Lan ngừng thi công đoạn đường chạy qua lãnh thổ của mình mà ban đầu nhằm kết nối biên giới Lào-Thái. Theo giới phân tích tài chính giám sát dự án này, nếu không có đoạn đường kết nối với Thái Lan và rộng hơn với Đông Nam Á, tính khả dụng về mặt kinh tế của dự án này đặt ra mối nghi ngờ.

Các khoản vay từ Trung Quốc thường được đảm bảo bằng doanh thu từ những dự án đầu tư, đồng nghĩa với việc sẽ phải mất hàng chục năm sau Lào mới có thể thực sự thu được lợi nhuận để “bỏ túi” mình. Điều Viêng Chăn cần làm lúc này là quan ngại về khả năng các đại dự án, nhất là trong lĩnh vực thủy điện, không tạo ra lợi nhuận được kỳ vọng trong tương lai. Bởi trên thực tế, những quan ngại này đang hiện diện ngày một rõ nét. Đơn cử, hồi tháng 2/2018, Thái Lan cho biết đang đánh giá lại khả năng có mua điện sản xuất từ dự án đập thủy điện của Lào nữa hay không. Con đập này do Trung Quốc tài trợ và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019 hoặc 2020. Trước đó, Lào kỳ vọng sẽ bán đến 90% năng lượng điện sản xuất từ con đập này cho Thái Lan.

Trong bối cảnh các đại dự án ở Lào đều thuộc diện “đầu tư kín”, hiện không rõ chính phủ Lào đã “xoay” được chi phí xây dựng cho các đại dự án này hay chưa. Khi các ngân hàng lớn của Trung Quốc chỉ sẵn lòng cấp vốn phần lớn cho các dự án lớn về thủy điện và khai khoáng, Lào không có lựa chọn nào ngoài việc phải hút vốn mới cho các đại dự án này. Và vì vướng vào những khoản nợ hiện tại với Trung Quốc, Viêng Chăn không thể dễ dàng đi ngược lại những kỳ vọng và mong muốn của Bắc Kinh.

Lào đã từng rơi vào cảnh “lấy đất nhà” để trả nợ Trung Quốc. Đó là khi Viêng Chăn không thể trả khoản nợ 80 triệu USD cho Trung Quốc để xây sân vận động trong thời gian Lào là nước chủ nhà tổ chức Thế vận hội Đông Nam Á 2009. Kết quả là Lào đã “trả” cho công ty nhà thầu của Trung Quốc một mảnh đất rộng 300 hecta. Đến cuối năm 2016, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói rằng ông không muốn những thỏa thuận nhượng đất kiểu này lặp lại một lần nữa vì không muốn ảnh hưởng cuộc sống của người dân địa phương. Thế nhưng, vẫn không rõ là chính quyền Viêng Chăn đã đưa ra bất kỳ luật lệ hoặc biện pháp nào để ngăn chặn vấn đề này hay chưa. Trong khi đó, nhiều ý kiến đồn thổi rằng dự án đường cao tốc đề cập ở trên với khoản vay 480 triệu USD từ ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đã được đảm bảo thế chấp bằng 2 mỏ khoáng sản của Lào, ngoài lợi nhuận thu được sau khi dự án đi vào hoạt động.

Nếu dự án đường sắt cao tốc này không đem lại lợi ích kinh tế, người dân Lào sẽ phải gồng mình gánh nợ Trung Quốc. Đó là lý do vì sao một số nhà phân tích cho rằng Lào sắp trở thành một nạn nhân tiếp theo của ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc, một hiện tượng đã xảy ra ở các nước khác vốn bị buộc phải trả nợ Trung Quốc bằng cách gán nợ gây hại chủ quyền. Jean-Christophe Carret, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Lào, khuyến nghị Lào cần “củng cố tài khóa” để tăng khả năng trả nợ. Thế nhưng, dự án đường cao tốc đã được triển khai và dường như không có đường lùi cho “con nợ Lào”.

Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông