13/06/1914: Hoàng đế Wilhelm rời cuộc gặp với Thái tử Franz Ferdinand

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:  Kaiser Wilhelm concludes meeting with Archduke Franz Ferdinand, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1914, Hoàng đế Wilhelm II của Đức rời Konopischt, Bohemia (ngày nay là Cộng hòa Séc), khu săn bắn và nghỉ dưỡng đồng quê của Thái tử Franz Ferdinand của Áo-Hung, sau một chuyến thăm cuối tuần. Mặc dù bề ngoài Wilhelm đến để chiêm ngưỡng những khu vườn xa hoa ở Konopischt, nhưng thực tế ông và Franz Ferdinand muốn thảo luận về những bất an của Áo-Hung về tình trạng cân bằng quyền lực mong manh trong khu vực Balkan hỗn loạn.

Năm 1908, Áo-Hung đã sát nhập Bosnia-Herzegovina, vốn chính thức vẫn là một tỉnh của Đế chế Ottoman, và là nơi sinh sống không chỉ của người Bosnia mà còn cả người Croat và người Serb. Serbia phản ứng giận dữ với việc sát nhập, lập luận rằng nếu Bosnia không nằm dưới sự cai trị của người Thổ thì nó nên được cai trị bởi bởi Serbia.

Sau hai cuộc chiến tranh Balkan thành công — và nhận được sự ủng hộ từ Đế quốc Nga, một cường quốc châu Âu khác bên cạnh Áo-Hung – Serbia đã nổi lên như một quốc gia hùng mạnh và tham vọng hơn bao giờ hết, do đó đã đe dọa đến vị thế của Áo-Hung vốn đang suy tàn.

Bằng chứng lịch sử tồn tại chỉ ra rằng Franz Ferdinand, theo lệnh của Hoàng đế Áo Franz Josef, có ý định tìm kiếm lời hứa từ Wilhelm (tương tự như một cam kết mà vị hoàng đế này đưa ra hồi tháng 11 năm 1912) rằng Đức sẽ ủng hộ Áo vô điều kiện trong trường hợp Áo phải đối đầu với Serbia. Tuy nhiên, Wilhelm lại phản đối việc đưa ra một cam kết như vậy vì ông không đồng ý với mức độ đe dọa mà Serbia gây ra. Cũng tại cuộc họp, hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc quốc gia Balkan nào nên được tranh thủ là đồng minh chính của họ trong khu vực.

Mặc dù chính phủ Áo nghiêng về Bulgaria, đối thủ của Serbia trong cuộc Chiến tranh Balkan lần thứ hai năm 1913, nhưng Franz Ferdinand cùng với người Đức lại muốn chọn Romania bất chấp xung đột của nước này với những người Magyar (nhóm dân chiếm đa số của Hungary) trong thời kỳ cai trị đầy áp bức của người Magyar ở Transylvania, một khu vực thuộc Hungary nhưng lại có người Romania chiếm đa số. Franz Ferdinand căm ghét người Magyar, và phẫn nộ trước sự yếu kém đã buộc Áo phải hợp tác với Hungary trong việc cai trị đế quốc này. Wilhelm nghiêng hơn về hướng đàm phán với thủ tướng Hungary, Istvan Tisza. Tại Konopischt, ông và Franz Ferdinand đã thảo luận về khả năng thuyết phục Tisza ủng hộ việc liên minh với Romania.

Cuộc họp ngày 12-13/06/1914 tại Konopischt, dưới bất kỳ hình thức nào, cũng không phải là một cuộc họp ủng hộ chiến tranh. Cả Wilhelm và Franz Ferdinand – mặc dù lo lắng về tình hình ở vùng Balkan và e sợ sự gây hấn của Serbia và Nga – nhưng cho tới thời điểm đó vẫn là những tiếng nói của sự kiềm chế giữa các đồng sự hiếu chiến hơn trong chính phủ và quân đội của hai quốc gia này. Một số sử gia đã lập luận rằng nếu hai người này tiếp tục hợp tác để theo đuổi mục tiêu chung của họ, cuộc Đại chiến năm 1914 có thể chưa bao giờ xảy ra.

Tuy nhiên, hai tuần sau, vào ngày 28/06, Franz Ferdinand và vợ ông, Sophie, đã bị giết bởi một người Serbia thẻo chủ nghĩa dân tộc trẻ tuổi trong một chuyến thăm ngoại giao tới Bosnia. Vienna, cùng với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đổ lỗi cho Serbia. Hoàng đế Wilhelm đã sững sờ, buồn bã và cảm thấy bị xúc phạm. Chưa đầy một tháng sau, châu Âu lâm vào chiến tranh.