24/06/1948: Liên Xô phong tỏa Tây Berlin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviets blockade West Berlin, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1948, một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử Chiến tranh Lạnh bắt đầu khi Liên Xô chặn tất cả lưu thông đường bộ và đường sắt đến và đi từ Tây Berlin. Lệnh phong tỏa này hóa ra lại là một động thái ngoại giao sai lầm của Liên Xô, trong khi Mỹ nổi lên sau cuộc đối đầu với những mục đích và sự tự tin mới.

Sau Thế chiến II, Đức bị chia thành các khu chiếm đóng. Mỹ, Anh, Liên Xô, và sau có thêm Pháp, lần lượt chiếm đóng các khu vực cụ thể, mà tại đó họ tiếp nhận sự đầu hàng của lực lượng phát xít và khôi phục trật tự. Liên Xô chiếm đóng phần lớn miền đông nước Đức, trong khi các quốc gia Đồng Minh khác chiếm đóng miền tây. Tương tự, thủ đô Berlin của Đức cũng được chia thành bốn khu vực chiếm đóng.

Gần như ngay lập tức, khác biệt giữa Mỹ và Liên Xô đã xuất hiện. Liên Xô tìm kiếm những khoản bồi thường khổng lồ từ Đức dưới nhiều hình thức: tiền bạc, thiết bị công nghiệp, và tài nguyên. Họ cũng nói rõ rằng họ mong muốn một nước Đức trung lập và giải giáp quân đội.

Mỹ lại nhìn mọi thứ theo hướng hoàn toàn khác. Các quan chức Mỹ tin rằng sự phục hồi kinh tế của Tây Âu phụ thuộc vào một nước Đức mạnh mẽ, thống nhất. Họ cũng nhận thấy rằng chỉ có một nước Đức được vũ trang mới có thể đứng lên chống lại sự bành trướng của Liên Xô sang Tây Âu. Tháng 05/1946, người Mỹ đã dừng các chuyến hàng từ khu vực của họ đến Liên Xô. Sang tháng 12, Anh và Mỹ hợp nhất các khu vực của họ; Pháp đã tham gia vài tháng sau đó. Liên Xô đã xem những hành động này là một mối đe dọa và càng cảm thấy mình cần có tiếng nói trong tương lai kinh tế của Đức. Ngày 22/06/1948, đàm phán giữa Liên Xô, Mỹ và Anh thất bại. Ngày 24/06, lực lượng Liên Xô đã chặn mọi tuyến đường bộ và đường sắt vào Tây Berlin.

Các quan chức Mỹ rất tức giận, và một số người trong chính quyền Tổng thống Harry S. Truman cho rằng không còn có thể sử dụng biện pháp ngoại giao với Liên Xô nữa. Suốt nhiều ngày căng thẳng, thế giới đã chờ xem liệu Mỹ và Liên Xô có thực sự đối đầu. Ở Tây Berlin, sự hoảng loạn bao trùm khi người dân lo lắng về tình trạng thiếu lương thực, nước và trợ giúp y tế.

Mỹ phản ứng chỉ hai ngày sau khi Liên Xô bắt đầu phong tỏa. Cuộc không vận đưa hàng viện trợ đến Tây Berlin đã được thực hiện trong chiến dịch mà sau này trở thành một trong những nỗ lực hậu cần lớn nhất trong lịch sử. Đối với Liên Xô, cuộc phong tỏa nhanh chóng trở thành một nỗi xấu hổ ngoại giao. Họ trở nên giống như một kẻ bắt nạt quốc tế cố gắng khiến cho hết thảy đàn ông, đàn bà và trẻ em sắp chết đói phải khuất phục. Và chiến dịch không vận thành công của Mỹ chỉ càng làm nổi bật ưu thế công nghệ của nước này trước Liên Xô. Ngày 12/05/1949, Liên Xô chính thức chấm dứt phong tỏa.