25/06/1910: Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Mann

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Congress passes Mann Act, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1910, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Mann, còn được gọi là Đạo luật mua bán nô lệ da trắng. Bộ luật này bề ngoài là nhằm mục đích ngăn các cô gái vô tội khỏi bị lôi kéo vào nghề mại dâm, nhưng thực tế lại cung cấp một cách để hình sự hóa nhiều loại hình hoạt động tình dục có đồng thuận.

Sự phẫn nộ về “chế độ nô lệ da trắng” bắt đầu với một ủy ban được chỉ định vào năm 1907 để điều tra vấn đề mại dâm của người nhập cư. Người ta cho rằng nhiều phụ nữ được đưa đến Mỹ với mục đích bị ép buộc trở thành nô lệ tình dục; tương tự như vậy, những người đàn ông nhập cư đã bị cáo buộc dụ dỗ các cô gái người Mỹ vào con đường mại dâm.

Các ủy ban Quốc hội tranh luận về Đạo luật Mann đã không tin rằng một cô gái sẽ chọn làm gái mại dâm trừ khi cô ta bị đánh thuốc và bắt làm con tin. Đạo luật đã khiến cho việc “vận chuyển bất kỳ người phụ nữ hay cô gái nào” đi qua biên giới một bang “vì bất kỳ mục đích trái đạo đức nào” trở nên bất hợp pháp. Năm 1917, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên bản án kết tội hai người đàn ông đã kết hôn ở California, tên là Drew Caminetti và Maury Diggs, vì đã tham gia một kỳ nghỉ cuối tuần lãng mạn với các bạn gái của họ ở Reno, Nevada, và đã bị bắt.

Sau phán quyết này, Đạo luật Mann đã được sử dụng trong tất cả các trường hợp: một người sẽ bị buộc tội vi phạm Đạo luật Mann vì đưa một phụ nữ từ bang này sang bang khác để tham gia dàn hợp xướng trong một nhà hát; hay các bà vợ bắt đầu sử dụng Đạo luật Mann để chống lại những cô bồ chạy trốn cùng chồng của họ. Đạo luật này cũng được sử dụng cho mục đích phân biệt chủng tộc: Jack Johnson, nhà vô địch quyền anh hạng nặng thế giới, đã bị truy tố vì đưa gái mại dâm từ Pittsburgh đến Chicago, nhưng động cơ bắt giữ ông là vì sự phẫn nộ của công chúng trước việc ông kết hôn với các phụ nữ da trắng.

Vụ khởi tố nổi tiếng nhất theo quy định của đạo luật này là trường hợp của Charlie Chaplin vào năm 1944 và Chuck Berry vào năm 1959 và 1961. Hai người này đã mang những phụ nữ chưa lập gia đình vượt qua biên giới bang nhằm “các mục đích trái đạo đức”. Berry đã bị kết tội và đã phải ngồi tù hai năm trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp âm nhạc của mình. Sau vụ kết án Berry, Đạo luật Mann hiếm khi được mang ra thực thi, nhưng nó không bao giờ bị bãi bỏ. Đạo luật này đã được sửa đổi vào năm 1978 và một lần nữa vào năm 1986. Đáng chú ý nhất là những sửa đổi năm 1986 đã thay thế cụm từ “bất kỳ mục đích trái đạo đức nào khác” với “bất kỳ hoạt động tình dục nào mà vì nó bất kỳ ai cũng có thể bị buộc tội hình sự.”