Tư duy của Lenin và Cách mạng Tháng Mười Nga

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tariq Ali, “What Was Lenin Thinking?”, The New York Times, 03/04/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vladimir Lenin đã suy nghĩ gì trên chuyến hành trình dài tới Ga Phần Lan tại Petrograd vào năm 1917?

Như bao người khác, Lenin đã vô cùng bất ngờ với tốc độ thành công của Cách mạng Tháng Hai. Khi đi từ Zurich băng qua châu Âu để về Nga, trên một chuyến tàu được niêm phong kín của Hoàng đế Đức, ông hẳn đã nhận ra rằng đây là cơ hội không thể bỏ qua.

Việc các đảng tự do yếu kém chiếm ưu thế trong chính phủ mới là điều đã được lường trước. Điểm khiến Lenin lo lắng là những báo cáo gửi đến ông, trong đó viết rằng chính những người Bolshevik mới đang lung lay về con đường phía trước. Họ, cùng với hầu hết các đảng cánh tả khác, đã tin tưởng vào lý thuyết Marxist chính thống, rằng ở giai đoạn này, Cách mạng Nga chỉ có thể là cách mạng dân chủ – tư sản. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể phát triển ở các nền kinh tế tiên tiến như Đức, Pháp hay thậm chí là Mỹ, chứ không phải ở đất nước của các nông dân như Nga. (Leon Trotsky và các đồng sự trí thức của ông nằm trong số ít những người bất đồng với quan điểm đó).

Bởi con đường cách mạng đã được định sẵn như vậy, tất cả những gì mà các nhà xã hội chủ nghĩa có thể làm là ủng hộ chính phủ lâm thời khi nó trải qua giai đoạn đầu tiên của cuộc cách mạng và dần phát triển thành một xã hội tư bản thực sự. Một khi điều này được hoàn thành, họ sẽ bắt đầu phát động một cuộc cách mạng cấp tiến hơn.

Sự kết hợp giữa chủ nghĩa giáo điều và tính thụ động khiến Lenin nổi giận. Biến động Tháng Hai đã buộc ông phải suy nghĩ lại những giáo điều xưa cũ. Ông giờ đây tin rằng muốn tiến lên phía trước, phải có một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Không còn giải pháp nào khác. Nhà nước Sa hoàng phải bị phá hủy, tận gốc rễ. Cũng vì thế, ông đã nói khi bước ra khỏi con tàu được niêm phong ở Petrograd: Sẽ không có thỏa hiệp nào với một chính phủ tiếp tục duy trì chiến tranh hoặc với những đảng phái ủng hộ một chính phủ như vậy.

Khẩu hiệu Bolshevik qua đó thể hiện tư tưởng chiến thuật của ông là “hòa bình, ruộng đất và bánh mì.” Đối với cuộc cách mạng, ông cho rằng hệ thống tư bản quốc tế sẽ bị phá vỡ tại mắt xích yếu nhất của nó. Giành được sự ủng hộ của giới công nhân và nông dân Nga để tạo ra một nhà nước xã hội chủ nghĩa mới sẽ mở đường cho sự nổi dậy ở Đức và nhiều nơi khác. Nếu không có điều này, ông lập luận, sẽ rất khó để xây dựng được bất kỳ hình thức xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa nào ở Nga.

Lenin trình bày chi tiết cách tiếp cận mới này trong Luận cương Tháng Tư (April Theses) của mình, nhưng đã phải chiến đấu hết sức để thuyết phục được đảng Bolshevik. Bị một số thành viên khác lên án vì đã dám quay lưng lại với học thuyết Marx, Lenin trích dẫn lời Quỷ Mephistopheles trong vở Faust của Goethe: “Tất cả mọi lý thuyết, bạn tôi ơi, đều chỉ là màu xám. Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi.” Một trong số những người sớm ủng hộ Lenin là nhà nữ quyền Alexandra Kollontai. Bà cũng đã từ chối thỏa hiệp bởi bà tin rằng chẳng có thỏa hiệp nào khả thi.

Giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 10 được cho là giai đoạn mở nhất trong lịch sử nước Nga, Lenin đã giành được chiến thắng trong đảng của mình, kết hợp lực lượng với Trotsky và bắt tay chuẩn bị cho một cuộc cách mạng mới. Chính phủ lâm thời của Alexander Kerensky từ chối rút khỏi Thế chiến I. Nhóm Bolshevik trong số các binh sĩ tiền tuyến bắt đầu kích động tấn công sự lưỡng lự của ông. Sau đó, các cuộc nổi loạn và đào ngũ quy mô lớn bùng phát.

Trong các hội đồng của công nhân và binh lính, còn gọi là các Xô-viết (soviet), chiến lược của Lenin bắt đầu trở nên có lý với rất nhiều người. Phe Bolshevik sớm giành được đa số ở Petrograd và Moskva, đồng thời phát triển nhanh chóng ở những nơi khác. Sự hợp nhất giữa ý tưởng chính trị của Lenin và nhận thức ngày càng tăng của giai cấp công nhân đã tạo ra công thức thành công cho Cách mạng Tháng Mười.

Hoàn toàn chẳng phải một âm mưu, cũng chẳng phải một cuộc đảo chính, Cách mạng Tháng Mười có lẽ là cuộc nổi dậy được lên kế hoạch công khai nhất trong lịch sử. Hai trong số các đồng chí lâu năm nhất của Lenin trong ủy ban trung ương đảng vẫn phản đối một cuộc cách mạng ngay lập tức và đã công bố ngày diễn ra sự kiện. Dù chi tiết cuối cùng của nó rõ ràng là không được tiết lộ trước, quá trình tiếp quản đã diễn ra nhanh chóng và có rất ít bạo lực xảy ra.

Tất cả đã thay đổi với cuộc nội chiến tiếp theo đó, khi mà kẻ thù của nhà nước Xô-viết mới thành lập lại được ủng hộ bởi các đồng minh phương Tây của Sa hoàng. Giữa sự hỗn loạn và hàng triệu thương vong, những người Bolshevik cuối cùng đã thắng thế – nhưng với một cái giá khủng khiếp về chính trị và đạo đức, bao gồm cả việc “biến mất” của tầng lớp lao động vốn đã khởi đầu cuộc cách mạng.

Lựa chọn theo sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917 do đó không phải là giữa Lenin và nền dân chủ tự do. Thay vào đó, lựa chọn thực sự đã được định hình bởi cuộc chiến tàn bạo giành quyền lực giữa Hồng Quân và Bạch Vệ, với việc các tướng lĩnh lãnh đạo Bạch Vệ không hề ngần ngại nói rằng nếu họ thắng, cả phe Bolshevik lẫn người Do Thái sẽ bị tiêu diệt. Những đợt thảm sát (pogroms) do Bạch Vệ thực hiện đã khiến nhiều làng mạc của người Do Thái bị xóa sổ. Đa số người Do Thái Nga đã đáp trả, hoặc trở thành thành viên của Hồng Quân, hoặc gia nhập các đơn vị đảng phái riêng của họ. Cũng không nên quên rằng một vài thập niên sau đó, chính Hồng Quân – được tôi luyện trong nội chiến bởi Trotsky, Mikhail Tukhachevsky và Mikhail Frunze (hai người đầu tiên sau này đã bị Stalin thanh trừng) – đã phá vỡ sức mạnh quân sự của Đệ Tam Đế Chế trong các trận chiến sử thi tại Kursk và Stalingrad. Đến lúc đó, Lenin đã qua đời được gần hai mươi năm.

Khi sức khỏe yếu dần sau cơn đột quỵ xảy ra hai năm trước khi ông qua đời, Lenin đã có thời gian để suy ngẫm về những thành tựu của Cách mạng Tháng Mười. Ông không hề hài lòng. Ông đã chứng kiến nhà nước của Sa hoàng chẳng những không bị hủy diệt mà còn đủ sức làm cho chủ nghĩa Bolshevik suy yếu. Chủ nghĩa sô vanh Đại Nga đã lan tràn không bị kiểm soát và cần phải diệt tận gốc. Mức độ văn hóa của đảng Bolshevik cũng tụt dốc thảm hại sau những tổn thất của cuộc nội chiến.

“Bộ máy nhà nước của chúng ta thật đáng xấu hổ, nếu không muốn nói là đáng thương,” ông viết trên tờ Pravda. “Điều nguy hiểm nhất chính là dựa vào giả định rằng ta ít nhất chúng ta cũng biết một điều gì đó.”

“Không,” ông kết luận, “chúng ta yếu kém tới mức lố bịch.” Ông tin rằng cách mạng phải thừa nhận các sai lầm và tự làm mới mình; nếu không, nó sẽ thất bại. Tuy nhiên, bài học này đã không được chú ý sau cái chết của ông. Các tác phẩm của ông phần lớn bị làm ngơ hoặc cố ý làm cho méo mó đi. Không một nhà lãnh đạo Liên Xô nào sau đó có được tầm nhìn như của Lenin.

“Tư duy của ông ta là một công cụ nổi bật,” Winston Churchill đã viết như thế, dù bản thân ông không hề ngưỡng mộ phe Bolshevik. “Khi soi rọi, tư duy đó đã làm sáng tỏ toàn bộ thế giới, lịch sử của nó, nỗi đau buồn của nó, những điều ngu xuẩn của nó, những trò gian lận của nó, và trên tất cả, những sai lầm của nó.”

Trong số những người kế vị ông, cả hai nhà cải cách đáng chú ý – Nikita Khrushchev trong những năm 1950 và 1960, và Mikhail Gorbachev trong thập niên 1980 – đều không có khả năng làm biến đổi đất nước. Sự sụp đổ từ bên trong của Liên Xô gần như chính là do nền văn hóa chính trị suy thoái của nó – và, đôi khi, sự yếu kém tới mức vô lý của giới tinh hoa– cũng như sự trì trệ kinh tế và phụ thuộc vào tài nguyên bắt đầu từ những năm 1970. Bị ám ảnh bởi việc bắt chước những tiến bộ công nghệ của Mỹ, các nhà lãnh đạo đã chuốc lấy rắc rối cho mình. Trong chương cuối cùng nhiều đáng tiếc của cuộc cách mạng, không hiếm các quan chức trong chính phủ trở thành triệu phú và đầu sỏ chính trị – điều mà Trotsky đã dự đoán khi đang lưu vong vào năm 1936.

“Chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế,” Lenin đã từng nhận xét như vậy. Khi chủ nghĩa tư bản “sẩy chân,” các chính trị gia và những đầu sỏ chính trị ủng hộ họ sẽ chứng kiến các cử tri lũ lượt bỏ rơi đảng của họ. Sự chuyển dịch sang cánh hữu trong chính trị phương Tây là một cuộc nổi dậy chống lại các liên minh tân tự do đã cầm quyền kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Tuy nhiên, ngày nay, các chính trị gia không thể đổ lỗi cho chủ nghĩa xã hội như họ đã từng – bởi vì nó không còn tồn tại nữa.

Tại nước Nga theo đường lối dân tộc – bảo thủ của Tổng thống Vladimir V. Putin, năm nay (2017) sẽ không có lễ kỷ niệm nào cho Cách mạng Tháng Hai hay Tháng Mười. “Chúng không có trên lịch của chúng tôi,” ông nói với một nhà báo Ấn Độ mà tôi quen vào năm ngoái.

“Sau cái chết của họ,” Lenin viết về các nhà cách mạng, “người ta nỗ lực biến họ thành những biểu tượng vô hại, để phong thánh cho họ, mà đúng hơn là để vinh danh tên tuổi họ đến một mức độ nhất định, nhằm ‘an ủi,’ hay chủ yếu là lừa gạt, các giai cấp bị áp bức.” Sau khi ông qua đời, bất chấp tiếng khóc than của người góa phụ và các chị em của ông, Lenin đã bị đưa đi ướp xác, bị đem ra trưng bày công khai và xem như một vị thánh Byzantine. Chính ông đã dự đoán số phận của mình.

Tariq Ali là thành viên của ban biên tập của tờ “New Left Review”. Ông cũng là tác giả cuốn “The Dilemmas of Lenin: Terrorism, War, Empire, Love, Revolution.”