03/10/1942: Đức thử nghiệm thành công tên lửa V-2

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germany conducts first successful V-2 rocket test, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1942, đứa con tinh thần của nhà khoa học tên lửa người Đức Wernher von Braun, tên lửa V-2, được phóng thành công từ Peenemunde, một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Baltic của Đức. Nó đã đi được 118 dặm. Loại tên lửa này đã tỏ ra cực kỳ nguy hiểm trong chiến tranh và là tiền thân của các Tên lửa Đạn đạo Liên Lục địa (ICBM) của thời kỳ hậu chiến.

Các nhà khoa học Đức, dẫn đầu bởi von Braun, đã làm việc để phát triển những tên lửa tầm xa này từ những năm 1930. Ba lần phóng thử nghiệm đã thất bại; và lần thứ tư trong chuỗi thử nghiệm, được gọi là A-4, cuối cùng đã chứng kiến V-2, một tên lửa nặng 12 tấn có khả năng mang một đầu đạn một tấn, được phóng thành công.

Tên lửa V-2 là độc nhất theo nhiều cách. Đầu tiên, nó hầu như không thể bị ngăn chặn. Sau khi phóng, tên lửa này bay lên sáu dặm theo chiều thẳng đứng; sau đó nó tiếp tục di chuyển theo một quỹ đạo vòng cung, cắt giảm nhiên liệu sử dụng theo phạm vi mong muốn. Tên lửa sau đó đổi hướng và phóng xuống mục tiêu của nó với tốc độ gần 4.000 mph (1,8km/s). Với lực tấn công như vậy, tên lửa sẽ xuyên vào mặt đất cả mét trước khi nổ tung. Nó có khả năng bay xa 200 dặm, và các bệ phóng có khả năng di động, khiến cho chúng không thể bị phát hiện trước khi được bắn.

Tên lửa đã không được dùng cho mục đích tấn công cho đến ngày 06 tháng 09 năm 1944 khi hai tên lửa được bắn vào Paris. Vào ngày 08 tháng 09, hai quả nữa đã được bắn vào Anh, và tiếp theo là hơn 1,100 quả nữa trong sáu tháng tiếp theo. Hơn 2.700 người Anh đã chết vì các cuộc tấn công tên lửa.

Sau chiến tranh, cả Hoa Kỳ và Liên Xô đều thu giữ các mẫu tên lửa để mô phỏng – họ cũng bắt giữ các nhà khoa học phụ trách việc chế tạo chúng.

Chiến dịch Cái Kẹp Giấy là gì?