05/12/1933: Thời kỳ cấm rượu ở Mỹ chấm dứt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Prohibition ends, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1933, bản Tu chính án 21 của Hiến pháp Hoa Kỳ được phê chuẩn, bãi bỏ Tu chính án 18 và chấm dứt kỷ nguyên cấm rượu toàn quốc ở Mỹ. Vào lúc 05 giờ 32 phút chiều, Utah đã trở thành tiểu bang thứ 36 phê chuẩn bản tu chính án, giúp đạt được tỷ lệ đa số cần thiết ba phần tư các bang phê chuẩn. Pennsylvania và Ohio đã phê chuẩn trước đó cùng ngày.

Phong trào cấm uống rượu bắt đầu vào đầu thế kỷ 19, khi những người Mỹ lo ngại về các tác động bất lợi của việc uống rượu đã bắt đầu hình thành các cộng đồng không uống rượu. Vào cuối thế kỷ 19, các nhóm này đã trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ, thực hiện vận động ở cấp tiểu bang và kêu gọi cấm rượu trên phạm vi toàn quốc. Một số bang đã cấm sản xuất hoặc bán rượu trong phạm vi biên giới của mình.

Vào tháng 12 năm 1917, bản Tu chính án 18, nghiêm cấm “sản xuất, bán hoặc vận chuyển các loại đồ uống có cồn độc hại nhằm mục đích giải khát”, đã được Quốc hội thông qua và gửi đến các tiểu bang để phê chuẩn. Vào ngày 29 tháng 01 năm 1919, Tu chính án 18 đã đạt được đa số ba phần tư cần thiết các tiểu bang phê chuẩn. Lệnh cấm thực tế đã bắt đầu vào tháng Sáu năm đó, nhưng bản tu chính án chưa có hiệu lực chính thức mãi cho đến ngày 29 tháng 01 năm 1920.

Trong thời gian đó, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Volstead vào ngày 28 tháng 10 năm 1919, bất chấp sự phủ quyết của Tổng thống Woodrow Wilson. Đạo luật Volstead quy định việc thi hành Lệnh cấm, bao gồm việc thành lập một Đơn vị thực thi lệnh cấm đặc biệt của Bộ Tài chính. Trong sáu tháng đầu tiên, đơn vị này đã phá hủy hàng ngàn tháp chưng cất bất hợp pháp được điều hành bởi những người buôn rượu lậu. Tuy nhiên, các nhân viên liên bang và cảnh sát chỉ làm chậm dòng chảy của rượu, và các tội phạm có tổ chức dần phát triển mạnh ở Mỹ. Những kẻ buôn lậu rượu quy mô lớn như Al Capone tại Chicago đã xây dựng các đế chế tội phạm nhằm phân phối rượu bất hợp pháp, còn chính phủ liên bang và tiểu bang thì mất hàng tỷ tiền thuế. Ở hầu hết các khu vực đô thị, việc tiêu thụ rượu bởi các cá nhân nhìn chung được khoan thứ và những người uống rượu tập trung tại các “speakeasy”, thuật ngữ được dùng để chỉ các quán rượu vào thời kỳ cấm rượu.

Lệnh cấm thất bại hoàn toàn và tiêu tốn hàng tỷ đô la, vậy nên nhanh chóng mất đi sự ủng hộ rộng rãi vào đầu những năm 1930. Năm 1933, bản Tu chính án 21 đã được thông qua và phê chuẩn, chấm dứt lệnh cấm rượu trên toàn quốc. Sau khi bãi bỏ bản Tu chính án 18, một số tiểu bang tiếp tục Lệnh cấm bằng cách duy trì lệnh cấm uống rượu trên toàn tiểu bang. Mississippi, tiểu bang cấm rượu cuối cùng trong Liên bang, đã kết thúc Lệnh cấm vào năm 1966.