Đừng để ‘triều cống’ đánh lừa: Quan hệ Trung Hoa và Đông Nam Á thời Tống

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Vũ Đức Liêm

Bài viết này đặt lại vấn đề tiếp cận quan hệ “triều cống” như mô thức trung tâm trong các nghiên cứu quan hệ giữa Đông Nam Á với Trung Hoa. Thông qua việc khảo sát tương tác giữa các vương quốc Đông Nam Á với nhà Tống (thế kỷ X-XIII), bài viết lập luận rằng có sự dịch chuyển liên tục trong cấu trúc tương tác giữa Trung Hoa với Đông Nam Á mà khái niệm “triều cống” tỏ ra cứng nhắc và không phản ánh hết được những thay đổi của mô hình tương tác này, bao gồm việc di cư và sự bùng nổ của thương mại tư nhân. Điều này có thể gợi ý về sự cần thiết phải đặt triều cống trong khung cảnh của các mối tương tác hơn là đặt các mối tương tác trong khung cảnh triều cống. Với cách thức đó, bài viết này thách thức góc nhìn truyền thống về vai trò và quyền lực của ‘triều cống’ trong lịch sử bang giao Đông Á.

Triều cống: ‘mô hình tưởng tượng’ trong trật tự thế giới Trung Hoa

Triều cống là cách tiếp cận truyền thống đối với mô thức quan hệ phức hợp giữa Trung Hoa với các chính thể bên ngoài trên nhiều khía cạnh: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quân sự. Mô hình này được coi là trụ cột trong “Trật tự thế giới của Trung Hoa” thời tiền hiện đại và dẫn dắt các nghiên cứu về chính sách đối ngoại của nó với tất cả các quốc gia lân bang.1 Theo đó, tất cả các chính thể hay thần dân ngoại quốc (có địa vị thấp kém hơn) muốn thiết lập và duy trì quan hệ với Trung Hoa (trung tâm văn minh), phải thừa nhận và phục tùng hoàng đế thiên triều, tuân theo các nguyên tắc do Trung Hoa đặt ra, bao gồm nghi lễ bang giao, cách thức tiến cống, tới trao đổi thương mại.

Tuy nhiên, khái niệm này được hiểu theo những chiều hướng hoàn toàn khác nhau giữa Trung Hoa (người thiết lập hệ thống) và các quốc gia láng giềng (người can dự vào hệ thống). Sự khác biệt đó là rất lớn nếu chúng ta xem xét cách thức khái niệm này được sử dụng ở Bắc Kinh và phần còn lại của các chính thể ngoại vi ‘văn minh’ như Thăng Long, Ayuatthaya, Malacca, hay Angkor. Vì vậy, bản thân việc xem xét các mối quan hệ song phương từ một ý niệm đơn phương và có phần tưởng tượng đặt ra vấn đề về tính thực chất của mối quan hệ này.Vì đó là một thế giới được ‘xác lập’ bởi một bên, ‘áp đặt’ bởi một bên, phải chăng có phải tất cả các sử gia chúng ta đang bị ‘đánh lừa’ để nhìn qua lăng kính của người khác hay không?

Lấy Việt Nam làm ví dụ. Sử gia Hàn Quốc Yu Insun nhấn mạnh tính chất “huyền thoại, hư cấu” của triều cống hơn là các quan hệ thực chất. Ông thông báo rằng không hề có một từ “triều cống” nào trong các bộ biên niên sử của người Việt trong nhiều thế kỷ. Nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn sử dụng “bang giao” để mô tả về hành động phái sứ đoàn của mình.2 Với họ, đó là ‘đi sứ’ chứ không phải ‘triều cống’. Những người bên ngoài có vẻ như đã tiếp nhận “triều cống” và “tái tạo” lại nội hàm của nó trong các biên niên sử của họ và coi nó là một phương tiện để “chung sống” với kẻ mạnh và “thu lợi” từ chính các quy tắc của kẻ mạnh, hơn là ý niệm nghiêm túc về một sự lệ thuộc hay thần phục.

Thương mại tư nhân và các làn sóng di dân đầu tiên

Khi đặt “triều cống” ở trung tâm của các tương tác, sử gia có xu hướng ‘đặt ra ngoài lề’ và đánh giá thấp các “quan hệ phi quan phương”. Đến đây, bài viết gợi ý về hạn chế của việc sử dụng “khung cảnh triều cống” trong nhận thức về quan hệ giữa Trung Hoa với Đông Nam Á thông qua khảo sát một giai đoạn cụ thể của tương tác này, thế kỷ X-XIII. Các vấn đề được khảo sát bao gồm sự mở rộng của quan hệ thương mại tư nhân, việc di cư của người Hán và sự rạn nứt của bản thân cấu trúc “triều cống”. Tất cả những nhân tố này sẽ không thể hiểu được nếu như chỉ được phản ánh thông qua khung cảnh của hoàng cung và các sứ đoàn.

Các biên niên sử thế kỷ XII-XIV cho chúng ta thông tin quý giá về sự bùng nổ thương mại tư nhân ở miền Nam Trung Hoa thông qua tổ chức phức tạp của hệ thống thương mại ven biển (hai trong số các tác giả đương thời là quan chức tại các cảng này: Chu Khứ Phi và Triệu Nhữ Quát) và dòng di cư quy mô lớn đầu tiên của người Hoa. Nghiên cứu lịch sử kinh tế cũng gợi ý về sự bùng nổ của thương mại hàng hải tư nhân, đặc biệt là nhà Nam Tống khi Quảng Châu trở thành hải cảng quan trọng nhất và trung tâm đóng thuyền của đế quốc.3

Tống sử cho biết các thương nhân Trung Hoa đã giao thiệp với các sứ đoàn và thương nhân Đông Nam Á ít nhất là từ thế kỷ thứ X. Ghi chép năm 992 đề cập một thương nhân Phúc Kiến đã hướng dẫn cho sứ đoàn đến từ Java vì ông này thường xuyên đến buôn bán ở hòn đảo này và có mối quan hệ với thủ lĩnh của vương quốc. Một thương nhân khác vào năm 1116 dẫn đầu 5 thuyền mành giao chiến với cư dân địa phương ở vùng biển Champa, sau đó quay về với ngà voi, trầm hương và một sứ đoàn triều cống của Champa. Các thương nhân Phúc Kiến cũng “tình cờ” trôi dạt vào bờ biển Champa (1173), chứng kiến cuộc chiến giữa người Champa và Khmer. Bằng việc thuyết phục nhà vua Champa từ bỏ voi và sử dụng kỵ binh với cung nỏ, họ đã được giao cho một món tiền đồng lớn để mua ngựa và các vật phẩm chiến tranh cần thiết. Sau đó, ngựa từ Trung Hoa được gửi tới và người Cham giành thắng lợi ở cuộc chiến tranh trong năm tiếp theo.4 Sự phát triển của kỹ thuật hàng hải ở giai đoạn này là đặc biệt quan trọng giúp đưa thương nhân và di dân người Hán tới Đông Nam Á, trong đó có sự xuất hiện của bánh lái, la bàn và thuyền mành. Con tàu đắm trên biển Java (thế kỷ XIII) được cho là đang trong cuộc hành trình từ Trung Hoa tới Java mang theo 200 tấn sắt được đúc thành những chiếc bình hay luyện thành thỏi. Trên tàu cũng có 100.000 mảnh sứ và khoảng 12.000 đồ sứ nguyên vẹn, chủ yếu là bát và đĩa từ các lò ở miền Nam Trung Hoa.5


Biểu đồ số lượng các sứ đoàn từ Đông Nam Á và ‘phía nam’ đến nhà Tống, 960-1279. Nguồn: Thống kê của GS. Momoki Shiro (1998). Về các tên gọi và thông tin về vương quốc này, xem Chư phiên chí 諸蕃志 (của Triệu Nhữ Quát 趙汝適) và Vũ Đức Liêm (2010).7

Sự xuất hiện của thuyền buôn các dòng di dân Hán ở Đông Nam Á là nhân tố mới. Chúng cho thấy “triều cống” không còn là kênh duy nhất nối Trung Hoa với các chư hầu phía nam và làm đa dạng hóa tương tác này bao gồm cả ở góc độ sứ đoàn và ngoài sứ đoàn. Quan trọng hơn, quá trình tương tác dân cư mở đường cho các mô hình giao lưu mới, từ cướp biển, quân sự lưu vong, vong thần cho đến trí thức, những người sẽ đóng vai sứ giả kết nối hai “thế giới” Trung Hoa và Đông Nam Á, cũng như can dự vào các xã hội bản địa trong khu vực.

Các sứ đoàn ‘giả mạo’, các thương nhân thực thụ

Có sự dịch chuyển tương tự từ Đông Nam Á tới Trung Hoa thông qua sự di chuyển đáng ngạc nhiên của các trung tâm quyền lực vùng hướng ra biển và gia tăng của các đoàn “triều cống”. Hai xu thế này là nhân tố góp phần làm thay đổi cấu trúc của hoạt động triều cống theo hướng thương mại hóa. Sự bùng phát của dòng chảy giao thương và di dân dọc theo biển Đông có thể được coi là thử thách đầu tiên đối với khuôn khổ chật hẹp của tương tác “nhà nước/ triều đình”. Thu nhập từ thuế đánh vào thương mại biển của nhà Tống là một chỉ số cho thấy sự bùng nổ của hoạt động trao đổi tư nhân đến từ Đông Nam Á. Con số này tăng từ 530.000 quan tiền vào giữa thế kỷ XI lên 2.000.000 quan vào giữa thế kỷ XII.6

Ngoại trừ Đại Việt với những liên hệ lãnh thổ trực tiếp và tương tác quân sự phức tạp, đáng ngạc nhiên là các đầu mối hàng hải của khu vực như Arab, Champa, Srivijaya, Tambralinga hay Butuan là những “chư hầu” đều đặn của Trung Hoa. Lập luận này có thể làm sáng tỏ logic rõ ràng về các quyền lợi thương mại ẩn đàng sau ngôn từ về sự “thần phục”. Bản thân Đại Việt cũng được mô tả như một quốc gia có nhiều lợi ích gắn liền với các tuyến giao thương biển mà các sứ đoàn này là một sự đảm bảo. Việc dời đô ra vùng châu thổ rộng ở thế kỷ XI không đơn thuần là cam kết của người Việt với thế giới nông nghiệp. Nhà Lý-Trần đã mở rộng tương tác của mình ra thế giới hàng hải. John Guy mô tả gốm sứ thời Lý Trần như là một “căn cước văn hóa” cho sự hiện diện của Đại Việt trên biển Đông.8 John K. Whitmore đề cập đến sự hưng thịnh của miền duyên hải Bắc Bộ và Li Tana gợi ý nếu nhìn từ biển vào đất liền, toàn bộ miền duyên hải miền Trung và miền Bắc Việt là một phần liên hợp của Giao Chỉ dương và là trung tâm của khu vực được người Hán mô tả là Thông lộ Tây Dương.9

Không chỉ ở Đại Việt, trỗi dậy của miền duyên hải còn là xu thế ở Đông Nam Á.10 Champa thời Vijaya ở các thế kỷ XI-XIII trở thành đối thủ thường trực của Đại Việt với các cuộc viễn chinh cướp bóc đều đặn hằng năm. Sự tranh chấp về thương mại và nguồn hàng trong tương tác với thị trường Trung Hoa có thể là nguyên nhân của sự gia tăng này. Các tư liệu cho thấy rõ Champa gia tăng hoạt động hàng hải và việc mở rộng các hạm đội để chinh phục phía Bắc (Đại Việt) và phía Nam (Angkor).11

Xu thế này phản ánh nhu cầu kết nối với dòng thương mại hàng hải đi qua biển Đông, kết nối Đông Nam Á với Nam Trung Hoa. Như một hệ quả, vấn đề an ninh và thủy quân trở thành một mối đe dọa mới. Đại Việt đã bị đặt trong một sức ép mới dọc theo các miền duyên hải khi cả Champa và nhà Tống đều tăng cường hải quân. Từ 1130 đến 1237, lực lượng hàng hải chính thức của nhà Tống được xây dựng và phát triển từ 11 hạm thuyền với 3,000 người lên 24 hạm thuyền với 52,000 người.12 Vì thế, dễ hiểu khi nhà Lí tăng cường hoạt động quân sự nhằm kiểm soát Vân Đồn và khu vực biển Đông Bắc, nơi Trần Hưng Đạo “cử” một trong số các con trai của mình ra trấn trị. Và các vua Trần đã chọn Yên Tử làm nơi tu luyện, nơi họ có thể dễ dàng nắm bắt được những biến động diễn ra xung quanh vùng duyên hải chiến lược của vịnh Bắc Bộ này.

Sự thay đổi chính sách của các vương triều Trung Hoa đối với “triều cống” và quản lí ngoại thương góp thêm bằng chứng cho thấy thương mại tư nhân ngày càng lấn át tính chất “thiêng liêng” của “triều cống”. Một ví dụ điển hình là việc hạn chế triều cống với một trong các chư hầu quan trọng nhất ở Đông Nam Á, Srivijaya. Vương quốc được coi là “phiên thuộc” giành được vị trí quan trọng trong quan hệ với Trung Hoa. Điều này một phần là do họ kiểm soát eo Malacca và có những trung tâm Phật giáo lớn nơi các nhà sư Trung Hoa thường xuyên qua lại. Srivijaya là người độc quyền nhiều mặt hàng từ khu vực hải đảo cung cấp cho Trung Hoa. Quan hệ này đã từng tốt đẹp đến mức hai sứ thần Srivijaya được phái đến triều đình năm 1003 thông báo vương quốc đã xây dựng một ngôi đền Phật giáo để chúc thọ Hoàng đế, thỉnh cầu hoàng đế đặt tên và ban cho chuông đồng. Vua Tống sau đó ban tên cho chùa là Trường thiên vạn thọ và đúc chuông trao cho sứ giả.13 Tuy nhiên, năm 1178, Maharaja (Đại Vương) của Jambi, Trailokaraja Maulibhusana Varmdeva nhận được yêu cầu của hoàng đế Hiếu Tông rằng từ nay, sứ thần Srivijaya không được phép tới Hàng Châu, kinh đô của Nam Tống.14 Phản ứng này có thể được lí giải hoàn toàn dựa trên góc độ kinh tế. Sức ép từ phía Bắc làm nhà Tống mất đất, mất dân và nguồn thu. Một triều đình như vậy chắc chắn không thể dư giả để ban phát rộng rãi như trước. Trong khi đó, thương mại tư nhân làm cho các hàng hóa phương Nam, dù là hương liệu, gia vị cũng có thể dễ dàng mua được ở Quảng Châu, Phúc Kiến. Triều cống đã trở nên tốn kém cho ‘thiên triều’.

Trong khi đó, quy mô của thương mại tư nhân làm tăng dòng chảy kim loại, tiền đồng ra bên ngoài mà bản thân người Hán đang cần cho chiến tranh và lưu thông kinh tế. Các con tàu đắm mang theo hàng trăm tấn kim loại và gốm sứ đã được đề cập ở trên. Các luật lệ hà khắc vì thế được ban ra đối với buôn bán tiền đồng. Năm 1041, luật pháp quy định đem 2,000 quan tiền đồng ra khỏi Trung Hoa sẽ bị xử đi đày, 3,000 quan bị tử hình. Sau đó, mức phạt tử hình được áp dụng cho 1,000 quan.15 Một lượng tiền đồng phong phú được phát hiện tại miền đông Java và hơn 90% trong số này là tiền nhà Tống.16

Cuối cùng, quy mô và cấu trúc của hệ thống trao đổi mới ở biển Đông cho thấy mạng lưới “triều cống” giữa Đông Nam Á và nhà Tống đã bị xáo trộn sâu sắc, thậm chí vượt ra khỏi sự kiểm soát của “người xác lập hệ thống” và gây ra biến động trong trật tự của “người tham gia vào hệ thống”. Sự suy sụp của Srivijaya là một biểu hiện rõ ràng cho thấy “sự rạn nứt của khung cảnh triều cống” đã tác động như thế nào đến cấu trúc của lịch sử và cách thức vận hành quyền  lực ở Đông Nam Á. Vương quốc này bắt đầu chuyển sang những hình thái cướp bóc khi quan hệ với Trung Hoa “lạnh nhạt”, thương mại tư nhân lan tràn, và các cảng “chư hầu” của Srivijaya có thể dễ dàng trao đổi với Hoa thương.

Thương mại tư nhân làm thay đổi sâu sắc cấu trúc truyền thống của thương mại triều cống vốn được thiết lập hàng nghìn năm giữa Trung Hoa với Đông Nam Á. Người Hoa đã tự tin rằng họ có thể chỉ cần nắm giữ quan hệ với một “đế quốc” khu vực là có thể “kiểm soát” được tình hình chính trị và có được các hàng hóa thiết yếu cho hoàng gia. Tuy vậy, khi dòng người Hán đổ xuống phía Nam và một sự chuyển dịch tương tự của thương nhân đến miền Nam Trung Hoa, “triều cống” đã không còn là kênh trung tâm của mạng lưới tương tác mới. Điều này dẫn đến yêu cầu mở rộng cách hiểu của chúng ta về những thay đổi liên tục của tương tác trên biển Đông mà “triều cống” dường như đưa lại những khung cảnh chật hẹp và bất biến. Triều cống sẽ không mất đi. Vai trò của sự công nhận ngoại giao vẫn là cơ sở của thương mại, tuy nhiên rõ ràng là bá quyền của kênh tương tác này đã bị thách thức nghiêm trọng bởi sự đa dạng hóa phương thức trao đổi giữa Trung Hoa và Đông Nam Á.

Chính vì thế, đừng để bị ‘triều cống’ đánh lừa. Hãy tìm kiếm những cách hiểu mới và đa dạng về bang giao Đông Á và tìm cách định vị một Trung Hoa khác: Trung Hoa ở bên ngoài các bức tường hoàng cung và thương mại độc quyền nhà nước, một Trung Hoa không phải được nhìn từ các cửa sổ của Tử Cấm Thành.

———-

Chú thích:

* John K. Fairbank (ed.,). The Chinese World Order; Traditional China’s Foreign Relations (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1968), Rossabi, Morris, China Among Equals: The Middle Kingdom and Its Neighbors, 10th-14th Centuries (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1983).

1 John K. Fairbank (ed.,). The Chinese World Order; Traditional China’s Foreign Relations (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1968), Rossabi, Morris, China Among Equals: The Middle Kingdom and Its Neighbors, 10th-14th Centuries (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1983).

2Yu Insun, “Vietnam-China Relations in the 19th Century: Myth and Reality of the Tributary System,” Journal of Northeast Asian History, Vol.6, No. 1 (June 1999): 81-117 (Bản tiếng dịch tiếng Việt, Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thế  kỷ XIX: Thể chế triều cống, thực và hư (Tiếp theo và hết), Nghiên Cứu Lịch sử, 10 (2009), tr. 8.

3 James K. Chin, Bridging east Ocean and West Ocean: Hokkien Merchants in Maritime Asia Prior to 1683, with a special Reference to the Ports of East Asia, in Workshop of “Northeast Asia in Maritime Perspective: A Dialogue with Southeast Asia, (Okinawa, 2004), tr. 123.

4 James K. Chin, Bridging east Ocean, tr. 123-24.

5 Wade, Geoff. “An Early Age of Commerce in Southeast Asia, 900-1300 CE.” JSAS, Vol. 40, no. 2, 2009: 239-240.

6 Paul Wheatley, Geographical Notes on Some Commodities Involved in Sung Maritime Trade.” JMBRAS, vol.32, no. 2 (186), 1959: 196.

7 Triệu Nhữ Quát趙汝適. Chư phiên chí 諸蕃志, https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&res=520299 (truy cập 15/12/2018). Về các vương quốc hải đảo Đông Nam Á, xem Vũ Đức Liêm. Quan hệ thương mại giữa Srivijaya và các vương quốc trên đảo Java với Đông Nam Á lục địa (Thế kỷ VII-XIII). Luận văn thạc sĩ, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2010.

8 John S. Guy, Vietnamese Ceramics and Cultural Identity: Evidence from the Ly and Tran Dynasties, in David G. Marr & A. C. Milner, eds., Southeast Asia in the 9th to 14th Centuries, (Singapore: Research School of Pacific Studies, Australian National University and ISEAS, 1986), tr. 255-269.

9 John Whitmore, The Rise of the Coast: Trade, State and Culture in Early Dai Viet, JSAS, 37. 1(2006), tr. 103-122.

10 Whitmore, The Rise of the Coast, tr. 109.

11 Kenneth R. Hall, Eleventh-Century Commercial Developments in Angkor and Champa, JSAS, Vol. 10. 2 (Sep., 1979), tr. 420-434. Geoff Wade, The “Account of Champa” in the Song Huiyao Jigao, in The Cham of Vietnam: History, Society and Art, eds., Tran Ky Phuong and Bruce Lockhart (Singapore: NUS Press, 2011), tr. 138-167.

12 C. Simkin, The Traditional Trade in Asia, (London: Orford University Press, 1968), tr. 99.

13 Paul Michel Monoz, Early Kingdoms of the Indonesian Archipelago and the Malay Peninsula (Didier Millet, 2006), tr. 152.

14 Monoz, Early Kingdoms, tr. 168-69.

15 H. R. Williamson, Wang An Shih: A Chinese Statesman and educationist of the Sung Dynasty, Vol. 1 and 2 (London: Arthur Probsthain, 1935), tr. 246-47.

15 Derek, Export Commodity, tr. 186, Jan Wisseman Christie, Money and Its Uses in the Javanese States of the Ninth to Fifteenth Centuries A.D., JESHO, Vol. 39, No. 3 (1996), tr. 267-68.

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng