Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương yếu ớt của Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Brahma Chellaney, “America’s Feeble Indo-Pacific Strategy”, Project Syndicate, 12/11/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Với việc trung tâm địa chính trị toàn cầu đang dịch chuyển về phía châu Á, một trật tự Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đa nguyên, dựa trên các luật lệ là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là đối với vị thế toàn cầu của Mỹ. Vì vậy, tin tốt là khi hai năm trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu đưa ra tầm nhìn về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do, đặc trưng bởi dòng chảy thương mại không bị cản trở, tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp, chủ quyền quốc gia và biên giới hiện có. Tuy nhiên, không những chưa thực thi được tầm nhìn này, Hoa Kỳ còn cho phép chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở châu Á tiếp diễn mà hầu như không bị cản trở. Thất bại này sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn.

Cũng như với chính sách xoay trục của cựu Tổng thống Barack Obama, khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do của chính quyền Trump chưa được chuyển thành một cách tiếp cận chính sách rõ ràng với các chiến lược thực sự. Ngược lại, Mỹ vẫn tiếp tục đứng yên trong khi Trung Quốc đã phá vỡ các quy tắc và luật lệ để mở rộng quyền kiểm soát các lãnh thổ chiến lược, đặc biệt là Biển Đông, nơi họ xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Trung Quốc đã vẽ lại bản đồ địa chính trị tại hành lang thương mại hàng hải quan trọng này mà không phải chịu bất kỳ phí tổn quốc tế nào.

Chắc chắn là Hoa Kỳ thường xuyên bày tỏ quan ngại về các hoạt động của Trung Quốc, bao gồm cả sự can thiệp liên tục vào các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Cụ thể hơn, Hoa Kỳ đã tăng cường các chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông và cùng ba nền dân chủ lớn nhất của khu vực – Úc, Ấn Độ và Nhật Bản – tổ chức các cuộc “tham vấn bốn bên” về việc đạt được một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do và bao trùm. Mặc dù Bộ Tứ không có ý định thành lập một nhóm quân sự, nhưng nó cung cấp một nền tảng đầy hứa hẹn cho sự hợp tác và phối hợp hàng hải chiến lược, đặc biệt là khi giờ đây các cuộc tham vấn đã được nâng lên cấp bộ trưởng ngoại giao.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng Bộ Tứ sẽ thực hiện hứa hẹn đó. Trong khi nhóm này mới chỉ xác định những mục tiêu mơ hồ – chẳng hạn theo lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, rằng sẽ đảm bảo “Trung Quốc chỉ giữ một vị trí thích hợp với mình trên thế giới”, nhóm lại đưa ra rất ít dấu hiệu về cách để thức hiện kế hoạch đó.

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung của Mỹ cũng có cùng một vấn đề. Chính quyền Trump muốn xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật lệ và do các nền dân chủ dẫn dắt, nhưng dường như không biết làm cách nào. Và thay vì cố gắng tìm ra giải pháp, Mỹ đã đặt các vấn đề chiến lược lại phía sau – ví dụ như hạ cấp sự tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á gần đây tại Bangkok – và tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi cách tiếp cận này đã không làm được gì để ngăn chặn chủ nghĩa xét lại lãnh thổ của Trung Quốc, chứ đừng nói đến các chính sách gây tổn hại khác của Trung Quốc, bao gồm các hành vi vi phạm nhân quyền khủng khiếp đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Chính phủ Trung Quốc đã giam giữ hơn một triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ, trong các trại cải tạo – trường hợp giam giữ hàng loạt lớn nhất vì lý do tôn giáo kể từ Thế chiến II.

Mặc dù một ủy ban lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã khuyến nghị các biện pháp trừng phạt đối với các trại cải tạo này vào năm ngoái, chính quyền Trump mới chỉ áp đặt hạn chế xuất khẩu và thị thực đối với các thực thể và quan chức liên quan. Trung Quốc bày tỏ sự phẫn nộ trước quyết định này, nhấn mạnh rằng các hành động của họ ở Tân Cương nhằm mục đích “xóa sổ nơi sinh sôi của chủ nghĩa cực đoan và khủng bố Hồi giáo”; nhưng Trung Quốc sẽ khó có thể bị ngăn cản bởi các biện pháp tương đối hạn chế của Hoa Kỳ.

Chính quyền Trump cũng đã thể hiện sự thận trọng trong việc thực thi Đạo luật Du lịch Đài Loan và Đạo luật Tiếp cận Có đi có lại với Tây Tạng của Hoa Kỳ, cả hai đều được ban hành vào năm ngoái. Một đạo luật lưỡng đảng nhằm hỗ trợ người dân Hồng Kông, những người đang phản đối các vi phạm của Trung Quốc đối với quyền lợi của họ ngày một trắng trợn trong khuôn khổ “một đất nước hai chế độ” trong nhiều tháng qua, có khả năng cũng sẽ phải đối mặt với số phận tương tự.

Trung Quốc tuyên bố sẽ trả đũa nếu Mỹ ban hành các luật mới, trong đó có luật yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ xác nhận mỗi năm liệu Hồng Kông có “đủ tự trị” để được cấp quy chế thương mại đặc biệt của Hoa Kỳ hay không. Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng bất cứ ai cố gắng chia rẽ Trung Quốc sẽ gặp phải kết cục “thịt nát xương tan”, và “bất kỳ lực lượng bên ngoài nào ủng hộ những nỗ lực đó” sẽ bị “người dân Trung Quốc coi là ảo tưởng”.

Tâm lý đó – được củng cố bởi nhiều năm phá vỡ các quy tắc mà không bị trừng phạt – sẽ không thể được thay đổi chỉ bằng các biện pháp kinh tế. Tuy nhiên, đòn bẩy kinh tế vẫn là vũ khí mà Trump lựa chọn. Dù các lệnh trừng phạt và thuế quan của Mỹ đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc, qua đó làm suy yếu khả năng tài trợ cho chiến lược mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của nước này, nhưng tiến bộ thực sự vẫn cần đến các bước đi chiến lược. Những bước đi này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng đến cả Trung Quốc lẫn các đồng minh khu vực của Mỹ.

Một thông điệp như vậy là rất quan trọng bởi vì ngay cả các thành viên Bộ Tứ được cho là trụ cột của một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do gần đây cũng phải canh chừng trước các động thái của Mỹ. Nhật Bản – nơi thủ tướng Shinzo Abe là người khởi xướng khái niệm này – đã lặng lẽ loại bỏ từ “chiến lược” ra khỏi tầm nhìn chính sách của mình đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Úc đã tạo dựng một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây đã tiếp đón ông Tập tại Chennai.

Mỹ càng kéo dài việc không thể đóng vai trò là một đối trọng đáng tin cậy chống lại Trung Quốc thì ông Tập sẽ càng có không gian chiến lược để theo đuổi chương trình nghị sự tân đế quốc của mình, và ông ta sẽ càng ít có khả năng sẽ khuất phục trước áp lực của Mỹ về kinh tế cũng như các khía cạnh khác. Để ngăn chặn điều đó, Mỹ phải cung cấp sức nặng chiến lược cho chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình, bao gồm bằng cách thiết lập một kế hoạch rõ ràng để chống lại các nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Nếu công ty ExxonMobil của Hoa Kỳ rời khỏi dự án khí đốt lớn nhất Việt Nam, một viễn cảnh có khả năng xảy ra, thì điều này sẽ càng trở nên cấp bách hơn, nếu xét việc Trung Quốc quan tâm đến việc xua đuổi các công ty năng lượng ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông như thế nào.

Trump đã từng mô tả chiến lược Biển Đông của Obama là “bất lực”. Nhưng ngày nay, chính cách tiếp cận của Trump đối với chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc cũng trông yếu ớt. Khi sự hung hăng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng, thì sự bất lực đó sẽ chỉ trở nên ngày một rõ ràng hơn – và gây nhiều tổn hại hơn.

Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (đặt tại New Delhi) và Nghiên cứu viên tại Học viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, và War: Confronting the Global Water Crisis.