Rủi ro đối với châu Á dưới thời của Trump

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Brahma Chellaney, “Asia’s American Menace”, Project Syndicate, 25/04/2017.

Biên dịch: Đỗ Thị Thu Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump – dựa trên các chiến thuật và giao dịch (mang tính ngắn hạn), hơn là theo tầm nhìn chiến lược – đã tạo ra một loạt  “giật cục” bất ngờ. Thiếu tầm nhìn định hướng, chứ chưa nói tới những ưu tiên rõ ràng, Trump đã gây bối rối cho các đồng minh và các đối tác chiến lược của Mỹ, đặc biệt là ở Châu Á – qua đó đe dọa an ninh khu vực.

Rõ ràng là, một số những đảo chiều chính sách đột ngột của Trump đã đưa ông tới gần hơn những quan điểm truyền thống của Mỹ. Đặc biệt, Trump tuyên bố NATO “không còn lạc hậu”, ngược với nhận định của chính ông trong chiến dịch tranh cử. Thay đổi đó đã xoa dịu một số căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Âu.

Nhưng ở châu Á, nơi đang phải đối mặt với những thách thức an ninh, chính trị, kinh tế nghiêm trọng, những đảo ngược chính sách của Trump chỉ làm trầm trọng thêm sự biến động của khu vực này. Với quá nhiều điểm nóng chính trị đe dọa châm ngòi xung đột bạo lực, điều cuối cùng mà các lãnh đạo châu Á cần là một sự bất định chiến lược mới.

Nhưng, đó chính là điều mà họ nhận được từ Trump – một Tổng thống Mỹ tỏ ra thất thường hơn cả vị Tổng thống hay vạ miệng Rodrigo Duterte của Philippine hay vị Chủ tịch nước độc đoán Tập Cận Bình của Trung Quốc. Thậm chí nếu đem so sánh thì nhà độc tài nổi tiếng bốc đồng của Bắc Triều Tiên Kim Jong-un dường như còn dễ dự đoán hơn.

Có lẽ điểm nhất quán nhất trong chính sách đối ngoại của Trump chính là nỗi ám ảnh đạt được các lợi ích ngắn hạn. Trong một tweet gần đây, ông ta đặt câu hỏi tại sao lại phải coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ trong khi nước này đang hợp tác với Mỹ để kiềm chế Bắc Triều Tiên. Chỉ vài ngày trước đó, Trump đã gọi Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ “vô địch thế giới”.

Dòng tweet đó có lẽ đem đến cái nhìn sâu sắc hơn về chính sách của Trump đối với Châu Á. Trước tiên, nó cho thấy sự nổi lên đột ngột của Bắc Triều Tiên trở thành một thử thách đối ngoại chính của Trump, gợi ý rằng chính sách kiên nhẫn chiến lược mà cựu Tổng thống Barack Obama theo đuổi có thể bị thay thế bằng một chính sách chiến lược nóng nảy dễ gây sự cố hơn.

Cách hiểu này được củng cố thêm với tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence rằng các cuộc tấn công quân sự ít mạo hiểm – ít mục tiêu gần đây của Mỹ tại Syria và Afghanistan thể hiện “quyết tâm” và “sức mạnh” của Mỹ nhằm chống lại Bắc Triều Tiên. Những tuyên bố như vậy chứng tỏ một sự thiếu hiểu biết rằng, đối với vấn đề Bắc Triều Tiên, Mỹ không có lựa chọn quân sự đáng tin nào, bởi bất cứ cuộc tấn công nào của Mỹ cũng sẽ dẫn tới sự tàn phá ngay lập tức những trung tâm dân cư lớn của Nam Hàn.

Chiến lược hiện tại của chính quyền Trump – dựa vào Trung Quốc để xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên – cũng sẽ không hiệu quả. Rốt cuộc, gần đây Bắc Triều Tiên đang tìm cách thoát khỏi nanh vuốt của Trung Quốc và theo đuổi sự can dự trực tiếp với Mỹ.

Nếu xét mối quan hệ không suôn sẻ giữa Tập và Kim, có vẻ như cú đặt cuộc chắc ăn nhất của Trump lại là một phiên bản nào đó của đề xuất ông ta đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử: Mời Kim đi ăn hamburger để gặp gỡ. Một khi vị thần hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã chui ra khỏi đèn thì việc phi hạt nhân hóa có lẽ không còn là một lựa chọn hợp lý nữa. Nhưng một giải pháp đóng băng chương trình hạt nhân có thể vẫn còn đàm phán được.

Việc Trump dựa vào Trung Quốc để xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên không những không hiệu quả mà trên thực tế còn có thể gây ra nhiều bất ổn hơn cho châu Á. Trump, thoạt tiên tỏ ra hào hứng trong việc thách thức tham vọng bá quyền của Trung Quốc, giờ đây dường như đã sẵn sàng nhún nhường hơn với quốc gia này, làm nghiêm trọng hơn một sai lầm đối ngoại lớn từ thời chính quyền Obama.

Trong số những sự đảo chiều chính sách của Trump thì thay đổi này có tầm quan trọng địa chiến lược lớn nhất, bởi Trung Quốc chắc chắn sẽ tận dụng tối đa lợi thế đó để thúc đẩy các mục tiêu của mình. Từ sự đàn áp ngày càng lớn đối với bất đồng chính trị và các nhóm dân tộc thiểu số tới những nỗ lực để đảo lộn hiện trạng lãnh thổ tại châu Á, Trung Quốc liên tục thăm dò xem mình có thể vươn xa đến đâu. Dưới thời Obama, nước này đã tiến khá xa. Dưới thời Trump, họ thậm chí có thể tiến xa hơn nữa.

Trump bây giờ lại gọi Trung Quốc là một người bạn và đối tác của chính phủ mình – và dường như ngày càng yêu mến ông Tập. “Chúng tôi thật sự rất tâm đầu ý hợp,” ông nói. “ Chúng tôi quý mến nhau. Tôi rất quý ông ấy.”

Sự yêu mến vượt ra ngoài những lời nói: Các hành động của Trump đã củng cố thêm vị thế cho Tập – nhưng lại hạ thấp vị thế của chính ông– cho dù có lẽ Trump không nhận thức được điều đó. Thoạt tiên, Trump rút lại lời đe dọa không tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”. Gần đây hơn, Trump đã tiếp đón Tập tại khu nghỉ dưỡng Florida của ông mà không đòi hỏi Trung Quốc phải gỡ bỏ bất cứ hoạt động đầu tư, thương mại không công bằng nào mà ông đã lên án trong chiến dịch tranh cử.

Cuộc gặp thượng đỉnh với Trump đã nâng cao hình ảnh của Tập tại quê nhà trước thềm Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào cuối năm nay, sự kiện mà Tập muốn phá vỡ quy tác lãnh đạo tập thể đã được thể chế hóa để tập trung quyền lực một cách độc đoán hơn bất cứ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào khác kể từ thời Mao Trạch Đông. Nó cũng cho thấy thái độ đồng ý ngầm của chính quyền Trump đối với những hoạt động chiếm đoạt lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Điều này sẽ khuyến khích Trung Quốc không chỉ quân sự hóa toàn bộ bảy đảo nhân tạo trên vùng biển này, mà còn theo đuổi chủ nghĩa xét lại lãnh thổ ở những khu vực khác, từ vùng biển Hoa Đông tới vùng tây Himalayas.

Trump tin tưởng rằng “nhiều vấn đề tệ hại tiềm ẩn sẽ biến mất” nhờ có mối quan hệ của ông với một ông Tập “tuyệt vời”. Trên thực tế, lời hứa “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông mâu thuẫn với chính “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập nhằm “làm trẻ hóa dân tộc Trung Quốc”.

Ý tưởng của Tập, mà Trump đang vô tình hưởng ứng, là hai quốc gia nên đoàn kết lại trong một “mô hình quan hệ cường quốc kiểu mới”. Nhưng khó có thể hình dung làm thế nào mà hai quốc gia với thế giới quan đối lập như vậy – chưa nói tới điều mà Giáo sư Graham Allison của Đại học Harvard gọi là “những mặc cảm tự tôn cực đoan” của hai nước – có thể giúp họ giám sát các vấn đề thế giới một cách hiệu quả.

Có thể hiểu rằng Trump vẫn có khả năng đảo ngược chính sách một lần nữa về vấn đề Trung Quốc (hay Bắc Triều Tiên). Quả thực là những thay đổi chính sách đột ngột của Trump hoàn toàn có thể trở nên nguy hiểm hơn những chính sách thực tế của ông ta. Việc cần điều chỉnh chính sách liên tục sẽ chỉ bồi thêm vào những lo lắng của các đồng minh và đối tác của Mỹ, những nước đang gặp rủi ro khi lợi ích cốt lõi của họ sẽ bị sử dụng như những con bài mặc cả. Nếu những lo lắng đó thúc đẩy một số quốc gia phát triển lực lượng quân sự của mình, tình hình chiến lược của châu Á sẽ bị thay đổi một cách cơ bản.

Brahma Chellaney, Giáo sư ngành Nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại New Delhi và Nghiên cứu viên tại Viện Robert Bosch tại Berlin, là tác giả của 9 cuốn sách, trong đó có các cuốn Asian Juggernaut; Water: Asia’s New Battleground; và cuốn Water, Peace,and War: Confronting the Global Water Crisis.

Copywright: Project Syndicate 2017 – Asia’s American Menace.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]