Tranh cãi quanh nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại LHQ

Nguồn: In the UN, China uses threats and cajolery to promote its worldview”, The Economist, 07/12/2019.

Biên dịch: Trần Hùng

Mặc dù có quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc, Trung Quốc từ lâu đã ngần ngại không muốn thực thi quyền này. Đã 20 năm kể từ lần cuối cùng nước này một mình làm điều đó. Nhưng trong các phòng họp hậu trường, các nhà ngoại giao Trung Quốc đang ngày càng sẵn sàng phô trương ảnh hưởng, còn các đối tác phương Tây của họ cũng sẵn sàng chống trả hơn. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, tổ chức này đã trở thành một chiến trường cho sự cạnh tranh giữa các tầm nhìn đối địch về trật tự quốc tế.

Một cuộc đấu tranh vào tháng 10 về vấn đề Trung Quốc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số theo Hồi giáo, cho thấy cuộc chiến này đã trở nên dữ dội như thế nào. Trong vụ việc này, Anh đã đóng một vai trò lãnh đạo bất thường trong việc lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Đại diện của Anh tại Liên Hiệp Quốc, Karen Pierce, đã đưa ra một tuyên bố được ký bởi 22 quốc gia khác bao gồm cả Mỹ, kêu gọi cho phép Liên Hiệp Quốc được tiếp cận không bị ngăn cản đối với các trại tù ở khu vực xa xôi Tân Cương của Trung Quốc. Một cuộc cãi vã ngoại giao đã xảy ra sau đó. Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã thuyết phục hàng chục quốc gia chuyên chế, bao gồm chủ yếu các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, ký một tuyên bố đối ứng trong đó ca ngợi hành động của Trung Quốc tại Tân Cương như là một nỗ lực khai sáng nhằm chống khủng bố và xóa bỏ chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.

Đã có những lời đe dọa và cả sự trả thù. Các nhà ngoại giao Trung Quốc được cho là đã nói với các nhà ngoại giao Áo rằng nếu Áo ký bản tuyên bố của Anh, chính phủ Áo sẽ không có được mảnh đất mà họ muốn để xây đại sứ quán mới ở Bắc Kinh. Nhưng người Áo vẫn ký. Các quan chức Trung Quốc đã hủy một sự kiện song phương ở Bắc Kinh với Albania, một nước tham gia ký khác. “Hôm nay rất nhiều quốc gia đã phải chịu rất nhiều áp lực”, Jonathan Allen, phó đại sứ của Vương quốc Anh tại Liên Hiệp Quốc đã tweet như vậy vào ngày tuyên bố của Anh được đưa ra. “Nhưng chúng ta phải đứng lên bảo vệ các giá trị của mình và quyền con người”.

Những nỗ lực của Trung Quốc bao gồm một loạt các hoạt động khác nhau tại Liên Hiệp Quốc, từ quyền con người đến các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế. Chúng dường như có hai mục đích chính. Một là tạo ra một không gian an toàn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng cách đảm bảo rằng các quốc gia khác không chỉ trích sự cai trị của đảng. Trung Quốc từ lâu đã luôn giận dữ trước bất kỳ sự “can thiệp” nào như vậy. Các quan chức Trung Quốc hiện đang trở nên cứng rắn hơn trong phản ứng của mình. Mục tiêu khác của Trung Quốc là đưa vào các tài liệu Liên Hiệp Quốc các ngôn từ tương  tự ngôn từ sử dụng bởi nhà lãnh đạo đất nước, ông Tập Cận Bình. Trung Quốc đang cố gắng “biến chính sách của Trung Quốc thành chính sách của Liên Hiệp Quốc”, một nhà ngoại giao đã phát biểu như vậy tại Hội đồng Bảo an.

Trung Quốc cảm thấy rằng việc Tổng thống Donald Trump có ác cảm với các thể chế đa phương như Liên Hiệp Quốc đã mang lại cho Trung Quốc nhiều không gian hành động tại các thể chế này hơn. Kể từ khi ông Tập nhậm chức vào năm 2012, Trung Quốc đã tăng đáng kể chi tiêu tại Liên Hiệp Quốc. Hiện Trung Quốc là nước đóng góp lớn thứ hai, sau Mỹ, cho cả ngân sách chung và ngân sách gìn giữ hòa bình. Trung Quốc cũng đảm bảo vai trò lãnh đạo cho các nhà ngoại giao của mình trong một số cơ quan, bao gồm Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Rome (đánh bại một ứng cử viên được Mỹ hậu thuẫn trước sự ngạc nhiên của nhiều người). Năm tới, Trung Quốc sẽ tham gia một Hội đồng kiểm toán gồm ba thành viên, tổ chức này sẽ kiểm tra các tài khoản của Liên Hiệp Quốc.

Các vị trí cao cấp mà các nhà ngoại giao Trung Quốc giành được hầu hết là những công việc nhàm chán trong các tổ chức mà ít quốc gia quan tâm. Nhưng mỗi vị trí mang lại cho Trung Quốc quyền kiểm soát các đòn bẩy nhỏ của hệ thống hành chính Liên Hiệp Quốc cũng như khả năng phân phát ân huệ. “Mỗi vị trí như vậy đều có ảnh hưởng đối với ai đó, ở một nơi nào đó”, một nhà ngoại giao châu Âu nói. Khi phải bỏ phiếu về các vấn đề Trung Quốc coi là quan trọng, các nhà ngoại giao nước này thường sử dụng cách tiếp cận mang tính đổi chác thẳng thừng: cung cấp tài chính cho các dự án, hoặc đe dọa tắt nguồn tài trợ. Theo các nhà ngoại giao khác, điều này mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng, nếu không muốn nói là “cảm tình”.

Ảnh hưởng của ông Tập là hiển nhiên. Phần lớn ngôn ngữ mà các quan chức Trung Quốc cố gắng chèn vào các tài liệu của Liên Hiệp Quốc đều sử dụng các câu khẩu hiệu của ông, chẳng hạn như “hợp tác hai bên cùng thắng” (win-win cooperation) và “cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại” (a community with a shared future for mankind). Trong ba năm liên tiếp, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã cố gắng đưa các ngôn từ tích cực về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của ông Tập, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu “hai bên cùng thắng” vào các nghị quyết về Afghanistan. Họ cũng đã thuyết phục các quan chức cao cấp của Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả tổng thư ký António Guterres, ca ngợi BRI trong các bài phát biểu như một mô hình cho phát triển toàn cầu. Năm 2018, Trung Quốc đã thuyết phục Hội đồng Nhân quyền tại Geneva (cơ quan mà Mỹ đã rút khỏi vào cuối năm đó) tán thành cách tiếp cận ưa thích của họ là “thúc đẩy hợp tác cùng có lợi” trong lĩnh vực này, tức là kiềm chế các lời chỉ trích.

Việc này không chỉ đơn thuần là vấn đề ngôn ngữ. Năm 2017, Trung Quốc đã thành công trong việc cắt tài trợ cho một vị trí công việc có nhiệm vụ đảm bảo rằng tất cả các cơ quan và chương trình của Liên Hiệp Quốc đều phải thúc đẩy nhân quyền. Cùng năm đó, Wu Hongbo, một nhà ngoại giao Trung Quốc lúc đó đang phụ trách Tổng bộ các vấn đề Kinh tế và Xã hội, đã trục xuất Dolkun Isa, một nhà hoạt động người Duy Ngô Nhĩ, ra khỏi một diễn đàn nơi ông Isa là một đại biểu được mời, đại diện cho một tổ chức phi chính phủ của Đức (Cuối cùng ông Isa đã được quay trở lại sau các phản đối từ các nhà ngoại giao Mỹ và Đức). Vị trí của ông Wu buộc ông phải khách quan, không phe phái, nhưng sau đó ông đã tự hào nói về hành động của mình trên truyền hình nhà nước Trung Quốc rằng “Chúng ta phải mạnh mẽ bảo vệ lợi ích tổ quốc”.

Sự phản đối đối với cách tiếp cận cứng rắn hơn của Trung Quốc có thể sẽ gia tăng. “Tôi nghĩ rằng họ đang làm quá và ở một giai đoạn nhất định, người ta sẽ bắt đầu chống lại”, nhà ngoại giao tại Hội đồng Bảo an nói. Nhưng một số người khác tại Liên Hiệp Quốc lại không chia sẻ quan điểm đó. Các quốc gia nhỏ hơn ở Châu Phi và Trung Đông, nhiều trong số đó có chế độ độc tài, bất bình với sự thống trị của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc gian đoạn sau Chiến tranh Lạnh. Một nhà ngoại giao đến từ một quốc gia trong số đó đặt câu hỏi: Tại sao Trung Quốc lại không nên phản ứng lại? Người này nói rằng các quốc gia có thể phải chịu áp lực từ Trung Quốc khi Trung Quốc muốn một cái gì đó, nhưng chính nước Mỹ, mặc dù không trắng trợn đến vậy, cũng có thể có các cách tiếp cận mang tính đổi chác. Một số quốc gia nhỏ có thể thích có hai cường quốc cạnh tranh lẫn nhau để họ có thể được hưởng lợi.

“Có một mức độ đạo đức giả nhất định trong vấn đề đó”, Richard Gowan thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ về ngăn ngừa xung đột, nói. “Thật kỳ lạ khi tưởng tượng rằng Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc đang lên, sẽ không muốn có phần lớn hơn trong hệ thống đa phương”. Hiện tại, không nhiều người có tưởng tượng như vậy. ■