James Keir Hardie: Lãnh đạo đầu tiên của Công Đảng Anh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Với xuất phát điểm khiêm tốn, Keir Hardie (1815 – 1915) đã vươn lên trở thành một trong những chính trị gia nổi tiếng nhất của Anh thời bấy giờ, đồng thời là lãnh đạo đầu tiên của Công Đảng.

James Keir Hardie sinh ngày 15/08/1856 tại Lanarkshire, Scotland, và là con trai ngoài giá thú của một người hầu tên là Mary Keir. Mẹ ông sau này đã kết hôn với David Hardie – một thợ mộc. Lên tám tuổi, Keir Hardie không được đi học mà bị gửi đi làm nhân viên giao hàng cho một thợ làm bánh mì, và ông là người làm công ăn lương duy nhất của gia đình vào thời điểm đó. Lên 11 tuổi, ông trở thành thợ mỏ và tới năm 17 tuổi, Keir Hardie tự học đọc và viết.

Sự nghiệp chính trị của Keir Hardie bắt đầu khi một công đoàn được thành lập tại mỏ than của ông, và ông đã lãnh đạo cuộc đình công đầu tiên của các thợ mỏ Lanarkshire vào năm 1881. Năm 1892, Keir Hardie được mời làm ứng cử viên của Công Đảng Độc lập (Independent Labour Party), đại diện cho West Ham ở phía đông London. Ông đã giành chiến thắng và trở thành một nghị sĩ quốc hội.

Keir Hardie tỏ ra là một người cấp tiến qua cách ông ăn mặc và những chủ đề ông ủng hộ. Trong khi các thành viên khác của quốc hội ăn mặc trang trọng, Keir Hardie mặc đồ vải tuýt và ủng hộ quyền của phụ nữ, giáo dục miễn phí, trợ cấp hưu trí và quyền tự trị của Ấn Độ. Ông đã bị chỉ trích nặng nề vì tỏ ra công kích chế độ quân chủ, điều nhiều khả năng đã góp phần vào thất bại của ông trong cuộc bầu cử năm 1895.

Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục vươn cao trong hàng ngũ của các quan chức công đoàn Scotland và năm 1893, ông nằm trong nhóm những người sáng lập Công Đảng Độc lập. Tại hội nghị khai mạc, ông được bầu làm chủ tịch và người lãnh đạo đảng. Năm 1899, Ủy ban Đại diện Lao động được thành lập và cuối cùng phát triển thành Công Đảng ngày nay.

Sau một quá trình dài tranh đấu để vào lại quốc hội, cuối cùng ông cũng được bầu làm nghị sĩ đại diện cho Merthyr Tydfil vào năm 1900 và là một trong hai nghị sĩ duy nhất của Công Đảng trong quốc hội. Tới năm 1906, con số này đã tăng lên 26. Keir Hardie được bầu làm lãnh đạo của đảng trong Hạ viên, song vì không giỏi giải quyết các mâu thuẫn nội bộ nên ông đã từ chức vào năm 1908. Kể từ đó, ông cống hiến hết mình cho việc thúc đẩy vị thế của Công Đảng và ủng hộ quyền bình đẳng, đặc biệt là quyền bầu cử của phụ nữ. Năm 1910, 40 nghị sĩ của Công Đảng được bầu vào quốc hội và Keir Hardie đã trao lại quyền lãnh đạo đảng cho George Barnes.

Trong những năm đầu của Thế chiến I, Keir Hardie là một người theo chủ nghĩa hòa bình dám nói thẳng. Ngày 26/09/1915, ông qua đời tại Glasgow.