Thế giới hôm nay: 16/06/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Phong tỏa vì coronavirus đã được nới lỏng trên khắp châu Âu. Nhiều hàng người dài đã xuất hiện bên ngoài một số cửa hàng bán lẻ không thiết yếu ở Anh, mở cửa lần đầu kể từ 23 tháng 3. Lượng người đến các cửa hàng mua sắm ở nước này tăng 51,7% so với thứ Hai tuần trước, nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái. Các hạn chế đã được nới lỏng ở Pháp khi các quán cà phê và nhà hàng được mở cửa lại đầy đủ, cho phép khách ngồi trong nhà và một số nước EU mở lại biên giới cho công dân các nước EU khác.

Tòa Tối cao Hoa Kỳ phán quyết rằng Đạo luật Dân quyền bảo vệ nhân viên đồng tính và chuyển giới khỏi sự phân biệt đối xử. Thẩm phán Neil Gorsuch, một trong những người bảo thủ được chỉ định bởi Donald Trump, đã đưa ra phán quyết đa số. Vụ kiện xoay quanh việc liệu phần của luật cấm phân biệt đối xử “vì giới tính” có bao gồm xu hướng tính dục và bản dạng giới hay không. Luật sư của chính quyền Trump và một số nhà tuyển dụng lập luận là không.

Iran cảnh báo họ có thể phải áp dụng lại các quy tắc giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì số ca nhiễm coronavirus đang tăng trở lại. Nước này đã bị virus tấn công mạnh vào tháng 3, nhưng phong toả đã được nới lỏng vào giữa tháng 4 khi dịch thuyên giảm. Hôm Chủ nhậ,t Iran ghi nhận 107 trường hợp tử vong, lần đầu tiên tổng số ca tử vong vượt mức 100 một ngày kể từ 13 tháng 4.

Một tòa án ở Philippines đã kết án Maria Ressa, người sáng lập trang web tin tức Rappler, sáu năm tù. Bà Ressa bị kết tội phỉ báng trên mạng, mặc dù nhiều người tin rằng phiên tòa là một nỗ lực của chính phủ nhằm bóp nghẹt các phương tiện truyền thông quan trọng. Bà Ressa được tại ngoại trong thời gian chờ kháng cáo.

BP sẽ xóa 13 đến 17,5 tỷ đô la từ giá trị tài sản của mình trong báo cáo kết quả quý hai và đã hạ dự đoán giá dầu. Đại dịch đã ảnh hưởng xấu đến nhu cầu; gã khổng lồ ngành dầu cho rằng giá dầu thô Brent sẽ vào khoảng trung bình 55 USD/thùng cho đến năm 2050, so với dự báo trước đó là 70 USD. Hãng cũng dự đoán một “nền kinh tế ít carbon hơn” sau đại dịch.

Một cựu lính thủy đánh bộ Mỹ bị một tòa án Nga kết án 16 năm lao động khổ sai vì tội gián điệp. Anh này nhận một ổ cứng USB chứa thông tin mà theo lời các công tố viên là tuyệt mật tại một khách sạn. Anh ta và gia đình cho rằng họ đã bị dàn dựng, và Mỹ tố cáo phiên tòa bí mật, thiếu phiên dịch tiếng Anh và không cho cơ hội biện hộ.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc nói chuyện trực tiếp đầu tiên về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với các nhà lãnh đạo EU qua video vào hôm thứ Hai. Ông Johnson cho biết ông hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận thương mại vào cuối mùa hè. Trong một tuyên bố chung bởi Anh và EU, cả hai bên đều kêu gọi “động lực mới” cho các cuộc thảo luận đang bị đình trệ.

TIÊU ĐIỂM

Tỉ lệ ủng hộ của Boris Johnson giảm

Chỉ 12 tuần trước, Boris Johnson trông như không thể bị đánh bại. Sau khi thủ tướng Anh hạ gục Công đảng trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12 năm ngoái, các chuyên gia đã nói về việc liệu phe đối lập có thể giành được cuộc bầu cử sau cuộc bầu cử tiếp theo hay không. Nhưng giờ không còn nữa. Tranh cãi về việc liệu Dominic Cummings, cố vấn trưởng của ông Johnson, có phá vỡ các quy tắc phong tỏa hay không đã gây tai tiếng trong suốt một tuần . Và đáng lo ngại hơn cho Johnson, cách xử lý khủng hoảng covid-19 của chính phủ ông đang bị nghi ngờ.

Theo một ước tính, số người chết vì căn bệnh này ở Anh – ở mức trên 41.000 – có thể đã giảm gần một nửa nếu phong tỏa được áp dụng sớm hơn một tuần. Nhiều cửa hàng đã mở cửa lại vào hôm qua, nhưng hầu hết học sinh vẫn ở nhà. Đảng Bảo thủ của  Johnson vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, nhưng thế dẫn trước của họ đã bị thu hẹp sau khi cựu luật sư Keir Starmer được bầu làm lãnh đạo Công đảng vào tháng 4. Điều khiến thủ tướng lo lắng nhất là các cử tri đặt Starmer lên trước ông về một phẩm chất đang trở nên quan trọng: biết chú ý đến chi tiết.

Kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi

Nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện đang trong tình trạng suy thoái kinh tế. Số liệu của tháng 5 về sản xuất công nghiệp, công bố sáng nay, có thể cho thấy sản xuất tại các nhà máy đã giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả tệ ngang với cuộc suy thoái cách đây một thập niên. Tuy nhiên, khi so sánh với các lĩnh vực khác của nền kinh tế, mảng này lại đang hoạt động khá tốt: không giống như hầu hết các cuộc suy thoái, thiệt hại nặng lần này tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, như giải trí và khách sạn.

Dù vậy, nền kinh tế Mỹ có thể đã chạm đáy. Việc dỡ bỏ phong tỏa đã giúp các doanh nghiệp mở cửa trở lại và mọi người quay lại làm việc. Dữ liệu thời gian thực từ thẻ tín dụng cho thấy chi tiêu bán lẻ đang tăng khá mạnh. Nếu chặn được làn sóng virus thứ hai, một nguy cơ tiềm tàng, nền kinh tế có thể sẽ sớm tăng trưởng trở lại.

Hàng không giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể nối lại hoàn toàn

Những người Mỹ đủ dũng cảm để đi một chuyến ra nước ngoài trong mùa hè này sẽ phải sáng tạo. Mặc dù nhiều nước châu Âu đã nối lại việc nhập cảnh khách du lịch từ hôm qua, nhưng người Mỹ vẫn không được chào đón. Ở chiều ngược lại, Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm đối với hầu hết khách du lịch từ EU và Anh, giảm thiểu hết mức việc đi lại xuyên Đại Tây Dương.

Du lịch giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bị hạn chế tương tự trong nhiều tháng và gần như bị bóp nghẹt hoàn toàn sau khi Trung Quốc ngăn các hãng hàng không Mỹ nối lại các chuyến bay chở khách vào đầu tháng này. Chính quyền Trump trả đũa bằng cách tuyên bố cấm các hãng vận tải hành khách Trung Quốc, mà đáng lẽ sẽ có hiệu lực từ hôm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc nhượng bộ và cả hai nước sẽ cho phép đi lại hạn chế với nhau. Dàn xếp này vẫn sẽ khiến các hãng bay Mỹ gặp khó khăn. Mỗi hãng chỉ có thể bay một chuyến đến Trung Quốc mỗi tuần, giảm so với hàng chục chuyến trước đại dịch.

Syria trên bờ vực sụp đổ kinh tế

Sau chín năm giao tranh, Tổng thống Bashar al-Assad của Syria cho rằng ông đã lấy lại được vương quốc của mình. Thế nhưng, ông đang đối mặt với thử thách lớn nhất của mình cho đến nay. Đồng bảng Syria đã sụp đổ. Ông không có tiền để xây dựng lại đất nước mà ông đã phá hủy bằng bom, và đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Ngày mai, một đạo luật mới của Mỹ – Đạo luật Caesar – sẽ có hiệu lực. Nó đe dọa trừng phạt bất cứ ai tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với chế độ Syria.

Thông thường ông Assad có thể tìm đến Nga. Nhưng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận về Syria vào hôm nay, các nhà quan sát sẽ theo dõi các dấu hiệu cho thấy Nga đang mệt mỏi với ông. Những người trung thành cũng đang dao động. Các thành viên của nhóm thiểu số Druze ở thành phố Sweida miền nam, cho đến nay là thành trì của chế độ, đang ở trên đường phố hô vang những khẩu hiệu của phe đối lập vốn từng gây ra nội chiến. Mặc dù vậy, ông Assad thà đổ lỗi cho bất cứ ai trừ chính mình về sự sụp đổ của đất nước. Tuần trước, ông đã sa thải thủ tướng.

Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) bàn biện pháp kích thích tiếp theo

Các nhà quản lý tiền tệ Nhật Bản sẽ họp thường kỳ vào hôm nay, khi hậu quả của covid-19 tiếp tục đánh vào nền kinh tế. Trong đợt đầu tiên của các biện pháp kích thích để đối phó đại dịch vào tháng 3 và tháng 4, ngân hàng đã tăng mua các quỹ hoán đổi danh mục, công bố các chương trình cho vay mới và hứa sẽ mua thêm trái phiếu chính phủ nếu cần hỗ trợ chính sách tài khóa của chính phủ.

Lần này, các nhà phân tích cho rằng BoJ sẽ có cách tiếp cận thận trọng hơn. Lãi suất dự kiến không thay đổi. Cho đến nay, các kích thích tài khóa và tiền tệ đã giúp ngăn một loạt các vụ phá sản. Và mặc dù Nhật Bản đang bước vào suy thoái sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, nền kinh tế có lẽ đã chạm đáy. Nhưng phục hồi sẽ chậm: ngân hàng Morgan Stanley cho rằng sẽ mất ít nhất hai năm để GDP thực tế của Nhật về được mức trước covid-19.