02/07/1839: Nổi loạn trên tàu chở nô lệ Amistad

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mutiny on the Amistad slave ship, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào sáng sớm ngày này năm 1839, những người châu Phi trên chiếc tàu Amistad của Cuba đã nổi dậy chống lại những kẻ bắt giữ họ, giết chết hai thuyền viên và giành quyền kiểm soát con tàu vốn dĩ được dùng để  chở họ đến làm nô lệ ở một đồn điền mía đường tại Puerto Principe, Cuba.

Năm 1807, Quốc Hội Mỹ đã cùng với Vương quốc Anh xóa bỏ việc buôn bán nô lệ châu Phi, mặc dù hành động buôn bán nô lệ ở Mỹ vẫn không bị cấm. Bất chấp lệnh cấm quốc tế về “nhập khẩu” nô lệ châu Phi, Cuba vẫn tiếp tục vận chuyển nô lệ da đen đến các đồn điền mía đường của nước này tới tận những năm 1860, còn Brazil cũng nhận nô lệ đến các đồn điền cà phê cho đến thập niên 1850.

Ngày 28/06/1839, 53 nô lệ vừa bị bắt ở châu Phi đã rời Havana, trên tàu Amistad đến đồn điền đường ở Puerto Principe. Ba ngày sau, Sengbe Pieh, một người châu Phi từ tộc Membe, còn được biết đến với tên Cinqué, đã tự giải phóng bản thân và những nô lệ khác, bắt đầu lên kế hoạch cho một cuộc nổi dậy. Sáng sớm ngày 02/07, giữa trời giông bão, nhóm người châu Phi đã đứng lên chống lại những kẻ bắt giữ mình, sử dụng dao chặt mía tìm được trong hầm giết chết thuyền trưởng Amistad và một thuyền viên. Hai thuyền viên khác hoặc bị ném xuống biển hoặc đã trốn thoát, còn Jose Ruiz và Pedro Montes, hai người Cuba đã bỏ tiền mua nô lệ, thì bị bắt lại. Cinqué ra lệnh cho hai người Cuba đưa Amistad quay về hướng đông, tới châu Phi. Vào ban ngày, Ruiz và Montes đã nghe theo, nhưng vào ban đêm, họ âm thầm quay tàu theo hướng bắc, hướng về vùng biển Hoa Kỳ. Sau gần hai tháng lênh đênh trên biển, với hơn một chục người châu Phi thiệt mạng, “con tàu đen” cuối cùng cũng được tàu Mỹ phát hiện.

Ngày 26/08, tàu USS Washington thuộc Hải quân Hoa Kỳ đã bắt giữ Amistad ngoài khơi Long Island và đưa nó đến New London, Connecticut. Ruiz và Montes được giải thoát, còn những người châu Phi bị tạm giam trong khi chờ điều tra về cuộc nổi loạn. Hai người Cuba yêu cầu trả lại những nô lệ “gốc Cuba” của họ, trong khi chính phủ Tây Ban Nha kêu gọi dẫn độ nhóm người châu Phi đến Cuba nhằm xét xử tội cướp biển và giết người. Đối lập với cả hai phe này, những người theo chủ nghĩa bãi nô ở Mỹ đã ủng hộ việc đưa những nô lệ bị mua bất hợp pháp này trở về châu Phi.

Câu chuyện về cuộc nổi loạn trên tàu  Amistad được quan tâm rộng rãi và những người theo chủ nghĩa bãi nô đã thành công khi giành chiến thắng trong một phiên tòa tại Mỹ. Trước một tòa án liên bang tại  Connecticut, Cinqué, người học tiếng Anh từ những người bạn Mỹ mới của mình, đã tự đứng ra làm chứng. Ngày 13/01/1840, Thẩm phán Andrew Judson phán quyết rằng những người châu Phi đã bị bắt làm nô lệ bất hợp pháp, rằng họ sẽ không phải quay trở lại Cuba để ra tòa vì tội cướp biển và giết người, mà nên được cấp phép để tự do trở lại châu Phi. Chính quyền Tây Ban Nha và Tổng thống Mỹ Martin Van Buren đã kháng án, nhưng một tòa án liên bang khác đã giữ nguyên các phán quyết của Judson. Tổng thống Van Buren, chống lại phe bãi nô trong Quốc Hội, lại một lần nữa kháng án.

Ngày 22/02/1841, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ bắt đầu xét xử vụ án. Hạ nghị sĩ John Quincy Adams của Massachusetts, người từng giữ chức Tổng thống thứ sáu của Mỹ từ năm 1825 đến 1829, đã gia nhập đội biện hộ cho nhóm người châu Phi. Trong Quốc hội, Adams vẫn luôn là một người chống chế độ nô lệ hùng hồn, và trước tòa án cao nhất quốc gia, ông đã trình bày một lập luận chặt chẽ về việc trả tự do cho Cinqué và 34 người sống sót khác trên tàu Amistad.

Ngày 09/03/1841, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết, chỉ có một người bỏ phiếu chống, rằng những người châu Phi đã bị bắt làm nô lệ bất hợp pháp, và do đó, họ đã theo quyền tự nhiên mà đấu tranh cho tự do của mình. Vào tháng 11, với sự hỗ trợ tài chính của những người theo chủ nghĩa bãi nô, các nô lệ Amistad cuối cùng cũng rời Mỹ trên tàu Gentleman trong chuyến đi trở về Tây Phi. Một số người trong nhóm này giúp thiết lập một đoàn thừa sai Thiên Chúa giáo ở Sierra Leone, nhưng hầu hết trong số họ, như Cinqué, đã trở về quê hương của mình, nằm sâu trong lục địa châu Phi. Một trong những người sống sót, chỉ mới là một đứa trẻ khi bị bắt lên tàu Amistad làm nô lệ, cuối cùng đã quay lại Mỹ. Ban đầu được đặt tên là Margru, cô đã theo học tại Đại học Oberlin bang Ohio vào cuối những năm 1840, trước khi trở về Sierra Leone với tư cách là nhà truyền giáo Sara Margru Kinson.