Australia siết chặt quan hệ với Mỹ để kiềm chế Trung Quốc

Nguồn: John Lee, “Down Under Doubles Down on Checking China”, WSJ, 27/07/2020.

Biên dịch: Phan Nguyên

Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold sẽ gặp các đồng cấp người Mỹ của mình vào thứ Ba này tại Washington trong khuôn khổi các cuộc họp thường niên được gọi là Ausmin. Sau đó, họ sẽ bay về Úc và chịu cách ly trong hai tuần để phòng Covid-19, một yêu cầu đối với những người công du nước ngoài về.

Thật đáng chú ý khi hại bộ trưởng của Úc sẵn sàng chịu đựng hai tuần bất tiện để gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Các cuộc họp trực tuyến giờ là chuyện bình thường. Quyết định tự mình tới Mỹ do đó cho thấy tầm quan trọng của Mỹ đối với an ninh và thịnh vượng của Úc cũng như mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho cả hai nước.

Nó cũng là bằng chứng cho thấy cách chính quyền Trump làm việc với các đồng minh, ít nhất là ở châu Á và Thái Bình Dương, có nhiều điều đáng khen ngợi hơn những gì các nhà phê bình muốn thừa nhận. Đúng là các đồng minh trung thành như Nhật Bản và Úc có phần bất an về phong cách khó đoán của tổng thốngTrump. Nhưng nếu mục tiêu là thuyết phục các đồng minh bước lên và cáng đáng nhiều hơn, thì đó chính là những gì Úc đang làm.

Giống như nhiều quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bị lẫn lộn bởi thực tế, Úc đã có một hành trình đi cùng đường với Trung Quốc. Đại dịch đã khiến người ta tập trung suy nghĩ về việc phải làm gì. Đảng Cộng sản dưới thời Tập Cận Bình tuyệt đối trở thành một đảng sùng bái nguyên tắc Lê-nin-nít: Dò đường bằng lưỡi lê và nếu gặp phải bùn thì đâm tới; còn nếu gặp thép thì rút dao lại. Thiện chí hầu như không có tác dụng gì. Sự rụt rè yếu đuối sẽ càng khiến Bắc Kinh đòi hỏi sự phục tùng lớn hơn.

Theo tinh thần này, Úc đã ban hành Bản cập nhật quốc phòng chiến lược năm 2020 vào đầu tháng này. Việc cam kết chi khoảng 400 tỷ đô la Mỹ cho quốc phòng trong thập niên tới, bao gồm gần 190 tỷ đô la dành cho cải tiến năng lực, là rất đáng chú ý. Nhưng điều quan trọng không kém là những gì Úc dự định chi tiền: tên lửa tầm xa và siêu thanh, phương tiện chiến đấu không người lái và năng lực không gian mạng. Điều này chỉ có thể được giải thích bằng mong muốn đối phó với Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Mục tiêu là làm cho Trung Quốc phải suy nghĩ cẩn thận về việc mở rộng phạm vi và sự hiện diện quân sự của họ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Không những không rút lui vào chủ nghĩa cô lập, Úc đang vươn ra ngoài vùng thoải mái của mình, bảo vệ lục địa  và tìm cách giúp thay đổi cán cân quyền lực ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhưng điều này chỉ có thể khả dĩ nếu Mỹ đi đầu, từ tư thế chiến lược đến phát triển các khả năng tấn công và điều hành các tài sản quân sự cùng nhau. Úc không thể một mình đẩy lùi Trung Quốc. Nói cách khác, Úc đã đặt cược vào liên minh với Mỹ như là lựa chọn tốt nhất của mình.

Hơn nữa, điều quan trọng là Canberra đang chọn làm điều này khi quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên thù địch hơn bất cứ lúc nào khác kể từ khi Richard Nixon tới Trung Quốc vào năm 1972. Trung Quốc cũng đã tăng áp lực bằng cách áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các sản phẩm như lúa mạch Úc. Tuy vậy, Úc và Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã nổi lên như là những mỏ neo phía nam và phía bắc của hệ thống liên minh khu vực của Mỹ.

Là người từng phục vụ trong chính phủ Úc trong năm cuối của chính quyền Tổng thống Obama và năm đầu tiên của chính quyền hiện tại, tôi có thể chứng thực rằng trở ngại đối với lòng can đảm lớn hơn của Úc không phải là sự thiếu niềm tin vào sức mạnh của Mỹ mà là những nghi ngờ về quyết tâm của Mỹ. Canberra sẽ không nghĩ tới những động thái táo bạo như vậy và đối diện nguy cơ bị Trung Quốc trừng phạt nếu Mỹ có khả năng để Úc một mình lung lay trong gió lạnh.

Ông Trump có thể lãnh đạo một chính quyền không thể đoán trước, nhưng quyết tâm của ông trong cuộc chiến này không phải là điều đáng nghi ngờ. Có một sự đồng thuận ngày càng lớn giữa các đồng minh rằng đại dịch đã thay đổi mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh theo những cách sẽ tồn tại lâu dài thay vì chỉ diễn ra trong một nhiệm kỳ tổng thống.

Tất cả những điều này cho thấy rằng các cuộc họp trong tuần này sẽ là một trong những cuộc họp quan trọng nhất trong nhiều năm nay. Sẽ có sự khác biệt giữa hai quốc gia, như thường thấy ​​giữa một siêu cường và một quốc gia nhỏ hơn. Ví dụ, người Úc sẽ than thở về ảnh hưởng suy giảm của Mỹ trong các tổ chức khu vực như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, sự kiện ông Trump đã không tham dự hồi năm 2019. Điều đó đã tạo ra một khoảng trống cho phép Bắc Kinh bắt nạt các nước láng giềng và mở rộng tuyên truyền về sự vắng mặt của Mỹ ở khu vực.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc thường xuyên chế giễu và bác bỏ hiệp ước an ninh giữa Australia, New Zealand và Mỹ (Anzus) năm 1951 như là một tàn tích của Chiến tranh Lạnh. Nhưng những sự khiêu khích của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mang lại cho liên minh những mục đích mới. Pompeo, Esper cùngPayne và Reynold sẽ thảo luận về một mục tiêu chung: Đảm bảo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ gặp phải ý chí thép tập thể bất cứ khi nào họ “dò đường” và tìm cách lấn lướt tại đây.

John Lee là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hudson và Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Sydney. Ông là cố vấn an ninh quốc gia cấp cao cho Bộ trưởng Ngoại giao Úc giai đoạn 2016-18.