Nguồn: “Audacious student protests are rocking Bangkok”, The Economist, 20/08/2020.
Biên dịch: Trần Hùng
Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính hồi năm 2014. Vào ngày 16 tháng 8, hơn 10.000 người biểu tình đã đổ về Tượng đài Dân chủ ở Bangkok, thủ đô Thái Lan. Các đoàn thể sinh viên và nhóm thanh niên đã dẫn đầu các cuộc biểu tình kéo dài hơn một tháng trên khắp đất nước. Họ muốn chính phủ từ chức. Họ yêu cầu một hiến pháp mới và chấm dứt sự quấy rối các nhà vận động đối lập. Gây tranh cãi hơn, trong một cuộc biểu tình tại Đại học Thammasat ở Bangkok vào ngày 10 tháng 8, một số lãnh đạo biểu tình đã công khai kêu gọi cải cách chế độ quân chủ, vốn vẫn là một chủ đề vô cùng cấm kỵ tại Thái Lan.
Thái Lan đã trải qua 12 cuộc đảo chính kể từ cuộc cách mạng chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế vào năm 1932. Tranh giành quyền lực giữa các tướng lĩnh và các chính trị gia đã dẫn tới 20 bản hiến pháp trong những thập niên qua. Các chế độ quân sự thúc đẩy tính chính danh của họ dựa vào sự tôn kính đối với nhà vua. Trong gần hai thập niên, mối thù giữa phe “áo vàng” (giới tinh hoa bảo hoàng) và phe “áo đỏ” (những người ủng hộ Thaksin Shinawatra, một cựu thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy) đã chia rẽ chính trường Thái Lan.
Các cuộc biểu tình mới nhất lần này có phần khác biệt. Chúng xuất phát từ tình trạng bất ổn bắt đầu vào tháng Hai, trước khi các biện pháp giãn cách xã hội do covid-19 khiến các cuộc biểu tình công khai trở nên khó khăn. Đảng Future Forward (Tiến tới Tương lai), một đảng cấp tiến chưa đầy hai năm tuổi, đã bị giải tán bởi tòa án hiến pháp. Lãnh đạo của đảng này, Thanathorn Juangroongruangkit, dù đã bị cấm tham gia chính trị trong một thập niên, đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người Thái với lời kêu gọi cải tổ quân đội, phân cấp chính quyền và xử lý các công ty lớn.
Theo nhiều cách, ông Prayuth đã trở nên quyền lực hơn trước đây trong những tháng qua. Trong một cuộc cải tổ nội các gần đây, các nhà kỹ trị được ông ưu ái đã giành được những vị trí quyền lực. Bộ trưởng tài chính mới là một cựu giám đốc ngân hàng, người kế thừa nhiệm vụ vực dậy nền kinh tế bị tàn phá bởi virus; ngân hàng trung ương dự kiến nền kinh tế sẽ suy thoái hơn 8% trong năm nay. Đồng minh thân cận nhất của thủ tướng, Prawit Wongsuwan, đã kiềm chế các cuộc đấu đá trong nội bộ đảng Palang Pracharat – đảng có liên hệ mật thiết với quân đội và đã đề cử ông Prayuth làm Thủ tướng vào năm ngoái — bằng cách trở thành lãnh đạo mới của đảng này.
Những người biểu tình bác bỏ chính hệ thống đã bảo vệ Prayuth và các đồng minh của ông. Một lý do chính là bất kỳ cuộc bầu cử nào được tổ chức theo hiến pháp này đều có lợi cho họ. Thượng viện Thái Lan, một cơ quan được bổ nhiệm bao gồm các “ông lớn” từ các lực lượng vũ trang, có tiếng nói trong việc lựa chọn thủ tướng sau bất kỳ cuộc bỏ phiếu phổ thông nào. Các thượng nghị sĩ này cũng có thể ngăn chặn các nỗ lực thay đổi hiến pháp vì Điều 256 quy định rằng cần ít nhất một phần ba trong số họ đồng ý mới có thể sửa đổi. Vì vậy, những nỗ lực của phe đối lập nhằm thay đổi quy định đó gần như là bất khả.
Những chỉ trích công khai của những người biểu tình đối với chế độ quân chủ — bao gồm phản đối các dànxếp tài chính của Vua Maha Vajiralonkorn và quyền kiểm soát cá nhân của ông đối với các đơn vị quân đội — là những chỉ trích lần đầu tiên được đưa ra. Các luật chống khi quân hà khắc, có thể khiến người dânphải ngồi tù tới 15 năm vì tội phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa các thành viên cấp cao của hoàng gia, đã không còn được chính thức ủng hộ. Tuy nhiên, những người chỉ trích nhà vua vẫn là mục tiêu bị trừng phạt theo quy định của các luật chống nổi loạn, bôi nhọ và tội phạm mạng.
Điều đó không thể ngăn cản những người biểu tình táo bạo nhất. Một cuộc biểu tình theo chủ đề “Harry Potter” đã diễn ra một cách thú vị nhằm chống lại sự đàn áp như vậy, với những người tuần hành cải trang làm phù thủy và tuyên bố chống lại “kẻ-không-thể-nêu tên”.
Làm sao đưa ra được một phản ứng mạnh mẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với chính phủ. Các cuộc biểu tình càng kéo dài thì cơn đau đầu đối với Prayuth lại càng lớn hơn. Các chính trị gia và các trường đại học đã nghiêm khắc chỉ trích thái độ chống hoàng gia. Chính phủ có kế hoạch tổ chức một diễn đàn để thảo luận các vấn đề với sinh viên. Đồng thời, họ cũng đã xác định hàng chục người biểu tình sẽ nằm trong tầm ngắm kể từ bây giờ; một số đã bị bắt giam. Bộ trưởng giáo dục cho biết cảnh sát hiện có thể bắt giữ những ai vi phạm pháp luật trong khuôn viên các trường đại học.
Tuy nhiên, tránh các cuộc đụng độ bạo lực như đã xảy ra vào những năm 1970 dường như là ưu tiên hàng đầu đối với ông Prayuth và những người thân cận. “Họ đã học được rất nhiều điều từ những cuộc đảo chính khác trong quá khứ,” một học giả Thái Lan nói. “Họ biết rằng đối đầu và bạo lực đồng nghĩa với việc kết thúc quyền lực của họ”. Một kết quả tươi sáng hơn nhiều đối với những người biểu tình sẽ là sự chấmdứt hoàn toàn vai trò lãnh đạo của ông Prayuth. ■