Đại Việt dưới thời vua Trần Thánh Tông (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Niên hiệu: Thiệu Long 1258-1272; Bảo Phù 1273-1278.

Trần Thánh Tông tên húy là Hoảng, sinh vào giờ Ngọ ngày 25 tháng 9 năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 (1240), sau đó được lập làm Hoàng thái tử. Ngày 24 tháng 2 năm Nguyên Phong thứ 8 [1258] được Vua cha Thái Tông nhường ngôi; ở ngôi Vua 21 năm, nhường ngôi cho Vua Nhân Tông 13 năm, thọ 51 tuổi. Vua trung hiếu nhân từ, tôn hiền trọng đạo, cha khai sáng trước, con kế thừa sau; nhờ đó cơ nghiệp nhà Trần được bền vững.

Vua lấy con gái thứ năm của Yên Sinh Vương tên là Thiều làm Thiên Cảm phu nhân; ít lâu sau, phong Hoàng hậu; ngày 11 tháng 11 [1258] sinh Hoàng trưởng tử Khâm. Cùng tháng 11, phong em là Trần Quang Khải làm Chiêu Minh Đại Vương.

Năm Thiệu Long thứ 2 [1259]; vào tháng giêng, phu nhân Trần Thủ Độ là Linh Từ quốc mẫu Trần thị mất; bà từng là Hoàng hậu Vua Lý Huệ Tông, nên được phong làm Quốc mẫu. Là nữ lưu có ảnh hưởng lớn đến lịch sử nước nhà; trước kia An sinh vương Liễu hiềm khích với vua Thái Tông, bà ra công điều đình hòa giải, khiến tình nghĩa anh em trở lại như cũ. Năm 1257, quân Nguyên đi tắt đường Vân Nam vào cướp, kinh thành thất thủ, bấy giờ Linh Từ ở sông Hoàng Giang, tức sông Hồng thuộc vùng Thái Bình Nam Định, lo giữ gìn Hoàng thái tử, Cung phi, Công chúa và vợ con các tướng soái thoát khỏi giặc; lại khám xét thuyền các nhà chứa giấu vũ khí, để đưa dùng vào việc quân; công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị rất lớn.

Tháng 6, Vua phong cho Nguyên Giới Huân làm Đại hành khiển, Thượng thư tả phụ; Lê Phụ Trần làm Thủy quân đại tướng quân.

Năm Thiệu Long thứ 3 [1260], Nguyên chúa Hốt Tất Liệt sai Sứ giả đến nước ta và nước Đại Lý, tức Vân Nam:

Ngày Bính Thân tháng 12 năm Trung Thống thứ nhất [1/1261] sai Lang trung bộ Lễ Mạnh Giáp, Viên ngoại lang bộ Lễ Lý Văn Tuấn đi sứ An Nam, Đại Lý.”[1] Nguyên Sử, quyển 4, Bản Kỷ thứ 4: Thế Tổ.

Bấy giờ lịch sử Nguyên Mông trải qua bước ngoặt quan trọng, Đại hãn nối dõi Mông Kha tấn công thành Điếu Ngư tại tỉnh Tứ Xuyên, bị thương rồi mất vào năm 1259. Hốt Tất Liệt phải tạm hòa với nhà Tống, trở về phương Bắc tranh quyền lãnh đạo đế quốc Mông Cổ. Cùng lúc, Hốt Tất Liệt với danh nghĩa Thế Tổ, sai Sứ giả đến bày tỏ thiện chí hòa hoãn với Đại Việt, tôn trọng phong tục tập quán, hứa không xâm lược quấy nhiễu; qua chiếu thư gửi đến như sau:

Ngày mồng 3 tháng 12 năm Trung Thống thứ nhất [1260] Thế Tổ Thánh Đức Thần Công Văn Vũ Hoàng đế chiếu dụ Vương An Nam họ Trần: Tổ tông ta lấy vũ công sáng nghiệp, về đường văn đức chưa kịp tu chỉnh, ta từ khi kế thừa ngôi báu, sửa cũ đổi mới, vỗ về vạn bang, vào năm Canh Thân đặt niên hiệu Trung Thống thứ nhất ban chiếu chỉ xá miễn lần lượt thi hành. Không để lỡ người gần, không quên kẻ xa; với tấm lòng thành chấp nhận. Nhân lúc đó có quan Đại Lý tự An phủ Nhiếp Mạch Đình dùng ngựa trạm dịch dâng biểu tâu rằng nước ngươi có lòng thành hướng theo phong hóa, mộ điều nghĩa; lại nghĩ ngươi tại triều trước đã qui phụ, từ xa đến cống phương vật; nên ban chiếu chỉ sai Lang trung bộ Lễ Mạnh Giáp làm An Nam tuyên phủ sứ, Viên ngoại lang bộ Lễ Lý Văn Tuấn làm Phó sứ; dụ quan liêu sĩ thứ nước ngươi rằng:

 Phàm y phục, khăn đội đầu, điển lễ phong tục trăm sự, đều y theo lệ cũ của nước ngươi, không cần phải sửa đổi; huống hồ nước Cao Ly mới đây sai Sứ đến xin, đã y theo lệ như vậy. Ra lệnh cho các tướng biên giới Vân Nam không được mang binh mã xâm lược biên cương, nhiễu loạn nhân dân. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi sống yên ổn như cũ. Nay ban chiếu để hiểu rõ.”[2] An Nam Chí Lược, quyển 2, Đại Nguyên chiếu chế.

Năm Thiệu Long thứ 4 [1261], bọn Sứ giả nhà Nguyên Mạnh Giáp, Lê Văn Tuấn đến nước ta; triều đình sai Đại phu Trần Phụng Công mang thư sang đáp lễ, sau đó nhà Nguyên phong Vua làm An Nam quốc vương:

Mùa hạ, tháng 6, nhà Nguyên sai Lễ bộ lang trung Mạnh Giáp, Viên ngoại lang Lý Văn Tuấn, đưa thư sang dụ. Đãi yến bọn Mạnh Giáp ở cung Thán Từ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Sai Thông thị đại phu Trần Phụng Công, Chư vệ ký ban Nguyễn Thám, Viên ngoại lang Nguyễn Diễn mang thư sang Nguyên thông hiếu.

Nhà Nguyên phong vua làm An Nam Quốc Vương, ban cho 3 tấm gấm tây, 6 tấm gấm kim thục. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5

Bấy giờ Vua Thánh Tông vẫn dùng tên thân phụ, xưng với nhà Nguyên là Trần Quang Bính, nên trong mục Đại Nguyên Phụng Sứ, An Nam Chí Lược chép về sự kiện nêu trên như sau:

Năm Đinh Tỵ ( 1257 ) nước An Nam bắt đầu thần phục thiên triều. Vua Thế Tổ lấy năm Canh Thân (1260) làm kỷ nguyên Trung Thống năm thứ nhất; An Nam vương Trần Quang Bính sai sứ dâng biểu mừng và cống phương vật. Năm sau, chiếu phong Trần Quang Bính làm An Nam Quốc vương. Sai Lang trung bộ Lễ Mạnh Giáp, Viên Ngọai lang bộ Lễ Lý Văn Tuấn làm Sứ thần đến An Nam tuyên bố chỉ dụ.”[3] An Nam Chí Lược, quyển 3.

Ngoài ra trong năm Thiệu Long thứ 4 [1261], Toàn Thư chép tiếp các sự kiện sau đây:

Mùa xuân, tháng 2, chọn đinh tráng các lộ làm lính; còn thì sung làm sắc dịch các sảnh, viện, cục và đội tuyển phong các phủ, lộ, huyện.

Thi lại viên bằng viết chữ và làm tính. Người đỗ sung làm duyên lại nội lệnh sử. Các ty thái y, thái chúc, khảo thi những người tinh thông nghề mình để bổ các chức.

Tháng 6, cho Chiêu Minh Đại Vương Quang Khải làm Thái úy. Bấy giờ, anh vua là Quốc Khang lớn tuổi hơn, nhưng tài năng tầm thường, nên phong Quang Khải làm tướng.”

Năm Thiệu Long thứ 5 [1262], vào tháng 2, Thượng hoàng Trần Thái Tông ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư,[4] đàn bà được hai tấm lụa. Đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cũng gọi là Trùng Quang; xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này. Do đó, đặt sắc dịch hai cung để hầu hạ, lại đặt quan lưu thủ để trông coi.

Tháng 3, xuống chiếu cho các quân chế tạo vũ khí, chiến thuyền. Quân thủy, lục tập trận ở chín bãi phù sa sông Bạch Hạc.

Tháng 9, soát lại tù tội, kẻ nào khi giặc Bắc sang mà đầu hàng quân Nguyên thì không tha.

Chiêm thành sang cống.

Tháng 11, nước Nguyên sai bọn Mã Hợp Bộ, 10 người sang hỏi về lễ khánh hạ.

Riêng Nguyên Sử chép về sự giao thiệp giữa nhà Nguyên và An Nam trong năm này như sau:

Ngày Kỷ Vị tháng 9 năm Trung Thống thứ 3 [10-11/1262], Trần Quang Bính nước An Nam sai sứ cống phương vật….Ban cho An Nam Quốc vương Trần Quang Bính, cùng Đạt lỗ hoa xích[5] Nột Thứ Đinh hổ phù[6].”[7]Nguyên Sử, quyển 5, Bản Kỷ thứ 5: Thế Tổ.

Năm Thiệu Long thứ 6 [1263]. Tháng Giêng, sai Điện tiền chỉ huy sứ Phạm Cự Địa và Trần Kiều sang nhà Nguyên. Vua Nguyên xuống chiếu ưu đãi, cho 3 năm một lần cống.

Tháng 4, cho Lê Cư làm trại chủ Thanh Hoá.

Tháng 7, Trần Thủ Độ đi tuần các nguồn sông ở Lạng Sơn.

Tháng 9, có bệnh dịch.

Thổ quan phủ Tư Minh[8] nước Tống là Hoành Bính dâng sản vật địa phương và đem 1200 bộ thuộc sang quy phụ.

Năm Thiệu Long thứ 7 [1264]. Tháng Giêng, Thái Sư Trần Thủ Độ mất, Toàn Thư chép về thân thế sự nghiệp của ông như sau:

Thái sư Trần Thủ Độ chết thọ 71 tuổi, truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Thủ Độ tuy không có học vấn, nhưng tài lược hơn người, khi làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Vua Thái Tông lấy được cơ nghiệp cho nhà Trần đều nhờ mưu sức của ông cả. Vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông khóc mà nói rằng:

‘Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?

Thái Tông lập tức lệnh xe ngự đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời:

‘Đúng như những lời hắn nói.

Rồi lấy ngay tiền lụa thưởng cho người ấy. Linh từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, về dinh khóc bảo Thủ Độ:

‘Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế.

Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói:

‘Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì nữa.

Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về. Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu, quốc mẫu xin riêng cho một người làm Câu đường.[9] Thủ Độ gật đầu, rồi ghi họ tên quê quán của người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi tên mỗ ở đâu, người đó mừng rỡ; bèn bảo hắn:

‘Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví những Câu đường khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác’.

Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám đến nói về việc riêng nữa.

Thái Tông có lần muốn cho người anh của Thủ Độ là An Quốc làm Tể tướng. Thủ Độ tâu:

‘An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc. Nếu anh em đều làm Tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?’.

Vua bèn thôi.

Thủ Độ tuy làm Tể tướng, nhưng mọi việc không việc gì không để ý. Vì thế đã giúp nên vương nghiệp và giữ được tiếng tốt cho đến lúc mất. Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết vua Lý và thông dâm với Hoàng hậu thì không thể lẩn tránh được.” Toàn Thư, bản kỷ, quyển 5.

Tháng 3, lấy Khâm Thiên Đại Vương Nhật Hiệu làm Tướng quốc thái úy, nắm chung việc nước. Vua cho Nhật Hiệu làm Thái sư, nhưng Nhật Hiệu cố ý từ chối không nhận vì xấu hổ về việc trước đó lúc quân Mông Cổ xâm lăng, đã viết chữ “nhập Tống” lên mạn thuyền. Vua tuy bằng lòng cho ông không nhận chức Thái sư, nhưng lại ban thêm hai chữ “Tướng quốc”, thành “Tướng quốc thái úý“.

Bấy giờ lãnh thổ Trung Quốc chia đôi, Nguyên Mông và nhà Tống tiếp tục tranh giành; triều Tống đóng đô tại Lâm An tỉnh Chiết Giang. Nhà Trần chủ trương liên lạc ngoại giao với cả hai phe, nên vẫn tiếp tục giữ lễ cống với triều Tống:

Ngày Ất Vị tháng 5 Tống Lý Tông Cảnh Định thứ 5 [17/6/1264], An Nam dâng biểu tiến sản vật địa phương, chiếu ban từ khước; vẫn đáp lại hậu hỉ để tưởng lệ sự cung thuận.”[10] Tục Tư Trị Thông Giám quyển 177.

Năm Thiệu Long thứ 8 [1265]. Tháng 2, nước Chiêm Thành sai sứ sang cống.

Tháng 3, đổi ty Bình bạc[11] ở Kinh sư làm Đại an phủ sứ. Theo chế độ trước, An phủ sứ khởi đầu trị nhậm các lộ, đủ lệ khảo duyệt thì vào làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, lại đủ lệ khảo duyệt nữa thì bổ làm việc ở Thẩm hình viện, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư.

Tháng 7, nước to, vỡ đê ở phường Cơ Xá gần cầu Long Biên hiện nay. Người và súc vật bị chết đuối nhiều.

Riêng Nguyên Sử chép, vào tháng 7 năm này nước ta sai Sứ đến cống:

Ngày Quí Hợi tháng 7 năm Chí Nguyên thứ 2 [8/9/1265] Quốc vương An Nam Trần Quang Bính sai sứ dâng biểu và đến cống. Chiếu ban cho Quang Bính lịch năm Chí Nguyên thứ 3.”[12] Nguyên Sử, Bản Kỷ quyển 6.

Năm Thiệu Long thứ 9 [1266]. Tháng giêng, sứ thần Chiêm Thành là Bố Tin, Bố Hoằng, Bố Đột đến cống.

Tháng 2, nhà Nguyên sai Nậu Lạt Đinh[13] sang bảo:

Trước kia, ta đã sai sứ sang thông hiếu, kẻ thừa hành u mê không cho sứ trở về,[14] do đó mới có việc dụng binh năm trước[15]

Vua sai Dương An Dưỡng và Vũ Hoàn sang Nguyên đáp lễ.

Tháng 2, thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới đến núi Ô Lôi do đó biết được kỳ hạn quân Nguyên sẽ sang xâm lược.

Tháng 3, mở khoa thi chọn học trò, Ban đỗ kinh trạng nguyên Trần Cố, trại trạng nguyên Bạch Liêu; bảng nhãn (khuyết tên họ); thám hoa lang Hạ Nghi; thái học sinh 47 người, xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Liêu người Nghệ An, thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch. Bấy giờ, thượng tướng Quang Khải coi Nghệ An, Liêu làm môn khách mà không làm quan.

Tháng 10, xuống chiếu cho vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang; Vương hầu có điền trang bắt đầu từ đấy.

Năm Thiệu Long thứ 10 [1267]. Tháng 2, Chiêm Thành sang cống.

Tháng 3, định ngọc diệp; phái chính dòng họ vua các vương hầu, công chúa được tập ấm, gọi là “kim chi ngọc diệp”. Cháu 3 đời được phong tước Hầu hay Quận vương, cháu 4 đời được ban tước Minh tự, cháu 5 đời ban tước Thượng phẩm. Tước phong theo ngũ phục đồ.[16]

Tháng tư, chọn dùng nho sinh hay chữ sung vào quán, các, sảnh, viện. Bấy giờ Đặng Kế làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh trung thư lệnh, đều là nho sĩ văn học. Trước kia, không phải là hoạn quan thì không được giữ chức Hành khiển, chưa bao giờ dùng nho sĩ văn học. Bắt đầu từ đây, nho sĩ văn học mới giữ được quyền bính.

Tháng 5, phong em là Trần Ích Tắc làm Chiêu Quốc Vương. Toàn Thư chép về tư chất Ích Tắc như sau:

Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh hiếu học, thông hiểu lịch sử, lục nghệ, văn chương nhất đời. Dù nghề vặt như đá cầu, đánh cờ, không nghề gì không thông thạo; từng mở học đường ở bên hữu phủ đệ, tập hợp văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, đào tạo thành tài như bọn Mạc Đỉnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở Hồng Châu v.v . . . gồm 20 người, đều được dùng cho đời.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Tháng 8, xuống chiếu định quân ngũ, mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người, chọn người tôn thất giỏi võ nghệ, tinh binh pháp để chỉ huy.

Phong em là Nhật Duật làm Chiêu Văn Vương.

Bọn Dương An Dưỡng từ nước Nguyên trở về, mang theo luôn lễ vật của vua Nguyên đáp lại.

Hãy ôn lại lịch sử Nguyên Mông, sau khi Đại hãn Mông kha tử trận tại Tứ Xuyên vào năm 1259, Hốt Tất Liệt đang tranh chấp với nhà Tống tại hạ lưu sông Trường Giang bèn tạm hòa với Tống, rồi trở về phương bắc tranh quyền Đại hãn với em là Ha Lý Bất Ca [阿里不哥]. Năm 1264 Ha Lý Bất Kha đầu hàng, Hốt Tất Liệt xưng là Thế Tổ, đổi sang niên hiệu Chí Nguyên, trở lại phương nam chuẩn bị tấn công quân Tống tại phòng tuyến Tương Dương tại lưu vực sông Hán Thủy [Hồ Bắc, Hà Nam]. Đối với nước Đại Việt, nhà Nguyên không còn đối đãi một cách mềm dẽo hòa hoãn như trong chiếu thư ngày mồng 3 tháng 12 năm Trung Thống thứ nhất [1260]; chiếu thư mới đòi hỏi Vua nước Đại Việt phải thực hiện 6 điều:

Ngày Mậu Thân tháng 9 năm Chí Nguyên năm thứ 4 [13/10//1267], Quốc vương An Nam Trần Quang Bính sai sứ đến triều kiến, ban chiếu ưu đãi. Lại chiếu dụ nước An Nam: người đứng đầu nước phải vào chầu, đưa con em đến làm con tin, biên dân số cho quân dịch, nạp thuế; đặt quan Đạt lỗ hoa xích để cai trị.”[17] Nguyên Sử, quyển 6, Bản Kỷ thứ 6: Thế Tổ.

Tục Tư Trị Thông Giám của Tất Nguyên cũng chép tương tự:

Tục Tư Trị, quyển 178, Tống Độ Tông Hàm Thuần năm thứ 3 [1267]. Ngày Mậu Thân tháng 9 [13/10/1267], Quốc vương An Nam Trần Quang Bính sai Sứ cống Mông Cổ. Mông Cổ ban chiếu ưu đãi; lại sai Quân trưởng đến triều, con em vào làm con tin, lập danh sách dân làm lính, nạp thuế, đặt Đạt lỗ cát tề cai trị.”[18]

Riêng An Nam Chí Lược sao lại nguyên văn chiếu thư như sau:

Tháng 7 năm Chí Nguyên thứ 4 [1267] chiếu dụ An Nam. Thái Tổ Hoàng đế thánh chế: Phàm nước đến qui phụ, Quân trưởng thân đến triều cận, con em đến làm con tin, biên dân số để thi hành quân dịch, nạp phú thuế,đặt quan Đạt lỗ hoa xích để cai trị; làm mấy việc này để biểu lộ lòng thành sâu đậm. Ngươi nay đến cống chưa quá 3 năm 1 lần, lòng thành có thể thấy được; nên đem phép của tổ tông ta về lòng thành ra dụ. Vả lại việc Quân trưởng đến triều, con em vào cống, ghi sổ hộ tịch để định thuế, mang quân trợ giúp, từ xưa đã có lệ đó, nào phải mới đặt ra ngày hôm nay đâu! Nếu khanh làm đầy đủ mấy việc đó, thì Trẫm có việc gì phải nói nữa đâu. Nếu như chưa làm được Trẫm cũng không trách, chỉ mong khanh làm cho trọn vẹn thôi.

Hãy nêu lên một việc mang quân đi, không phải lo chinh phạt xa; chỉ nhân Sứ thần Dương An Dưỡng nói có mối lo về hai giặc Chiêm Lạp, Sơn Liêu; nếu như bọn chúng nội phụ thì có việc gì nữa đâu. Việc quân giao tranh có kẻ bảo rằng dễ, ch khi chúng không tuân mệnh mới đáng thảo phạt. Huống quân Vân Nam trú binh tại đó, khanh trợ giúp, việc thành công tâu lên cho biết, cư xử như người chung một nhà. Nay nghe Nạp Thứ Đan tâu tại nước ngươi có nhiều người Hồi Hột, nhưng cấm ước không cho giao tiếp đàm luận, nếu đúng như thế, thì cái lễ coi như người một nhà đáng như vậy ư! Cái nghĩa quân thần, coi như cha con; há lại có thần tử phản lại quân vương; nếu Trẫm không nói ra, thì chưa đem hết lòng thành đãi khanh; đáng suy nghĩ kỹ để trước sau đều được tốt đẹp.[19] An Nam Chí Lược, quyển 2, Đại Nguyên Chiếu Chế.

Năm Thiệu Long thứ 11 [1268]. Tháng Giêng, vua Trần Thánh Tông nói với tôn thất rằng:

Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quý với anh em trong họ. Tuy bên ngoài có một người ở ngôi tôn, được cả thiên hạ phụng sự, nhưng bên trong thì ta với các khanh là đồng bào ruột thịt. Lo thì cùng lo, vui thì cùng vui. Các khanh nên truyền những lời này cho con cháu để chúng đừng bao giờ quên, thì đó là phúc muôn năm của tông miếu xã tắc“.

Đến đây, xuống chiếu cho các vương hầu tôn thất, khi bãi triều thì vào trong điện và lan đình Vua cùng ăn uống với họ. Hôm nào trời tối không về được thì xếp gối dài, trải chăn rộng, kê giường liền cùng ngủ với nhau để tỏ hết lòng yêu quý nhau. Còn như trong các lễ lớn như triều hạ, tiếp tân, yến tiệc thì phân biệt rõ ngôi thứ, cấp bậc cao thấp. Vì thế, các vương hầu thời ấy không ai là không hòa thuận, kính sợ và cũng không phạm lỗi khinh nhờn, kiêu căng.

Tháng 6, đại hạn. Ngoại thích là Lý Cát phạm tội ngồi vào ngai vua ở điện Thiên An. Khi xét hỏi trị tội thấy hắn có chứng điên, bèn đánh trượng rồi tha.

Tướng quốc thái úy Nhật Hiệu chết, thọ 44 tuổi, truy tặng Tướng quốc thái sư.

Tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng. Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói:

Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn mà chú hai cũng muốn cướp lấy chăng?”.

Thượng cả cười nói:

Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau“.

Khen ngợi hồi lâu rồi Thượng hoàng cho Tĩnh Quốc chiếc áo ấy; trong chỗ cha con, anh em hòa thuận vui vẻ.

Với ý định bắt triều đình nước ta thực hiện việc giúp quân đã ghi trong chiếu chỉ năm trước [1267], Vua Nguyên đưa chiếu dụ mới đòi hỏi trợ giúp quân đóng tại Vân Nam:

Ngày Kỷ Sửu [1268], chiếu dụ Quốc vương An Nam Trần Quang Bính: Có lời tâu rằng hai bọn cướp Chiêm Thành, Chân Lạp đến quấy phá; đã dụ ngươi điều binh, cùng với các nước không gây hấn đồng đánh dẹp. Nay lại mệnh cho Vân Nam vương Hốt Ca Xích cầm quân xuống phương nam. Khanh hãy tuân theo chiếu chỉ trước, gặp bọn phản loạn không chịu đến sân đình triều cống thì thẳng tay đánh dẹp, kẻ hàng phục thì tìm cách chiêu phủ.”[20] Nguyên Sử, Bản Kỷ thứ 6: Thế Tổ.

————-

[1] …十二月丙申,以禮部郎中孟甲、禮部員外郎李文俊使安南,大理.

[2] 中统元年十二月初三日世祖圣德神功文武皇帝㫖谕安南国陈诏.我祖宗以武功创业文德未修朕纉承丕绪鼎新革故抚绥万邦遂以庚申岁建元为中统元年诞敷诏赦次.第颁行其不泄迩不忘逺诚之所在事有未遑也适大理寺臣安抚职聂陌丁驰驿表闻尔邦向风慕义之诚及念卿在先朝已归欵臣附逺贡方物故颁诏㫖遣礼部郎中孟甲充安南宣谕使礼部员外郎李文俊充副使谕尔国官僚士庶凡衣冠典礼风俗百事一依本国旧例不须更改况髙丽比遣使来请已经下诏悉依此例除戒云南等处边将不得擅兴兵甲侵掠疆埸挠乱人民卿国官僚士民各宜安堵如故故兹诏示念宜知悉.

[3] 丁巳年安南始臣附天朝世祖皇帝即以庚申嵗建元为中綂元年安南国王陈日[]遣使上表称贺贡方物明年诏封陈光昺为安南国王遣礼部郎中孟甲礼部员外郎李文俊充安南宣谕使.

[4] Tư: Quan chức đời xưa, mỗi cấp bậc chia làm nhiều tư, đủ số tư nhất định thì thăng một cấp.

[5] Đạt lỗ hoa xích: chức quan do Mông Cổ đặt ra, có nghĩa như chưởng ấn, trưởng quan.

[6] Hổ phù: một loại binh phù để điều binh khiển tướng thời xưa, khắc hình con cọp.

[7] 安南國陳光丙遣使貢方物。…授安南國王陳光丙及達魯花赤訥剌丁虎符。

[8] Tư Minh: tức huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây; lúc này phần đất Ninh Minh do nhà Tống kiểm soát sắp bị Nguyên Mông thôn tính, nên dân bỏ đi.

[9] Câu đương: chức dịch trong xã, giữ việc bắt bớ, giải tống.

[10] 乙未,安南表進方物,詔卻之,仍厚賚以獎恭順.

[11] Ty bình bạc: Cương Mục, Chính biên, quyển 6 chú là: chức kinh doãn, chuyên xét đoán việc kiện tụng ở kinh thành.

[12] 安南國王陳光丙遣使奉表來貢。甲子,詔賜光丙至元三年歷。

[13] Nậu Lạt Đinh: Nguyên Sử phiên âm là Nột Thứ Đinh.

[14] Chỉ lần xâm lược Đại Việt năm 1258, nhà Nguyên sai sứ sang doạ nạt, yêu sách. Nhà Trần đã bắt giam bọn chúng.

[15] Chỉ lần tiến quân xâm lược Đại Việt năm 1258 của quân Nguyên do Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy.

[16] Ngũ phục: tức là đồ dẫn về tang phục theo 5 bậc, ứng với quan hệ gần xa đối với người chết.

[17] …安南國王陳光丙遣使來貢,優詔答之。…又詔諭安南國,俾其君長來朝,子弟入質,編民出軍役、納賦稅,置達魯花赤統治之。

[18] 安南國王陳光昺遣使貢於蒙古,優詔答之。又俾其君長來朝,子弟入質,編民出軍,投納賦稅,置達嚕噶齊統治之。

[19] 至元四年七月谕安南诏太祖皇帝圣制凡有归附之国君长亲朝子弟入质编民数出军役输纳税赋仍置达噜噶齐统治之以数事请表来附之深诚也卿今来贡不逾三年之期其诚足知故告以我祖宗之法亦以诚谕也且君长来朝子弟入质籍民定赋出军相助古亦有之岂今日创为之哉卿能备行数事朕复何言彼卒未能朕亦不责卿行而全之也畧举出军一事无以征行逺戍为虑但来使杨安养称有占腊山獠之患彼二寇如能内附复有何事交兵之道孰以为易倘不用命必当讨伐况云南之驻兵于彼汝即助军以成其功又当来奏尝有一家之言今闻纳喇丹在彼中多有回鹘禁约不使交谈果如所言一家之礼岂有如是耶君臣之义实同父子岂有臣子而背其君父者耶朕若不言是又不以诚待卿也当熟思以全终始之好.

[20] …詔諭安南國陳光丙:「來奏稱占城、真臘二寇侵擾,已命卿調兵與不幹並力征討,今復命雲南王忽哥赤統兵南下,卿可遵前詔,遇有叛亂不庭為邊寇者,發兵一同進討,降服者善為撫綏。」