Đại Việt dưới thời Vua Trần Nhân Tông (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Niên hiệu: Thiệu Bảo: 1279-1284; Trùng Hưng:1285-1292

Vua tên húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh ngày 11 tháng 11 năm Nguyên Phong năm thứ 8 [1258]. Vua tinh thần sáng suốt thông tuệ, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng; cáng đáng việc lớn thành công, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 10 năm, thọ 51 tuổi, băng tại am Ngọa Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng; với bản tính nhân từ hòa nhã, cố kết lòng người, thực là đứng minh quân.

Năm Thiệu Bảo thứ 1 [1279]; vào ngày mồng 1, tháng Giêng, đổi niên hiệu là Thiệu Bảo, đại xá. Nước Chiêm Thành sai Chế Năng, Tra Diệp sang cống; bọn Chế Năng xin ở lại làm nội thần, nhưng vua không nhận. Lập bà phi Trần thị làm hoàng hậu.

Năm này quân Nguyên đánh úp quân Tống tại Nhai Sơn, thuộc huyện Tân Hội, tỉnh Quảng Đông. Tống thua, Tả thừa tướng Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết; hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên trên mặt biển; xác vua Tống cũng ở trong số đó; năm ấy nhà Tống mất.

Nhân việc Tống mất, Nguyên Mông lại càng đè nặng áp lực đối với nước ta, sai Sứ giả Sài Xuân đến sách hạch đủ điều:

Ngày Nhâm Tý tháng 11 năm thứ 16 [13/12/1279], sai Thượng thư bộ Lễ Sài Xuân, cùng Sứ thần An Nam Thôn [Đỗ] Trung Tán đến dụ Thế tử An Nam Nhật Huyễn [Trần Thánh Tông],[1] trách việc không đích thân đến triều.”[2] Nguyên Sử, Bản Kỷ thứ 10, Thế Tổ.

An Nam Chí Lược của Lê Trắc chép chi tiết hơn, cho biết khi Sài Xuân đến đòi hỏi sang chầu, Vua bèn sai chú là Trần Di Ái sang thay; Nguyên Thế tổ bèn phong Di Ái làm An Nam Quốc vương:

Năm Chí Nguyên thứ 16 (1279) giữ lai Sứ Trịnh Đình Tán không cho về, lại sai Sài Xuân dẫn Đổ Quốc Kế trở lại An Nam dụ Thế  tử sang chầu. Thế tử lấy cớ tật từ chối. Sài công lấy lý căn vặn, Thế tử sợ bèn sai chú là Trần Di Ái thay mặt sang chầu. Thiên tử cho rằng Thế tử mượn cớ “tật”, bèn phong Trần Di Ái làm An Nam Quốc vương.”[3] An Nam Chí Lược, quyển 3, Đại Nguyên phụng sứ.

Năm Thiệu Bảo thứ 2 [1280]; vào tháng Giêng thống nhất cả nước việc đo lường; ban thước gỗ, thước lụa cùng một kiểu.

Tháng 2, xét duyệt sổ đinh và các sắc dịch trong nước.

Tháng 10, được mùa to; lúa ruộng ở Trà Kiều thuộc Khoái Lộ [Hưng Yên] một giò 2 bông.

Em viên trọng thần Đỗ Khắc Chung là Đỗ Thiên Thư kiện nhau với người, tình lý đều trái. Người bị kiện bèn đón xa giá để kêu bày. Vua hỏi quan xử kiện. Viên quan đó trả lời:

Án xử đã xong, nhưng hình như quan thoái thác không chịu chuẩn định đó thôi“. Vua nói:

Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy“.

Đang trên đường đi, nhà Vua lập tức sai Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức kiểm pháp quan để chuẩn định, thì Thiên Thư quả thực là trái.

Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang [bắc Sơn Tây, Phú Thọ] làm phản. Vua sai Chiêu Văn Vương Nhật Duật đi dụ hàng. Bấy giờ, Nhật Duật coi đạo Đà Giang, ngầm đem quân thuộc hạ đến gặp. Trịnh Giác Mật sai người đến quân doanh, bày tỏ lòng thành:

Mật không giám trái mệnh. Nếu ân chúa một mình một ngựa đến thì Mật xin hàng“.

Nhật Duật nhận lời, chỉ đem 5, 6 tiểu đồng cùng đi. Quân sĩ ngăn lại, Nhật Duật nói:

Nếu nó giáo giở với ta thì triều đình còn có vương khác đến“.

Khi tới trại, người Man dàn vây mấy chục lớp và đều cầm đao thương chĩa vào phía trong. Nhật Duật đi thẳng vào, trèo lên trại. Mật mời ông ngồi. Nhật Duật thạo biết tiếng nói và am hiểu phong tục của nhiều nước, cùng ăn bốc, uống bằng mũi với Mật. Người Man thích lắm. Khi Nhật Duật trở về, Mật đem gia thuộc đến doanh trại đầu hàng. Mọi người đều vui lòng kính phục vì không mất một mũi tên mà bình được Đà Giang. Đến khi về kinh sư, Nhật Duật đem Mật và vợ con hắn vào chầu, vua rất khen ngợi ông. Sau đó, vua cho Mật về nhà, giữ con hắn ở lại kinh đô. Nhật Duật mến nuôi hết lòng, xin triều đình ban tước thượng phẩm và cho vào trông ao cá, sau cũng cũng cho về nhà.

NămThiệu Bảo thứ 3 [1281], ngày 29 tháng giêng, Hoàng tử Quốc Chẩn sinh.

Lập nhà học ở phủ Thiên Trường [Nam Định], cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học. Lệ cũ nhà Trần, quân sĩ Thiên Thuộc không được học tập văn chương nghệ thuật, vì sợ khí lực kém đi.

Trần Di Ái thay mặt nhà Vua đi sứ vào năm 1279, Nguyên Thế Tổ phong Di Ái làm An Nam Quốc Vương, dùng Sài Xuân mang quân hộ tống về nước; với thủ đoạn dùng áp lực chính trị để thay đổi chính quyền, nhưng mọi việc đều thất bại; sau đó Sài Xuân được mời vào nước ta. Vì thất bại, Xuân biết sẽ bị Vua Nguyên trừng phạt lúc trở về nước; nên thái độ của y lúc này tức giận, lồng lộn như kẻ điên dại:

Sai chú họ là Trần Di Ái tức Trần Ải và Lê Mục, Lê Tuân sang Nguyên.

Nhà Nguyên lập Di Ái làm Lão hầu, cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân làm Thượng thư, lại sai Sài Xuân đem 1000 quân hộ tống về nước. Xuân ngạo mạn vô lễ, cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Quân sĩ Thiên Trường ngăn lại, Xuân dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Đến điện Tập Hiền, thấy giăng bày màn trướng, hắn mới chịu xuống ngựa. Vua sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp. Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm cái tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Việc phá tan âm mưu của Nguyên Thái Tổ dùng Trần Di Ái làm bù nhìn, thuộc loại bí mật quốc gia nên Toàn Thư chép vắn tắt không rõ; hãy tham khảo thêm Nguyên SửAn Nam Chí Lược để tìm ra manh mối. Nguyên Sử chép trong dịp đem Di Ái về nước, Vua Nguyên phong Di Ái làm An Nam quốc vương, thay đổi hổ phù, cấp kinh phí và cấp quân hộ tống:

Ngày Kỷ Hợi tháng 10 [19/11/1281] nghị bàn phong An Nam Vương hiệu, đổi hổ phù ban cho An Nam khắc bằng chữ Uý Ngô [Duy Ngô Nhĩ][4] thành hổ phù khắc bằng chữ của nước nhà [chữ Hán]; vẫn giáng chiếu cho nước An Nam lập chú Nhật Huyễn là Di Ái làm An Nam Quốc vương… Ngày Đinh Vị [17/11], Đặt Tuyên uỷ ty tại nước An Nam, dùng Đạt lỗ hoa xích lộ Bắc Kinh, Bột Nhan Thiếp Mộc Nhi làm Tham tri chính sự Đô nguyên soái Tuyên uỷ sứ An Nam, đeo hổ phù; Sài Xuân, Hốt Ca Nhi làm phó; cấp vạn đỉnh tiền, đến Hành tỉnh Hà Tây để chuẩn bị kinh phí…. Khi An Nam Quốc vương Trần Di Ái vào An Nam, cho 1.000 quân tân phụ [quân Tống mới theo] hộ tống.”[5]Nguyên Sử, quyển 11, Bản Kỷ thứ 11: Thế Tổ.

An Nam Chí Lược sao nguyên văn bản chiếu thư do Sài Xuân mang đến nội dung dùng Di Ái làm bù nhìn thay ngôi Vua, với tham vọng đô hộ nước ta bằng áp lực chính trị:

Chiếu thư năm Chí Nguyên thứ 18 [1281].

Mới đây ngày Vương An Nam Trần Quang Bính còn sống, từng đem việc tổ tông ta chiếu theo lệ chiêu phủ dân man 6 điều ra dụ; nhưng cha ngươi chưa từng thi hành. Lúc cha ngươi mất, ngươi không xin mệnh mà tự lập; sai Sứ gọi, lấy cớ không đến. Nay lại lấy cớ bệnh tật, trái với Trẫm mệnh; chỉ ra lệnh chú ngươi là Di Ái đến triều cận. Muốn mang quân đánh dẹp, nhưng vì nước ngươi nội phụ triều cống đã lâu; chỉ vì muốn dạy một kẻ vô tri như ngươi, lại hại đến sinh mệnh dân chúng. Nay ngươi xưng tật bệnh không đến triều, cho ngươi tự lo thuốc thang; lập chú ngươi là Di Ái thay ngươi làm Quốc vương An Nam, cai trị dân chúng. Quan lại dân chúng trong nước yên với nghề nghiệp, không có gì lo sợ. Kẻ nào cùng dân chúng có mưu đồ khác, khi đại binh thâm nhập, giết hại sinh mệnh thì đừng oán; vì đó là lỗi của các ngươi. Nay dụ quan lại tông tộc An Nam.”[6] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên Chiếu Chế.

Đây là một âm mưu lớn nhắm lật đổ chính quyền tại nước ta mà không cần dùng binh chinh phạt, trọng trách nằm trên vai Sứ giả Sài Xuân; nên lúc khởi hành triều đình nhà Nguyên ra lệnh cho các quan trong viện Hàn Lâm làm thơ văn tống tiễn để khích lệ tinh thần y. Viên Hàn Lâm Lý Thụ Ích làm bài Tự, ví sự thành công cùa Sài Xuân sẽ rạng danh trong lịch sử Trung Quốc, chẳng khác gì các Lục Giả, Chung Quân từng đi sứ đến nước Nam Việt thời Hán:

An Nam Chí Lược, quyển 18:

Bài tự của Hàn lâm Lý Thụ Ích tống tiễn Sứ thần Sài Trang Khanh.

Vào năm Chí Nguyên thứ 15 [1278], Quốc vương An Nam dâng biểu tâu rằng bị lân bang quấy nhiễu nên chưa có thể đến triều cận được, Vương mất, Thế tử tự lên ngôi mà không xin mệnh; triều đình bàn định sai Sứ đến hạch hỏi, nhưng khó chọn được người giỏi. Gặp dịp Sài công Trang Khanh từ An Sứ Kim Xỉ đất Vân Nam đến, Đại thần tiến cử là người tài, Thiên tử bèn triệu đến gặp. Cha anh công đều là cựu thần, lời lẽ công khẳng khái, quen phong thổ xứ này; nên lập tức trong ngày được phong chức Thượng thư bô Lễ phụng sứ; lại ban cho áo gấm, cung, tên, yên ngựa để tỏ lòng sủng ái. Trang Khanh đến An Nam tuyên bố ý Thiên tử, ra chỉ dụ 2, 3 lần nhưng vẫn chấp mê không chịu đến triều cận. Thiên tử không nỡ dùng binh, ban chiếu dụ đòi đến; 3 năm 3 lần đi lại, vào năm này chỉ cho Trần Di Ái là chú của Thế tử đến. Thiên tử phán Thế tử chống mệnh, chứ người trong nước nào có lỗi gì; hãy lập Di Ái để chiêu phủ dân này. Bèn ban mệnh, vẫn sai Trang Khanh làm Tuyên ủy đô nguyên soái, dùng binh lính đem Di Ái trở về nước. Lúc sắp khởi hành các vị Hàn lâm đều làm thơ tiễn. Kẻ hèn này lạm dự chức Hàn lâm, phàm chiếu thư chỉ dụ cùng biểu chương cũng được nghe; bèn làm bài tự về việc này để tống tặng. Nên có lời rằng từ xưa không phải riêng tài giỏi là khó, mà kẻ tìm ra người tài cũng không dễ; nay Thiên tử biết Trang Khanh là tay biện luận giỏi, kiến thức cao, đảm nhiệm trọng trách, đi sứ 4 phương, không nhục mệnh vua, nên gửi ra ngoài cửa khổn, giao việc nơi tuyệt vức; phạm việc quân được toàn quyền chuyện chế. Lại có thêm Lý công Chấn Văn lãnh chức phó; ý kiến của Lý công không thẹn với sự kỳ vọng của chư công; việc tuần phủ chiêu thảo đang được thi hành. Tôi mấy ngày đứng đợi ông tại cửa kinh đô mừng rằng kể từ nay trong lịch sử không còn riêng Chung Quân[7] và Lục Giả[8] được tiếng khen như trước kia nữa.”[9] An Nam Chí Lược quyển 18.                  

Khi phái đoàn Sài Xuân đến Bằng Tường thị tại biên giới Việt – Trung, phía Đại Việt chần chừ không chịu nhận. Đây là hành động bất thường, muốn kéo dài thời gian để lập mưu, người xưa gọi là “dục hoãn cầu mưu”; rồi chính tại Bằng Tường thị, Di Ái đã bỏ trốn. Với những sự kiện này, người nghiên cứu sử có thể suy luận rằng thời gian chần chừ tại Bằng Tường hết sức quan trọng; đó là lúc gián điệp Đại Việt cố tìm cách liên hệ với Trần Di Ái, tìm cách bí mật trốn thoát ra khỏi sự khống chế của Sài Xuân. Sự việc xảy ra trên đất Trung Quốc, nhà Nguyên không có bằng chứng để trách cứ; và việc Di Ái hợp tác trốn thoát, chứng tỏ ông cũng là người yêu nước. Sau đây là những sử liệu chứng minh:

– Thứ nhất là thư của Sài Xuân gửi cho Vua nước ta từ Bằng Tường, trách việc chần chừ không chịu đón tiếp phái đoàn:

Năm Chí Nguyên thứ 19 [1282] Hành An Nam tuyên ủy sứ ty Đô nguyên soái Sài Trang Khanh phúc đáp thư của Thế tử nước An Nam.

Bản Ty nhận thánh chỉ đến nước ngươi với nhiệm vụ phủ dụ biên cảnh, an ủi nhân dân, tình nghĩa như người trong một nhà, không có điều gì khác. Số quân mang theo chỉ là lính phục dịch, không phải để chinh phạt chiến đấu. Sợ nước ngươi không hiểu được ơn Thiên tử, không rõ tại sao đến nên sinh ra kinh sợ, đưa đến chỗ lo lắng nghi ngờ. Bởi vậy khi đến Tĩnh Giang[10] sai Lê Trung Tán đi trước hiểu dụ về mỹ ý khoan tuất của triều đình; lại nhắc chuẩn bị ngựa, quân lương, dân phu, chiếu lệ nghênh đón tại biên giới.

Ngày 16 tháng 3 bản Ty xuống ngựa đợi tại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, tại biên giới tỉnh Quảng Tây và tỉnh Lạng Sơn nước ta] đến ngày 20 chỉ thấy Lê Văn Túy mang thư tới xin hn để thương nghị. Như vậy là không biết ngày hẹn đến nghênh đón, hoặc trong lòng còn nghi kỵ chưa có được chút lòng thành. Nếu vậy lời kẻ phụng sứ trước kia là giả dối cả hay sao? Nếu cho đó là có lòng thành, thì làm sao xảy ra sự việc ngày hôm nay! Đến như việc có ích hoặc vô ích cho Thế tử cùng trăm họ thì sau khi ban chiếu chỉ sẽ rõ. Lúc này ngòai việc ước thúc quân lính không quấy nhiễu dân chúng, còn sai viên Kinh lịch cùng Lệnh sử Vương Lương cưỡi ngựa đi trước kiểm soát số ngựa, quân lương, dân phu; hẹn trong vòng 6 ngày phải có đầy đủ tại Vĩnh Bình; nếu còn trái hẹn nữa thì sẽ quay xe trở về để Thiên triều có cách đối xử khác. Riêng nghĩ rằng quí quốc đã qui phụ hơn mười năm nay rồi, nay chống đối lại, điều hại sẽ đến theo; chẳng lẽ không xét tới sao? (Lúc này Sài công phụng sứ, mang quân đưa Trần Di Ái về nước, người trong nước không chịu nhận; Lê Trắc chú )[11] An Nam Chí Lược, quyển 5.

– Thứ 2, mục “Đại Nguyên Phụng Sứ”, An Nam Chí Lược chép rằng tại Bằng Tường Trần Di Ái bỏ trốn; sau đó triều đình nước ta mời Sài Xuân vào nước:

Năm Chí Nguyên thứ 18 (1281) gia phong Sài Xuân chức Hành An Nam Tuyên Ủy Đô Nguyên soái, Lý Chấn Phó soái lãnh binh đưa Di Ái về nước, lại sai Bất Nhãn Thiếp Mộc Nhi làm Đạt Lổ Hoa Xích. Khi đến biên giới tại Vĩnh Bình [Bằng Tường thị, Quảng Tây], người nước nầy không chịu nhận; Di Ái sợ, ban đêm bỏ trốn. Sau đó Thế tử sai bồi thần đón Sài Xuân vào trong nước để ban chỉ dụ.”[12] An Nam Chí Lược, quyển 3, Đại Nguyên Phụng Sứ.

– Thứ ba, trong cuộc đàm thoại giữa Vua Trần Nhân Tông và Sứ giả Trung Quốc Thượng thư Trương Lập Đạo; nhà Vua bảo rằng Quốc thúc Trần Di Ái đi đâu mất tích, chứ nước Đại Việt không giết:

Chiếu thư của Thiên tử kết tội bản quốc giết Quốc thúc,[13] đuổi Sứ thần, chống lại Vương sư[14] nên chưa xá tội. Quốc thúc do cha Cô sai sang chầu Thiên tử, Thiên tử phong Quốc thúc tước Vương, Quốc thúc sợ hãi không biết đi đâu, chớ không phải do nước Cô giết. …”[15] An Nam Chí Lược, quyển 3, Trương Thượng thư hành lục.

– Thứ tư, sử Đại Việt xác nhận vào tháng 4 năm Thiệu Bảo thứ 4 [1282] Trần Di Ái về nước, và bị tội đồ tại Thiên Trường [Nam Định]:

Mùa hạ, tháng 4, bọn Trần Di Ái đi sứ về nước.

Tháng 6, trị tội bọn phán thủ Trần Ải [Toàn Thư chú Trần Di Ái]. Ải phải đồ làm khao giáp binh Thiên Trường.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 5.

Năm Thiệu Bảo thứ 4 [1282], tháng 2, nước Chiêm Thành sai bọn Bố Bà Ma Các một trăm người, sang dâng voi trắng.

Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô [tức sông Hồng]. Vua sai Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên làm bài văn ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua cho việc này giống như việc của Hàn Dũ,[16] bèn ban tên gọi là Hàn Thuyên. Thuyên lại giỏi làm thơ phú quốc ngữ. Thơ phú nước ta dùng nhiều quốc ngữ, thực bắt đầu từ đấy.

Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than[17] đóng ở vũng Trần Xá[18] họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu.

Lấy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân.

Lần trước, quân Nguyên vào cướp, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam.[19] Sau đó, đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân nếu không phải là Hoàng tử thì không được phong; vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó; rồi từ trật hầu thăng mãi đến Tử phục thượng vị hầu. Sau Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thuỵ.

Bấy giờ Hưng Vũ Vương Nghiễn là con trai Quốc Tuấn, được lấy công chúa Thiên Thuỵ, lại có công đánh giặc. Vua sợ phật ý Quốc Tuấn, mới sai người đánh chết Khánh Dư ở Hồ Tây, nhưng lai dặn chớ đánh đau quá, để không đến nỗi chết. Ít lâu sau xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản không để lại cho một chút gì. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng bọn hèn hạ làm nghề bán than.

Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần:

Người kia chẳng phải là Nhân Huệ Vương đó sao?”.

Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi:

Ông lái ơi, có lệnh vua triệu“.

Khánh Dư trả lời:

Lão là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu“.

Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo:

Đúng là Nhân Huệ đấy, ta biết người thường tất không dám nói thế“.

Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá đến gặp vua. Vua nói:

Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi“.

Bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ; Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua. Đến đây, tháng 10, lại cho Khánh Dư làm Phó tướng quân.

Lại khi ấy, vua thấy Hoài Văn Hầu Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” [phá giặc mạnh, báo ơn vua]. Sau này, khi đối trận với giặc, tự mình xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không giám đối địch. Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước vương.

Lấy Thái úy Quang Khải làm Thượng tướng thái sư, Đinh Củng Viên làm Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ.

Nguyên Sử chép việc vào năm này [1282], sai Toa Đô cầm quân đánh Chiêm Thành:

Ngày Mậu Tuất tháng 6 năm thứ 19 [16/7/1282], Chiêm Thành vừa hàng phục vừa phản, bèn phát binh Hoài, Chiết, Phúc Kiến, Hồ Quảng 5.000 quân, hải thuyền 100 chiếc, chiến thuyền 250 chiếc; mệnh Toa Đô làm tướng đánh dẹp.”[20] Nguyên Sử, quyển 12, Bản Kỷ, Thế Tổ.

NămThiệu Bảo thứ 5 [1283], Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang dâng rùa vàng, hình dáng như con trai lớn, trên lưng có 7 ngôi sao, ngực có chữ “nhũng” bụng có chữ “Vương”.

Tháng 2, trị tội thượng vị hầu Trần Lão, cho Lão chuộc tội 1.000 quan tiền, đồ làm lính, lăng trì tên Khoáng là gia nô của Lão ở chợ Đông, vì tội làm thư nặc danh phỉ báng nhà nước.

Mùa thu, tháng 7, sai trung phẩm Hoàng Ư Lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương sang Nguyên, gặp Thái tử A Thai,[21] Bình Chương A Lạt,[22] ở Hồ Quảng [Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây] họp 50 vạn quân ở các xứ, định sang năm vào cướp nước ta.

Mùa đông, tháng 10, vua thân hành dẫn các vương hầu điều quân thủy bộ tập trận.

Tiến phong Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh quân đội toàn quốc, sai chọn các quân hiệu có tài chỉ huy, chia đi nắm giữ các đơn vị.

Sử Trung Quốc cũng xác nhận việc Sứ thần nước ta sang cống vào năm 1283:

Ngày Giáp Ngọ tháng 8 năm thứ 20 [5/9/1283], nước An Nam sai sứ mang sản vật địa phương đến cống….”[23] Nguyên Sử, quyển 12, Bản Kỷ, Thế Tổ.

Riêng An Nam Chí Lược chép việc phái đoàn nhà Nguyên sang đòi cho mượn đường đánh Chiêm Thành, nhưng thực chất mưu xâm lăng nước ta, nên nhà Vua cương quyết từ chối:

Năm Chí Nguyên thứ 20 (1283) dù Thế tử được gọi sang chầu nhiều lần nhưng vẫn không chịu triều yết, Thiên tử vẫn không nỡ dùng binh; bèn sai viên Hành Trung Thư Tỉnh Kinh Hồ và Chiêm Thành dụ An Nam cho mượn đường, cùng trợ giúp Toa Đô đánh Chiêm Thành. Lại ra lệnh Đạt Lổ Hoa Xích thuộc lộ Ngạc Châu đến dụ, nhưng Thế tử không tuân. Năm sau Trấn nam vương đem đại binh đến biên giới, Thế tử không chịu đón tiếp lại mang quân chống cự, bị thua.”[24] An Nam Chí Lược, quyển 3, Đại Nguyên Phụng Sứ.

—————

[1] Trần Thánh Tông: Lúc này vua Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho vua Trần Nhân Tông, nhưng không báo tin cho nhà Nguyên biết.

[2] …遣禮部尚書柴椿偕安南國使村中贊賫詔往諭安南國世子陳日烜,責其來朝。

[3] 至元十六年留來使鄭國瓉復命柴椿引杜國計還諭入覲世子以疾辭柴公以理詰難之世子懼遣族叔陳遺愛代覲上以有疾封陳遺愛為安南國王.

[4] Úy Ngô: Tên một nước thời Nguyên, tại Tây Vực, phía tây Trung Quốc; có lẽ là dân tộc Duy Ngô Nhĩ ngày nay.

[5] …冬十月…議封安南王號,易所賜安南國畏吾字虎符,以國字書之;仍降詔諭安南國,立日烜之叔遺愛為安南國王。…安南國置宣慰司,以北京路達魯花赤孛顏帖木兒參知政事,行安南國宣慰使,都元帥、佩虎符柴椿、忽哥兒副之。給鈔萬錠,付河西行省以備經費。…。以安南國王陳遺愛入安南,發新附軍千人衛送.

[6] 至元十八年詔.
曩安南國陳生存之日嘗以祖宗收撫諸蠻舊列六事諭汝父未嘗奉行汝父既殁汝不請命而自立遣使逺召托故不至今又以疾為辭故違朕命止令汝叔父遺愛入覲即欲興師致討縁爾内附入貢有年矣其可效爾無知之人枉害衆命爾既稱疾不朝今聽汝以醫藥自持故立汝之叔父遺愛代汝為安南國王撫治爾衆境内官吏士庶其各安生業毋自驚懼其或與汝百姓輒有異圖大兵深入戕害性命無或怨懟實乃與汝百姓之咎.

[7] Chung Quân: Sứ giả của vua Hán Vũ Đế đến dụ nước Nam Việt.

[8] Lục Giả: Sứ giả của Vua Hán Cao Tổ đến dụ Triệu Đà nước Nam Việt.

[9] 翰林學士李謙受益送尚書柴荘卿序
至元十五年安南國王上表以隣境侵虞不克躬覲王沒世子不請命而自立朝廷議遣使而難其人適金齒安使柴公荘卿自雲南至大臣薦其材上召問其父皆舊臣且辭意慷慨熟彼風土即日拜禮部尚書奉使仍賜錦衣弓矢鞍馬以寵其行荘卿至安南且宣上意開諭再三執迷不悟卒無來意荘卿歸上言不忍加兵詔諭兾一來三年三往返是歳入覲者陳遺愛國王之弟世子之叔父也上曰世子拒命國人何罪焉宜以遺愛立以撫綏其民乃授䇿命仍授荘卿宣慰使都元帥将兵衛遣遺愛還國将行翰林諸公皆作詩送之僕承乏翰林凡詔書申諭表章上來者皆與聞之遂為之叙其事而贈之言曰自古非有才之難而擇才之不易今
主上知荘卿純茂辯給?毅博洽許之以任重致逺使於四方不辱君命故敬寄以閫外委之以絶域凡師旅之事得以専制之而又以振文李公為之貳李君之意其無愧諸公期望之辭撫循招討實在兹行余數日候公於都門之外而賀曰終軍陸賈勿専美於前矣時至
元十八年十一月日.

[10] Tĩnh Giang : Nhà Nguyên lập Tĩnh Giang Lộ Tổng quản tại tỉnh Quảng Tây.

[11] 至元十九年行安南宣谕使司都元帅柴庄卿复书于安南世子执事

本司钦奉圣㫖前来本国勾当务欲抚镇边境安慰人民义均壹家事无他事所镇军数乃左右役使之卒非征伐战鬭之兵窃恐本国不喻圣恩未详来意而或自生惊惧妄致忧疑故至静之日先遣黎中散往谕朝廷寛恤安南之美意仍铺备马匹军粮人夫依例界首迎接当司已于三月十六日示平下马至二十日止有黎文粹持书来且欲缓其商量犹不明迎导之期良由包藏猜忌之心未委精诚之意且当年奉使宁有妄言推思曩者之诚可卜今日之事至若于世子百姓有益无益诏旨之后将自知之除已严行束约军吏无得侵扰百姓外今遣本司经歴官并令史王良驰驿前去㸃视本司官员一应合用驿马军粮人夫等事可限六日到来示平若复违期必须回辕闻奏天朝别听区处俱念贵国数十年前归附之勤造次失宜利害相从可不审欤庶烛焉不宣时遣公奉使就领军送陈遗爱还国国人弗纳.

[12] 至元十八年加授柴椿行安南宣慰都元帥李振副之 領兵送遺愛就國命布延特穆爾為達嚕噶齊至永 界國人弗納遺愛懼夜先逃歸世子遣陪臣迎柴公入朝諭㫖.

[13] Quốc thúc: chú Vua, chỉ Trần Di Ái.

[14] Vương sư: chỉ quân Vua Nguyên

[15] 天子詔書每謂本國叔逐天使拒王師之罪尚猶未捨本國叔先國 王遣入朝天子代訴天子封國叔為王國叔自懼.

[16] Hàn Dũ: người Trịnh Châu đời Đường, có tài văn thơ. Tương truyền khi làm quan ở Triệu Châu, thấy nơi đó có nhiều cá sấu, Hàn Dũ làm bài văn tế cá sấu ném xuống nước, cá sấu liền bỏ đi hết.

[17] Bình Than: đoạn sông Lục Đầu chảy qua huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương ngày nay.

[18] Vũng Trần Xá: có lẽ là chổ hợp lưu hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy; nơi này về sau vẫn còn xã Trần Xá.

[19] Thiên tử nghĩa nam: con nuôi của vua.

[20] 以占城既服復叛,發淮、浙、福建、湖廣軍五千、海船百艘、戰船二百五十,命唆都為將討之。

[21] A Thai: không có tên thái tử Nguyên nào là A Thai. Cương mục quyển 7 cho là sử Toàn Thư của ta lầm.

[22] A Lạt, hay A Lý Hải Nha, là phiên âm tên quan Bình chương nhà Nguyên A-ríc Kha-y-a (Ariq-Qaya)

[23] …安南國遣使以方物入貢.

[24] 至元二十年以世子累召不朝尚未加兵命荆湖占城等处行中书省谕安南假道助右丞索多征占城之役仍令鄂州路达噜噶齐赵翥往谕之世子不听明年镇南王大兵临境世子不迓率衆拒敌乃败.