24/12/1801: Nhà phát minh Richard Trevithick giới thiệu xe hơi nước

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Richard Trevithick introduces his “Puffing Devil”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1801, nhà phát minh người Anh Richard Trevithick đã cùng bảy người bạn tham gia chuyến đi thử nghiệm trên chiếc “Puffing Devil” hay “Puffer,” phương tiện chở khách chạy bằng hơi nước đầu tiên. Không giống như động cơ hơi nước do James Watt người Scotland chế tạo, thiết bị của Trevithick sử dụng “hơi nước mạnh” (strong steam) – tức là hơi nước ở áp suất rất cao (145 pound trên inch vuông, hay psi). Động cơ của Trevithick cũng cực kỳ linh hoạt: Chúng có thể được đưa vào hoạt động trong hầm mỏ, trang trại, nhà máy, tàu biển và đầu máy xe lửa các loại.

Trevithick sinh năm 1771 tại một ngôi làng chuyên về khai thác mỏ ở Cornwall, Anh. Ông là một học sinh khá tệ – các giáo viên đều cho rằng Trevithick là một “cậu bé không vâng lời, chậm chạp, cố chấp và hư hỏng,” người sẽ chẳng bao giờ làm được gì nên hồn, và thực sự thì về cơ bản, ông đã mù chữ cả đời mình – nhưng Trevithick rất thích mày mò các loại công cụ và máy móc. Năm 1790, Trevithick trở thành thợ sửa động cơ hơi nước, đầu tiên là ở mỏ Wheal Treasury và sau đó là ở mỏ Ding Dong. Trong những giờ nghỉ, ông cặm cụi với phát minh của riêng mình: một đầu máy hơi nước đủ mạnh để chở người và đồ vật, nhưng đủ nhỏ gọn để mang tính thiết thực.

Đêm Giáng sinh năm 1801, chiếc Puffer của Trevithick (được đặt tên như vậy vì nó thổi hơi nước vào không khí) cuối cùng đã sẵn sàng. Cỗ máy có một piston vận hành bằng áp suất được kết nối với một nồi hơi hình trụ đặt nằm ngang và đủ lớn để chứa tất cả những hành khách đang háo hức đồng hành cùng Trevithick trong quá trình chạy thử nghiệm. (Chiếc xe đã leo dốc đều đặn, một trong những hành khách kể lại, “giống như một chú chim nhỏ… nó đi nhanh hơn tôi có thể đi”). Tuy nhiên, vài ngày sau, chiếc Puffer tuyệt vời đã bị phá hủy sau khi trở nên quá nóng và bốc cháy.

Năm 1804, tại Xưởng sắt Penydarren ở Wales, Trevithick đã chế tạo đầu máy hơi nước đầu tiên sử dụng đường ray. Nó đã thành công trong việc kéo 5 toa tải chứa 10 tấn sắt và 70 thợ rèn đi xa khoảng 9 dặm, duy trì vận tốc khoảng 5 dặm/giờ. Thật không may, nó quá nặng, đến nỗi khiến cho đường ray bị gãy và phải “nghỉ hưu” chỉ sau ba chuyến đi. Năm 1808, một đầu máy tương tự có biệt danh “Hãy bắt tôi nếu có thể” (Catch-me-who-can) đã đưa những hành khách liều lĩnh đi vòng quanh Quảng trường Torrington ở London. (Đường ray ở đó sau cùng cũng bị gãy.)

Trevithick đã chết trong cảnh nghèo khó vào năm 1833, nhưng những phát minh của ông vẫn còn mãi. Không nghi ngờ gì, ông là một trong những nhân vật quan trọng nhất của thời đại công nghiệp.