18/01/1919: Hội nghị Hòa bình Paris khai mạc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Post-World War I peace conference begins in Paris, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, tại Paris nước Pháp, một nhóm các lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đã gặp nhau để bắt đầu cuộc đàm phán phức tạp chính thức đánh dấu sự kết thúc Thế chiến I. Trong vòng sáu tháng tới, phe Hiệp ước (Pháp, Anh, Mỹ và Ý) – những người giành chiến thắng – sẽ đưa ra nhiều quyết định quan trọng tại Paris.

Trong hầu hết các cuộc họp, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã đấu tranh cho ý tưởng của ông về một “hòa bình không có chiến thắng” (peace without victory) và đảm bảo rằng Đức, lãnh đạo của Liên minh Trung tâm, đồng thời là kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến, sẽ không bị trừng phạt quá mức. Mặt khác, Thủ tướng hai nước Pháp và Anh, Georges Clemenceau và David Lloyd George, lại cho rằng việc trừng phạt Đức một cách thích đáng đồng thời duy trì thế yếu của nước này là cách duy nhất để đền bù cho những tổn thất to lớn của cuộc chiến.

Cuối cùng, Wilson đã chịu thỏa hiệp về việc trừng phạt nước Đức để đổi lấy việc thông qua dự án của ông, một tổ chức gìn giữ hòa bình quốc tế với tên gọi Hội Quốc Liên.

Trong giai đoạn đầu, đại diện của Đức đã bị loại hỏi Hội nghị Hòa bình. Mãi đến tháng 05, họ mới tới Paris và được nghe về dự thảo Hòa ước Versailles. Trót tin tưởng vào những lời hứa của Wilson, người Đức đã vô cùng thất vọng khi biết bản Hòa ước sẽ khiến họ phải mất rất nhiều lãnh thổ và phải trả rất nhiều chiến phí. Còn tệ hơn nữa khi Điều 231 khét tiếng của bản Hòa ước này biến Đức trở thành tội đồ duy nhất trong chiến tranh – một viên thuốc đắng mà nhiều người Đức không thể nuốt trôi.

Hòa ước Versailles được ký vào ngày 28/06/1919, năm năm sau ngày mà viên đạn của một người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc đã giết chết Hoàng Thái tử Áo – Hung Franz Ferdinand, đồng thời khởi đầu cho Thế chiến I. Trong những thập niên tiếp theo, sự giận dữ và oán giận bản Hòa ước quốc tế và các tác giả của nó đã nung nấu khắp nước Đức. Những kẻ cực đoan như Đảng Quốc xã (Nazi) của Adolf Hitler đã đánh vào những cảm xúc này để lên nắm quyền – quá trình gần như là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến điều mà Wilson và các nhà đàm phán ở Paris đã muốn ngăn chặn, đó là một cuộc thế chiến thứ hai với mức độ tàn phá chẳng kém cuộc chiến trước đó.