06/02/1943: Mussolini sa thải con rể của mình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mussolini fires his son-in-law, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, lo lắng về thái độ phản chiến ngày càng tăng của Bá tước Galeazzo Ciano, con rể của mình, Benito Mussolini đã quyết định loại Ciano khỏi vị trí người đứng đầu bộ ngoại giao Ý và tự mình đảm nhận nhiệm vụ này.

Ciano đã trung thành với chủ nghĩa phát xít kể từ những ngày đầu khi tham gia vào cuộc tuần hành ở Rome vào năm 1922, đánh dấu sự kiện phe Áo đen lên nắm quyền ở Ý. Ông tốt nghiệp Đại học Rome với bằng luật, rồi trở thành một nhà báo. Ngay sau đó, ông bắt đầu sự nghiệp trong đoàn ngoại giao của Ý, làm tổng lãnh sự tại Trung Quốc. Ông kết hôn với con gái của Mussolini, Edda, vào năm 1930; và kể từ đó Ciano nhanh chóng leo lên nấc thang chính trị: từ Trưởng Văn phòng Báo chí thành thành viên của Đại Hội đồng Phát xít, nhóm cố vấn nội bộ của Mussolini.

Ciano đã tham gia một cuộc không kích tấn công Ethiopia vào năm 1935-1936 và được thăng chức ngoại trưởng khi trở về Rome. Nhờ kinh nghiệm đối ngoại lẫn mối quan hệ cá nhân, Ciano đã trở thành cánh tay phải của Mussolini và có khả năng sẽ trở thành người kế vị ông. Chính Ciano là người đã thúc đẩy liên minh giữa Ý với Đức bất chấp sự khinh thường của Mussolini dành cho Hitler.

Ciano bắt đầu nghi ngờ sự tôn trọng của Hitler đối với “Hiệp ước Thép” (Pact of Steel) –một thuật ngữ Mussolini dùng để mô tả liên minh giữa Đức và Ý – khi Đức xâm lược Ba Lan mà không tham khảo ý kiến đồng minh phe Trục của mình, dù trước đó Ciano đã thỏa thuận điều ngược lại với người đồng cấp Đức, Joachim von Ribbentrop. Bất chấp lo ngại về lòng trung thành của Đức, ông cảm thấy rằng Ý vẫn có thể kiếm lợi từ liên minh với “bên chiến thắng”, vì vậy khi Pháp thất thủ trước quân Đức, Ciano đã chủ trương để Ý tham gia vào cuộc chiến chống lại phe Đồng Minh.

Sau những thất bại nhục nhã ở Hy Lạp và Bắc Phi, Ciano bắt đầu nghiêng về một thỏa thuận hòa bình với phe Đồng Minh. Mussolini coi đây là hành động của kẻ bại trận, và quyết định bãi nhiệm chức ngoại trưởng của Ciano, thay vào đó tự mình giữ chức này. Ciano trở thành đại sứ tại Vatican cho đến khi ông và các thành viên khác của Đại Hội đồng sau cùng cũng phế truất Mussolini vào tháng 07/1943.

Mussolini không bao giờ tha thứ cho con rể mình vì điều mà sau này ông gọi là sự “phản bội.” Ciano nhanh chóng chạy trốn khỏi Rome về phía bắc khi chính phủ lâm thời mới bắt đầu chuẩn bị các cáo buộc tham nhũng chống lại ông. Tuy nhiên, Ciano vô tình lại chạy trốn về vùng có lực lượng thân phát xít ở miền bắc nước Ý và bị buộc tội phản quốc. Ông bị hành quyết vào ngày 11/01/1944 theo lệnh của cha vợ khi Mussolini được đưa vào một chính phủ bù nhìn do quân Đức thành lập. Nhật ký của Ciano, chứa đựng những bình luận thẳng thắn và mỉa mai tàn bạo về những nhân vật chính tham gia cuộc chiến, được coi là một tài liệu lịch sử vô giá.