27/04/4977 TCN: Ngày Vũ trụ được tạo ra, theo Kepler

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Universe is created, according to Kepler, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngày 27/04/4977 TCN được cho là ngày mà vũ trụ được tạo ra, theo các tính toán của nhà toán học và thiên văn học người Đức Johannes Kepler, người được coi là cha đẻ của nền khoa học hiện đại. Ngày nay, Kepler được biết đến nhiều nhất với lý thuyết giải thích cách chuyển động của các hành tinh.

Kepler sinh ngày 27/12/1571, tại Weil der Stadt, Đức. Khi còn là sinh viên đại học, ông đã nghiên cứu lý thuyết trật tự các hành tinh của nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolaus Copernicus. Theo Copernicus (1473-1543) thì Mặt Trời, không phải Trái Đất, mới là trung tâm của Hệ Mặt Trời, một lý thuyết mâu thuẫn với quan điểm phổ biến thời bấy giờ rằng Mặt Trời quay quanh Trái Đất.

Năm 1600, Kepler đến Praha để làm việc dưới quyền nhà thiên văn học người Đan Mạch Tycho Brahe – vốn là nhà toán học hoàng gia của Rudolf II, Hoàng đế Đế chế La Mã Thần thánh. Công việc chính của Kepler là quan sát quỹ đạo của Sao Hỏa. Khi Brahe qua đời một năm sau đó, Kepler tiếp quản công việc của ông, đồng thời kế thừa kho tàng dữ liệu thiên văn phong phú của Brahe, vốn đã được ông quan sát bằng mắt thường một cách tỉ mỉ. Trong thập niên tiếp theo, Kepler tìm hiểu về công trình của nhà vật lý và thiên văn học người Ý Galileo Galilei (1564-1642), người đã phát minh ra kính viễn vọng – thứ giúp Galilei phát hiện ra các núi và miệng hố trên Mặt Trăng, bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc và các pha của Sao Kim, cùng nhiều phát hiện khác. Kepler đã trao đổi thư từ với Galileo, sau cùng ông có được một chiếc kính thiên văn của riêng mình và đã bắt tay vào cải tiến thiết kế của nó.

Năm 1609, Kepler công bố hai trong ba định luật chuyển động hành tinh đầu tiên của ông, trong đó cho rằng các hành tinh chuyển động quanh Mặt Trời theo hình elip, không phải hình tròn (như niềm tin vào thời điểm đó), và các hành tinh sẽ tăng tốc khi chúng đến gần Mặt Trời và giảm tốc khi di chuyển ra xa. Năm 1619, ông đưa ra định luật thứ ba, sử dụng các nguyên tắc toán học để liên hệ thời gian một hành tinh quay quanh Mặt Trời với khoảng cách trung bình của hành tinh đó đến Mặt Trời.

Nghiên cứu của Kepler đã không được đón nhận rộng rãi khi ông còn sống, nhưng sau đó nó đã đóng vai trò quan trọng đối với nhà toán học người Anh Sir Isaac Newton (1643-1727) và định luật lực hấp dẫn mà ông đề xuất. Ngoài ra, Kepler cũng đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực quang học, bao gồm cả việc chứng minh cách mắt người hoạt động, và trong lĩnh vực toán học. Ông mất ngày 15/11/1630 tại Regensberg, Đức.

Đối với tính toán của Kepler về ngày hình thành vũ trụ, lý thuyết Vụ Nổ Lớn được phát triển bởi các nhà khoa học ở thế kỷ 20 cho thấy rằng các tính toán của Kepler đã sai lệch khoảng 13,7 tỷ năm.