05/06/1963: Bộ trưởng Chiến tranh Anh từ chức vì bê bối tình dục

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: British Secretary of War John Profumo resigns amid sex scandal, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1963, Bộ trưởng Chiến tranh Anh John Profumo đã chính thức từ chức sau khi bị vạch trần hành vi nói dối trước Hạ viện về chuyện dan díu với Christine Keeler, một người bị cho là gái điếm. Ngoài ra, ở thời điểm xảy ra vụ việc, Keeler cũng có quan hệ với Yevgeny “Eugene” Ivanov, một tùy viên hải quân Liên Xô, người bị tình nghi là gián điệp. Mặc dù Profumo cam đoan với chính phủ rằng mình hoàn toàn không tiết bộ bí mật quốc gia theo bất kỳ cách nào, nhưng vụ bê bối vẫn khiến chính phủ của Thủ tướng Harold Macmillan suýt bị bãi nhiệm.

John Dennis Profumo được Macmillan bổ nhiệm làm Bộ trưởng Chiến tranh vào năm 1960. Trên cương vị này, ông phụ trách giám sát quân đội Anh. Vị trí này là một vị trí nội các cấp thấp, nhưng Profumo được xem là ứng cử viên sáng giá để được thăng tiến trong tương lai. Ông kết hôn với Valerie Hobson, một nữ diễn viên điện ảnh đã nghỉ hưu, và nhà Profumo sau đó trở thành địa điểm tụ tập nổi tiếng trong những năm 1960 ở London. Vào một đêm tháng 07/1961, John Profumo đến thăm dinh thự Cliveden của Lord “Bill” Astor và được giới thiệu với Christine Keeler, 19 tuổi – cô gái khi ấy đang khỏa thân vui đùa bên bể bơi ở Cliveden.

Keeler đến Cliveden với tư cách là khách của Bác sĩ Stephen Ward, một bác sĩ chuyên khoa nắn xương, đồng thời còn là họa sĩ vẽ chân dung bán thời gian, người đã thuê một ngôi nhà nhỏ tại khu nhà của người bạn là Lord Astor. Keeler đang làm kỹ nữ tại một hộp đêm ở London khi cô gặp Ward lần đầu. Ward sau đó đã giúp đỡ cô, và cả hai sống cùng nhau trong căn hộ ở London của ông, nhưng giữa họ không phải là chuyện yêu đương. Bác sĩ khuyến khích Keeler chơi trò tình ái với những người bạn là viên chức cao cấp của mình, và một đôi lần, người ta tin rằng cô đã chấp nhận bán thân để lấy tiền. Ward giới thiệu cô với Ivanov, và Keeler mau chóng trở thành bạn tình của nhà ngoại giao Liên Xô. Vài tuần sau khi gặp Profumo tại Cliveden, cô cũng bắt đầu qua lại với vị Bộ trưởng Chiến tranh. Không có bằng chứng nào cho thấy hai người đàn ông này đã trả tiền để quan hệ tình dục với Keeler, nhưng Profumo đã từng cho Keeler một số tiền để mua quà sinh nhật cho mẹ cô.

Sau một vài tháng ‘mặn nồng’, Profumo kết thúc mối tình của mình với Keeler vào cuối năm 1961. Câu chuyện ngoại tình này có lẽ đã không bao giờ đến được tai công chúng nếu một vụ việc liên quan đến Keeler không xảy ra vào đầu năm 1963. Johnny Edgecombe, một tay buôn cần sa gốc Tây Ấn, đã bị bắt vì nổ súng ở bên ngoài căn hộ của Ward ở London sau khi Keeler, người yêu cũ của Edgecombe, từ chối cho anh ta vào nhà. Tin tức về vụ nổ súng và phiên tòa diễn ra sau đó lập tức xuất hiện trên nhiều tờ báo, và tin đồn cũng sớm xuất hiện về mối quan hệ mờ ám trước đó của Keeler với Profumo. Khi Keeler xác nhận có qua lại với Profumo, đồng thời thừa nhận cả mối quan hệ với Ivanov, những gì từng là chuyện phiếm nơi bàn tiệc bất ngờ trở thành một vụ bê bối với hàm ý an ninh nghiêm trọng.

Ngày 21/03/1963, Đại tá George Wigg, nghị sĩ của Đảng Lao động đại diện cho khu Dudley, đã công khai đệ trình lên Hạ viện yêu cầu chính phủ đương nhiệm chính thức thừa nhận, hoặc phủ nhận, những tin đồn về vị bộ trưởng. Theo lời Wigg, ông buộc tội Profumo không phải vì lý do bộ trưởng đã làm xấu mặt chính phủ Bảo thủ, mà bởi vì mối liên hệ với Ivanov có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, sau hậu trường, tình báo Anh đã kết luận rằng Profumo không hề xâm hại đến an ninh quốc gia theo bất kỳ cách nào và cũng không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Ivanov là gián điệp. Tuy nhiên, Wigg đã có lời yêu cầu và Profumo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải trình diện trước Nghị viện vào ngày 22/03 và đưa ra một tuyên bố. Ông kịch liệt phủ nhận mọi cáo buộc, tuyên bố rằng “không có điều gì bất chính trong mối quan hệ quen biết của tôi với cô Keeler.” Nhằm củng cố khẳng định của mình, ông nói tiếp “Tôi sẽ không ngần ngại nộp đơn khởi kiện tội phỉ báng và vu khống nếu những cáo buộc này tiếp tục được đưa ra hoặc lặp lại bên ngoài Hạ viện.”

Lời phủ nhận đầy tính thuyết phục của Profumo đã xoa dịu vụ bê bối trong vài tuần, nhưng vào tháng 5, Stephen Ward đã bị đưa ra xét xử ở London với tội danh môi giới bán dâm cho Keeler và nhiều cô gái trẻ khác. Trong phiên tòa giật gân này, Keeler đã tuyên thệ rằng mình nói thật về mối quan hệ của cô với Profumo. Ward cũng viết thư cho Harold Wilson, lãnh đạo đối lập (Đảng Lao động) trong Nghị viện, và khẳng định rằng Profumo đã nói dối Hạ viện. Ngày 04/06, trở về sau kỳ nghỉ ở Ý cùng vợ, Profumo thú nhận với các nhà lãnh đạo Đảng Bảo thủ rằng Keeler là tình nhân của ông và tuyên bố ngày 22/03 của ông trước Hạ viện là không đúng sự thật. Sang ngày 05/06, ông từ chức Bộ trưởng Chiến tranh.

Thủ tướng Macmillan đã bị chỉ trích rộng rãi vì cách ông xử lý vụ bê bối Profumo. Trên báo chí và tại Nghị viện, Macmillan bị lên án là già cả, lạc hậu và kém cỏi. Đến tháng 10, ông cũng buộc phải từ chức dưới áp lực từ chính phủ của mình. Ông được thay thế bởi Alec Douglas-Home thuộc Đảng Bảo thủ, nhưng trong cuộc tổng tuyển cử năm 1964, Đảng Bảo thủ đã bị Đảng Lao động của Harold Wilson đánh bại.

Stephen Ward hôn mê sau khi cố gắng tự tử bằng cách uống thuốc quá liều. Dù vắng mặt trong phiên xử, ông ta đã bị kết tội vì thu lợi từ bán dâm, nhưng qua đời không lâu sau khi bản án được tuyên. Christine Keeler bị kết tội khai man trong một phiên tòa liên quan và bắt đầu thụ án tù vào tháng 12/1963. John Profumo rời chính trường sau khi từ chức và chuyên tâm làm từ thiện ở East End, London. Nhờ công việc từ thiện của mình, Nữ hoàng Elizabeth II đã ban cho ông huân chương Chỉ huy Đế chế (Commander of the British Empire, CBE), một trong những danh hiệu cao quý nhất của Anh, vào năm 1975.

Cuốn tự truyện của Keeler, The Truth at Last: My Story (Sự thật Sau cùng), được xuất bản vào năm 2001. Bà qua đời vào ngày 04/12/2017. Còn Profumo qua đời vào ngày 10/03/2006, hai ngày sau khi bị đột quỵ.