26/07/1941: Mỹ phong tỏa tài sản của Nhật

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: United States freezes Japanese assets, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, Tổng thống Franklin Roosevelt đã ra lệnh tịch thu tất cả tài sản của Nhật Bản ở Mỹ để trả đũa việc Nhật chiếm đóng vùng Đông Dương thuộc Pháp.

Ngày 24/07, Tokyo đã quyết định tăng cường vị thế của mình trong cuộc xâm lược Trung Quốc bằng cách di chuyển qua Đông Nam Á. Do Pháp đã chiếm một phần trong khu vực, và Đức, một đồng minh của Nhật, giờ đây đã kiểm soát hầu hết nước Pháp thông qua chính phủ “bù nhìn” của Petain, nên Pháp đã “đồng ý” để Nhật chiếm đóng các thuộc địa ở Đông Dương. Theo đó, người Nhật sẽ chiếm căn cứ hải quân Cam Ranh – chỉ cách Philippines 800 dặm, nơi có căn cứ của Mỹ, và cũng rất gần căn cứ của Anh tại Singapore.

Tổng thống Roosevelt đã hành động bằng cách phong tỏa tất cả tài sản của Nhật ở Mỹ. Người Anh và công ty Đông Ấn Hà Lan cũng có hành động tương tự. Kết quả, Nhật đã mất quyền tiếp cận tới 3/4 thương mại ở nước ngoài và 88% lượng dầu nhập khẩu. Trữ lượng dầu của Nhật chỉ đủ để kéo dài ba năm, và sẽ chỉ đủ cho một nửa thời gian đó nếu nước này tham chiến và tiêu thụ nhiên liệu với tốc độ nhanh hơn.

Phản ứng tức thời của Nhật là chiếm lại Sài Gòn, một lần nữa với sự đồng ý từ chính quyền Petain. Nếu Nhật có thể kiểm soát được Đông Nam Á, bao gồm cả Bán đảo Malaya, họ cũng có thể kiểm soát việc sản xuất cao su và thiếc của khu vực này – giáng một cú đấm nghiêm trọng vào phương Tây, nơi nhập khẩu các nguyên liệu này từ phương Đông. Nhật Bản phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: từ bỏ chiếm đóng Đông Nam Á và hy vọng lệnh cấm vận dầu sẽ được dỡ bỏ – hay tìm cách chiếm đoạt các nguồn dầu và tiếp tục gây phương hại cho phương Tây, ngay cả khi khiêu khích họ tham chiến.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]