Trần Phế Đế bị Quý Ly hại, nhà Minh toan tính xâm lược Đại Việt

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Tháng 2 năm Xương Phù thứ 6 [14/2-15/3/1382] (Minh Hồng Vũ thứ 15), quân ta đại thắng Chiêm Thành tại cửa biển Thần Đầu, chỗ giáp giới 2 tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình; đuổi quân giặc ra đến tận Nghệ An:

Quý Ly đóng ở núi Long Đại [Thanh Hóa], tướng Thần Khôi quân là Nguyễn Đa Phương đem quân thuyền đi giữ những hàng cọc cắm cừ ở cửa biển Thần Đầu, quân Chiêm thủy bộ đều kéo đến: Bộ binh địch lên chiếm trên núi trước, lấy đá ném xuống, thuyền quân ta bị tổn hại nhiều mà không còn nấp tránh vào đâu; thủy quân của địch lại đương tiến đến sát gần. Đa Phương không đợi mệnh lệnh của Quý Ly, tự ý cho mở hàng cọc cắm cừ, kéo ra thẳng xông vào quân thủy Chiêm Thành. Thủy quân của địch trở tay không kịp. Các quân của ta nhân đà thắng lợi, đổ xô ra đánh, ném đồ hoả khí vào thuyền giặc, thiêu đốt gần hết. Còn bộ quân của địch thì chạy tản mát vào rừng núi. Quan quân lùng bắt giặc trong núi đến ba ngày. Quân giặc nhiều đứa bị chết đói. Những kẻ còn sót lại thì chạy trốn. Quan quân đuổi đến Nghệ An rồi về. Được tin thắng trận, nhà vua cho Nguyễn Đa Phương làm Kim ngô vệ Đại tướng quân.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.

Tháng 10 [6/11-5/12/1382], cho đào mấy con sông ở Nghệ An, Tân Bình [Quảng Bình] và Thuận Hóa.

Trong năm này, cả 2 nước Chiêm Thành và Đại Việt đều gửi Sứ thần tiến cống triều Minh:

Ngày 28 tháng 5 năm Hồng Vũ thứ 15 [9/7/1382]. Trần Vi [Phế Đế] An Nam sai quan Thái Trung Đại phu nước này là bọn Tạ Sư Ngôn dâng biểu, tiến 15 người yêm hoạn.[1] Ban cho bọn Sư Ngôn bạc nén.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 161.

Ngày 24 tháng 9 năm Hồng Vũ thứ 15 [31/10/1382]. Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả sai quan là bọn Dương Ma Gia Ích dâng biểu khắc trên vàng lá, cống sản vật địa phương. Ban cho Sứ giả y phục lụa ỷ có hoa văn, tiền giấy, có phân biệt.Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 162.

Tháng Giêng, năm Xương Phù thứ 7 [3/2-4/3/1383] (Minh Hồng Vũ thứ 16). Sai Lê Quý Ly quản lĩnh chu sư đi đánh Chiêm Thành. Chu sư có các thuyền chiến lớn mới đóng mang tên Diễm Trị, Ngọc Đột, Nha Tiệp. Nhưng khi đến vùng biển Lại Bộ Nương [Kỳ Anh, Hà Tĩnh] và eo biển Ô Tôn [Bình Chánh, Quảng Bình], bị sóng gió khiến thuyền bị gãy vỡ hư hỏng, phải rút quân về.

Tháng 6 [1/7-29/7/1383], Chiêm Thành vào cướp phủ Quảng Oai [tỉnh Sơn Tây]. Nhà vua sai tướng Hoa Ngạch quân là Lê Mật Ôn đi chống giữ, nhưng bị thua. Thượng hoàng phải tránh sang Đông Ngàn, Bắc Ninh:

Chiêm Thành từ đời nhà Lê, nhà Lý trở về trước, quân của họ rất là nhút nhát. Hễ quan quân ta kéo đến thì họ đem cả nhà đi trốn, có khi xúm lại khóc lóc, xin đầu hàng. Kịp khi Chế Bồng Nga lên làm vua, phần thì sinh sôi đông đúc, phần thì được dạy dỗ tôi rèn, dần dần sửa bỏ được những thi dở cũ, quân và dân họ trở thành những người mạnh tợn, chịu đựng gian khổ. Cho nên họ thường sang quấy nhiễu nước ta. Bấy giờ Bồng Nga cùng với tướng nó là La Ngai đem quân đi tắt đường xuyên sơn, đổ ra đóng đồn ở sách Khổng Mục thuộc Quảng Oai. Kinh đô xao xuyến kinh hãi. Thượng hoàng sai Mật Ôn đem quân đi chống giữ. Mật Ôn đến Tam Kỳ châu, còn đương bày trận để chống cự, bỗng đâu quân phục của địch nổi dậy, voi trận của địch lồng lên: quan quân ta xô bồ giày đạp lên nhau, thua thiệt nặng nề. Mật Ôn bị giặc bắt. Thượng hoàng nghe tin, sai Nguyễn Đa Phương đem quân dựng hàng rào lũy bằng tre gỗ ở kinh thành, ngày đêm canh giữ. Rồi sai sửa soạn xa giá để sang Đông Ngàn lánh giặc. Nguyễn Mộng Hoa, là một kẻ sĩ, thấy vậy, mũ áo chỉnh tề, tới bến sông, tay níu thuyền ngự, khấu đầu xin Thượng hoàng ở lại đánh giặc, nhưng Thượng hoàng không nghe.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.

Tháng 12 [25/12/1383 – 22/1/1384], sau khi quân Chiêm Thành đã rút lui, Thượng hoàng đến ở tại cung Bảo Hòa, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; thu thập truyện cũ, biên thành bộ sách 8 quyển, đặt nhan đề là Bảo Hòa Dư Bút, sai Đào Sư Tích đề tựa.

Trong năm này các nước Đại Việt, Chiêm Thành, Tiêm La, Chân Lạp triều cống nhà Minh, được đáp lễ bằng vải vóc, y phục, đồ sứ; triều Minh lại còn đặt ra thẻ “khám hợp[2] gửi cho các nước lân bang, nhắm bảo đảm độ tin cậy trong việc giao dịch:

Ngày 26 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 16 [30/3/1383]. Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả sai quan là bọn Dương Ma Gia Ích dâng biểu, cống 200 ngà voi, 600 cân đàn hương, 400 cân văn dược, 600 tấm vải Phiên.[3] Chiếu ban cho Vương lụa văn ỷ dệt vàng; ban tiền giấy cho Sứ giả có sai biệt.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 162.

Ngày 22 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 16 [24/5/1383], sai sứ mang văn sách khám hợp ban cho các nước Tiêm La, Chiêm Thành, Chân Lạp. Phàm sứ Trung Quốc đến hãy đem đối chiếu khám hợp xem có đúng không; nếu không đúng tức là giả mạo. Hãy bắt lấy, rồi báo cho hay.Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 162.

Ngày 10 tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 16 [10/7/1383]. Trần Vi [Phế Đế] nước An Nam sai bọn Thông Phụng Đại phu Lê Dữ Nghĩa tiến cống 25 người bị hoạn, ban cho lụa ỷ dệt hoa văn, lụa sa, và tiền giấy.” Minh Thực lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 163.

Ngày 24 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 16 [21/9/1383]. Sai sứ ban cho Quốc vương Chiêm Thành, Tiêm La, Chân Lạp mỗi người 32 tấm lụa ỷ hoa văn dệt kim tuyến, đồ sứ gồm 19.000 cái. Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 163.

Tháng 9, năm Xương Phù thứ 8 (16/9-14/10/1384] (Minh Hồng Vũ thứ 17). Nhà Minh sai Sứ thần là bọn Dương Bàn và Hứa Nguyên sang nước ta trưng cầu lương thực để cung cấp cho lính trấn giữ ở Lâm An, tỉnh Vân Nam. Vua sai Hành khiển Trần Nghiêu Du vận tải năm nghìn thạch lương đưa đến đầu địa phận châu Thủy Vĩ [Lao Kai, Hà Giang]. Quan quân ta bị chết vì lam sơn chướng khí trong việc tải lương này rất nhiều.

Minh Thực Lục xác nhận sự kiện này, cũng cho biết số lương thực giao nạp là 5.000 thạch, tương đường với 400 tấn:

Ngày 18 tháng 7 năm Hồng Vũ thứ 17 [5/8/ 1384]. Sai bọn Quốc Tử Trợ giáo Dương Bàn đi sứ An Nam bắt nạp lương thực cho quân tại Vân Nam. Trước đó Thiên tử bảo quan bộ Hộ rằng:

‘Mới đây mấy lần xảy ra việc gây hấn tại Vân Nam, mệnh tướng thảo phạt, vùng đất này nay đã bình định, tất cả đều sáp nhập vào khu vực biên giới. Tuy nhiên binh nhiều dân ít, lương hướng không cung cấp đủ; Trẫm nghĩ rằng đất An Nam đến Lâm An rất gần; An Nam vốn kiên tâm thờ nước lớn, đáng trợ giúp lương thực để giúp nuôi lính ăn.’

Bộ Hộ y theo lời của Thiên tử hiểu dụ An Nam, lại sai bọn Dương Bàn đi sứ. Bàn đến nơi, Trần Vi lập tức cho chuyển vận 5.000 thạch lương đến Thủy Vĩ, biên giới Lâm An; lại biếu Bàn vàng và lụa, nhưng Bàn từ chối không nhận.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 165.

Vào cuối năm, Dương Bàn trở về nước, Sứ thần Đại Việt đi theo, dâng lễ tết và cống người bị hoạn:

Tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 17 [1/1385]. Tháng này bọn Quốc Tử Trợ giáo Dương Bàn đi sứ An Nam trở về. Trần Vi lại sai bầy tôi bọn Lê Á Phu theo Bàn dâng biểu mừng lễ tết Nguyên Đán và cống 30 người bị hoạn.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 166.

Ngoài ra trong năm này nước Đại Việt có 2 lần đến cống nhà Minh, Chiêm Thành cũng đến cống 1 lần; theo thường lệ triều Minh đáp lễ bằng y phục, vải vóc, riêng Chiêm Thành được ban thêm tiền giấy:

Ngày 2 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 17 [23/2/1384]. Trần Vi [Phế Đế] nước An Nam dâng biểu cống 50 lạng vàng, 300 lạng bạc, 30 tấm lụa quyên, 9 đĩa vàng. Chiếu ban cho y phục lụa ỷ, đoạn và sa.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 163.

Ngày 16 tháng 5 năm Hồng Vũ thứ 17 [5/6/1384]. Trần Vi nước An Nam sai Trung Đại phu Lê Tông Triệt, Bùi Khinh dâng biểu cống voi; ban cho Tông Triệt, Bùi Khinh khăn đội đầu cùng dây đai; người đi theo được ban tiền giấy có sai biệt.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 165.

 Ngày 28 tháng 9 năm Hồng Vũ thứ 17 [13/10/1384]; Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả sai quan Chiêu Văn Bộ dâng biểu khắc trên vàng, cống sản vật địa phương. Chiếu ban cho Sứ giả lụa ỷ có hoa văn, đỉnh[4] tiền giấy.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 166.

Tháng 3, năm Xương Phù thứ 9 [10/4-9/5/1385] (Minh Hồng Vũ thứ 18). Sứ thần nhà Minh sang nước ta, yêu cầu dâng nộp các nhà sư:

Trước đây, ta đưa sang nhà Minh những hoạn quan là bọn Nguyễn Tông Đạo và Nguyễn Toán. Nhà Minh dùng họ làm chức nội quan, đối xử rất hậu. Nguyễn Tông Đạo nhân nói với vua Minh rằng:

‘Phép thuật sư Nam giỏi hơn sư Bắc [Trung Quốc]. Đến đây, Minh sai sứ sang yêu cầu. Nhà vua sai tuyển lấy 20 vị sư, đưa sang Kim Lăng [Nam Kinh].” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.

Tháng 7 [7/8-4/9/1385], quan Tư đồ Chương Túc hầu là Trần Nguyên Đán xin trí sĩ, được nhà vua y cho:

Nguyên Đán là bậc đại thần, người họ tôn thất, thấy quyền chính trong nước ngày một rơi vào tay kẻ quyền thần, nên không để ý đến việc kinh bang tế thế nữa, bèn xin cáo lão, về núi Côn Sơn,[5] để vui cùng khóm trúc và đá núi; đặt tên hiệu là Băng Hồ. Thượng hoàng đã từng đến chơi nhà, hỏi han việc mai sau. Nguyên Đán đều không nói, chỉ dặn: ‘Xin Bệ hạ kính trọng nước Minh như cha, yêu thương Chiêm Thành như con, thì nước nhà sẽ được vô sự. Tôi dù có chết cũng được bất hủ’. Nguyên Đán biết Quý Ly thế nào rồi cũng cướp ngôi, nên tìm cách để tránh khỏi vạ, đem con là Mộng Dữ gửi gắm Quý Ly và xin kết làm thông gia. Quý Ly đem con gái của Nhân Vinh, người họ tôn thất nhà Trần, gả cho Mộng Dữ; rồi cất làm đông cung phán thủ. Em Mộng Dữ là Thúc Dao và Thúc Quỳnh cũng đều được làm tướng quân. Về sau, Quý Ly cướp ngôi, giết hại gần hết các tôn thất nhà Trần, chỉ riêng con cháu Nguyên Đán là được an toàn. Nguyên Đán có Băng Hồ Thi Tập, có nhiều bài mượn sự vật để tỏ ý cảm khái thời thế.

Nhưng đó cũng chỉ là nói suông, lo hão, mà đối với nước của dòng dõi nhà mình còn hay mất, cứ bỏ mặc, không nói qua. Thế thực là người bất trung lắm đấy.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.

Tháng 2, năm Xương Phù thứ 10 [1/3-30/3/1386] (Minh Hồng Vũ thứ 19), Sứ giả nhà Minh lại sang nước ta đòi cây quí và hỏi đường đi đánh Chiêm Thành. Xét việc triều Minh liên lạc ngoại giao với Chiêm Thành bấy giờ rất nồng ấm; qua văn bản Minh Thực Lục đính kèm, hai bên gửi quà tặng cho nhau rất hậu. Riêng đối với Đại Việt thì năm trước [1384] đòi nạp gạo nuôi quân tại Vân Nam, rồi đòi sư sãi, cây quí, dâng người bị hoạn; lại giả vờ hỏi đường đi đánh Chiêm Thành. Những hành động trên chứng tỏ âm mưu thôn tính nước ta, đã manh nha từ thời Minh Thái Tổ:

Nguyễn Tông Đạo [hoạn quan] lại nói nước ta có nhiều thứ cây quý. Nhà Minh sai Lâm Bột sang yêu cầu.

Nhà vua bèn sai viên ngoại lang là Phạm Đình đưa sang các cây: cau, vải, nhãn và mít, nhưng các thứ cây ấy không quen chịu lạnh, dọc đường, đều chết héo cả. Nhà Minh lại sai Lý Anh sang hỏi nhờ đường nước ta để đi đánh Chiêm Thành và đòi lấy 50 thớt voi nữa. Ta bèn sắp xếp từ Nghệ An đổ ra, cứ theo dọc đường, dựng các cung trạm, chứa sẵn lương thảo, luân chuyển đưa đến Vân Nam.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.

Ngày 1 tháng 9 năm Hồng Vũ thứ 19 [24/9/1386]. Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] sai con là Bảo Bộ Lĩnh Thi Na Nhật Vật đến mừng thọ Thiên tử, hiến 54 con voi, cùng ngà voi, tê giác, hồ tiêu, ô mộc, giáng hương, vải lụa hoa; cùng hiến ngà voi và những vật khác của Hoàng Thái tử. Chiếu ban cho Quốc vương khăn đội đầu, dây đai, y phục ỷ thêu kim tuyến. Ban cho con Quốc vương Bảo Bộ Lĩnh Thi Na Nhật Vật 200 lượng vàng, 1000 lượng bạc, hai bộ y phục lụa là màu xanh dệt kim tuyến; 2 bộ lụa là màu hồng, 2 bộ lụa ỷ màu xanh dệt kim tuyến, 2 bộ lụa ỷ màu hồng. Ban cho cháu Bảo Khuê Thi Ly Ban hai bộ áo xanh nạm vàng, 2 bộ lụa hồng; lụa hoa văn màu hồng, màu xanh mỗi thứ 2 bộ; 6 tấm lụa ỷ đoạn, 150 lạng bạc. Ban cho Phó sứ, Đầu mục, Thông sự tiền giấy, áo lụa là, lụa ỷ, đoạn có phân biệt. Ban y phục cho 150 quân nuôi voi.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 167.

Vào cuối năm Xương Phù thứ 10, Sứ thần Đại Việt Đỗ Anh Bật lại sang nhà Minh cống vàng bạc và kẻ bị hoạn:

Ngày 26 tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 19 [16/1/1387]. Trần Vi [Phế Đế] nước An Nam sai bọn Trung Đại phu Đỗ Anh Bật dưng biểu; cống vàng, bạc, đồ dùng trong tiệc rượu gồm 33 thứ, cùng 19 người bị hoạn.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 167.

Năm này triều đình nhà Trần dùng Hồ Tôn Thốc người huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, Nghệ An; làm quan Hàn lâm viện Học sĩ phụng chỉ:

Thốc, lúc tuổi trẻ đỗ sớm, nổi tiếng về văn học. Khi làm An phủ sứ, Thốc ăn lễ của dân. Sự phát giác, Nghệ Tông lấy làm lạ, có đòi hỏi, Thốc lạy tạ mà thưa rằng: “Một người được ơn vua thì cả nhà hưởng lộc nước”; Nghệ Tông bèn tha tội cho. Đến đây, được trao cho chức này, lại kiêm cả chức Thẩm hình viện sứ. Thốc có làm Thảo nhàn hiệu tần[6] thi, ngụ ý cảm khái về việc Quý Ly chuyên chính. Tuổi ngoài 80, Thốc mất.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.

Tháng 2, năm Xương Phù thứ 11 [19/2-19/3/1387] (Minh Hồng Vũ thứ 20) Thượng hoàng Trần Nghệ Tông trở về triều, sau khi lưu tại cung Bảo Hòa [Tiên Du Bắc Ninh] trong vòng 5 năm; soạn xong bộ Bảo Hòa Dư Bút.

Tháng 3 [20/3-18/4/1387], cho Lê Quý Ly làm Đồng bình chương sự tức Tể tướng. Thượng hoàng ban cho Quý Ly lá cờ và thanh kiếm có đề 8 chữ: “Văn vũ toàn tài, quân thần đồng đức” [Văn võ gồm tài, vua tôi một dạ]. Quý Ly làm thơ bằng quốc âm để tạ ơn Thượng hoàng.

Trong năm này 2 nước Đại Việt và Chiêm Thành, mỗi nước đưa 2 phái đoàn sang cống nhà Minh các sản vật địa phương cùng voi. Riêng triều Minh điều 100 chiếc thuyền cùng quân lính sang Chiêm Thành phối hợp với nước này, đánh bắt bọn cướp biển Nhật:

Ngày 27 tháng 5 năm Hồng Vũ thứ 20 [13/6/1387]. Trần Vi [Phế Đế] nước An Nam sai bầy tôi là Đỗ Nhật Đôn cống cau, trầu, mít, chuối tiêu. Ban cho Đôn bạc nén.” Minh Thực Lục v. 6, tr. 2743; Thái Tổ q.182,tr. 3a.

Ngày 12 tháng 6 nhuần năm Hồng Vũ thứ 20 [27/7/1387]. Sắc cho Đô Chỉ huy Sứ ty Phúc Kiến tạo 100 chiếc thuyền đi biển; Quảng Đông chế tạo gấp bội số này, trang bị đầy đủ khí giới và lương thực tập trung tại Chiết Giang vào tháng 9, để chuẩn bị đến Chiêm Thành bắt bọn giặc Nụy [người Nhật Bản]”. Minh Thực lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 167.

Ngày 10 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 20 [22/9/1387]. Trần Vi nước An Nam sai viên quan là Nguyễn Thái Xung, Thông Nghĩa Đại phu Trần Thúc Hoành cống voi, chai rượu bằng vàng. Ban cho bọn Thái Xung tiền giấy 130 đỉnh”. Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 168.

“Ngày 20 tháng 8 năm Hồng Vũ thứ 20 [2/10/1387]. Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả sai quan là bọn Tân Gia Xuất dâng 51 con voi, cùng gỗ gia nam, sừng tê giác. Chiếu ban cho Vương nước này 20 tấm lụa ỷ dệt kim, 4 tấm gấm.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 168.

Ngày 4 tháng 10 năm Hồng Vũ thứ 20 [15/11/1387]. Quốc vương Chiêm Thành Ha Ðáp Ha Giả sai quan là bọn Bảo Lạc Khuê Ha Na Lai Hữu 158 người đến cống sản vật địa phương. Mệnh ban cho y phục và tiền giấy có sai biệt.Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 169.

Theo văn bản nêu trên, được biết Chiêm Thành cống một số lượng lớn voi gồm 51 con, nhu cầu cần nhiều người coi sóc; lại đến vào mùa thu, thời tiết bắt đầu nhuốm lạnh, nên đặc cách ban cho y phục và chăn chống lạnh và cho thêm tiền:

Ngày 22 tháng 11 năm Hồng Vũ thứ 20 [1/1/ 1388]. Thiên tử cho rằng Sứ cống voi Chiêm Thành, bọn Tiên Giả Tân Gia Xuất và quân lính thiếu y phục chống lạnh; mệnh ban cho chăn bông và một bộ y phục ấm. Khi bọn Tân Gia Xuất đến Quảng Đông, sai quan từ trung ương đến ban yến, lại ban cho mỗi người 20 nén tiền giấy để thưởng lộ phí đi đường, riêng quân lính cấp một nữa.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 169.

Tháng 5, năm Xương Phù thứ 12 [5/6-3/7/1388] (Minh Hồng Vũ thứ 21). Dùng Trần Đỗ làm chức Cung lệnh, đứng đầu một cung để hầu Vua. Trần Đỗ là con Thượng vị hầu Tung, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly, nên về sau Đỗ đổi theo họ Hồ.

Tháng 6 [4/7-2/8/1388], dùng em Quý Ly là Lê Quý Tì làm chức Phán thủ Tri tả Hữu ban sự.

Tháng 12 [29/12/1388-27/1/1389], Vua Phế Đế bàn với đám cận thần như Thái úy Ngạc rằng Lê Quý Ly có âm mưu cướp ngôi, cần lo tính trước. Quý Ly biết chuyện bèn gièm pha với Thượng hoàng truất ngôi nhà vua, giáng làm Linh đức đại vương, rồi giết chết tại chùa Tư Phúc. Lại giết cả những người ủng hộ nhà Vua như Ngự sử đại phu là Lê Á Phu, các Tướng quân là Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi, Nguyễn Ha, Nguyễn Bát Sách, Lê Lặc và học sinh là Lưu Thường. Thượng hoàng Nghệ Tông lại nghe lời Quý Ly lập người con út của mình là Chiêu Định Vương lên làm vua, tức vua Thuận Tông:

Trước đây, thấy có điềm sao chổi, nhà vua bàn với bọn Thái úy Ngạc và Lê Á Phu rằng:

‘Thượng hoàng yêu nuông họ ngoại, Quý Ly càn rỡ, việc gì cũng làm theo ý muốn của hắn, nếu chúng ta không lo tính trước, sau này khó mà khống chế được’.

 Vương Nhữ Mai hầu vua đọc sách, làm tiết lộ mưu ấy, nên Quý Ly biết chuyện. Nguyễn Đa Phương khuyên Quý Ly nên lánh ra núi Đại Lại [huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa], để nghe ngóng tình thế biến chuyển ra sao, Phạm Cự Luận nói:

‘Không nên. Một khi bước chân ra ngoài, thì khó mà toan tính vẹn toàn được’. Quý Ly nói: ‘Nếu không có mưu kế gì, thì tôi phải tự tử, chứ không để lọt vào tay người khác’. Cự Luận nói: ‘Mới rồi nhà vua dụ giết Quan phục hầu Đại vương Húc, việc ấy Thượng hoàng vẫn còn căm giận lắm. Hiện nay chỉ có một mình đại nhân [chỉ Quý Ly] nên vào yết kiến Thượng hoàng, bày tỏ lợi hại việc Thượng hoàng trước kia bỏ con mà lập cháu; vậy nên đem câu ngạn ngữ này làm rung động lòng Thượng hoàng:’Chỉ thấy người ta bán cháu nuôi con, chứ chưa thấy ai lại bán con nuôi cháu!’. Nói như thế, chắn chắc Thượng hoàng nghe theo. Lúc bấy giờ đổi lập Chiêu Định [Con út Trần Nghệ Tông, tên là Ngung] lên làm vua, thì xoay họa ra phúc dễ dàng như trở bàn tay’.

Quý Ly nghe theo kế ấy, liền theo lời Cự Luận đã nói, vào tâu kín với Thượng hoàng. Thượng hoàng rất lấy làm phải lẽ. Đến đây, Thượng hoàng giả vờ đi chơi đất An Sinh [Đông Triều, Hải Dương], cho bầy tôi trong nội điện triệu nhà vua. Khi nhà vua đến, Thượng hoàng nói: ‘Đại vương đã đến’, liền sai người dẫn ra nhà giam ở chùa Tư Phúc. Rồi ban tờ nội chiếu nói:

‘Trước đây Duệ Tông vào đánh trong Nam, không trở về, cho nên dùng người cháu trưởng [con Duệ Tông tức Phế Đế] nối ngôi vua là theo đạo đời cổ. Nhưng từ ngày quan gia [chỉ Phế Đế] lên ngôi đến nay, chưa bỏ hết tính nết trẻ con, chưa giữ được đức độ vững chắc, thân cận với bọn tiểu nhân như bọn Lê Á Phu, Lê Dũ Nghị, lập tâm hãm hại người bầy tôi có công, làm dao động cả xã tắc. Vậy cho giáng làm Linh Đức đại vương. Lại xét: nhà nước không thể không có người chủ trương, ngôi vua không thể để trống mãi được, chuẩn y cho rước Chiêu Định vương là Ngung vào triều, nối giữ đại thống. Vậy ban bố chiếu thư cho trong kinh thành, ngoài các lộ ai nấy đều biết’.

Lúc ấy, viên tướng đội quân Thiết Liêm là Nguyễn Khoái và Nguyễn Vân Nhi, viên tướng đội quân Thiết Giáp là Nguyễn Ha và Lê Lặc, viên tướng đội quân Thiết Sang là Nguyễn Bát Sách toan đem quân phá nhà tù để cướp lấy nhà vua ra ngoài. Nhà vua [Phế Đế] viết hai chữ “giải giáp” [bỏ khí giới xuống] đưa cho các tướng ấy và dặn rằng: “Không được trái ý vua cha”. Các tướng bấy giờ mới thôi. Một lúc sau, Thượng hoàng sai người phù nhà vua xuống phủ Thái Dương, thắt cổ cho chết. Bọn Lê Á Phu, Nguyễn Khoái, Nguyễn Vân Nhi và Lưu Thường đều bị giết, còn Lê Dữ Nghị [anh họ Á Phu] phải đày đi trại Đầu. Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.

Vào năm Hồng Vũ thứ 21, tức năm Xương Phù thứ 12 [1388], triều đình Đại Việt sai Sứ thần Lê Nhân Thống sang cống; nhà Minh sai Lang Trung bộ Lễ Hình Văn Bác mang sắc thư cùng vải vóc ban cho. Riêng Vua Chiêm Thành bị Minh Thái Tông quở trách nặng nề, do lỗi chặn cướp một số voi của nước Chân Lạp đem sang cống; nhưng rồi mấy tháng sau, Chiêm Thành vẫn tiếp tục cử người triều cống hương liệu:

Ngày 16 tháng 3 năm Hồng Vũ thứ 21 [22/4/1388]. An Nam sai quan là Lê Nhân Thống đến triều cống, lúc trở về ban cho Nhân Thống 30 nén tiền giấy, lại sai Lang trung bộ Lễ Hình Văn Bác mang sắc cùng lụa ỷ và vải mỗi thứ 100 tấm ban cho Vi [Phế Đế], Vương nước này.Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 170.

Ngày 8 tháng 4 năm Hồng Vũ thứ 21 [14/5/1388]. Sai Hành nhân Đổng Thiệu đến dụ Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] rằng:

Ngươi sống tại nơi hải đảo, hiệu lệnh cho dân Di dưới quyền, nếu không dùng ân và tín để cai tri nuôi dạy dân chúng, thì làm sao có thể làm chủ một phương, truyền cho con cháu, giữ được không có mối lo. Mới đây ngươi sai con đến triều đình, ta sai Trung sứ đưa về nước; rồi viên sứ này trở về trình rằng hành động của ngươi trái với điển lệ. Lúc đầu Trẫm chưa tin, đến lúc Ma Lâm Cơ trình bày việc trong nước ngươi, đem so sánh thấy lời trên thật đáng tin, không phải là vu cáo. Tháng 4 năm nay lại được An Nam tâu như sau: ‘Hành Nhân Lưu Mẫn trên đường ra khỏi Chiêm Thành đưa 52 con voi do Chân Lạp cống; Chiêm Thành sai người giả làm kẻ cướp đọat mất ¼ số voi cùng bắt 15 tên quản tượng.’ Ta biết rằng ngươi là Di phương nam; nhưng không nghĩ rằng ngươi vừa tôn kính Trung Quốc, lại lấy việc cướp bóc làm nghề nghiệp. Dù rằng hàng ngày ngươi cướp bóc làm điều bất nghĩa, thì cũng phải biết kẻ lớn người nhỏ, kẻ trên người dưới! Há lại đứng đầu một nước lại dám buông tuồng khinh lờn Thiên tử. Như năm ngoái ngươi dâng voi và 2 người quản tượng; từ khi cho con ngươi trở về, thì trốn tránh không dâng tiếp! Việc làm của ngươi cứ tiếp tục như vậy thì một đàng không có lòng thờ nước lớn, một đàng thì mất sự tín nghĩa để giao thiệp với lân quốc; ngươi phải suy nghĩ sửa đổi, chớ để hối về sau.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 170.

Tháng 7 năm Hồng Vũ thứ 21 [8-9//1388]. Tháng này Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả sai bầy tôi là Bất Thứ Cơ Bá Thứ Phách Đệ cống gia nam, mộc hương. Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 172.

————-

[1] Yêm hoạn: người đàn ông bị thiến hoặc không có bộ phận sinh dục.

[2] Khám hợp: một loại thẻ còn gọi là tín phù, được chia làm 2; một phần gửi đi, một phần giử lại. Để làm tin khi cần kiểm soát thì ráp 2 phần lại xem có hợp không.

[3] Phiên: Người Trung Quốc xưa kỳ thị, gọi các nước lân bang là Phiên hoặc Di, Ðịch.

[4] Ðỉnh: một thoi bạc hoặc vàng, có đỉnh nặng 5 lượng, có đỉnh nặng 10 lượng.

[5] Côn Sơn: Ở xã Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, trên có động Thanh Hư, dưới có núi cầu Thấu Ngọc.

[6] Thảo Nhàn Hiệu Tần Thi Tập: Tập thơ bắt chước làm lúc nhàn rỗi. Thảo nhàn: tìm lấy cảnh nhàn rỗi. Hiệu tần: theo sách Trang Tử, Tây Thi đau bụng, nhăn nhó; một chị người làng, mặt mũi xấu xí, thấy Tây Thi nhăn nhó, cho là đẹp, về cũng ôm bụng bắt chước nhăn nhó. Do đó, người ta dùng danh từ “hiệu tần”để chỉ sự học đòi một cách vụng về.