19/06/2014: Felipe VI trở thành tân vương Tây Ban Nha

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Felipe VI becomes king of Spain after Juan Carlos I abdicates, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2014, khi đồng hồ điểm nửa đêm, triều đại gần 40 năm của Vua Juan Carlos I tại Tây Ban Nha đã kết thúc. Hai tuần sau khi thoái vị khỏi ngai vàng Tây Ban Nha trong bối cảnh mức độ ủng hộ ông đang giảm xuống, Juan Carlos đã tháo chiếc thắt lưng màu đỏ của mình – biểu tượng của nhà lãnh đạo quân đội Tây Ban Nha – và đeo nó cho con trai là Thái tử Felipe, 46 tuổi. Việc chuyển giao quyền lực chính thức – mà nhiều người cho là đáng lẽ phải diễn ra từ lâu – theo đó cũng hoàn tất.

Carlos lên ngôi năm 1975, sau cái chết của nhà độc tài tàn bạo Francisco Franco. Nổi tiếng là người bảo vệ trung thành của nền dân chủ, Carlos ngay lập tức tiến hành cuộc cải cách chính trị lịch sử dẫn đến bầu cử dân chủ ở Tây Ban Nha năm 1976 – lần đầu tiên kể từ năm 1936. Dưới sự cai trị của ông, Tây Ban Nha đã phát triển thành một cường quốc kinh tế, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Nhưng khi kinh tế Tây Ban Nha suy giảm mạnh vào năm 2012, mức độ ủng hộ Carlos cũng vậy. Công dân Tây Ban Nha bắt đầu cảm thấy hoàng gia không quan tâm đến họ, hay đến thiệt hại kinh tế của đất nước. Trong khi đất nước đang rơi vào khủng hoảng tài chính, Carlos hứng chịu chỉ trích nặng nề vì những hành động thái quá như chuyến đi săn voi tại châu Phi. Ông cũng bị chỉ trích vì nhận những món quà xa xỉ, như du thuyền từ một nhóm doanh nghiệp. Tình hình càng thêm tồi tệ khi con gái của Carlos, Công chúa Infanta Cristina, bị điều tra về tội gian lận thuế và rửa tiền. Dân chúng bắt đầu coi gia đình hoàng gia là những kẻ phản bội, và hình ảnh người bảo vệ nền dân chủ của Carlos cũng chết yểu. Một cuộc thăm dò năm 2013 của tờ El Mundo cho thấy gần 2/3 người Tây Ban Nha nghĩ rằng nhà vua nên thoái vị.

Trong khi Carlos càng ngày càng bị cho là một vị vua xa rời dân chúng thì  nhiều người xem con trai ông, Felipe, người đã kết hôn với một “thường dân”, là người đạo đức, và cảm thấy rằng vợ chồng thái tử có thể giúp hồi sinh ngai vàng và đất nước. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với điều đó. Vào ngày nhà vua ra thông báo thoái vị, những người biểu tình đã tụ tập ở Madrid, kêu gọi hoàn toàn chấm dứt chế độ quân chủ.

Giống như cha mình trước kia, Felipe đã thúc đẩy sự minh bạch và các chính sách tiến bộ. Ông là người đầu tiên gặp gỡ các nhóm đòi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT, và thậm chí còn xuất hiện trên trang bìa của một tạp chí dành cho người đồng tính. Ông cũng cắt giảm 20% lương của mình và đặt ra luật cấm các thành viên hoàng gia không được nhận quà.

Trong thỏa thuận thoái vị, Vua Juan Carlos và Nữ hoàng Sofia được bảo lưu quyền miễn trừ truy tố dân sự hoặc hình sự, còn Infanta Cristina được tuyên vô tội đối với mọi cáo buộc. Chồng của công chúa, Iñaki Urdangarin, không may mắn như vậy. Anh rể của Vua Felipe đã bị kết tội gian lận trong kinh doanh vào năm 2018.