27/06/1950: Tổng thống Truman ra lệnh cho lực lượng Mỹ tới Hàn Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: President Truman orders U.S. forces to Korea, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1950, Tổng thống Harry S. Truman thông báo rằng ông đang ra lệnh cho lực lượng không quân và hải quân Mỹ đến Hàn Quốc để hỗ trợ quốc gia dân chủ này trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược của cộng sản Triều Tiên. Ông giải thích, nước Mỹ đang tiến hành chiến dịch quân sự lớn nhằm thực thi một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trong đó kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch và ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á. Ngoài việc triển khai lực lượng Mỹ đến Hàn Quốc, Truman còn cho triển khai Hạm đội 7 đến Formosa (Đài Loan) để đề phòng sự xâm lược từ Trung Quốc cộng sản và ra lệnh tăng tốc viện trợ quân sự cho quân Pháp đang chống lại lực lượng du kích cộng sản ở Việt Nam.

Tại Hội nghị Yalta vào cuối Thế chiến II, Mỹ, Liên Xô và Anh đã đồng ý chia Triều Tiên thành hai khu vực chiếm đóng riêng biệt. Bán đảo theo đó bị chia cắt dọc theo vĩ tuyến 38: người Liên Xô chiếm đóng khu vực phía bắc và người Mỹ đóng quân ở phía nam. Năm 1947, Mỹ và Anh kêu gọi bầu cử tự do trên khắp bán đảo, nhưng Liên Xô từ chối. Tháng 05/1948, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên – một nhà nước cộng sản – được tuyên bố thành lập ở Bắc Triều Tiên. Sang tháng 8, Đại Hàn Dân Quốc được thành lập ở Nam Triều Tiên. Đến năm 1949, cả Mỹ và Liên Xô đều rút phần lớn quân đội của mình khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Rạng sáng ngày 25/06/1950 (ngày 24/06 tại Mỹ và Châu Âu), 90.000 lính cộng sản thuộc Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã vượt vĩ tuyến 38 tiến vào xâm lược Hàn Quốc, khiến cho lực lượng Đại Hàn hoàn toàn mất cảnh giác phải vội vàng rút lui về phía nam. Chiều ngày 25/6, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp khẩn và thông qua nghị quyết của Mỹ, kêu gọi “chấm dứt ngay các hành động thù địch” và yêu cầu Triều Tiên rút về sau vĩ tuyến 38. Vào thời điểm đó, Liên Xô đang tẩy chay Hội đồng Bảo an vì Liên Hiệp Quốc từ chối thừa nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vì vậy họ đã bỏ lỡ cơ hội phủ quyết bản nghị quyết này cũng như các nghị quyết quan trọng khác của Liên Hiệp Quốc.

Ngày 27/06, Tổng thống Truman đã tuyên bố với cả nước và toàn thế giới rằng Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc xung đột Triều Tiên nhằm ngăn chặn cộng sản xâm lược một quốc gia độc lập. Truman cho rằng Liên Xô đứng đằng sau cuộc xâm lược của Triều Tiên, và trên thực tế, Liên Xô đã ngầm chấp thuận cuộc xâm lược, vốn được thực hiện bằng xe tăng và vũ khí do Liên Xô sản xuất. Bất chấp lo ngại rằng sự can thiệp của Mỹ vào Triều Tiên có thể làm bùng phát chiến tranh giữa Mỹ và Liên Xô sau nhiều năm “Chiến tranh Lạnh,” quyết định của Truman đã được Quốc hội và công chúng Mỹ ủng hộ nhiệt liệt. Truman không yêu cầu tuyên chiến, nhưng Quốc hội đã bỏ phiếu mở rộng nghĩa vụ quân sự và ủy quyền cho Truman kêu gọi lực lượng dự bị.

Ngày 28/06, Hội đồng Bảo an đã nhóm họp một lần nữa, và dù Liên Xô tiếp tục vắng mặt, người ta đã thông qua một nghị quyết của Mỹ để phê chuẩn việc sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên. Ngày 30/06, Truman đồng ý cử lực lượng bộ binh của Mỹ đến Hàn Quốc, và sang ngày 07/07, Hội đồng Bảo an khuyến nghị rằng tất cả các lực lượng Liên Hiệp Quốc được cử đến Hàn Quốc phải đặt dưới sự chỉ huy của Mỹ. Ngày hôm sau, Tướng Douglas MacArthur được bổ nhiệm làm chỉ huy của tất cả các lực lượng Liên Hiệp Quốc tại Hàn Quốc.

Trong những tháng đầu tiên của Chiến tranh Triều Tiên, lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ lãnh đạo đã nhanh chóng tiến công chống lại Triều Tiên, nhưng quân đội cộng sản Trung Quốc đã tham chiến vào tháng 10, khiến phe Đồng minh phải nhanh chóng rút lui. Tháng 04/1951, Truman cách chức tổng tư lệnh của MacArthur sau khi ông công khai đe dọa sẽ ném bom Trung Quốc bất chấp chính sách chiến tranh của Truman. Truman lo sợ rằng một cuộc chiến leo thang với Trung Quốc sẽ kéo Liên Xô tham gia vào chiến tranh liên Triều.

Tính đến tháng 05/1951, quân cộng sản đã bị đẩy lùi về phía Bắc vĩ tuyến 38, và giao tranh sẽ chỉ diễn ra dọc theo vĩ tuyến 38 cho đến khi đình chiến. Ngày 27/07/1953, sau hai năm đàm phán, hiệp định đình chiến được ký kết, chấm dứt chiến tranh và tái lập đường phân chia năm 1945, vốn vẫn tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Khoảng 150.000 quân từ Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia khác thuộc lực lượng Liên Hiệp Quốc đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên, còn thương vong của thường dân Hàn Quốc vào khoảng một triệu. Trong khi đó, ước tính có khoảng 800.000 lính cộng sản và hơn 200.000 thường dân Triều Tiên thiệt mạng.

Con số thương vong ban đầu của quân Mỹ – 54.246 người thiệt mạng – đã gây tranh cãi khi vào năm 2000, Lầu Năm Góc thừa nhận rằng tất cả lính Mỹ thiệt mạng trên khắp thế giới trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên đều được cộng gộp vào con số đó. Ví dụ, bất kỳ lính Mỹ nào thiệt mạng trong một vụ tai nạn ô tô ở bất kỳ nơi nào trên thế giới từ tháng 06/1950 đến tháng 07/1953 đều được coi là thương vong của Chiến tranh Triều Tiên. Nếu những cái chết này được trừ đi trong tổng số 54.000, chỉ để lại những người Mỹ chết (vì bất kỳ nguyên nhân gì) trong các chiến dịch tại Hàn Quốc, thì tổng số người Mỹ chết trong Chiến tranh Triều Tiên là 36.516.