26/11/1950: Trung Quốc thay đổi cục diện Chiến tranh Triều Tiên

Print Friendly, PDF & Email

26

Nguồn: Chinese counterattacks in Korea change nature of war, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong những cuộc giao tranh ác liệt nhất của Chiến tranh Triều Tiên, hàng ngàn lính cộng sản Trung Quốc đã thực hiện các đợt phản công lớn chống lại quân Mỹ và Hàn Quốc, đẩy lùi lực lượng Đồng Minh và đặt dấu chấm hết cho mọi ý định giành chiến thắng nhanh chóng hay chiến thắng quyết định của Mỹ. Khi đợt phản công bắt đầu, lực lượng Hàn – Mỹ đã phải rút khỏi Bắc Triều Tiên, và cuộc chiến tranh rơi vào bế tắc trong suốt 2 năm rưỡi sau đó.

Trong những tuần trước khi Trung Quốc phản công, lực lượng Hàn – Mỹ, dưới sự chỉ huy của Tướng Douglas MacArthur, đã thành công trong việc tiến sâu hơn vào Bắc Triều Tiên và đã tới gần biên giới Trung Quốc. Phía Trung Quốc liền cảnh báo rằng lực lượng Đồng Minh nên giữ khoảng cách, và bắt đầu từ tháng 10/1950, binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu vượt biên giới đến hỗ trợ quân Bắc Triều Tiên.

Số lính Trung Quốc đã tăng lên khoảng 300.000 vào đầu tháng 11. Vài trận giao tranh đẫm máu đã diễn ra giữa quân Trung Quốc và quân Mỹ – Hàn, sau đó, phe Trung Quốc bất ngờ tấn công vào ngày 6/11. Điều này đã khiến MacArthur, người luôn xem thường khả năng của quân đội Trung Quốc, phải đề xuất tiến hành một cuộc tấn công lớn.

Đợt tấn công của lực lượng Mỹ – Hàn, sau được gọi là chiến dịch “Chấm dứt Chiến tranh” hay “Về nhà vào Giáng sinh”, bắt đầu vào ngày 24/11. Nhưng nó đã ngay lập tức gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ, và đến ngày 26/11, người Trung Quốc đã tiến hành những đợt phản công hủy diệt trên một mặt trận dài 25 dặm. Đến tháng 12, lực lượng Mỹ – Hàn đã bị đẩy ra khỏi Bắc Triều Tiên; nhưng sau cùng, họ vẫn chặn đứng được quân Trung Quốc. Chiến tranh từ đó rơi vào bế tắc.

Đợt phản công của Trung Quốc đã kết thúc mọi suy nghĩ rằng lính Mỹ sẽ có thể “Về nhà vào Giáng sinh”. Nó cũng làm dấy lên nỗi ám ảnh rằng chiến tranh sẽ mở rộng ra ngoài biên giới bán đảo Triều Tiên. Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ lo lắng, vì việc Mỹ vướng vào một cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á có thể leo thang thành một cuộc đối đầu hạt nhân với Liên Xô.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]