29/06/1941: Đức đưa quân tiến sâu vào Liên Xô

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Germans advance in USSR, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, một tuần sau khi phát động một cuộc xâm lược lớn vào Liên Xô, các sư đoàn Đức đã có những bước tiến đáng kinh ngạc vào Leningrad, Moskva và Kiev.

Bất chấp việc ký Hiệp ước Bất tương xâm Xô-Đức vào năm 1939, Joseph Stalin biết rằng chiến tranh với Đức Quốc Xã – kẻ thù ý thức hệ tự nhiên của Liên Xô – là không thể tránh khỏi. Năm 1941, ông nhận được báo cáo rằng quân Đức đang tập hợp dọc theo biên giới phía tây của Liên Xô và đã ra lệnh huy động chỉ một phần lực lượng dự bị vì tin rằng lãnh tụ Đức Quốc Xã Adolf Hitler sẽ không bao giờ mở một mặt trận nào khác cho đến khi nước Anh bị khuất phục. Bởi thế, Stalin đã rất ngạc nhiên khi kẻ thù xâm lược ngay từ ngày 22/06/1941. Vào ngày này, 150 sư đoàn Đức đã tràn qua biên giới phía tây dài 1.800 dặm của Liên Xô trong một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử.

Được sự hỗ trợ của không quân Luftwaffe vượt trội, quân Đức đã tấn công Liên Xô bằng ba tập đoàn quân lớn, gây thương vong khủng khiếp cho Hồng Quân và dân thường Liên Xô. Ngày 29/06, các thành phố Riga và Ventspils ở Latvia thất thủ, 200 máy bay Liên Xô bị bắn rơi, và việc bao vây ba tập đoàn quân của Liên Xô gần như đã hoàn tất tại Minsk, Belarus. Được sự hỗ trợ của các đồng minh người Romania và Phần Lan, quân Đức đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn trong những tháng đầu của cuộc xâm lược, và đến giữa tháng 10, hai thành phố lớn của Liên Xô là Leningrad và Moskva đã bị bao vây.

Tuy nhiên, giống như Napoléon Bonaparte vào năm 1812, Hitler đã không tính đến quyết tâm của người dân Liên Xô trong việc chống lại quân xâm lược. Dù hàng triệu binh lính và công dân Liên Xô đã thiệt mạng vào năm 1941, và phần còn lại của thế giới dường như đã tin chắc rằng Liên Xô sẽ sụp đổ, Hồng Quân và người dân Liên Xô đã dần bóp chết hy vọng của Hitler về một chiến thắng nhanh chóng. Lực lượng dự trữ của Hồng Quân vượt xa so với dự đoán của tình báo Đức, và chính phủ Liên Xô đã không sụp đổ vì thiếu sự ủng hộ của dân chúng như mong đợi. Đối mặt với thực tế khắc nghiệt là sự chiếm đóng của Đức Quốc Xã, người Liên Xô đã lựa chọn chế độ của Stalin là thứ ít tệ hại hơn, và sẵn sàng hy sinh bản thân trong cuộc chiến được gọi là cuộc “Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.”

Chiến dịch bao vây Moskva của Đức đã gặp phải bế tắc khi họ chỉ còn cách Điệm Kremlin 20 dặm, tinh thần kháng chiến của Leningrad vẫn hết sức mạnh mẽ, và các ngành công nghiệp vũ khí của Liên Xô – với khả năng vận chuyển vũ khí bằng tàu hỏa an toàn đến miền đông – vẫn tiếp tục hoạt động mà không bị ảnh hưởng bởi giao tranh. Cuối cùng, cái mà người Liên Xô gọi là “Mùa đông Lạnh giá” (General Winter) cũng xuất hiện và chống lại người Đức, làm tê liệt khả năng điều quân của họ và dần triệt hạ các sư đoàn được lệnh giữ vững vị trí cho đến cuộc tấn công mùa hè năm sau. Mùa đông năm 1941 đã đến sớm và là mùa đông tồi tệ nhất suốt nhiều thập niên, và quân Đức – những người không có đủ áo ấm mùa đông – đã nhanh chóng bị tiêu diệt bởi các cuộc phản công lớn của Liên Xô bắt đầu vào tháng 12.

Sang tháng 05/1942, quân Đức, những người đã phải trả giá rất đắt cho cuộc tấn công của mình, đã phát động một chiến dịch mùa hè. Họ chiếm vùng Caucasus và tiến đến thành phố Stalingrad, nơi bắt đầu một trong những trận đánh vĩ đại nhất của Thế chiến II. Tháng 11/1942, một cuộc phản công lớn của Liên Xô được thực hiện từ chính đống đổ nát tại Stalingrad, và cuối tháng 1/1943, Thống chế Đức Friedrich Paulus và đội quân bị bao vây của mình đã phải đầu hàng. Đó là bước ngoặt của cuộc chiến, và Liên Xô sau đó đã chiếm lại toàn bộ lãnh thổ mà người Đức chiếm được trong cuộc tiến công năm 1942.

Tháng 07/1943, quân Đức phát động trận đánh lớn cuối cùng, tại Kursk; sau hai tháng chiến đấu ác liệt với hàng nghìn xe tăng, chiến dịch này cũng đã kết thúc trong thất bại. Từ đó, Hồng Quân liên tục đẩy lùi quân Đức bằng hàng loạt các đợt tấn công. Tháng 01/1944, Leningrad đã được giải phóng và một cuộc tấn công khổng lồ nhằm quét sạch tàn dư quân xâm lược khỏi Liên Xô đã bắt đầu vào tháng 5. Sang tháng 01/1945, Hồng Quân mở cuộc tấn công cuối cùng, tiến vào Tiệp Khắc và Áo, và tiến vào Berlin vào cuối tháng 4. Thủ đô của Đức bị chiếm vào ngày 02/05, và chỉ năm ngày sau, Đức đã đầu hàng trong Thế chiến II.

Hơn 18 triệu binh lính và dân thường Liên Xô đã thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, còn Đức đã mất hơn ba triệu người do hậu quả của cuộc xâm lược thảm khốc nhắm vào Liên Xô.