Thế giới hôm nay: 06/07/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hơn 1.000 binh sĩ Afghanistan đã chạy sang Tajikistan trong bối cảnh Taliban tiếp tục giành thắng lợi ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân. Taliban đã kiểm soát một cửa khẩu lớn giữa Afghanistan và Tajikistan; khiến nhóm lính này phải chạy vòng qua nhiều điểm trung chuyển. Hiện lực lượng an ninh của chính phủ đang vất vả trước những đòn tấn công dữ dội của Taliban, còn quân đội Mỹ sẽ rút về nước trước thời hạn 11 tháng 9 do Tổng thống Joe Biden đề ra.

Giá dầu lên mức cao nhất trong ba năm qua sau khi OPEC + lần thứ ba không thể đạt thỏa thuận sản lượng dầu. Họ đã trì hoãn đàm phán vô thời hạn, với việc UAE từ ​​chối đề xuất tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 8 cho đến tháng 12. Hiện giá dầu thô Brent đã tăng lên 77 USD/thùng.

Dữ liệu của chính phủ Anh cho thấy số ca nhiễm covid-19 ở nước này đã tăng 53% trong tuần qua. Tuy vậy, thủ tướng Boris Johnson cho biết vẫn sẽ dỡ bỏ các hạn chế coronavirus còn lại ở Anh vào ngày 19 tháng 7, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Ông nói: “Đáng buồn là chúng ta phải chấp nhận việc số ca tử vong covid gia tăng.”

Hơn 100 học sinh đã mất tích sau vụ bắt cóc có vũ trang nhắm vào một trường học ở bang Kaduna, miền bắc Nigeria. Đây là vụ bắt cóc học sinh thứ tư ở Kaduna trong vòng sáu tháng qua và là vụ bắt cóc thứ tám ở nước này trong năm nay. Trước đây các vụ bắt cóc hàng loạt từng là chiến thuật của nhóm thánh chiến Boko Haram, nhưng các vụ việc gần đây được cho là do các toán cướp.

Lạm phát giá tiêu dùng ở Thổ Nhĩ Kỳ tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 6, cao nhất kể từ tháng 5 năm 2019 và cao hơn mức dự đoán của các nhà kinh tế. Đợt tăng này một phần do tăng giá đồ nội thất gia đình, thực phẩm, đồ uống và dịch vụ khách sạn khi các hạn chế covid-19 được nới lỏng.

KLP, quỹ hưu trí lớn nhất Na Uy, cho biết họ sẽ không đầu tư vào 16 công ty có liên quan tới các khu định cư Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng. KLP nói có “một rủi ro lớn” là các công ty – bao gồm Alstom, Altice, Motorola và một số ngân hàng – đang “đóng góp vào nạn lạm dụng nhân quyền”. KLP đã bán cổ phần của họ trong các công ty này.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban bị Tổ chức Phóng viên Không biên giới gán cho cái tên “kẻ săn mồi đối với tự do báo chí” vì ông liên tục trấn áp truyền thông. Ông Orban là nhà lãnh đạo EU duy nhất trong danh sách 37 người này. Tổ chức này cũng tính toán rằng Fidesz, đảng cầm quyền của Hungary, kiểm soát tới 80% ngành truyền thông của đất nước.

TIÊU ĐIỂM

Cái chết của một nhà hoạt động nhân quyền làm rúng động Ấn Độ

Stan Swamy, một linh mục dòng Tên 84 tuổi, là người lớn tuổi nhất ở Ấn Độ bị buộc tội khủng bố. Ông vừa qua đời hôm Chủ nhật sau khi bị giam giữ suốt từ năm 2018 và liên tục bị từ chối bảo lãnh dù sức khỏe kém. Hôm nay các chính trị gia đối lập và các nhà hoạt động nhân quyền Ấn Độ sẽ mạnh dạn lên tiếng vì cái chết của ông – nhưng có lẽ đã muộn. Cha Stan bị bệnh Parkinson và thậm chí bị người ta rút bỏ chiếc ống hút mà ông cần để uống nước trong nhiều tháng. Ông chết vì covid-19; và quản ngục đã không nghĩ đến việc tiêm phòng cho ông đến tận sau làn sóng thứ hai của Ấn Độ.

Mọi thứ khác về vụ bắt giữ Cha Stan đều là một trò hề. Ông đã đấu tranh suốt nhiều thập niên qua nhằm cải thiện cuộc sống của các cộng đồng bản địa và những người đẳng cấp thấp ở Ấn Độ. Ông bị bắt chính vì đã giúp tổ chức một cuộc tuần hành đòi quyền lợi cho những người thuộc đẳng cấp Dalit, tức những người từng bị coi là “không được chạm vào”. Và khi ấy người ta dựng nên các bằng chứng thô thiển để buộc tội ông là nổi loạn theo chủ nghĩa Mao. Không lạ lắm.

Tương lai của việc làm: văn phòng hay làm từ xa?

Khi các nước bắt đầu nới lỏng quy định ở nhà cũng là lúc hàng triệu người lao động bắt đầu cân nhắc quay lại văn phòng. Từ hôm nay JPMorgan Chase, ngân hàng nắm giữ nhiều tài sản nhất nước Mỹ, sẽ là một trong những công ty đầu tiên đón tất cả nhân viên quay lại bàn làm việc (chỉ ở Mỹ). Nhưng mỗi công ty lại có một chính sách quay lại khác nhau. Một số công ty như dịch vụ phát trực tuyến nhạc Spotify đã cho phép nhiều nhân viên có thể vĩnh viễn làm việc từ xa. Còn một số hãng khác thì kém linh hoạt hơn.

Người lao động cũng không quá thống nhất về điểm này. Nhiều người thích sự tự chủ khi làm việc tại nhà. Họ không thích phải chen chúc trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt khi biến thể Delta của covid-19 lan rộng. Trong khi đó một số người khác than thở về sự thiếu tương tác giữa người với người. Điều này cho thấy hầu hết các công ty rồi sẽ áp dụng mô hình hỗn hợp. Jamie Dimon, giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, gần đây đã châm biếm, “mọi người không thích di chuyển đến chỗ làm, nhưng rồi sao nữa?” Nếu vậy, nó sẽ tạo cơ hội cho các công ty nào muốn thu hút người lao động khỏi các hãng có chính sách nghiêm khắc hơn.

Đức xem xét cơ chế trần nợ

Chính trị gia của hầu hết các nước luôn hứa chi nhiều hơn. Còn ở Đức người ta thắng cử bằng chính sách tài khóa nghiêm khắc. Armin Laschet, người đang dẫn đầu cuộc đua kế nhiệm Angela Merkel làm thủ tướng, ủng hộ một “phanh nợ” để giới hạn khoản vay hàng năm của chính phủ sau điều chỉnh chu kỳ kinh tế không quá 0,35% GDP.

Phanh nợ đã được ghi vào hiến pháp Đức từ năm 2009. Khi đó mục đích của nó là nhằm củng cố niềm tin vào khả năng trả nợ của chính phủ, do đó giảm chi phí đi vay. Những người ủng hộ lập luận rằng Đức chỉ có thể tung ra phản ứng tài khóa khổng lồ để đối phó đại dịch, với tổng trị giá hơn 6% GDP trong năm 2020, là nhờ sự tiết kiệm bấy lâu của nước này.

Thay vì giúp giải quyết, phanh nợ có lẽ đã tạo ra nhiều vấn đề hơn. Nó khiến đầu tư bị siết chặt và chi tiêu trở nên kém minh bạch. Nhưng nếu ông Laschet thành công, nó có thể sớm được tái áp dụng lại và gây hại cho cuộc phục hồi kinh tế. Trong khi đó EU cũng sẽ sớm xem xét lại các quy tắc tài khóa của họ. Và một chính phủ Đức tiết kiệm ở trong nước khó có thể sẽ khuyến khích nới lỏng ở EU.

Thế giới không thể làm gì chính quyền quân sự Myanmar

Ngày mai Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar. Thế giới đã không đứng yên kể từ cách đây 5 tháng khi quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bỏ tù hàng nghìn người và giết hàng trăm người trong nỗ lực ngăn chặn phản kháng. Đại hội đồng LHQ đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi cấm vận vũ khí đối với Myanmar. Mỹ, Anh, Canada và EU đều đã áp lệnh trừng phạt lên các tướng lĩnh hàng đầu và một số doanh nghiệp nhà nước Myanmar.

Nhưng những biện pháp như vậy sẽ không xoay chuyển được các tướng lĩnh. Trong khi đó những nước có thể tạo ra khác biệt lại có phản ứng khác nhau. ASEAN không thể thống nhất về một chiến lược chung. Trung Quốc dường như đã chấp nhận chính quyền quân sự. Kể từ tháng 6 các nhà ngoại giao Trung Quốc đã bắt đầu coi Tổng Tư lệnh quân đội là nhà lãnh đạo Myanmar, còn chính phủ Trung Quốc tổ chức một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN – trong đó có sự tham dự của ngoại trưởng chính quyền quân sự.