01/08/1943: Mỹ không kích các nhà máy lọc dầu của phe Trục

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Operation Tidal Wave: U.S. forces attempt risky air raid on Axis oil refineries, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, từ một căn cứ của quân Đồng minh ở Libya, 177 máy bay ném bom B-24 đã cất cánh hướng về thành phố chuyên sản xuất dầu mỏ Ploiești, Romania, nơi có biệt danh là “trạm xăng của Hitler” (Hitler’s gas station). Cuộc đột kích táo bạo này, với mật hiệu Tidal Wave, đã trở thành lý do giúp năm người đàn ông được trao tặng Huân chương Danh dự — ba trong số đó là được truy tặng. Tuy nhiên, nó đã không thành công trong việc giáng đòn chí mạng vào phe Trục.

Tidal Wave đã có khởi đầu đầy xui xẻo khi một máy bay ném bom quá tải bị rơi ngay khi vừa cất cánh, trong khi một chiếc máy bay khác lao xuống Biển Adriatic. 167 trong số 177 máy bay ném bom tham gia đợt tấn công đã đến được Ploiești, nơi có các mỏ dầu và nhà máy lọc dầu cung cấp hơn 8,5 triệu tấn dầu mỗi năm cho quân Đức.

Hầu hết các cuộc ném bom của quân Đồng minh trong Thế chiến II đều được thực hiện từ độ cao khá lớn, nhưng các máy bay ném bom tấn công Ploiești lại chọn bay tầm thấp để tránh radar của quân Đức. Tuy nhiên, chính vì thế mà chúng đã đánh mất yếu tố bất ngờ: một nhóm máy bay đi sai hướng và những máy bay còn lại buộc phải phá vỡ sự im lặng, dùng bộ đàm để hướng chúng quay trở lại đúng đường bay. Hành động ngoài dự kiến này cũng dẫn đến việc các máy bay ném bom tiếp cận mục tiêu từ phía nam, vốn là nơi Đức Quốc xã tập trung các khẩu đội phòng không của mình.

Cuộc tấn công diễn ra sau đó rất kịch tính, hỗn loạn và tốn kém. Quân Đồng minh phải hứng chịu thương vong nặng nề, và khói từ các vụ nổ trong lượt ném bom đầu tiên đã làm hạn chế tầm nhìn của các máy bay trong đợt tiếp theo. Những phi công sống sót cho biết nhiều mảnh vỡ như cành cây và dây thép gai đã đâm trúng và thậm chí lọt vào cả bên trong máy bay của họ.

Trung tá Addison Baker và Thiếu tá John Jerstad đã được trao Huân chương Danh dự vì nỗ lực (không thành công) của họ khi bay cao hơn để các thành viên phi đoàn có thể nhảy dù khỏi chiếc máy bay bị hư hỏng nặng của mình. Một phi công khác, Trung úy Lloyd Herbert Hughes, cũng được truy tặng Huân chương Danh dự sau khi ông bay chiếc B-24 bị hư hại nghiêm trọng của mình vào thẳng mục tiêu. Đại tá John Kane và Đại tá Leon Johnson, hai chỉ huy đã bắn trúng thành công mục tiêu của họ, là những người duy nhất được trao Huân chương Danh dự và vẫn còn sống sót sau cuộc đột kích.

Mặc dù quân Đồng minh ước tính rằng cuộc đột kích đã làm giảm 40% công suất của ngành dầu mỏ Ploiești, nhưng thiệt hại đã nhanh chóng được phục hồi và chỉ trong vòng vài tháng, các nhà máy lọc dầu thậm chí còn vượt xa công suất trước đó. Khu vực này tiếp tục đóng vai trò là “trạm xăng của Hitler” cho đến khi Liên Xô chiếm được nó vào tháng 08/1944.

310 phi công thiệt mạng, 108 người bị bắt giữ và 78 người khác bị giam ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. 88 trong số 177 chiếc B-24 ban đầu đã quay trở lại, nhưng hầu hết đều bị hư hỏng nặng. Bất chấp kỷ lục là chiến dịch có nhiều phi công được trao Huân chương Danh dự nhất (chỉ trong một nhiệm vụ duy nhất), Tidal Wave đã không bao giờ được lặp lại. Kể từ đó, quân Đồng minh không còn cố gắng tấn công tầm thấp nhắm vào hệ thống phòng không của Đức.