24/07/1943: Chiến dịch Gomorrah bắt đầu

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Operation Gomorrah is launched, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, người Anh đã cho máy bay ném bom tấn công Hamburg, Đức, vào ban đêm – trong Chiến dịch Gomorrah (Operation Gomorrah). Cùng lúc đó, người Mỹ đã ném bom vào ban ngày – trong Tuần lễ Tấn công Chớp nhoáng (Blitz Week).

Đã có 167 thường dân Anh thiệt mạng trong đợt ném bom của Đức vào tháng 07. Giờ đây tình thế sẽ thay đổi. Trong đêm ngày 24/07, máy bay Anh đã thả 2.300 tấn bom cháy xuống Hamburg chỉ trong vài giờ. Sức tàn phá tương đương với những gì máy bay ném bom Đức đã thả xuống London trong 5 cuộc tấn công dữ dội nhất của họ. Hơn 1.500 thường dân Đức thiệt mạng trong vụ đột kích đầu tiên của Anh.

Anh chỉ mất 12 máy bay trong cuộc đột kích này (sau 791 lượt bay). Đó là nhờ một thiết bị gây nhiễu radar mới gọi là “dải nhiễu” (window), một loạt các dải nhôm mà máy bay ném bom Anh đã thả xuống trên đường đến mục tiêu của họ. Những dải nhiễu này đã khiến radar của Đức bị nhầm lẫn, cho rằng những dải nhôm này là máy bay, vậy nên họ đã không biết được đường bay của những chiếc máy bay ném bom thực sự.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn cho Đức khi Không lực Tám (U.S. Eighth Air Force) của Mỹ đã bắt đầu một cuộc đánh bom toàn diện hơn lên miền bắc nước Đức, bao gồm hai cuộc đột kích lên Hamburg vào ban ngày.

Các cuộc tấn công của Anh lên Hamburg tiếp tục cho đến tháng 11 năm đó. Dù tỷ lệ máy bay ném bom Anh bị phát hiện đã tăng lên sau mỗi cuộc đột kích, vì người Đức dần trở nên giỏi hơn trong việc phân biệt giữa các dải nhiễu và máy bay ném bom thực, nhưng Chiến dịch Gomorrah vẫn chứng tỏ sức tàn phá đối với Hamburg – chưa nói tới sự sa sút tinh thần của người Đức.

Khi chiến dịch kết thúc, 17.000 lượt máy bay đã ném hơn 9.000 tấn bom, giết chết hơn 30.000 người và tiêu hủy 280.000 tòa nhà, bao gồm cả các nhà máy công nghiệp và đạn dược. Ảnh hưởng của chiến dịch này lên Hitler là vô cùng lớn. Ông đã từ chối thăm các thành phố bị thiêu rụi, vì đối với ông, những tàn tích ấy không có ý nghĩa gì ngoài là dấu hiệu kết thúc cuộc chiến. Nhật ký của các quan chức cao cấp của Đức trong thời kỳ này cũng chứa đựng sự thất vọng tương tự, vì họ đã nhận ra và phải chấp nhận thất bại.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]