Nhật ký Bắc Kinh (22/02/21): Tại sao Tập khuyến khích học lịch sử Đảng?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 02/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Vào sáng thứ Bảy (20/02/2021), tôi đến thăm Hương Sơn (Xiangshan), một vùng ngoại ô phía tây Bắc Kinh nổi tiếng với những tán lá mùa thu rực rỡ. Địa chỉ tôi đến là Biệt thự Shuangqing, nơi người cha lập quốc Mao Trạch Đông sống nửa năm cho đến khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 10 năm 1949.

Khi đi qua cổng biệt thự, tôi bắt gặp khoảng 20 phụ nữ đang hô vang khẩu hiệu “Trái tim phụ nữ đồng hành cùng Đảng. Hãy đấu tranh để hướng tới một chặng đường dài mới”.

Khi ấy người ta đang kéo lên lá cờ đảng với hình búa liềm màu vàng trên nền đỏ. Những phụ nữ này đều đang đeo huy hiệu đảng trên ngực.

Họ nói một chiến dịch quy mô lớn mang tên “phụ nữ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng” sẽ được phát động tại Bắc Kinh. Họ dường như là lực lượng đi quảng bá cho lễ kỷ niệm vào tháng 7 tới.

Họ còn hô vang một khẩu hiệu khác: “Chúng tôi đề nghị: Chúng ta hãy nghiên cứu lịch sử đảng và báo đáp công ơn đảng”.

Những lời này cứ văng vẳng bên tai tôi.

Cùng lúc đó, Chủ tịch Tập Cận Bình tới dự một cuộc họp cán bộ đảng ở Bắc Kinh nhằm phát động chiến dịch nâng cao kiến ​​thức lịch sử đảng trong tất cả đảng viên.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Tập kêu gọi nỗ lực “nghiên cứu lịch sử đảng, hiểu lý luận của đảng, làm việc thực tiễn và đạt được những tiến bộ mới.” Ông tuyên bố phát động một phong trào quần chúng mới để củng cố “quan điểm đúng đắn về lịch sử đảng.”

Khuyến khích học lịch sử đảng không phải là điều quá mới mẻ. Kể từ sau đại hội toàn quốc tháng 10 năm 2017, ông Tập thường xuyên đề cập đến tầm quan trọng của nó. Ông đã đến thăm địa điểm tổ chức đại hội đầu tiên của đảng ở Thượng Hải, và nhấn mạnh không bao giờ được quên “những nguyện vọng ban đầu” của những người cộng sản.

Chỉ khi giữ vững được những khát vọng đó, các cán bộ mới có thể trấn an những người tiền nhiệm, giành được sự ủng hộ của công chúng và có bước phát triển vượt bậc, ông lập luận. “Đừng quên nguyện vọng ban đầu” đã trở thành khẩu hiệu của ông Tập.

Song đây dường như là chiến dịch đầu tiên tập trung vào lịch sử đảng mà có huy động quần chúng. Tờ Nhân dân Nhật báo gần đây đăng các bài về lịch sử đảng gần như hàng ngày.

Vào ngày 1 tháng 2, ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ông Tập đã tổ chức một cuộc gặp với các doanh nhân không phải đảng viên. Ông trình bày chi tiết chiến dịch giáo dục lịch sử đảng, và khuyến khích những người ngoài đảng tìm hiểu.

Khi ông Tập nói về lịch sử Đảng Cộng sản, ông nhận thức sâu sắc con đường Mao đã đi qua. Lúc đi thăm tỉnh Quý Châu vào đầu tháng này, ông đã mô tả Hội nghị Tuân Nghĩa là “bước ngoặt vĩ đại” của đảng.

Khi Đảng Cộng sản được thành lập vào năm 1921, Mao chỉ là một đảng viên. Phải đến hội nghị Tuân Nghĩa ở Quý Châu vào năm 1935 ông mới lên đảm nhận vai trò lãnh đạo, ngay giữa cuộc rút quân khốc liệt mang tên Vạn lý Trường chinh 1934-1936.

Về phần ông Tập, ông cũng chỉ thực sự bước lên vũ đài chính trị quốc gia tại đại hội đảng mùa thu năm 2007 nhờ được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định hàng đầu – sau khi đã nắm giữ nhiều chức vụ địa phương. Ông có thể thấy con đường mình đi qua khá giống với Mao.

Chiến dịch học lịch sử đảng sẽ còn tiếp tục ngay cả sau lễ kỷ niệm 100 năm. Nguyên nhân là vì đây là một phần trong nỗ lực của Tập nhằm giành được thêm nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị lãnh đạo tối cao tại đại hội Đảng toàn quốc tiếp theo vào mùa thu 2022.

Đương nhiên, phiên bản sử đảng của ông Tập không hề có hai sự kiện: Cách mạng Văn hóa 1966-1976 do Mao phát động khiến Trung Quốc rơi vào hỗn loạn, và cuộc đàn áp của quân đội năm 1989 đối với những người biểu tình sinh viên ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Nói cách khác, đây là phiên bản lịch sử vẽ ra huyền thoại về một Đảng Cộng sản không thể phạm sai lầm.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.