Nguồn: Yergin, Daniel (2006). “Ensuring Energy Security”, Foreign Affairs, Vol. 85, No. 2 (Mar – Apr), pp. 69-82. >>PDF
Biên dịch: Trần Thạch Thương Thương | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Câu hỏi cũ, đáp án mới
Trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, người đứng đầu Cục Hải quân hoàng gia Winston Churchill đã có một quyết định mang tính lịch sử, đó là chuyển đổi nguồn năng lượng cho tàu hải quân Anh từ than đá sang dầu khí. Ông hướng tới xây dựng hạm đội quốc gia hùng mạnh hơn đối thủ là nước Đức. Nhưng điều đó cũng có ý nghĩa rằng Hải quân Hoàng gia Anh sẽ không còn phụ thuộc vào nguồn than đá ở xứ Wales mà phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu thô hết sức bấp bênh từ Ba Tư. Điều này đã khiến an ninh năng lượng trở thành một câu hỏi trong chiến lược quốc gia. Câu trả lời của Churchill khi ấy là gì? Đó là: “Sự an toàn và ổn định của dầu mỏ nằm trong sự đa dạng và chỉ có sự đa dạng [về nguồn cung] mà thôi.”
Sau quyết định của Churchill, an ninh năng lượng đã nhiều lần nổi lên như một vấn đề quan trọng, và ngày nay cũng thế. Nhưng hiện tại cần xem xét lại, bởi quan niệm truyền thống về an ninh năng lượng trong vòng ba thập kỉ qua còn quá hẹp và cần được mở rộng để bổ sung nhiều yếu tố mới. Hơn nữa, cần phải nhận thấy rằng an ninh năng lượng không phải là vấn đề riêng lẻ của quốc gia nào mà nó nằm sâu bên trong những mối quan hệ rộng lớn giữa các quốc gia và cách mà các nước tương tác với nhau.
An ninh năng lượng sẽ là chủ đề hàng đầu trong hội nghị ở St.Peterburg vào tháng 7 của nhóm tám nước công nghiệp hóa phát triển (G8). Sự tái tập trung chú ý vào an ninh năng lượng được thúc đẩy một phần bởi thị trường dầu mỏ cực kì khốc liệt cũng như do giá dầu cao gấp đôi trong ba năm gần đây. Hơn nữa, nó còn được thúc đẩy bởi chủ nghĩa khủng bố, sự bất ổn ở các quốc gia xuất khẩu, phản ứng từ chủ nghĩa dân tộc, mối lo ngại về sự tranh giành nguồn cung, sự đối đầu về địa chính trị, và nhu cầu cơ bản của các quốc gia về năng lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, mối lo ngại tái xuất hiện đến từ việc liệu sẽ có đủ nguồn cung dầu để đáp ứng nhu cầu của thế giới trong vài thập niên nữa hay không.
Mối quan tâm về an ninh năng lượng không chỉ tập trung vào dầu mỏ. Các đợt mất điện ở cả hai bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ, ở châu Âu, và ở Nga, cùng với tình trạng thiếu điện thường xuyên ở Trung Quốc, Ấn Độ, và những quốc gia đang phát triển khác, đã làm dấy lên mối lo ngại về mức độ ổn định của hệ thống cung ứng điện. Đối với khí tự nhiên, việc cầu tăng lên và nguồn cung bị hạn chế đã cho thấy vùng Bắc Mỹ đã không còn có thể tự cung tự cấp, do đó nước Mỹ đang dần tham gia vào thị trường mới về khí tự nhiên của thế giới, và điều này sẽ tạo ra mối liên kết chưa từng thấy trong lịch sử giữa các quốc gia, các lục địa và giá cả.
Cùng lúc đó, một loạt những điểm yếu đã dần lộ rõ. Tổ chức Al Queda đã đe dọa tấn công vào cái mà Osama bin Laden gọi là “bản lề” của nền kinh tế thế giới, đó là cơ sở hạ tầng trọng yếu, trong đó năng lượng là một trong các nhân tố quan trọng nhất. Thế giới sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào những nguồn cung mới từ những nơi có hệ thống an ninh đang được phát triển, như các mỏ dầu hay khí tự nhiên ngoài khơi Tây Phi và ở biển Caspi. Những điểm yếu không chỉ đến từ mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, bất ổn chính trị, xung đột vũ trang, và cướp biển. Vào tháng 8 và tháng 9 năm 2005, bão Katrina và bão Rita đã gây ra cú sốc toàn diện về năng lượng đầu tiên trên thế giới, làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ, khí tự nhiên và nguồn điện cùng lúc.
Những sự kiện xảy ra từ đầu năm nay đã cho thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề. Tranh chấp về khí tự nhiên giữa hai nước Nga và Ukraina tạm thời đã làm ngắt nguồn cung cấp cho châu Âu. Căng thẳng gia tăng liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran khiến xuất hiện mối đe dọa rằng Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai của OPEC, sẽ “khởi động một cuộc khủng hoảng dầu mỏ”. Ngoài ra, những cuộc tấn công rải rác vào một số mỏ dầu cũng làm suy giảm lượng dầu xuất khẩu của Nigeria, quốc gia cung cấp dầu quan trọng cho Hoa Kỳ.
Kể từ thời Churchill, chìa khóa giải quyết vấn đề an ninh năng lượng vẫn là sự đa dạng hóa. Điều này vẫn đúng, nhưng cũng cần chú ý đến cách tiếp cận rộng hơn, trong đó có tính tới sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại năng lượng toàn cầu, những điểm yếu của chuỗi cung ứng, chủ nghĩa khủng bố, và sự hội nhập của các nền kinh tế mới vào thị trường thế giới.
Mặc dù, ở các nước đã phát triển định nghĩa thông thường của an ninh năng lượng đơn giản là sự sẵn có đầy đủ những nguồn cung ở các mức giá thỏa đáng, nhưng những quốc gia khác lại hiểu khái niệm này theo nhiều cách hoàn toàn khác nhau. Các quốc gia xuất khẩu năng lượng sẽ nhấn mạnh khía cạnh “đảm bảo nguồn cầu” trong hoạt động xuất khẩu của mình, vốn tạo ra đa số ngân sách cho các chính phủ của họ. Như trường hợp nước Nga, mục tiêu của họ là nhằm xác lập lại quyền kiểm soát của nhà nước đối với “các tài nguyên chiến lược” và các đường ống dẫn chính cũng như các kênh thị trường mà thông qua đó nước này vận chuyển các sản phẩm dầu khí đến thị trường thế giới. Vấn đề đặt ra cho các quốc gia đang phát triển lại là những thay đổi về giá cả năng lượng sẽ ảnh hưởng đến cán cân thanh toán của các quốc gia đó như thế nào. Đối với Trung Quốc và Ấn Độ, khái niệm an ninh năng lượng hiện được hiểu là khả năng nhanh chóng thích ứng với sự phụ thuộc xuất hiện gần đây của các nước này vào thị trường thế giới, vốn là một sự thay đổi lớn so với những quyết tâm nhằm tự cung tự cấp năng lượng trước đây. Đối với Nhật Bản, an ninh năng lượng lại có nghĩa là hạn chế mặt tiêu cực của tình trạng khan hiếm gay gắt nguồn tài nguyên trong nước thông qua sự đa dạng hóa nguồn năng lượng, các hoạt động thương mại và đầu tư. Ở Châu Âu, hầu hết các quốc gia, trừ nước Pháp và Phần Lan, đang có những tranh luận chủ yếu tập trung vào cách giảm sự phụ thuộc vào khí tự nhiên nhập khẩu bằng cách xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới hoặc có lẽ sẽ dùng lại than đá (sạch). Còn nước Mỹ thì phải đối mặt với thực tế không mấy dễ chịu, đó là mục tiêu quốc gia về “độc lập năng lượng”, một thuật ngữ vốn đã trở thành khẩu hiệu kể từ khi được Tổng thống Nixon nêu ra bốn tuần sau lần cấm vận dầu mỏ năm 1973, đang ngày càng xa rời thực tế.
Những cú sốc đối với cung và cầu
Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, mối lo ngại về an ninh năng lượng dường như lắng lại. Nỗ lực của Saddam Hussein nhằm khống chế khu vực vùng Vịnh Ba Tư đã thất bại, và có vẻ như thị trường dầu mỏ thế giới vẫn là một thị trường (hơn là trở thành công cụ thao túng chính trị của Saddam) và những nguồn cung dầu mỏ vẫn sẽ dồi dào ở những mức giá vừa phải, không làm cản trở nền kinh tế thế giới. Nhưng 15 năm sau, giá lên cao, và nỗi lo sợ về tình trạng thiếu hụt đã bao trùm các thị trường năng lượng. Chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời sẽ được tìm thấy ở cả khía cạnh thị trường lẫn chính trị.
Thập kỉ vừa qua đã chứng kiến sự tăng lên đáng kể của nhu cầu thế giới đối với dầu mỏ, chủ yếu vì sự phát triển kinh tế vượt bậc của những nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Tới năm 1993, Trung Quốc vẫn đang có thể tự cung tự cấp dầu mỏ cho mình. Từ đó, GDP nước này tăng khoảng gấp ba lần, và nhu cầu về dầu cũng tăng gấp đôi. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu ba triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm khoảng một nửa tổng lượng dầu tiêu thụ của nước này. Thị phần của Trung Quốc trong thị trường dầu mỏ thế giới chiếm khoảng 8%, nhưng nước này chiếm tới 30% tổng lượng cầu tăng lên của thế giới từ năm 2000. Cũng từ năm 2000, nhu cầu dầu mỏ thế giới tăng khoảng 7 triệu thùng/ngày; trong đó, 2 triệu thùng thuộc về Trung Quốc. Lượng tiêu thụ dầu của Ấn Độ hiện tại ít hơn Trung Quốc 40%, nhưng do Ấn Độ đang tiến vào giai đoạn mà nhà kinh tế học Vijjan Kelkar gọi là “tăng trưởng nhanh đi kèm chi phí cao” (“growth turnpike”), nên lượng cầu dầu mỏ sẽ càng tăng nhanh. (Trớ trêu thay, tốc độ tăng trưởng cao hiện nay của Ấn Độ một phần xuất phát từ sự tăng vọt của giá dầu trong thời gian chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư 1990-1991. Cú sốc cán cân thanh toán vì lí do này khiến Ấn Độ hầu như không còn dự trữ ngoại tệ, tạo điều kiện cho các cải cách khởi xướng bởi Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh, hiện đang là Thủ tướng Ấn Độ.)
Tác động của việc tăng tưởng ở Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước khác đến nhu cầu thế giới về năng lượng ngày càng lớn. Trong những năm 1970, Bắc Mỹ tiêu thụ lượng dầu nhiều gấp hai lần châu Á. Năm ngoái, lần đầu tiên, lượng dầu tiêu thụ ở châu Á vượt qua khu vực Bắc Mỹ.
Theo những dự báo của Hiệp hội Nghiên cứu Năng lượng Cambridge (CERA), xu hướng này sẽ tiếp tục với việc châu Á sẽ chiếm một nửa trong tổng mức tăng tiêu thụ dầu thế giới trong 15 năm kế tiếp. Tuy nhiên, ảnh hưởng ngày càng tăng của châu Á chỉ trở nên rõ ràng vào năm 2004, khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong vài thập kỷ đã tạo ra “cú sốc cầu”, cụ thể là sự gia tăng lượng dầu tiêu thụ bất ngờ của thế giới, được thể hiện qua việc tỉ lệ này tăng nhanh hơn gấp đôi tỉ lệ tăng trưởng trung bình hằng năm trong thập niên trước. So với năm 2003, lượng cầu của Trung Quốc năm 2004 tăng bất thường đến 16%, một phần do sự thiếu điện đã dẫn đến việc sử dụng dầu tăng đột biến để phát điện thay thế. Lượng tiêu thụ dầu ở Mỹ, cũng như ở các nước khác, tăng mạnh vào năm 2004. Kết quả là thị trường dầu mỏ đã trở nên khan hiếm nhất trong ba thập kỉ qua (trừ vài tháng đầu sau khi Saddam xâm lược Kuwait năm 1990). Hầu như không còn giếng dầu nào có thể tăng thêm công suất. Tình hình này vẫn tồn tại đến ngày nay, với thêm một vấn đề khác. Lượng dầu bổ sung có thể được sản xuất không thể dễ dàng tiêu thụ vì không đủ chất lượng để được chế biến bởi các nhà máy lọc dầu hiện có trên thế giới.
Khả năng lọc dầu là một hạn chế lớn cho vấn đề cung cấp, vì yêu cầu đối với sản phẩm của người tiêu dùng thế giới so với năng lực của nhà máy lọc dầu có sự chênh lệch rõ nét. Không chỉ riêng nước Mỹ, thực tế khả năng lọc dầu hạn chế là vấn đề của toàn thế giới. Nhu cầu thế giới tăng nhiều nhất ở “sản phẩm chưng cất trung gian”, gồm dầu diesel, nhiên liệu máy bay, và dầu thắp. Diesel là nhiên liệu được ưa chuộng nhất ở châu Âu, nơi có một nửa số dân tiêu thụ xe động cơ diesel. Nó cũng được sử dụng ngày càng nhiều để phục vụ phát triển kinh tế ở châu Á, không chỉ trong giao thông vận tải mà còn cho việc sản xuất điện. Tuy nhiên, hệ thống lọc dầu toàn cầu không đủ công suất chuyển đổi sâu từ dầu thô nặng sang các sản phẩm chưng cất trung gian. Sự thiếu hụt công suất này đã tạo ra nhu cầu bổ sung đối với các sản phẩm dầu thô nhẹ, bao gồm các loại theo chuẩn WTI (West Texas Intermediate), khiến giá dầu càng tăng hơn nữa.
Những yếu tố khác, bao gồm các vấn đề ở vài quốc gia xuất khẩu năng lượng lớn, cũng góp phần làm tăng giá dầu. Thực tế, giai đoạn giá dầu tăng cao hiện tại bắt đầu vào cuối năm 2002 và đầu năm 2003, ngay trước lúc bắt đầu chiến tranh Iraq, khi quyết tâm của Tổng thống Hugo Chávez trong việc củng cố kiểm soát đối với hệ thống chính trị, các công ty dầu mỏ quốc doanh, cũng như doanh thu từ dầu mỏ của Venezuela, đã làm nổ ra các cuộc đình công và biểu tình. Điều này dẫn đến việc gián đoạn sản xuất dầu của Venezuela, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu ổn định nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lượng dầu cung cấp cho thị trường thế giới bị sụt giảm do những cuộc đình công khá đáng kể, thậm chí còn nhiều hơn so với ảnh hưởng của chiến tranh Iraq đối với các nguồn cung dầu. Sản lượng dầu của Venezuela vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, và hiện thấp hơn khoảng 500.000 thùng mỗi ngày so với mức sản lượng trước khi nổ ra các cuộc đình công.
Chế độ sụp đổ của Saddam không phóng hỏa hết các cơ sở sản xuất dầu trong suốt cuộc chiến tranh năm 2003 như nhiều người lo ngại, nhưng việc sản lượng dầu của Iraq sẽ tăng nhanh sau cuộc chiến mà nhiều người kỳ vọng cũng chắc chắn đã không xảy ra. Hàng chục tỉ đô la cần có để đưa tổng sản lượng của nước này trở lại mức đỉnh điểm 3,5 triệu thùng mỗi ngày như năm 1978 đã không được đầu tư do những cuộc tấn công không ngừng nhằm vào cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động, lẫn sự bất ổn của hệ thống pháp luật và chính trị Iraq cũng như khuôn khổ pháp lý hợp đồng cho việc đầu tư. Kết quả là, lượng dầu xuất khẩu của Iraq thấp hơn so với mức trước chiến tranh từ 30% đến 40%.
Trái lại, hơn năm năm qua, những mỏ dầu ở Nga đang đóng vai trò trung tâm đối với tăng trưởng nguồn cung của thế giới, cung cấp khoảng 40% tổng sản lượng dầu cho thế giới từ năm 2000. Nhưng sự gia tăng sản lượng dầu mỏ ở Nga đã chậm lại đáng kể trong năm qua do những rủi ro chính trị, thiếu vốn đầu tư, chính sách chính phủ hay thay đổi, những rào cản trong việc điều tiết, và những thách thức về mặt địa chất ở một số vùng. Trong khi đó, dù một số quốc gia cung cấp dầu lớn phải đối mặt với những khó khăn như vậy, nhưng những nguồn cung dầu ít được chú ý hơn, ví dụ như những mỏ ngoài khơi Brazil và Angola, lại đang tăng sản lượng – cho đến khi bão Katrina và Rita đã làm gián đoạn 27% sản lượng khai thác dầu của nước Mỹ (cũng như 21% khả năng lọc dầu của các nhà máy ở nước này). Tới cuối tháng 1 năm 2006, một số dàn khoan ở Mỹ vốn có thể sản xuất đến 400.000 thùng dầu một ngày trước khi xảy ra các cơn bão vẫn chưa thể hoạt động trở lại. Nhìn chung, bài học trong những năm vừa qua đã chứng minh rằng thị trường khan hiếm là thị trường dễ tổn thương trước các biến cố.
Tất cả những vấn đề trên đã làm dấy lên đợt lo ngại mới về việc thế giới sẽ cạn kiệt dầu. Những đợt lo ngại này đã diễn ra lặp đi lặp lại từ những năm 1880. Nhưng sản lượng dầu mỏ của thế giới thực tế đã tăng khoảng 60% từ những năm 1970, lần gần nhất mà thế giới được cho là không còn dầu. (Cú sốc cầu năm 2004 đã gây nhiều chú ý hơn sự kiện giảm cầu năm 2005, khi mức tiêu thụ của Trung Quốc hoàn toàn không tăng lên và mức cầu thế giới đã quay về mức tăng trung bình của thời kì 1994 – 2003). Mặc dù những bàn tán về việc sản lượng dầu sắp đạt tới mức đỉnh và sau đó là sự giảm sút nhanh chóng đã trở nên quen thuộc, nhưng phân tích từng dự án và kế hoạch khai thác từng mỏ dầu một của CERA đã chỉ ra rằng năng lực sản xuất ròng có thể tăng lên từ 20 đến 25% trong thập niên tiếp theo. Bất chấp tình trạng bi quan hiện tại, giá dầu cao sẽ dẫn tới một hệ quả tất yếu: nguồn cung nhiên liệu sẽ tăng lên nhờ đầu tư tăng đáng kể cũng như nhờ việc biến những dự án có cơ hội ít ỏi thành những triển vọng thương mại (tất nhiên, còn có tác động hạn chế bớt nguồn cầu và kích thích sự phát triển các năng lượng thay thế).
Một phần lớn khả năng cung cấp dầu gia tăng này đang được thực hiện. Phần nhiều sẽ nhờ vào việc khai thác những nguồn cung phi truyền thống, từ cát dầu ở Canada (hay còn gọi là cát hắc ín) đến những mỏ dầu ở tầng nước cực sâu tới các loại nhiên liệu giống diesel chất lượng cao có nguồn gốc từ khí tự nhiên – tất cả đều trở nên có thể nhờ các tiến bộ về công nghệ. Tuy nhiên, những nguồn cung truyền thống cũng sẽ gia tăng: Ả-rập Xê-út đang trên đà tăng năng suất khoảng 15%, tương đương với mức 12 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2009, và các dự án khác đang được triển khai khắp nơi, như ở biển Caspi và thậm chí ở các giếng dầu ngoài khơi nước Mỹ. Mặc dù các công ty năng lượng sẽ phải thăm dò dầu khí trong các môi trường khó khăn, nhưng cản trở lớn nhất đối với việc tăng nguồn cung không phải là về mặt địa chất mà là về mặt con người, cụ thể là, các vấn đề quốc tế, chính trị, quyết định của chính phủ, cũng như việc phát triển công nghệ mới và đầu tư cho năng lượng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng những dự đoán hiện tại cho thấy rằng sau năm 2010 sẽ có ít quốc gia hơn có khả năng tăng nguồn cung so với hiện nay, điều này có thể làm trầm trọng thêm các lo ngại về an ninh.
Một khuôn khổ mới
Hệ thống an ninh năng lượng hiện nay được thiết lập nhằm phản ứng lại sự kiện cấm vận dầu mỏ Arab năm 1973, với mục tiêu đảm bảo sự điều phối giữa các nước công nghiệp hóa trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn, khuyến khích sự hợp tác về chính sách năng lượng, tránh việc đổ xô tranh giành nguồn cung, và ngăn chặn việc các nước xuất khẩu sử dụng “vũ khí dầu mỏ” trong tương lai. Những nhân tố chính trong hệ thống này là Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) với trụ sở chính ở Paris, bao gồm các thành viên là các quốc gia công nghiệp hóa; các kho dự trữ dầu chiến lược, bao gồm Cơ quan Dự trữ Dầu Chiến lược của Mỹ; sự giám sát và phân tích liên tục các chính sách và thị trường năng lượng; bảo tồn năng lượng và chia sẻ khẩn cấp nguồn cung dầu trong trường hợp khủng hoảng. Hệ thống dự phòng khẩn cấp được thiết lập nhằm hạn chế trường hợp gián đoạn nguồn cung lớn đe dọa sự ổn định và nền kinh tế thế giới, chứ không phải nhằm điều tiết giá cả và các loại hàng hóa. Kể từ khi hệ thống ra đời những năm 1970, sự suy giảm kho dầu dự phòng chiến lược khẩn cấp có điều phối đã từng xảy ra hai lần: trước cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và sau cơn bão Katrina vào mùa thu năm 2005. (Hệ thống này cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng sử dụng trước ngày 1 tháng 1 năm 2000 do lo ngại về những vấn đề tiềm tàng từ vụ lỗi máy tính Y2K, trong suốt khoảng thời gian sản xuất dầu mỏ bị đình trệ ở Venezuala năm 2002 – 2003, và vào mùa xuân năm 2003, trước khi chiến tranh Iraq xảy ra.)
Lịch sử cho thấy để duy trì an ninh năng lượng, các quốc gia phải chấp nhận một số nguyên tắc. Nguyên tắc đầu tiên và quen thuộc nhất chính là điều mà Churchill đã thúc dục hơn 90 năm về trước: đó là đa dạng hóa nguồn cung. Sự đa dạng này sẽ làm giảm ảnh hưởng của việc gián đoạn nguồn cung nhờ có những nguồn khác thay thế, cũng như mang lại thị trường ổn định, vốn là mối quan tâm hàng đầu của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất. Nhưng chỉ đa dạng hóa thì chưa đủ. Qui tắc thứ hai là khả năng hồi phục nhanh, một “khoảng dư an ninh” trong hệ thống cung cấp năng lượng cho phép tạo ra vùng đệm chống lại những cú sốc và tạo điều kiện hồi phục sau khủng hoảng. Khả năng hồi phục còn đến từ nhiều yếu tố, bao gồm năng suất dự phòng đủ lớn, các kho dự trữ chiến lược, nguồn cung thiết bị dự phòng, khả năng dự trữ đầy đủ theo chuỗi cung ứng, việc dự phòng đầy đủ các máy móc phụ tùng thiết yếu cho việc sản xuất và phân phối điện, cũng như những kế hoạch suy tính thận trọng nhằm ứng phó với việc gián đoạn nguồn cung trên diện rộng. Vì vậy, nguyên tắc thứ ba là sự nhận thức về bản chất liên kết. Chỉ có một thị trường dầu mỏ duy nhất, một hệ thống phức tạp và rộng khắp toàn cầu vận chuyển và tiêu thụ khoảng 86 triệu thùng dầu mỗi ngày. Đối với tất cả các quốc gia tiêu dùng, an ninh phụ thuộc vào sự ổn định của thị trường này. Tách biệt khỏi nó không phải là một lựa chọn khả dĩ.
Nguyên tắc thứ tư chính là tầm quan trọng của thông tin. Thông tin chất lượng cao sẽ làm nền tảng cho thị trường thực hiện tốt chức năng. Ở cấp độ quốc tế, IEA đã dẫn đường trong việc cải thiện dòng chảy thông tin về thị trường thế giới và những triển vọng ngành công nghiệp năng lượng. Công việc này cũng đang được hỗ trợ bởi Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF), vốn sẽ tìm cách hợp nhất các thông tin từ nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thông tin đóng vai trò quan trọng không kém trong các cuộc khủng hoảng, bởi khi đó sự hoảng sợ của người tiêu dùng có thể bị kích thích bởi sự kết hợp giữa gián đoạn nguồn cung thực tế, các tin đồn và nỗi sợ hãi. Trong khi đó, sự thật có thể bị che lấp bởi những lời buộc tội, những mâu thuẫn, sự phẫn nộ, và sự truy tìm bằng chứng cho các thuyết âm mưu, từ đó khiến cho thực trạng đã xấu càng xấu hơn. Những lúc như vậy, chính phủ và lĩnh vực tư nhân nên hợp tác để đối phó với sự hoảng loạn bằng những thông tin kịp thời, chính xác. Chính phủ Mỹ có thể tăng cường sự linh hoạt và điều chỉnh của thị trường bằng cách thúc đẩy liên lạc với các doanh nghiệp và cho phép trao đổi thông tin giữa họ với nhau, và nếu cần sẽ đi kèm các biện pháp chống độc quyền phù hợp.
Nguyên tắc thứ năm không kém phần quan trọng, đó là: những năm qua đã cho thấy rõ sự cần thiết mở rộng khái niệm an ninh năng lượng theo hai chiều: sự công nhận tính toàn cầu hóa của hệ thống an ninh năng lượng, điều có thể đạt được nhờ sự tham gia của Trung Quốc vầ Ấn Độ; và sự thừa nhận sự thật rằng toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng đang cần được bảo vệ.
Cơn khát năng lượng của Trung Quốc đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong kịch bản các tiểu thuyết và phim ảnh. Thậm chí trong thế giới thực, rõ ràng Mỹ đã nhận ra chiến lược lớn của Trung Quốc nhằm giành lấy những nguồn cung khí đốt và dầu mỏ mới trước mũi Mỹ và các nước phương Tây, và một vài nhà chiến lược ở Bắc Kinh lo ngại rằng Hoa Kì sẽ tìm cách cản trở những nguồn cung năng lượng ở nước ngoài của Bắc Kinh. Nhưng thực tế không đến mức gay cấn như vậy. Ví dụ như, trái với những sự chú ý dành cho nỗ lực trong giành các mỏ dầu nước ngoài của Trung Quốc, tổng sản lượng dầu mà Trung Quốc hiện sản xuất bên ngoài biên giới quốc gia mỗi ngày chỉ tương đương khoảng 10% sản lượng thường nhật của một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất [thế giới]. Nếu có một cuộc tranh cãi lớn giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan đến dầu mỏ hay khí đốt, thì có lẽ sẽ không phải do sự cạnh tranh khai thác tài nguyên giữa hai nước, mà là vì việc khai thác dầu đã trở thành một phần của các vấn đề chính sách đối ngoại rộng lớn hơn (như mâu thuẫn đối với một chế độ cụ thể nào đó, hay về cách đáp trả chương trình hạt nhân của Iran như thế nào). Thực ra, theo quan điểm của người tiêu dùng ở Bắc Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản, đầu tư của Trung Quốc và Ấn Độ trong việc phát triển những nguồn cung năng lượng mới khắp thế giới không phải là một mối đe dọa mà là điều đáng mong muốn, vì như vậy sẽ có thêm nhiều năng lượng cung cấp cho mọi người trong những năm tiếp theo.
Hơn nữa, việc đưa hai quốc gia lớn này vào mạng lưới đầu tư và thương mại thế giới sẽ là giải pháp cấp bách và khôn ngoan hơn so với việc để hai nước này đi theo hướng chủ nghĩa trọng thương, song phương giữa các nhà nước tách biệt. Việc này đòi hỏi cần phải hiểu Trung Quốc và Ấn Độ nhìn nhận an ninh năng lượng đối với họ nghĩa là gì. Cả hai nước đã nhanh chóng chuyển từ tự cung tự cấp sang hội nhập vào nền kinh tế thế giới, có nghĩa là hai nước sẽ ngày càng phụ thuộc vào thị trường thế giới nhiều hơn, bởi cả hai gặp áp lực lớn trong việc mang lại tăng trưởng kinh tế cho dân số khổng lồ, vốn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt năng lượng và mất điện hàng ngày. Do đó, mối lo ngại lớn nhất của Trung Quốc và Ấn Độ là làm sao đảm bảo có đủ năng lượng cung cấp cho sự phát triển kinh tế và ngăn chặn tình trạng thiếu hụt năng lượng vốn có thể dẫn đến bất ổn chính trị – xã hội. Đối với Ấn Độ, nơi cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán năm 1990 vẫn còn in đậm trong tâm trí các nhà hoạch định chính sách, sản xuất quốc tế cũng là một cách để đối phó với rủi ro giá dầu tăng cao. Vì vậy Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như những quốc gia chủ chốt khác như Brazil, nên được đưa vào hệ thống an ninh năng lượng IEA hiện có nhằm trấn an họ rằng lợi ích của họ sẽ được bảo vệ trước những bất ổn và để rằng hệ thống này sẽ làm việc hiệu quả hơn.
An ninh và sự linh hoạt
Những cú sốc trong tương lai
Download toàn bộ văn bản tại đây: Ensuring energy security.pdf
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]