#17 – Hãy suy nghĩ lại: Nạn buôn người

Print Friendly, PDF & Email

2048873899_1365622940

Nguồn: Feingold, David A.*, “Human Traficking”, Foreign Policy, No. 150 (Sep. – Oct., 2005), pp. 26-30, 32.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Ngân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Nếu theo phản ánh của tin tức báo chí, thì buôn người là một hiện tượng mới xuất hiện gần đây. Thực tế, việc ép buộc người di chuyển qua biên giới đã có từ rất lâu rồi, như quy luật cung – cầu. Cái mới ở đây là nạn buôn người ngày càng tăng lên về số lượng và sự thật là chúng ta chưa nỗ lực để ngăn chặn vấn nạn này. Chúng ta cần phải hành động để chấm dứt việc buôn bán sinh mạng con người, hơn là chỉ cảm thấy căm tức hay phẫn nộ. 

“Hầu hết các nạn nhân được bán vào ngành công nghiệp tình dục”

Không phải. Việc buôn bán trẻ em và phụ nữ (và hiếm gặp hơn là nam thanh niên) vào mục đích mại dâm là một hành động vi phạm nhân quyền một cách thô bạo, nhưng có lẽ việc buôn người vào mục đích lao động có vẻ phổ biến hơn. Kết quả của các nghiên cứu thực địa về các nạn nhân bị buôn bán trên thế giới cũng như sự thật đơn giản là nhu cầu về thị trường lao động trên thế giới lớn hơn đã chứng minh điều đó. Thống kê về việc sử dụng người bị buôn bán thường không đáng tin cậy vì người ta có xu hướng thổi phồng thương mại tình dục. Ví dụ, đàn ông thường không được đề cập đến trong các thống kê về buôn bán người thực hiện tại Thái Lan vì theo luật pháp nước này, đàn ông không được coi là nạn nhân của việc buôn người. Tuy nhiên, một nghiên cứu chi tiết được thực hiện năm 2005 bởi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, trong ước tính 9,5 triệu nạn nhân bị bắt ép lao động tại Châu Á, dưới 10% bị bán vào hoạt động mại dâm thương mại. Cũng theo báo cáo này, trên toàn thế giới, chưa đến một nửa trong tổng số nạn nhân bị buôn bán là một phần trong giao dịch mại dâm.

Mặc dù vậy, buôn người với mục đích lao động cũng không phải là một điều may mắn đối với các nạn nhân. Một nghiên cứu về những lao động trong nước tại Thái Lan thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Xã hội và Dân số thuộc Đại học Mahidol cho thấy tình trạng đánh đập, tấn công tình dục, ép làm việc không được trả tiền, thiếu ngủ và cưỡng hiếp thường xuyên diễn ra. Một nghiên cứu khác của Tổ chức Hợp tác Kỹ thuật Đức (GTZ) về những bé gái Đông Phi bị bán sang Trung Đông cho thấy phần lớn bị ép làm những công việc nặng nề và thường bị cưỡng hiếp và đánh đập. Những bé trai từ Campuchia và Myanmar cũng thường xuyên bị bán cho những tàu cá thương mại đánh bắt ở các vùng biển sâu. Một vài trong số đó phải sống tới hai năm trên biển. Nghiên cứu ban đầu cho thấy khoảng 10% những em bé này không bao giờ trở về, những bé trở nên ốm yếu thường xuyên bị ném xuống biển.

Việc tập trung vào ngành công nghiệp tình dục có thể giúp thôi thúc hành động vì sự phẫn nộ đạo đức, nhưng nó cũng có thể làm che khuất lý do thực sự của vấn nạn này. Một ví dụ gần đây là các bài báo không có căn cứ về những đứa trẻ bị mồ côi sau thảm họa sóng thần tại Aceh, Indonesia đã bị các băng nhóm buôn người có tổ chức bắt cóc. Các băng nhóm này hoạt động như thế nào trong một vùng nơi mà đường sá và các sân bay bị tàn phá còn chưa được tìm hiểu rõ ràng, nhưng nó không thể khiến một vài tổ chức đến từ Mỹ dừng việc kêu gọi xây dựng quỹ để cử các “điều tra viên được đào tạo” tới nhằm theo dấu những tên tội phạm này. Mặc dù sự tàn phá của trận sóng thần làm cho con người dễ bị tổn thương hơn, phần lớn vì sự hủy hoại về kinh tế, các điều tra của Liên Hợp Quốc vẫn chưa phát hiện một trường hợp nào được xác nhận là nạn nhân của nạn buôn người vì mục đích mại dâm.

“Thắt chặt biên giới sẽ ngăn chặn nạn buôn người”

Sai. Vấn đề buôn người thường được sử dụng để ủng hộ các chính sách hạn chế nhập cư. Trong thực tế, việc siết chặt dòng người tị nạn trên thế giới gần đây đã làm cho nạn buôn người tăng lên vì nó ép những người tuyệt vọng tìm đến những tàu buôn lậu. Ở vùng đông nam Châu Âu, một nghiên cứu của GTZ cho thấy càng thắt chặt kiểm soát vùng biên, càng làm gia tăng nạn buôn người, vì người ta phải tìm đến các bên thứ ba để đưa họ ra khỏi đất nước một cách bất hợp pháp.

Tương tự, các nỗ lực về mặt luật pháp khác để bảo vệ phụ nữ khỏi nạn buôn người đã phản tác dụng khi khiến cho phụ nữ càng trở nên dễ bị tổn thương hơn. Ví dụ, luật Myanmar không cho phép phụ nữ dưới 26 tuổi di chuyển tới vùng biên giới khi không có chồng hoặc cha mẹ đi cùng. Mặc dù các quan chức của Myanmar cho rằng luật này chứng tỏ sự quan ngại của chính phủ về vấn đề buôn người, nhưng rất nhiều phụ nữ tin rằng nó chỉ làm tăng chi phí đi lại (cụ thể, dành cho những cảnh sát nhận hối lộ) và giảm sự an toàn của họ vì phải phụ thuộc vào “người bảo hộ” để đưa họ qua biên giới. Những phụ nữ này phải gánh những món nợ lớn hơn để qua biên giới, khiến cho nguy cơ họ bị bóc lột trên đường càng tăng lên.

“Buôn người là ngành kinh doanh lớn do tội phạm có tổ chức thực hiện”

Sai. Buôn người là ngành kinh doanh lớn, nhưng ở rất nhiều nơi trên thế giới, như Đông Nam Á, buôn người thường được thực hiện bởi “tội phạm không có tổ chức”: các cá nhân hoặc nhóm nhỏ liên hệ với nhau một cách tạm thời. Không có hồ sơ chuẩn nào đối với các tội phạm buôn bán người. Chúng có thể là những tên lái xe tải và người trong làng, cho đến người môi giới lao động và sĩ quan cảnh sát. Tội phạm buôn bán người cũng đa dạng như hoàn cảnh của các nạn nhân. Mặc dù một số nạn nhân của việc buôn bán người thường bị bắt cóc, nhưng hầu hết họ là những người tự rời bỏ nhà cửa, quê hương mình và bị bắt cóc khi đang trên đường rời xứ.

Những tay trùm buôn bán người như trong đường dây của ông trùm ma túy Pablo Escobar là rất hiếm. Những băng đảng Xã hội đen ở Nhật, còn gọi là Yakuza, thường kiểm soát rất nhiều địa điểm ở Nhật, nơi các cô gái bị bắt cóc được đưa đến, nhưng chúng thường buôn bán chứ không vận chuyển người. Khi thực hiện một nghiên cứu ở Thái Lan năm 1997, tôi đã định vị được một mạng lưới có tên Luk Moo (“Heo con”), mạng lưới này chịu trách nhiệm đối với 50% số phụ nữ và con gái bị bắt cóc tới Thái Lan từ Myanmar, Trung Quốc và Lào để làm việc trong các nhà chứa. Ở Thái Lan cũng có rất nhiều các mạng lưới khác như Kabuankarn Loy Fah (“Bay trên mây”) chuyên cung cấp phụ nữ làm việc trong các nhà hàng và quán karaoke. Tuy nhiên, các mạng lưới này dần dần mất đi vị trí quan trọng của mình khi ngành công nghiệp tình dục thay đổi cơ cấu.

Theo ước tính của Phòng Tội phạm và Ma túy của Liên Hợp Quốc, hoạt động buôn người mang lại 7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Con số tương ứng của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc là 10 tỷ đô la Mỹ. Tất nhiên, không ai biết về con số thực tế là bao nhiêu. ILO ước tính tổng lợi nhuận bất hợp pháp thu được từ hoạt động buôn người vào mục đích lao động trong một năm chỉ dưới 32 tỷ đô la Mỹ. Dù đó là một khoản tiền đáng kể, nhưng nó vẫn còn nhỏ so với 320 tỷ đô la Mỹ đến từ việc buôn bán ma túy quốc tế bất hợp pháp.

“Hợp pháp hóa mại dâm sẽ tăng nạn buôn người”

Còn phụ thuộc vào việc đó được tiến hành như thế nào. Sự liên quan giữa vấn đề nhạy cảm của dịch vụ tình dục với nạn buôn bán người tạo ra nhiều cái đầu nóng hơn là những đôi mắt tinh tường. Một vài nhà hoạt động chống lại nạn buôn người đánh đồng “mại dâm” với buôn người và ngược lại mặc dù bằng chứng thực tế thường chứng minh điều ngược lại. Theo Website của Bộ Ngoại giao Mỹ, Chính phủ Mỹ cho rằng “Khi mại dâm được hợp pháp hóa hoặc được chấp nhận, thì số nạn nhân của việc buôn người sẽ tăng lên, đặc biệt là số phụ nữ và trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục”. Theo logic này, bang Nevada hẳn đang đầy rẫy những nô lệ tình dục người nước ngoài, dẫn đến việc người ta sẽ tự hỏi Bộ Tư pháp sẽ làm gì để giải phóng họ. Một cách kỳ quặc, Hà Lan, Australia và Đức – các nước hợp pháp hóa mại dâm, đều nhận được nhận xét tốt nhất của chính quyền Bush trong Báo cáo về tình trạng Buôn bán người gần đây nhất.

Hơn nữa, một vài nỗ lực ngăn cấm mại dâm đã làm tăng nguy cơ bị bắt cóc và bán làm nô lệ tình dục của các công nhân tình dục, mặc dù nguyên nhân phần lớn là bởi các nhà làm luật đã không tham vấn những người dân là đối tượng được các luật này bảo vệ. Ví dụ, Thụy Điển được các nhà hoạt động chống mại dâm ca ngợi vì một đạo luật năm 1998 nhằm bảo vệ các công nhân tình dục bằng cách truy tố hình sự khách hàng của họ. Nhưng một số nghiên cứu độc lập, bao gồm một nghiên cứu do cảnh sát Thụy Điển thực hiện, cho thấy đạo luật này lại khiến người bán dâm gặp phải các khách hàng nguy hiểm hơn và các hành vi tình dục kém an toàn hơn.

Cũng có người tranh luận rằng khi hợp thức hóa mại dâm ở một mức độ không chính thức sẽ làm giảm nạn buôn người. Ở Thái Lan, những người phản đối ngành công nghiệp tình dục lại ủng hộ việc áp dụng các đạo luật về lao động và an sinh xã hội đối với các công nhân tình dục. Điều đó sẽ cản trở việc buôn bán người bằng cách kiểm tra các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này, cho phép tổ chức công đoàn và phanh phui hoạt động mại dâm trẻ vị thành niên.

“Truy tố sẽ ngăn chặn nạn buôn người”

Không hẳn. Ở Mỹ, một liên minh khác thường nhưng hiệu quả giữa những đảng viên Dân chủ tự do, Cộng hòa bảo thủ, những người ủng hộ nữ quyền, và người theo đạo Cơ đốc phúc âm đã thúc đẩy một đạo luật trong quốc hội năm 2000 nhằm truy tố những kẻ buôn bán người và bảo vệ nạn nhân của việc buôn bán người tại nhà, trong khi gây áp lực buộc các nước khác phải hành động. Lần đầu tiên, Đạo luật Bảo vệ Các nạn nhân của việc buôn người và bị đối xử bạo lực đã quy định việc buôn bán người là một loại tội phạm liên bang và đưa ra các định nghĩa về các nạn nhân cần được bảo vệ.

Bất chấp các nỗ lực chính trị nhằm chống việc buôn bán người, rất ít bằng chứng chứng minh việc truy tố có bất kỳ ảnh hưởng đáng kể nào tới các tổng số vụ buôn người. Ví dụ, các con số của Chính phủ Mỹ cho thấy có khoảng 200.000 nạn nhân bị buôn bán tại Mỹ. Nhưng ngay cả với một hệ thống chấp pháp và công tố được đào tạo bài bản thì chỉ có không quá 500 người được cấp visa loại T, một loại visa đặc biệt được cấp cho các nạn nhân để đổi lại sự hợp tác của họ với các công tố viên liên bang. Thực tế từ năm 2001 đến 2003, chỉ có 110 kẻ buôn bán người bị truy tố bởi Bộ Tư pháp. Trong số đó, 77 tên bị kết án.

Với bản chất của hoạt động buôn bán người, càng ít kẻ buôn bán người bị kết tội thì càng không hiệu quả. Chỉ kết tội một kẻ tuyển dụng hoặc vận chuyển người ở địa phương nào đó thì không mang lại ảnh hưởng lớn gì tới hoạt động buôn người nói chung. Nếu các động cơ thúc đẩy việc buôn bán người vẫn còn, kẻ đó sẽ ngay lập tức bị thay thế, và dòng chảy buôn người vẫn sẽ tiếp tục.

“Trừng phạt sẽ chấm dứt nạn buôn bán người”

“Các nạn nhân cần được gửi về nhà

“Buôn người bắt nguồn từ nghèo đói”

Download toàn bộ văn bản tại đây: Nan buon nguoi.pdf


* David A. Feingold là giám đốc Viện Nghiên cứu Rắn và điều phối viên quốc tế Các dự án HIV/AIDS và Buôn người của UNESCO Băng cốc. Bài viết này thể hiện quan điểm riêng của ông, không nhất thiết là của UNESCO.