Nguồn: Stefan Rother (2012). “Wendt meets East: ASEAN cultures of conflict and cooperation”, Cooperation and Conflict, Vol. 47, No.1, pp. 49–67.
Biên dịch: Mai Chí Trung | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Khi bàn luận về các khái niệm hợp tác và xung đột thì các lý thuyết chủ đạo về Quan hệ quốc tế rất khác nhau. Tuy nhiên, chúng đều có một mẫu số chung: chúng đều bắt nguồn từ những kinh nghiệm và lịch sử học thuật của phương Tây. Thời gian gần đây, một lượng văn liệu về những khả năng hình thành cũng như các lợi ích mà các học thuyết Quan hệ quốc tế phi phương Tây mang lại đang dần xuất hiện. Bài viết này đề xuất một “sự dung hòa”: một cách tiếp cận lý thuyết có thể áp dụng được cho cả quan hệ quốc tế phương Tây lẫn phi phương Tây, trong đó có xét đến cả những bối cảnh lịch sử, tư tưởng và văn hóa. Dựa trên chủ nghĩa kiến tạo xã hội được phát triển bởi Alexander Wendt, bài viết lập luận rằng sự tồn tại của bản sắc tập thể giữa các quốc gia trong một khu vực cụ thể có thể tự thể hiện trong những lôgic hay những văn hóa vô chính phủ riêng biệt. Chúng dựa trên những quy chuẩn của xung đột hoặc hợp tác được thiết lập thông qua sự tương tác, có thể được đề xuất bởi các tác nhân bên ngoài và được bản địa hóa, hoặc có thể bị tác động bởi sự tái định hình bản sắc quốc gia thông qua những sự kiện trong nước. Ngoài ra còn có tình trạng phụ thuộc vào các thói quen văn hóa: những quy chuẩn bắt nguồn từ nhận thức hay ký ức văn hóa của một khu vực có xu hướng bị phớt lờ bởi những sự giải thích vốn chỉ tập trung vào những sự kiện hiện nay hoặc những mô hình hợp tác theo kiểu phương Tây. Các nghiên cứu về khu vực học có thể đóng góp các bối cảnh này.
Mở đầu
Trong những năm gần đây, một cuộc tranh luận quan trọng đã nổi lên về sự tồn tại hay không tồn tại của các lý thuyết Quan hệ quốc tế phi phương Tây, khiến một học giả phải nói rằng đã có ‘sự bùng nổ những dự án quan hệ quốc tế phi phương Tây’ (Chen, 2011: 17). Các học giả tham gia vào quá trình này dường như đã đạt được một vài sự đồng thuận về điểm xuất phát của nỗ lực này, cho rằng: “xu thế cục bộ và hạn hẹp hiện nay của “Quan hệ quốc tế” với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là những cách tiếp cận lý thuyết áp đảo của nó, là không thể chấp nhận được và có lẽ không bền vững’ (Acharya, 2011: 621). Có ít sự đồng thuận hơn khi đề cập đến những hậu quả của tình trạng này. Có cần thiết phải có những lý thuyết quan hệ quốc tế phi phương Tây, ví dụ như một lý thuyết quan hệ quốc tế Trung Quốc hay Ấn Độ? Những lý thuyết này phải dựa trên nguồn tư tưởng nào? Liệu một cách tiếp cận như vậy có “đem lại tính chất bản địa” hay chỉ là một sự bắt chước những cách tiếp cận phương Tây – và thay vào đó liệu chúng ta có cần một “sự dân chủ hóa” các lý thuyết quan hệ quốc tế và một sự tái định hướng sang một kỷ nguyên hậu phương Tây hay không?
Một vài cuốn sách và bài viết quan trọng về chủ đề này đã được xuất bản, nhưng những nghiên cứu gần đây dường như vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, ví dụ như những báo cáo được viết tập trung vào lập trường của học giả một vài nước, những thảo luận về các truyền thống tư duy phi phương Tây về chính trị quốc tế và câu hỏi làm thế nào những nhân tố cấu trúc trong môi trường học thuật ngay cả hiện nay cản trở sự phát triển của những lý thuyết như vậy (Acharya & Buzan, 2007b: 427). Trong khi có những bất đồng về lợi ích, có nhiều sự đồng thuận hơn về ý kiến cho rằng những sự thúc đẩy này phải nổi lên từ chính bên trong giới học giả ngoài phương Tây. Bài viết này đề xuất rằng những học giả ở phương Tây không nhất thiết phải bị gạt ra khỏi cuộc thảo luận quan trọng này, mà có thể đóng góp bằng cách kết hợp những kiến thức sâu rộng về khu vực học vào quá trình “phi thực dân hóa lý thuyết” cần thiết này (Ayoob, 2002; Barnett, 2002: 49) trong nghiên cứu quan hệ quốc tế. Rõ ràng, một nỗ lực như vậy sẽ không dẫn đến một lý thuyết quan hệ quốc tế phi phương Tây cụ thể và cũng không cần thiết phải như vậy: Bài viết lập luận rằng nhiệm vụ chính nên là tìm ra một cách tiếp cận lý thuyết có thể xét đến những đặc trưng của quan hệ quốc tế trong một thế giới phi phương Tây – chứ không chỉ áp đặt một quan điểm châu Âu về hệ thống nhà nước. Điều này phù hợp với kết luận của Acharya và Buzan (2007b: 437) khi các tác giả chỉ kêu gọi một nền tảng rộng hơn cho các khái niệm quan hệ quốc tế phương Tây hơn là hoàn toàn thay thế chúng trên quy mô lớn.
Cách tiếp cận được đề xuất ở đây bị ảnh hưởng đặc biệt bởi ba quan điểm: Thứ nhất, những câu hỏi về văn hóa và bản sắc là những nguồn quan trọng để tạo ra các lý thuyết về quan hệ quốc tế bên ngoài phương Tây (Tickner, 2003), chỉ ra rằng chủ nghĩa kiến tạo là một xuất phát điểm thích hợp (Acharya, 2011: 623). Thứ hai, những phân tích nên dựa trên cấp độ khu vực – vì những lý thuyết quan hệ quốc tế hiện có hầu hết đều dựa trên những kinh nghiệm của phương Tây và Liên minh châu Âu được xem là một chuẩn mực để các tổ chức khu vực khác đối chiếu, trong khi những khu vực khác nhau có thể tạo ra những cách suy nghĩ khác nhau về quan hệ quốc tế. Thứ ba, từ trước đến nay cuộc tranh luận về những lý thuyết quan hệ quốc tế phi phương Tây chủ yếu là một “sự vụ châu Á” (tức do các học giả châu Á chi phối). Nguyên nhân có thể là do sự tham gia của những học giả liên quan cũng như một thực tế rằng những giáo sư và những nhà hoạch định chính sách ở châu Á đã đặc biệt thẳng thắn chống lại những cách tiếp cận quan hệ quốc tế và chủ nghĩa khu vực kiểu phương Tây, xuất phát từ cuộc tranh luận về “những giá trị châu Á” vào đầu những năm 1990. Liên quan đến hiện trạng này, bài viết tập trung vào Đông Nam Á và tổ chức khu vực của nó, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), vốn nổi lên trong suốt hai thập kỷ qua như một sân chơi náo nhiệt của các lý thuyết quan hệ quốc tế chính.
Dựa trên những quan điểm này, bài viết đề xuất việc điều chỉnh các lý thuyết quan hệ quốc tế hiện có, một sự dung hòa, nơi mà khái niệm cơ bản vẫn dựa trên những tư tưởng phương Tây, nhưng bản thân sự áp dụng có thể dựa trên những bản sắc, quy chuẩn và ý tưởng vốn bắt nguồn từ lịch sử và văn hóa chính trị của khu vực. Chủ nghĩa kiến tạo xã hội được phát triển bởi Alexander Wendt với khái niệm về những “văn hóa vô chính phủ” (cultures of anarchy) cụ thể của ông dường như đặc biệt phù hợp với sự sửa đổi này (Wendt, 1999, 2003). Thứ nhất, về bản chất những cách tiếp cận theo chủ nghĩa kiến tạo linh hoạt hơn và ít dựa vào những quan điểm có từ trước hơn so với những trường phái chính khác trong quan hệ quốc tế. Theo đó, những hành vi và đặc điểm cốt lõi của nhà nước không được nhìn nhận như đã được định sẵn (thường được đúc rút từ kinh nghiệm lịch sử phương Tây) mà được xây dựng trên nền tảng xã hội. Thứ hai, ngay cả khi Wendt tiến hành với những thuật ngữ bắt nguồn từ lối tư duy phương Tây bằng cách đặt tên cho những văn hóa tương tác nhà nước nhất định là “theo tư duy của Hobbes” (Hobbesian – dựa theo tư tưởng hiện thực của Thomas Hobbes) hay “Locke” (Lokean – dựa theo tư tưởng tự do của John Locke) thì ông vẫn công nhận sự tồn tại khả dĩ của những lôgic vô chính phủ khác.
Vì vậy, thông qua việc áp dụng khái niệm này vào ASEAN, bài viết này nhằm mục đích nhận diện những văn hóa xung đột và hợp tác đặc trưng của ASEAN. Theo chiều hướng đó, Arthaśāstra, một quyển sách về kỹ năng trị quốc của Ấn Độ do Kautilya viết, đã mô tả một thứ văn hóa chính trị tương tự như văn hóa Hobbesian của châu Âu. Ngược lại, những nguồn gốc ban đầu của “tính khu vực”, được tìm thấy ở Đế chế Majapahit vào thế kỷ XIV – XV, có thể được xem như là cơ sở cho những giai đoạn đầu của sự hợp tác. Mở rộng quan niệm của Wendt, những quy chuẩn tạo nên một bản sắc tập thể không chỉ được xây dựng thông qua sự tương tác, mà còn thông qua sự thay đổi bản sắc ở cấp độ trong nước và thông qua việc bản địa hóa những quy chuẩn phổ biến trong hệ thống quốc tế hiện có hoặc được quảng bá bởi những chủ thể bên ngoài.
Cả khu vực học và lý thuyết quan hệ quốc tế đều có thể hưởng lợi từ một cách tiếp cận như vậy: khu vực học có thể được cung cấp một công cụ lý thuyết có xét đến những văn hóa chính trị đặc trưng của những lĩnh vực nghiên cứu của nó. Và trường phái Quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa kiến tạo có thể hiểu sâu hơn về những động lực thay đổi giữa những lôgic vô chính phủ khác nhau, và bằng cách nhận diện những hình thái đặc trưng ở những khu vực khác nhau, có thể bổ sung một cách tiếp cận so sánh vào lý thuyết của mình. Vì vậy, ‘lời hứa hão của khu vực học (vốn thất bại trong việc “phổ cập hóa” lẫn “phi cục bộ hóa” khoa học xã hội)’ (Bilgin, 2008: 11) cuối cùng cũng có thể trở thành sự thật: Bằng cách làm cho những kết quả nghiên cứu khoa học xã hội mang tính phổ quát hơn thông qua việc đưa vào sử dụng các dữ liệu về những khu vực ‘phi phương Tây’ của thế giới.
Đông Nam Á và lý thuyết quan hệ quốc tế
Mối quan hệ giữa Đông Nam Á và lý thuyết quan hệ quốc tế hiển nhiên đã trải qua những thay đổi đáng kể trong suốt hai thập kỷ qua. Từ hai thực thể hầu như hoàn toàn khác biệt cho đến khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Đông Nam Á ngày nay đã trở thành một môi trường thực nghiệm đầy sôi động của các lý thuyết chính của quan hệ quốc tế. Cho đến cuối những năm 1980, những tác giả viết về khu vực này hầu hết chỉ giới hạn trong những mô tả phi lý thuyết; nếu họ chọn áp dụng một cơ cấu lý thuyết, họ thường sẽ chọn chủ nghĩa tân hiện thực. Mặt khác, những năm 1990 đã chứng kiến một cuộc tranh cãi sôi nổi giữa những trường phái khác nhau của quan hệ quốc tế. Điều gì đã tạo ra sự thay đổi này? Đó chính là do sự thay đổi trong nền chính trị thế giới, một động lực mới trong khu vực và một ‘sự sinh sôi nảy nở của những lý thuyết quan hệ quốc tế’( Acharya and Stubbs, 2006: 126).
Chiến tranh lạnh kết thúc đã phá hủy hoàn toàn nền tảng sự thống trị của những cách tiếp cận quan hệ quốc tế theo chủ nghĩa hiện thực. Đột nhiên các nước dường như đều xử sự theo những cách không thể đoán trước được, cân bằng quyền lực không nhất thiết phải đóng vai trò biến số chính trong quan hệ quốc tế, và hợp tác dường như là khả dĩ. Những thay đổi này trong môi trường quốc tế đã có tác động sâu sắc đến khu vực Đông Nam Á vốn đến lúc đó đã trải qua một giai đoạn thần kỳ về kinh tế kéo dài một thập kỷ. Điều này dẫn đến sự gia tăng lòng tin giữa các chính trị gia trong khu vực, cho rằng nguồn gốc của thành công này là một tập hợp ‘những giá trị châu Á’ đặc trưng, cái mà họ cho rằng chính là nguyên tắc chỉ đạo đằng sau tổ chức khu vực của họ, ASEAN.[1]
Ở ASEAN chúng tôi đã tạo ra một công đồng các quốc gia Đông Nam Á chung sống hòa bình với nhau và với cả thế giới, nhanh chóng đạt được sự thịnh vượng cho người dân và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Sự đa dạng phong phú của chúng tôi đã cho chúng tôi sức mạnh và cảm hứng để giúp đỡ lẫn nhau nuôi dưỡng một ý thức cộng đồng mạnh mẽ.[2]
ASEAN đã bắt đầu nhận được sự quan tâm ngày càng tăng của các học giả nghiên cứu về quan hệ quốc tế; đầu những năm 1990, các nhà chủ nghĩa thể chế đã thách thức sự thống trị của những mô hình hiện thực chủ nghĩa vốn hầu như chỉ tập trung vào các vấn đề an ninh trong khu vực. Những tác giả theo chủ nghĩa thể chế – tự do đó đã đưa hợp tác và xây dựng thể chế trở thành những tập hợp khái niệm mới trong ngành nghiên cứu quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á. Hầu hết họ đều có một cái nhìn lạc quan vốn phổ biến trong khu vực, dựa trên những nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm đóng một vai trò chủ động hơn trong hợp tác khu vực và liên khu vực. Việc Việt Nam cuối cùng rút quân khỏi Campuchia đã cho phép tổ chức này vượt qua một trong những trở ngại chính đối với sự hợp tác bền chặt hơn, và sự ra đời của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1994 được xem như một phản ứng đầy hứa hẹn đối với sự thiếu chắc chắn mới nổi lên sau khi trật tự thế giới hai cực sụp đổ. Tuy nhiên, sự thể chế hóa chính thức vẫn còn khá yếu – một thực tế được một vài tác giả xem như là một lợi thế. Vì vậy, Phương thức ASEAN (ASEAN Way) đã được ca ngợi như một quy tắc ứng xử độc nhất vô nhị cho quá trình đưa ra quyết định và cư xử liên quốc gia dựa trên tham vấn và đồng thuận. Những nguyên tắc của Phương thức ASEAN bao gồm không can thiệp vào những vấn đề nội bộ của các nước thành viên, không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ASEAN. Những quy tắc ứng xử này, theo Amitav Acharya ghi nhận vào năm 1997, ‘không nói về bản chất hay cấu trúc của những tương tác đa phương, mà là một tuyên bố về tiến trình mà thông qua đó những tương tác như vậy được tiến hành’ (1997: 329); in nghiêng do Acharya nhấn mạnh). Ngoài ra, những quy chuẩn của ASEAN cũng có thể được tìm thấy trong một vài tài liệu chính trị chính thức, như Tuyên bố ASEAN (1967) và Hiệp định Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (1976).
Một thuộc tính độc đáo khác của các quốc gia thành viên ASEAN chính là tập hợp ‘những giá trị châu Á’ đã được đề cập ở trên, vốn chưa bao giờ được định nghĩa rõ ràng nhưng được cho là coi trọng phát triển kinh tế hơn dân chủ hóa. Những nhà phê bình nhìn nhận cuộc tranh luận về giá trị này, vốn được thúc đẩy bởi những nhà lãnh đạo độc đoán như thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hay thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, như là một nỗ lực nhằm sử dụng sự thành công nhanh chóng về kinh tế để bào chữa cho thành tích nghèo nàn trong lĩnh vực dân chủ và nhân quyền.
Sự lạc quan này đột nhiên bị chững lại bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997/1998 vốn chứng kiến những phản ứng kiểu “thân ai nấy lo” thay vì hợp tác khu vực, làm dấy lên một vài nỗ lực tái đánh giá lại các lý thuyết (Katzenstein & Sil, 2004: 22). Trong khi những cách giải thích theo chủ nghĩa thể chế về khu vực dường như chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn từ cú sốc khủng hoảng tài chính thì những hình mẫu lý thuyết mới theo chủ nghĩa kiến tạo vốn đóng góp nhiều cho ‘sự sinh sôi nảy nở của những lý thuyết quan hệ quốc tế’ đề cập ở trên đã bước vào thế chỗ và ngày càng được áp dụng trong khu vực. Những bộ quy chuẩn khác biệt, các chủ thể quốc gia và bản sắc tập thể là một số trong những phạm trù then chốt mà các học giả đã sử dụng để cố gắng phân tích cái mà họ xem là ‘một trong những tổ chức khu vực thành công nhất trên thế giới’ (Acharya, 2001: 208).
Một vài trong số những cách giải thích theo trường phái kiến tạo này có tham vọng hướng đến vị thế của một siêu lý thuyết có thể bao hàm và thay thế cho chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do (Peou, 2002; Rother, 2004). Điều này chắc chắn vẫn chưa thể đạt được, và niềm tin của See Seng Tan (2006: 239, 240) cho rằng một ‘vị thế chính thống theo chủ nghĩa kiến tạo mới’ đã sẵn sàng giờ đây dường như vẫn còn khá xa vời. Acharya & Stubbs (2006: 130) chỉ xác định được một số rất ít các tác giả theo chủ nghĩa kiến tạo chuyên về ASEAN và cho rằng chủ nghĩa hiện thực vẫn là cách tiếp cận chính trong khu vực này. Những tác giả như Tsuyoshi Kawasaki đã đón nhận thử thách do chủ nghĩa kiến tạo đặt ra và mô tả cách tiếp cận này là “ngây thơ về học thuật và lãng mạn’ khi được áp dụng vào khu vực (trích trong Acharya & Stubbs, 2006: 130). Trong một sự công kích gay gắt khác, David Martin Jones & Michael L. R. Smith (2007) cho rằng nếu xem xét những bằng chứng thực nghiệm cụ thể thay vì cách tiếp cận “mô tả suông” của Acharya, sẽ dễ dàng nhận thấy rằng ASEAN chỉ đang ‘tạo ra quy trình chứ không phải sự tiến triển’ (making process, not progress).
Trong khi một vài tác giả ủng hộ chủ nghĩa đa nguyên về lý thuyết hơn là sự thống trị của một lý thuyết (Acharya & Stubbs, 2006: 125, 126) thì một số khác lại dự đoán một tình thế gần như là một cuộc quyết đấu nơi mà chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa kiến tạo là ‘hai đấu thủ học thuật then chốt trong lĩnh vực nghiên cứu an ninh ở Đông Nam Á’ (Peou, 2002: 120). Trong lúc đó, Shaun Narine (2006: 199, 200) chỉ ra rằng ‘Trường phái Anh Quốc (English School) vẫn là một cách tiếp cận đáng chú ý để tìm hiểu quan hệ quốc tế’ và ‘phù hợp hơn với tình hình thực tế ở khu vực Đông Nam Á’. Những tác giả khác (Alagappa, 1998; Roberts, 2011) đã áp dụng lý thuyết phức hệ an ninh khu vực (regional security complex theory) của Buzan & Wæver (2003) vào Đông Nam Á, nhận diện hai phức hệ an ninh riêng biệt ‘đã tồn tại trong lịch sử, trong đó một phức hệ áp dụng cho tiểu vùng lục địa (Đông Dương cộng với Thái Lan và Myanmar) và phức hệ còn lại áp dụng cho vùng Malay/ Đông Nam Á hải đảo (Roberts, 2011: 371). Bất kể có ai tán thành sự phân biệt này hay không thì thực tế rằng Thái Lan là một phần của ASEAN-5 đã chứng tỏ sự phân biệt này ít nhất đã không còn rõ ràng nữa tại thời điểm thành lập hiệp hội này.
Nói ngắn gọn, những cuộc tranh luận hiện nay trong quan hệ quốc tế đã ảnh hưởng rõ rệt đến dòng quan điểm phân tích trong khu vực, nhưng liệu nó có áp dụng theo hướng ngược lại hay không? Acharya (2005: 7) đã phê phán rằng ‘những nghiên cứu lý thuyết về chủ nghĩa khu vực châu Á tiếp tục phớt lờ bối cảnh chính trị địa phương, quốc gia hay khu vực vốn rất quan trọng với những tác giả viết về chủ nghĩa khu vực châu Á’. Mặc dù một số đã được điều chỉnh nhưng hầu hết các lý thuyết vẫn còn mang nặng nền tảng và những tham chiếu liên quan đến châu Âu hay Bắc Mỹ. Dĩ nhiên kết quả đạt được rất hợp lý và khả quan nhưng những dòng quan điểm từ bên trong khu vực hầu như không tồn tại kể từ sau cuộc tranh luận về những giá trị châu Á, vì vậy chỉ tạo ra những kết quả học thuật rất hạn chế. Chỉ gần đây mới xuất hiện vài dấu hiện hồi sinh cuộc tranh luận về những giá trị châu Á, dẫn đầu bởi Kishore Mahbubani (2008a, b), nhưng lần này mục tiêu của ‘Trường phái Singapore’ dường như chỉ là bác bỏ khái niệm phương Tây đồng nhất về dân chủ thay vì tán dương những cách tiếp cận châu Á thật sự.
Một ngoại lệ đáng chú ý là cuộc tranh luận do David C. Kang khởi xướng. Trong bài viết ‘Hiểu sai về châu Á: Nhu cầu cần có các khung phân tích mới’ [‘Getting Asia Wrong: The Need for New Analytical Frameworks’] của mình, ông đã phê phán nền tảng vị châu Âu trong nghiên cứu quan hệ quốc tế, và cho rằng ‘những lý thuyết này không có hiệu quả khi được áp dụng cho châu Á’ (2003: 4). Tuyên bố này đã nhận được nhiều sự tán thưởng, tuy nhiên câu trả lời của ông vốn là một dạng của chủ nghĩa hiện thực tối giản hóa tập trung vào phù thịnh (bandwagoning) và sự thiếu vắng chiến lược cân bằng quyền lực (balancing) ở châu Á cũng không thuyết phục, nguyên nhân là do ông tán dương đầy khó hiểu tiềm năng ổn định của bá quyền Trung Quốc. Trong một đáp trả, Acharya (2003/4: 156) đã mô tả cách tiếp cận này là một nỗ lực nguy hiểm trong ‘chủ nghĩa lịch sử văn hóa châu Á’.
Dù cách tiếp cận liên ngành nhận được rất nhiều sự ủng hộ, sự trao đổi giữa những chuyên gia khu vực học và những học giả quan hệ quốc tế chính thống cho tới nay vẫn rất còn hạn chế. Bài viết này lập luận rằng các nghiên cứu quan hệ quốc tế có thể học hỏi được rất nhiều từ những chuyên gia trong khu vực nhưng nên tránh làm giảm năng lực lý giải của các lý thuyết quan hệ quốc tế nếu tại một thời điểm nào đó mỗi khu vực đều đòi hỏi một khuôn khổ (lý thuyết) riêng cho mình. Thay vào đó, một cách tiếp cận có thể hữu ích nếu nó có thể cùng một lúc tạo ra rất nhiều những giả định bao quát, đồng thời cho phép dung nạp những nét riêng biệt về văn hóa của khu vực. Theo cách nhìn này, bước đầu tiên sẽ là một sự hợp nhất những kinh nghiệm lịch sử của khu vực với các dòng quan điểm và nguồn gốc của lý thuyết quan hệ quốc tế vốn có lưu tâm đến những nguồn gốc (khu vực) như vậy nhưng chủ yếu vẫn dựa trên những kinh nghiệm của phương Tây (Acharya & Buzan, 2007a: 288). Vì vậy, mục tiêu của bài viết này là nhằm đóng góp cho các nghiên cứu mang tính chất kết hợp và chuyển tiếp được Alan Chong (2007) kêu gọi như một câu trả lời cho sự thiếu vắng các lý thuyết phi phương Tây về quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á.
Các lý thuyết hiện thực và thể chế tự do vốn lấy tư tưởng phương Tây làm nền tảng duy nhất cho các tuyên bố về tính phổ quát của mình có vẻ như không phù hợp để thực hiện một nhiệm vụ như vậy. Chủ nghĩa hiện thực nước bé (subaltern realism) do Mohammed Ayoob (2002) đề xuất hứa hẹn sẽ là một ngoại lệ đáng chú ý. Nhưng trong khi lý thuyết này nêu lên rất nhiều những điểm quan trọng, trong đó có thực tế rằng lý thuyết quan hệ quốc tế chỉ dựa trên những kinh nghiệm của một số rất ít các quốc gia trong hệ thống quốc tế, Barnett (2002:55) đã phê phán một cách chính xác rằng cách tiếp cận của Ayoob đã đi theo “một truyền thống kéo dài hàng thập kỷ của việc đưa những giả định bổ sung vào chủ nghĩa hiện thực để giải thích cho những khác biệt trên thực nghiệm’. Hơn nữa, trong khi được thiết kế bởi tác giả như là một “cách nhìn”để lấp đầy những khoảng trống trong lý thuyết hiện thực, chủ nghĩa hiện thực nước bé lại mẫu thuẫn với chính lý thuyết mà nó muốn bổ sung, ví dụ như khi nhấn mạnh vai trò của chính trị trong nước. Cuối cùng, sự đề cao hệ thống Westphalia có thể được xem như một phần của sự thiên vị phương Tây mà chính Ayoob đang muốn vượt qua.
Thay vào đó, một cách tiếp cận dựa trên chủ nghĩa kiến tạo xã hội được phát triển bởi Alexander Wendt có thể là một xuất phát điểm đầy hứa hẹn cho việc kết nối lý thuyết quan hệ quốc tế với khu vực học, như được trình bày trong phần tiếp theo đây.
Chủ nghĩa kiến tạo của Alexander Wendt I, II, III và tiềm năng áp dụng vào Đông Nam Á
Việc cuốn ‘Lý thuyết xã hội về chính trị quốc tế’ [Social Theory of International Politics] xuất bản năm 1999 được bình chọn ‘Giải thưởng cuốn sách hay nhất thập kỷ về nghiên cứu quốc tế’ vào năm 2006 là một minh chứng rằng ‘tác phẩm vĩ đại’ của Alexander Wendt (Drulák, 2006: 140) đã tác động rõ rệt đến cuộc tranh luận về quan hệ quốc tế. Những sự ca ngợi, thảo luận và phê phán những khái niệm của Wendt đã diễn ra rất thường xuyên và sôi nổi, nhưng chúng lại không được áp dụng ở mức tương ứng. Đặc biệt trong số những cách tiếp cận theo chủ nghĩa kiến tạo nhằm phân tích chủ nghĩa khu vực ở Đông Nam Á, nhiều tác giả đã áp dụng những quy chuẩn hay ý tưởng vào nghiên cứu của mình, nhưng rất ít trong số đó bắt nguồn từ nền tảng lý thuyết của Alexander Wendt.
Trong khi chủ nghĩa kiến tạo bị lên án là nghiêng về phương pháp nhiều hơn là lý thuyết (Checkel, 1998: 325) thì những độc giả của cuốn ‘Lý thuyết xã hội’ lại bắt gặp nhiều lý thuyết hơn là những trợ giúp về phương pháp luận. Việc Wendt rõ ràng không quan tâm đến các hiện thân “ngoài đời thực” tương ứng với các khái niệm của ông, ví dụ như ‘những lôgic vô chính phủ’, cũng đã làm hạn chế việc áp dụng trên thực nghiệm. ‘Những độc giả tìm kiếm những định đề chi tiết về hệ thống quốc tế, chưa nói đến những bài kiểm tra thực nghiệm, sẽ bị thất vọng’ (Wendt, 1999: 6). Hơn nữa, hai sự đổi hướng gần đây trong lý thuyết của ông – một về mục đích luận, một về áp dụng vật lý lượng tử vào khoa học xã hội – càng làm mọi thứ trở nên rối rắm hơn. Bài viết này sẽ đề cập thẳng đến những điểm được cho là quan trọng nhất trong các tác phẩm ‘Wendt I, II và III’ nhằm tìm ra một mô hình có tác dụng mang những cách nhìn sâu sắc trong khu vực học vào lý thuyết quan hệ quốc tế.
Bài viết này sử dụng sự phân biệt giữa ‘Wendt I’ và ‘Wendt II’ được giới thiệu bởi Patr Drulák và bổ sung thêm ‘Wendt III’ để chỉ một nghiên cứu gần đây hơn của ông. ‘Wendt I’ để chỉ những bài viết có sức ảnh hưởng cao (1992, 1994), kết tinh thành cuốn Lý thuyết xã hội về chính trị quốc tế đã được đề cập ở trên. Wendt II lại đề cập đến ‘bước ngoặt mục đích luận” trong bài viết “Tại sao một nhà nước toàn cầu là điều không thể tránh khỏi?” [‘Why a World State is Inevitable’] (2003). Wendt III đề cập đến ‘bước ngoặt lượng tử’ trong bài Lý thuyết xã hội của khoa học theo tư duy Descartes [‘Social Theory in Cartesian Science’] vốn là một thách thức thú vị đối với những giả định cơ bản của tư duy cổ điển và được dựa trên tư tưởng ‘dị giáo’: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu những giới hạn của khoa học xã hội và triết học tinh thần đương đại đều nằm trong giả định chung rằng mối quan hệ giữa tinh thần (tư tưởng) với thể xác (thế giới vật chất) phải tương thích với vật lý học cổ điển?’ (Wendt 2006: 183). Dù bước ngoặt này có đầy thách thức như thế nào thì nó vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khởi của sự phát triển lý thuyết.[3] Sau khi xem xét những bước ngoặt gần đây trong lý thuyết của ông, bài viết này đề xuất một cách tiếp cận cho việc nghiên cứu ASEAN vốn không dựa theo Wendt hoàn toàn mà một thứ có thể gọi là ‘tinh hoa chủ nghĩa kiến tạo xã hội’ có bổ sung thêm một số đặc điểm. Cách tiếp cận này dựa trên ba giả định chính.
Thứ nhất, quốc gia – dân tộc vẫn được xem như là cấp độ chính trong việc phân tích. Trong khi đây chính là một trong những khía cạnh bị phê phán nhiều nhất trong lý thuyết của Wendt, và không thể nào phủ nhận được tầm quan trọng ngày càng tăng cao của xã hội dân sự hay sự phát triển của ‘những không gian chính trị xuyên quốc gia’, vv… (Rother, 2009) thì những phê phán này ở một mức độ nào đó lại không liên quan đến vấn đề. Wendt đang xem xét cấp độ hệ thống của quốc qua nơi có thể đạt được sự thay đổi thông qua những chủ thể cấu thành hệ thống này – ‘như vậy chẳng có gì hợp lý khi phê phán một lý thuyết về chính trị quốc tế là ‘lấy quốc gia làm trung tâm’, cũng giống như phê phán một lý thuyết về rừng là ‘lấy cây làm trung tâm’ vậy (1999: 9). Ví dụ, trong trường hợp của an ninh Đông Nam Á, See Seng Tan (2006: 252) trong bài viết của mình đã cố gắng chứng minh những giả định cơ bản sai lầm của những nhà nghiên cứu theo chủ nghĩa kiến tạo vốn xem đơn vị hệ thống (agency) về bản chất là có sẵn, và lên án Wendt đã tạo ra một ‘sự nhạo báng từ đối với khái niệm đơn vị’, đề rồi đi đến kết luận:
Những nhà chủ nghĩa kiến tạo đã đóng góp quan trọng cho việc làm suy yếu huyền thoại duy lý được duy trì bởi những người theo chủ nghĩa tân hiện thực lẫn tân tự do vốn cho rằng tình trạng vô chính phủ quốc tế là có sẵn từ trước. Những nhà chủ nghĩa kiến tạo cũng cho thấy cách mà các khu vực và bản sắc khu vực được hình thành như thế nào. Nhờ có chủ nghĩa kiến tạo chúng ta mới có thể thấy được cách mà các quốc gia và các quy chuẩn vận hành để tạo ra tình trạng vô chính phủ, các khu vực và/hay các quốc gia (Tan, 2006: 255).
Người ta có thể lập luận rằng với triển vọng có thể đạt được những hiểu biết sâu sắc như Tan mô tả thì việc xem quốc gia như những thực thể có sẵn và là những chủ thể trung tâm là một cái giá đáng trả. Do việc nghiên cứu trong lĩnh vực này vẫn mới ở giai đoạn đầu, việc sử dụng những khả năng mới của cách tiếp cận vị quốc gia này trước và để dành những cấp độ bổ sung hay áp dụng thứ chủ nghĩa kiến tạo ‘sâu hơn’ như Tan đã đề xuất cho sau này là điều hoàn toàn chính đáng.
Thứ hai, bản sắc và lợi ích không được định sẵn một cách ngoại sinh mà được kiến tạo. Một vài nghiên cứu về an ninh Đông Nam Á được đặc trưng bởi việc liệt kê chính xác nhưng hơi thái quá khả năng quân sự của các nước. Cuộc chạy đua vũ trang vào đầu những năm 1990 trong khu vực đã được xem như là một dấu hiệu của việc tiếp tục và gia tăng sự không tin tưởng lẫn nhau, nhưng Wendt có thể đã cho rằng câu hỏi thú vị hơn ở đây là: nhận thức nào của các quốc gia khác đã tạo cho những vũ khí này tiềm năng đáng sợ như vậy? Jepperson et al. (1996: 59) đã định nghĩa bản sắc đơn giản là ‘đặc điểm cơ bản của quốc gia’, nhưng công nhận khả năng thay đổi bản sắc khi đề cập đến một khái niệm phổ biến trong tâm lý học xã hội: ‘Nó đề cập đến hình ảnh mang tính cá nhân và khác biệt (“bản ngã”) được nắm giữ và phản chiếu bởi một chủ thể và được hình thành (và thay đổi theo thời gian) thông qua những mối quan hệ với “chủ thể khác”. Vì vậy khái niệm bản sắc thông thường đề cập đến các hình ảnh về bản thân và về người khác vốn được kiến tạo thông qua tương tác và liên tục biến đổi. Bản sắc này được dựa trên những quy chuẩn thường được định nghĩa như những kỳ vọng chung về hành vi đúng đắn đối với một bản sắc nhất định (Jepperson et al. 1996: 54). Nhưng cái mà các học giả áp dụng hay mô tả cách tiếp cận kiến tạo vẫn thường bỏ qua chính là tính chất ‘phi quy chuẩn’ của các quy chuẩn (non-normative quality of norms): Chúng có thể giới hạn cũng như tăng cường sự hợp tác (Rother, 2004: Wendt, 1999: 253, 254).
Bên cạnh các quy chuẩn, lợi ích quốc gia cũng có thể được đặt ra và tái xác định bởi những bản sắc tập thể. Những bản sắc tập thể này có thể tự tồn tại và phát triển ngay cả khi chúng không thích hợp với bản sắc của một vài thành viên. Wendt III sử dụng cách tiếp cận lượng tử để định nghĩa các hệ thống xã hội như là ‘những siêu hệ thống với nhận thức chung’ vốn rất hợp lý ngay cả khi người ta không tán thành quan điểm cơ bản rằng nhận thức được cấu thành bởi ‘các hàm sóng’ (wave functions) bị co lại trong quá trình tương tác (Wendt, 2006: 200).
Giả định thứ ba và cũng là giả định trung tâm cho rằng tình trạng vô chính phủ có nhiều hơn một lôgic vốn không nhất thiết phải dựa trên tư tưởng phương Tây. Điểm xuất phát của Wendt I là bài viết thường được trích dẫn “Tình trạng vô chính phủ là những gì các quốc gia tạo nên: Quá trình kiến tạo xã hội của chính trị cường quyền” [Anarchy is what states make of it: the social construction of power politics] (Wendt, 1992). Điểm chính yếu mà trong đó Wendt phân biệt cách tiếp cận tự thân (reflexive – tức hành động do mình gây ra, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài – NHĐ) của ông với cái mà ông gọi là những cách tiếp cận duy lý chính là quan điểm của ông về đơn vị (agency). Cả chủ nghĩa tân hiện thực và chủ nghĩa thể chế tân tự do đều cho rằng các lợi ích quốc gia như luôn coi trọng nguyên tắc tự cứu (self-help) đều được ngoại sinh bởi cấu trúc vô chính phủ của hệ thống quốc tế. Ngược lại, Wendt cho rằng cả nguyên tắc tự cứu và chính trị quyền lực đều không phải là hệ quả logic của tình trạng vô chính phủ. Vì vậy, không có một ‘lôgic’ vô chính phủ nào sẵn có trừ những thực tiễn vốn tạo ra và giải thích cho một loại cấu trúc của bản sắc và lợi ích: ‘Tình trạng vô chính phủ là những gì các quốc gia tạo nên’ (Wendt, 1992: 392 – 395). Nếu bản sắc và lợi ích trung tâm của một quốc gia không phải là đã được định sẵn từ trước như chủ nghĩa hiện thực giả định thì có khả năng những biến số này sẽ thay đổi thông qua sự tương tác (Wendt, 1994: 386): ‘Những người lạc quan theo chủ nghĩa kiến tạo cho rằng những gì bề ngoài trông như vậy về bản chất không nhất thiết phải như vậy” (Mercer, 1995: 229).
….
Các văn hóa vô chính phủ của ASEAN
Kết luận
Tài liệu tham khảo
Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Van hoa hop tac va xung dot cua ASEAN.pdf
[1] Những nhận định này cũng có thể xem như một phản ứng phòng vệ trước những thách thức được đặt ra sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Phương Tây – bên chiến thắng – đã công khai quảng bá những giá trị tự do của họ, như được chứng minh trong ‘Trật tự thế giới mới’, đề xướng bởi Tổng thống Mỹ lúc đó là George Bush Sr.
[2] ASEAN VISION 2020, Kuala Lumpur 1997, trích dẫn theo (7/ 2011): http://www.asean.org/1814.htm
[3] Đã có những cuộc tranh luận đáng kể về đề xuất gần đây nhất của Wendt “Chủ quyền và UFO” [‘Sovereignty and the UFO’] (Wendt và Duvall, 2008), vốn có thể được phân loại là ‘Wendt X’. Dù là một dự án học thuật đầy thú vị, bài viết vẫn dựa vào ‘thuyết loài người là trung tâm’ mà các tác giả trên đã nghi ngờ.