#101 – Trở lại tương lai: Sự bất ổn tại Châu Âu sau Chiến tranh Lạnh (Phần 1)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John J. Mearsheimer (1990). “Back to the Future: Instability in Europe after the Cold War”, International Security, Vol. 15, No. 1. (Summer), pp. 5-56.>>PDF

Biên dịch: Mạch Nguyễn Phương Uyên | Hiệu đính: Ngô Thị Thu Hương

Bài liên quan: #18 – Chủ nghĩa hiện thực cấu trúc sau Chiến tranh Lạnh

Những thay đổi sâu sắc diễn ra tại Châu Âu đang được nhìn nhận một cách rộng rãi như điềm báo về một kỷ nguyên hòa bình mới. Sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh cho thấy nguy cơ chiến tranh luôn đè nặng lên Châu Âu trong suốt hơn bốn thập niên đã được gỡ bỏ. Gươm kiếm nay đã trở thành lưỡi cày; sự hòa thuận ngự trị giữa các quốc gia và dân tộc ở Châu Âu. Trung Âu, nơi đã phải rên xiết trong một thời gian dài vì những lực lượng ồ ạt của hai khối quân sự, bây giờ có thể cải tạo những căn cứ quân sự thành khu công nghiệp, sân chơi và chung cư.

Những học giả về an ninh có thể dừng các cuộc tranh luận buồn chán về học thuyết quân sự và những đánh giá về thế cân bằng, và hướng sự quan tâm của họ sang việc tìm cách ngăn chặn hiện tượng Trái Đất nóng lên cũng như bảo vệ tầng ozone. Các nhà lãnh đạo Châu Âu hiện có thể suy nghĩ về việc chia sẻ những lợi ích hòa bình như thế nào. Đó là quan điểm chung hiện nay.

Bài viết này đánh giá cách nhìn lạc quan trên thông qua việc tìm hiểu chi tiết những hậu quả của sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đối với Châu Âu. Đặc biệt, tôi sẽ xem xét những tác động của viễn cảnh Chiến tranh Lạnh kết thúc hoàn toàn. Liên Xô rút hết quân khỏi Đông Âu, để các quốc gia trong khu vực được độc lập. Do đó đã xuất hiện nhiều ý kiến ở Mỹ, Anh, và Đức cho rằng các lực lượng quân sự của Mỹ và Anh tại Đức đã mất đi lý do tồn tại chính của mình, và những lực lượng này đang rút khỏi Lục địa. NATO và Hiệp ước Vacxava sau đó sẽ tan rã; họ có thể vẫn còn tiếp tục tồn tại trên giấy tờ, nhưng mỗi bên sẽ ngừng thực hiện chức năng của một liên minh.[1] Kết quả là, cấu trúc hai cực vốn đã trở thành đặc trưng của Châu Âu từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai được thay bằng cấu trúc đa cực. Về bản chất, cuộc Chiến tranh Lạnh mà chúng ta đã biết đến trong gần nửa thế kỷ qua đã kết thúc, và trật tự Châu Âu hậu chiến tranh cũng không còn nữa.[2]

Sự thay đổi cơ bản đó sẽ ảnh hưởng đến viễn cảnh hòa bình ở Châu Âu như thế nào?[3] Nó sẽ làm nguy cơ chiến tranh tăng lên hay giảm đi?

Tôi lập luận rằng khả năng xảy ra các cuộc khủng hoảng lớn và chiến tranh tại Châu Âu sẽ tăng lên rõ rệt nếu Chiến tranh Lạnh kết thúc và kịch bản này trở thành hiện thực. Những thập niên tiếp theo ở Châu Âu khi không còn các siêu cường có thể không bạo lực như 45 năm đầu của thế kỷ 20, nhưng về cơ bản cũng có thể thiên về bạo lực nhiều hơn 45 năm qua.

Kết luận bi quan này dựa trên lập luận rằng đặc tính và sự phân chia sức mạnh quân sự là gốc rễ dẫn đến chiến tranh và hòa bình. Cụ thể, việc chiến tranh không xảy ra tại Châu Âu từ năm 1945 là hệ quả của ba yếu tố: sự phân bố sức mạnh quân sự lưỡng cực tại Lục địa; thế cân bằng quân sự tương đối giữa hai quốc gia đứng đầu hai cực ở Châu Âu là Mỹ và Liên Xô; và thực tế là mỗi siêu cường đều được trang bị kho vũ khí hạt nhân lớn.[4] Các yếu tố nội tại của các quốc gia cũng ảnh hưởng đến khả năng chiến tranh, và đã giúp mang lại nền hòa bình thời hậu chiến. Quan trọng nhất, chủ nghĩa dân tộc quá khích đã khiến hai cuộc chiến tranh thế giới nổ ra, và sự suy giảm của chủ nghĩa dân tộc tại Châu Âu từ năm 1945 đã góp phần mang lại hòa bình cho thế giới thời kì hậu chiến. Tuy nhiên, các yếu tố quyền lực quân sự đóng vai trò quan trọng nhất trong việc tạo nên các sự kiện lịch sử, và sẽ vẫn giữ vị trí trung tâm trong tương lai.

Việc các siêu cường rút lui khỏi Trung Âu sẽ biến Châu Âu từ hệ thống hai cực sang đa cực.[5] Đức, Pháp, Anh, và có lẽ cả Ý sẽ trở thành cường quốc; Liên Xô không còn là siêu cường nhưng vẫn là một nước lớn tại Châu Âu, tạo nên hệ thống gồm năm cường quốc và nhiều quốc gia nhỏ hơn. Hệ thống này sẽ gặp những khó khăn chung của các hệ thống đa cực, và do đó sẽ dễ đi đến bất ổn hơn.[6] Sự bất bình đẳng về quyền lực sẽ xảy ra; nếu như vậy thì sự ổn định sẽ suy yếu hơn nữa.

Sự rút lui của các siêu cường cũng sẽ loại bỏ các kho vũ khí hạt nhân lớn mà họ đang duy trì ở Trung Âu. Điều đó sẽ làm mất đi tác dụng kiềm chế mà loại vũ khí này áp đặt lên nền chính trị Châu Âu. Bốn kịch bản chính có thể xảy ra. Ở kịch bản đầu tiên, Châu Âu sẽ trở thành khu vực phi hạt nhân, như vậy sẽ xóa bỏ một trụ cột chính của trật tự trong thời kì Chiến tranh Lạnh. Trong kịch bản thứ hai, các quốc gia Châu Âu sẽ không phát triển kho vũ khí của họ để bù lại việc các siêu cường rút kho vũ khí khỏi khu vực này. Trong kịch bản thứ ba, sự phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ xảy ra, nhưng không được kiểm soát; không biện pháp nào được đưa ra để làm giảm những rủi ro vốn có trong quá trình phổ biến. Tất cả ba kịch bản này đều sẽ gây ra nguy cơ chiến tranh nghiêm trọng.

Ở kịch bản thứ tư và cũng là kịch bản ít nguy hiểm nhất, vũ khí hạt nhân phổ biến ở Châu Âu nhưng quá trình này sẽ được các cường quốc hạt nhân hiện nay kiểm soát tốt. Họ sẽ tiến hành các biện pháp ngăn cản nỗ lực phát triển thêm các cường quốc hạt nhân, thiết lập giới hạn cho quá trình phổ biến này bằng cách mở rộng chiếc ô an ninh cho các nước láng giềng của những cường quốc hạt nhân mới nổi, giúp những cường quốc này xây dựng lực lượng răn đe an toàn và can ngăn họ triển khai hệ thống đánh trả đe dọa đến khả năng răn đe của các quốc gia láng giềng. Kết quả này có thể mang lại hy vọng tốt nhất cho việc duy trì hòa bình tại Châu Âu. Tuy nhiên, kịch bản này vẫn nguy hiểm hơn so với giai đoạn 1945 – 1990. Hơn nữa, rất khó có khả năng sự phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ được kiểm soát tốt.

Có thể đưa ra ba lập luận phản đối những dự đoán bi quan trên về tương lai của Châu Âu. Lập luận thứ nhất là hòa bình vẫn sẽ được duy trì bởi những tác động của trật tự kinh tế quốc tế tự do phát triển từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Lập luận thứ hai dựa trên kết quả quan sát cho thấy các nền dân chủ tự do hiếm khi tiến hành chiến tranh chống lại nhau, và cho rằng việc chế độ dân chủ được truyền bá rộng rãi khắp Châu Âu trước kia đã củng cố nền hòa bình, và quá trình dân chủ hóa đang diễn ra tại Đông Âu càng giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh. Lập luận thứ ba cho rằng người Châu Âu đã có được bài học từ những kinh nghiệm thảm khốc trong thế kỷ này, rằng chiến tranh, cho dù là cuộc chiến bình thường hay chiến tranh hạt nhân, đều rất tốn kém đến mức nó không còn là lựa chọn có lý trí của các quốc gia nữa.

Nhưng như tôi sẽ giải thích, những lý thuyết đằng sau các lập luận này không hoàn hảo; do đó dự đoán về nền hòa bình ở Châu Âu đa cực của chúng cũng bị lỗi.

Có thể rút ra ba khuyến nghị chính sách từ bản phân tích này. Thứ nhất, Mỹ nên khuyến khích quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân hạn chế tại Châu Âu. Đặc biệt, Châu Âu sẽ ổn định hơn nếu Đức có được khả năng răn đe hạt nhân an toàn, nhưng sự phổ biến vụ khí hạt nhân không được vượt quá giới hạn này. Thứ hai, Mỹ không nên rút lui hoàn toàn khỏi Châu Âu, ngay cả khi Liên Xô rút hết lực lượng khỏi Đông Âu. Thứ ba, Mỹ nên có những biện pháp ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc quá khích trỗi dậy trở lại ở Châu Âu.

Phương pháp luận: Chúng ta nên nghĩ về tương lai của Châu Âu như thế nào?

Những dự đoán về nguy cơ diễn ra chiến tranh trong tương lai và khuyến nghị cách thức tốt nhất để duy trì nền hòa bình nên dựa trên các lý thuyết chung về nguyên nhân của chiến tranh và hòa bình. Điều này là đúng đối với cả các học giả và nhà hoạch định chính sách. Những nhà hoạch định chính sách hiếm khi tự ý thức về việc sử dụng lý thuyết. Tuy nhiên, tầm nhìn của họ về tương lai Châu Âu được định hình bởi ưu tiên ngầm dành cho một học thuyết quan hệ quốc tế so với những học thuyết khác. Do đó, nhiệm vụ của chúng ta là quyết định xem lý thuyết nào giải thích quá khứ tốt nhất, và sẽ được áp dụng tốt nhất cho tương lai; sau đó sẽ dùng những lý thuyết này để tìm hiểu kết quả của các kịch bản có thể xảy ra.

Đặc biệt, trước hết chúng ta cần khảo sát sự hình thành của các lý thuyết quan hệ quốc tế để giải bài toán này. Lý thuyết nào giải thích tốt nhất cho giai đoạn bạo lực trước Chiến tranh Lạnh? Lý thuyết nào giải thích tốt nhất cho khoảng thời gian 45 năm hòa bình sau đó? Có những lý thuyết nào khác giải thích một chút về Châu Âu trước Chiến tranh Lạnh, hay Châu Âu trong Chiến tranh Lạnh, mà phù hợp để giải thích điều gì sẽ xảy ra với Châu Âu nếu không có sự hiện diện quân sự của Mỹ và Liên Xô?

Tiếp theo, chúng ta nên tìm hiểu xem những lý thuyết này suy đoán điều gì về bản chất của chính trị quốc tế ở một Châu Âu đa cực thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Liệu những nguyên nhân dẫn đến nền hòa bình hậu chiến vẫn còn, hay những nguyên nhân gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới sẽ trở lại, hay những lý do khác sẽ xuất hiện?

Sau đó chúng ta sẽ đánh giá xem liệu có nên mong chờ những thập kỷ tiếp theo sẽ bình yên hơn, hoặc ít nhất cũng yên ổn như 45 năm qua, hay tương lai sẽ giống như 45 năm đầu của thế kỷ 20. Chúng ta cũng có thể tìm hiểu xem các học thuyết này gợi ý những khuyến nghị chính sách gì.

Nghiên cứu quan hệ quốc tế, như nhiều ngành khoa học xã hội, không giống như các ngành khoa học khác. Các lý thuyết của chúng ta không đồng nhất và ít khi được kiểm chứng. Những điều kiện cần cho sự vận hành của các học thuyết hiện có vẫn chưa được hiểu rõ. Hơn nữa, các hiện tượng chính trị cực kỳ phức tạp; do đó không thể có dự đoán chính trị chính xác nếu thiếu những công cụ lý thuyết cực mạnh, ưu việt hơn hẳn những gì chúng ta đang có. Kết quả là tất cả các dự đoán chính trị đều chắc chắn có một vài sai sót. Những ai mạo hiểm dự đoán, như tôi đang làm, vì thế nên tiếp tục công việc với sự khiêm tốn, chú ý đừng đòi hỏi sự tin tưởng tuyệt đối và nên thừa nhận rằng sau này khi nhìn nhận lại, chắc chắn sẽ thấy những bất ngờ và sai lầm.

Tuy nhiên, khoa học xã hội nên đưa ra dự đoán về khả năng xảy ra của những sự việc quan trọng và hay thay đổi, như những gì đang diễn ra tại Châu Âu. Những dự đoán này có thể là tiền đề cho các cuộc nghị luận chính sách. Thậm chí chúng còn giúp những người phản đối định hình ý tưởng của mình bằng cách làm rõ những điểm bất đồng. Hơn nữa, việc dự đoán các sự kiện sắp diễn ra sẽ là bài kiểm chứng tốt nhất cho các lý thuyết khoa học xã hội, bằng cách làm rõ những gì mà các lý thuyết dự đoán về những sự kiện đó. Nói tóm lại, thế giới có thể trở thành một phòng thí nghiệm nơi quyết định lý thuyết nào sẽ lý giải tốt nhất về chính trị quốc tế. Trong bài viết này, tôi dùng những thuyết mà tôi thấy thuyết phục nhất để nhìn về tương lai. Thời gian sẽ cho thấy liệu những lý thuyết này trong thực tế có khả năng giải thích nền chính trị quốc tế hay không.

Phần tiếp theo sẽ đưa ra giải thích cho sự bình yên của trật tự hậu Chiến tranh thế giới thứ hai. Phần sau lập luận rằng sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh có thể khiến Châu Âu trở nên bất ổn hơn. Tiếp đó, tôi sẽ xem xét những học thuyết làm cơ sở của các tuyên bố rằng một Châu Âu đa cực có thể yên ổn như Châu Âu thời Chiến tranh Lạnh, nếu không muốn nói là yên ổn hơn. Phần kết luận sẽ đề xuất những khuyến nghị chính sách xuất phát từ phân tích của tôi.

Lý giải “nền hòa bình dài lâu”

45 năm vừa qua chính là khoảng thời gian hòa bình lâu nhất trong lịch sử Châu Âu.[7] Suốt những năm này, ở Châu Âu không có các cuộc chiến tranh lớn mà chỉ có hai cuộc xung đột nhỏ (sự can thiệp của Liên Xô ở Hungary năm 1956 và chiến tranh Hy Lạp – Thổ Nhĩ Kì ở đảo Síp năm 1974). Không cuộc xung đột nào đe dọa lan rộng sang các quốc gia khác. Những năm đầu Chiến tranh Lạnh (1945 – 1963) được đánh dấu bởi một số cuộc khủng hoảng lớn, tuy vậy, không sự kiện nào đưa Châu Âu đến bên bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, từ năm 1963 đã không còn xảy ra các cuộc khủng hoảng Đông – Tây tại Châu Âu. Trong hai thập niên gần đây, rất khó, hoặc có thể nói là không thể, tìm thấy bất cứ một nhà phân tích an ninh quốc gia nghiêm túc nào cho rằng Liên Xô sẽ tấn công Tây Âu.

Nền hòa bình thời Chiến tranh Lạnh tương phản hoàn toàn với chính trị Châu Âu trong suốt 45 năm đầu của thế kỷ 20, khoảng thời gian chứng kiến hai cuộc chiến tranh thế giới, một số cuộc chiến tranh nhỏ, và nhiều cuộc khủng hoảng gần dẫn đến chiến tranh. Khoảng 50 triệu người Châu Âu đã bỏ mạng trong hai cuộc chiến tranh thế giới; ngược lại, chỉ khoảng 15.000 người chết trong các cuộc xung đột tại Châu Âu sau năm 1945.[8] Châu Âu thời Chiến tranh Lạnh bình yên hơn rất nhiều so với Châu Âu đầu thế kỷ 20.

Cả người Mỹ và người Châu Âu ngày càng cho rằng hòa bình và yên ổn là trật tự tự nhiên ở Châu Âu, và rằng 45 năm đầu của thế kỷ này, chứ không phải 45 năm gần đây, là giai đoạn bất thường. Điều này cũng dễ hiểu vì Châu Âu đã không có chiến tranh trong một khoảng thời gian dài đến mức mà tỷ lệ người phương Tây được sinh ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai không có những trải nghiệm trực tiếp về các cuộc chiến tranh lớn ngày càng tăng. Tuy nhiên, cái nhìn lạc quan này không chính xác.

Hệ thống các quốc gia Châu Âu luôn phải gánh chịu tai họa chiến tranh từ khi mới ra đời. Trong phần lớn hai thế kỷ 17 và 18, chiến tranh luôn hiện diện đâu đó trên lục địa Châu Âu.[9] Dù thế kỷ 19 có thời gian hòa bình lâu hơn nhưng vẫn xảy ra vài cuộc chiến tranh và khủng hoảng lớn. Nửa đầu thế kỷ này đã chứng kiến cuộc chiến tranh Napoleon đẫm máu kéo dài; sau đó là đến chiến tranh Crưm, và cuộc chiến Ý – Đức để thống nhất đất nước.[10] Các cuộc chiến trong giai đoạn 1914 – 1945 tiếp nối mô hình lịch sử lâu dài này. Chúng chỉ khác các cuộc chiến trong những thế kỷ trước đó ở quy mô tàn phá với mức độ gia tăng khủng khiếp.

Giai đoạn chiến tranh này kết thúc đột ngột với cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Sau đó, một trật tự hoàn toàn mới và đặc biệt hòa bình đã được xây dựng tại Lục địa.

Nguyên nhân của nền hòa bình dài lâu: Sức mạnh quân sự và sự ổn định

Điều gì tạo nên kỷ nguyên bạo lực trước năm 1945? Tại sao thời kỳ hậu chiến lại hòa bình hơn nhiều như vậy? Mỗi cuộc chiến trước năm 1945 đều có nguyên nhân đặc thù của nó nhưng sự phân chia quyền lực ở Châu Âu – tính đa cực và mất cân bằng quyền lực thường xảy ra giữa các nước lớn trong hệ thống đa cực – là điều kiện chủ yếu cho phép các nguyên nhân đặc thù này phát huy tác dụng. Nền hòa bình trong thời kỳ hậu chiến có được là do ba nguyên nhân chính: tính lưỡng cực của sự phân chia quyền lực ở Lục địa, sự cân bằng tương đối trong sức mạnh quân sự của hai quốc gia đứng đầu hai cực, và sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân làm tăng đáng kể tính bạo lực của chiến tranh, khiến cho khả năng răn đe mạnh hơn rất nhiều.[11]

Những yếu tố này là các khía cạnh của hệ thống quốc gia Châu Âu – các khía cạnh của đặc tính sức mạnh quân sự và sự phân chia sức mạnh đó giữa các nước – chứ không phải của bản thân các quốc gia. Do đó, chìa khóa cho chiến tranh và hòa bình nằm ở cấu trúc của hệ thống quốc tế nhiều hơn là bản chất của các quốc gia đơn lẻ. Những yếu tố trong nước – đáng chú ý nhất là chủ nghĩa dân tộc quá khích – cũng góp phần gây ra các cuộc chiến trong giai đoạn trước năm 1945, và cấu trúc nội tại của các quốc gia Châu Âu sau năm 1945 có lợi hơn cho nền hòa bình, nhưng những nhân tố trong nước này ít quan trọng hơn so với đặc tính và sự phân chia quyền lực quân sự giữa các quốc gia. Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc quá khích phát triển phần lớn là do sự cạnh tranh an ninh giữa các quốc gia Châu Âu, buộc giới cầm quyền Châu Âu phải huy động dân chúng ủng hộ các nỗ lực quốc phòng; do vậy, nói đúng hơn thì nhân tố trong nước quan trọng này là hệ quả xa của hệ thống quốc tế.

Xung đột là chuyện bình thường giữa các quốc gia bởi hệ thống quốc tế tạo ra động lực mạnh mẽ cho các cuộc xâm lược.[12] Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này là bản chất vô chính phủ của hệ thống quốc tế. Trong tình trạng vô chính phủ, không có hội đồng cao cấp hay người trị vì để bảo vệ quốc gia này khỏi quốc gia khác. Do đó mỗi quốc gia sống trong tình trạng vô chính phủ phải đối mặt với khả năng luôn hiện hữu rằng một quốc gia khác có thể sử dụng sức mạnh để làm hại hay đánh chiếm mình. Hành động tấn công quân sự luôn là một mối đe dọa đối với các quốc gia trong hệ thống.

Tình trạng vô chính phủ có hai hệ quả chính. Thứ nhất, các quốc gia ít có lòng tin với nhau bởi vì một đất nước có thể không phục hồi được một khi lòng tin bị phản bội. Thứ hai, mỗi quốc gia phải tự đảm bảo sự sống còn cho chính mình vì sẽ không ai khác giúp đảm bảo an ninh cho họ. Tất cả các quốc gia khác đều là mối đe dọa tiềm tàng, và không một thể chế quốc tế nào có khả năng thực thi trật tự hay trừng phạt những kẻ xâm lược hùng mạnh.

Các quốc gia tìm cách sinh tồn trong tình trạng vô chính phủ bằng cách tối đa hóa sức mạnh của mình so với các quốc gia khác nhằm duy trì các phương tiện tự vệ. Sức mạnh tương đối, chứ không phải là sức mạnh tuyệt đối, mới có ý nghĩa đối với các quốc gia. Do vậy, các quốc gia đều tìm kiếm cơ hội làm suy yếu đối thủ và cải thiện vị thế quyền lực tương đối của mình. Đôi khi họ coi xâm lược là cách tốt nhất để tích lũy thêm sức mạnh và gây bất lợi cho các đối thủ.

Thế giới ganh đua này chỉ hòa bình khi chi phí và rủi ro của việc tiến hành chiến tranh là cao, trong khi lợi ích lại thấp trở thành điều hiển nhiên. Hai khía cạnh của sức mạnh quân sự là cốt lõi của cơ chế mang tính khuyến khích này: sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia và bản chất của sức mạnh quân sự sẵn có. Sự phân chia quyền lực giữa các quốc gia cho chúng ta thấy những nước này có vị thế tốt thế nào để tiến hành xâm lược và liệu các nước khác có thể kháng cự lại cuộc xâm lược của họ không. Sự phân chia này là chức năng của số cực trong hệ thống và sức mạnh tương đối của họ. Bản chất của sức mạnh quân sự ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí, rủi ro và lợi ích của việc tiến hành chiến tranh. Nếu những vũ khí quân sự có sẵn đảm bảo chiến tranh sẽ mang tính tàn phá lớn, các quốc gia có thể sẽ nhụt chí vì chi phí chiến tranh.[13] Nếu những vũ khí sẵn có phục vụ phòng vệ tốt hơn là tấn công, sự vô ích của các cuộc xâm lược sẽ có thể làm nhụt chí những kẻ xâm lăng, và các quốc gia sẽ ít thấy cần thiết phải tiến hành xâm lược hơn bởi vì họ có được nền an ninh tốt hơn, do đó ít cần củng cố an ninh bằng cách bành trướng hơn.[14] Nếu những vũ khí sẵn có có xu hướng bình đẳng hóa sức mạnh tương đối của các quốc gia, điều này sẽ ngăn cản những kẻ xâm lược tiến hành chiến tranh. Nếu vũ khí quân sự giúp việc đánh giá sức mạnh tương đối của các nước dễ dàng hơn, điều này sẽ giúp ngăn cản sự lạc quan vô căn cứ và những cuộc chiến sai lầm sẽ ít có khả năng xảy ra hơn.

Có thể lập luận rằng nền hòa bình tại Châu Âu trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh có được là nhờ trật tự hai cực, sự cân bằng quân sự tương đối giữa hai siêu cường, và sự hiện diện của số lượng lớn vũ khí hạt nhân ở cả hai phía theo ba cách: thứ nhất, bằng cách chứng minh những lý thuyết tổng quan mà nó dựa vào là có cơ sở; thứ hai, bằng cách chứng minh rằng những lý thuyết này có thể lý giải các cuộc xung đột trong thời gian trước năm 1945 và nền hòa bình sau năm 1945; và thứ ba, bằng cách chứng minh rằng các học thuyết cạnh tranh không thể giải thích cho nền hòa bình hậu chiến.

NHỮNG ƯU ĐIỂM CỦA TRẬT TỰ HAI CỰC SO VỚI TRẬT TỰ ĐA CỰC. Hai kiểu dàn xếp quyền lực chủ yếu giữa các quốc gia là trật tự hai cực và đa cực.[15] Hệ thống hai cực sẽ hòa bình hơn vì ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, số lượng các cặp xung đột ít hơn nên ít có khả năng xảy ra chiến tranh hơn. Thứ hai, khả năng ngăn cản chiến tranh sẽ dễ dàng hơn vì sự mất cân bằng quyền lực ít xảy ra hơn và dễ ngăn chặn hơn. Thứ ba, khả năng ngăn chặn chiến tranh sẽ lớn hơn vì ít có những tính toán sai lầm về sức mạnh tương đối và quyết tâm của đối thủ.[16]

Trong hệ thống hai cực, có hai cường quốc thống trị. Những nước nhỏ hơn khó có thể duy trì tình trạng trung lập với một trong hai bên bởi các cường quốc nhìn chung đều đòi hỏi sự phục tùng của những nước nhỏ hơn. (Điều này đặc biệt đúng với những vùng địa lý lõi và ít chính xác hơn đối với những vùng ngoại biên.) Hơn nữa, các nước nhỏ ít có cơ hội kích động nước lớn chống lại nhau bởi vì khi số lượng những nước lớn ít, hệ thống sẽ càng vững chắc hơn. Kết quả là các nước nhỏ chịu sức ép lớn trong việc giữ quyền tự chủ.

Ngược lại, trong hệ thống đa cực, có từ ba cường quốc trở lên thống trị. Những nước nhỏ trong hệ thống như vậy có được sự linh hoạt đáng kể về đồng minh và có thể lựa chọn không theo bên nào. Hình thức chính xác của hệ thống đa cực có thể thay đổi đáng kể dựa vào số lượng cường quốc và quốc gia nhỏ trong hệ thống, và cả sự sắp đặt về địa lý của họ.

Hệ thống hai cực chỉ có một cặp xung đột có thể khiến chiến tranh nổ ra: chỉ có hai cường quốc cạnh tranh với nhau, và những nước nhỏ khó có thể tấn công lẫn nhau. Trong một hệ thống đa cực có nhiều tình huống xung đột có thể xảy ra. Số cặp nước lớn rất nhiều, mỗi cặp đều có khả năng gây xung đột. Xung đột cũng có thể nảy sinh giữa các cặp nước lớn và nước nhỏ. Những cặp xung đột giữa các nước nhỏ cũng có thể dẫn tới chiến tranh. Vì thế, nếu các yếu tố khác không đổi, chiến tranh có nhiều khả năng xảy ra trong hệ thống đa cực hơn là lưỡng cực.

Những cuộc chiến trong thế giới đa cực liên quan đến các nước nhỏ hay chỉ một nước lớn sẽ ít có khả năng tàn phá như cuộc xung đột giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, những cuộc chiến tranh cục bộ thường có xu hướng mở rộng và leo thang. Do đó luôn tồn tại khả năng một cuộc chiến nhỏ có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột lớn.

Khả năng ngăn chặn chiến tranh cũng khó khăn hơn trong một thế giới đa cực bởi vì sự mất cân bằng quyền lực là phổ biến, khi đó, nước mạnh sẽ trở nên khó ngăn chặn hơn.[17] Sự mất cân bằng quyền lực có thể dẫn đến xung đột theo hai cách. Đầu tiên, hai nước có thể liên kết với nhau để tấn công nước thứ ba. Thứ hai, một cường quốc có thể chỉ đơn giản ức hiếp nước bé hơn theo kiểu một chọi một, sử dụng sức mạnh vượt trội của mình để đàn áp hay đánh bại nước nhỏ.[18]

Cơ chế cân bằng quyền lực có thể đối phó với sự mất cân bằng quyền lực như vậy, nhưng chỉ khi chúng hoạt động hiệu quả.[19] Không quốc gia nào thống trị được nước khác, dù bằng cách liên kết lại hay đe dọa, nếu những nước khác liên minh chặt chẽ lại để chống lại nó, nhưng các yếu tố địa lý hay phối hợp có thể cản trở sự hình thành những liên minh như vậy.[20] Những chướng ngại này có thể mất đi trong thời chiến, nhưng lại rất phổ biến trong thời bình, và có thể làm hỏng các nỗ lực răn đe, ngay cả trong trường hợp cuối cùng một liên minh hiệu quả sẽ được thiết lập để đánh bại kẻ xâm lược trên chiến trường.

Đầu tiên, yếu tố địa lý có thể cản trở các nước tham gia vào quá trình cân bằng quyền lực gây áp lực đáng kể lên những kẻ xâm lược tiềm năng. Ví dụ, một cường quốc khó có thể gây áp lực quân sự một cách hiệu quả lên quốc gia đe dọa gây rắc rối do có những nước vùng đệm nằm ở giữa.

Thêm vào đó, quá trình cân bằng quyền lực trong thế giới đa cực cũng phải khắc phục được những vấn đề khó khăn trong hợp tác. Có bốn yếu tố gây khó khăn cho hợp tác. Thứ nhất, các liên minh cung cấp an ninh chung, do đó các nước đồng minh đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan rất lớn trong hành động tập thể. Đặc biệt, mỗi quốc gia có thể cố chuyển những gánh nặng liên minh sang vai các nước được xem là đồng minh của mình. Hành động “chối bỏ trách nhiệm” này là đặc tính phổ biến trong chính trị liên minh.[21] Điều này là bình thường khi số lượng quốc gia cần có để hình thành một liên minh có khả năng ngăn chặn hiệu quả là lớn. Thứ hai, một quốc gia phải đối mặt với hai kẻ thù tiềm tàng có thể kết luận rằng một cuộc chiến kéo dài giữa các đối thủ này sẽ làm cả hai suy yếu, cho dù bên nào chiến thắng đi chăng nữa; vì thế họ sẽ chọn đứng bên lề cuộc chiến và hy vọng sẽ cải thiện được vị thế sức mạnh của mình so với mỗi bên tham chiến. (Tuy nhiên, chiến lược này có thể thất bại nếu một trong hai nước tham chiến nhanh chóng khuất phục đối phương và trở nên mạnh hơn, chứ không phải yếu hơn, so với trước chiến tranh.) Thứ ba, một số nước có thể lựa chọn không tham gia vào quá trình cân bằng quyền lực này bởi họ tin rằng mình sẽ không phải là mục tiêu của những kẻ xâm lược mà không nhận thấy họ vẫn gặp nguy hiểm cho tới khi nước xâm lược bắt đầu có những chiến thắng đầu tiên. Thứ tư, ngoại giao là một quá trình thiếu chắc chắn, và do đó cần phải có thời gian để xây dựng nên một liên minh phòng thủ. Một kẻ xâm lược tiềm năng có thể cho rằng mình sẽ thành công trong cuộc xâm lăng trước khi liên minh hình thành, xa hơn nữa, họ có thể cho rằng nên tận dụng những cơ hội mà tình huống này mang lại trước khi chúng biến mất.[22]

Nếu những vấn đề địa lý và hợp tác này là nghiêm trọng thì các quốc gia có thể mất lòng tin vào quá trình cân bằng quyền lực. Trong trường hợp này, ngày càng có nhiều khả năng họ sẽ theo đuôi những kẻ xâm lược, vì đơn độc kháng cự là hành động vô ích.[23]  Do vậy, những nhân tố làm suy yếu quá trình cân bằng quyền lực có thể tạo ra những hiệu ứng quả cầu tuyết khiến cho quá trình ngày càng suy yếu hơn nữa.

Vấn đề lớn thứ ba của trật tự đa cực là xu hướng khuyến khích những tính toán sai lầm về quyết tâm của từng nước đối địch, và về sức mạnh của các liên minh đối địch.

Chiến tranh có khả năng xảy ra khi một nước đánh giá thấp thái độ cứng rắn của các nước đối địch về những vấn đề khác biệt. Khi đó nước này có thể sẽ ép các nước khác quá mạnh với mong muốn rằng những nước này sẽ chịu thua, trong khi trên thực tế đối thủ sẽ chọn chiến đấu. Những tính toán sai lầm như vậy thường xảy ra trong trật tự đa cực vì hình thái của trật tự thế giới có xu hướng không bền vững do tính hay thay đổi của các liên minh. Kết quả là, luật chơi quốc tế – tiêu chuẩn hành vi ứng xử của các nước và sự phân chia quyền lãnh thổ và các đặc quyền khác đã được thỏa thuận – thường thay đổi liên tục. Chỉ khi những luật lệ cho một mối quan hệ thù địch được thiết lập thì quan hệ đó mới có thể trở thành quan hệ bạn bè, và một mối quan hệ thù địch khác có thể hình thành với một nước bạn bè hay nước trung lập trước đây, và những luật lệ mới phải được thiết lập. Trong hoàn cảnh này, một nước có thể vô tình ép nước khác quá mạnh, bởi vì những điều mơ hồ về quyền và nghĩa vụ quốc gia thường tạo ra nhiều vấn đề đa dạng hơn khiến một nước có thể đánh giá sai quyết tâm của nước khác. Các tiêu chuẩn về hành vi của quốc gia có thể được tất cả các nước hiểu và thừa nhận một cách rộng rãi, thậm chí trong trật tự đa cực, giống như các tiêu chuẩn cơ bản của ngoại giao được các cường quốc Châu Âu ở thế kỷ 18 thừa nhận. Tuy nhiên, sự phân chia quyền một cách rõ ràng như vậy nhìn chung sẽ khó khăn hơn khi có nhiều quốc gia, và quan hệ giữa họ không ổn định, như trong trường hợp trật tự đa cực.

Chiến tranh cũng dễ xảy ra hơn khi các nước đánh giá thấp sức mạnh tương đối của liên minh đối lập, do đánh giá thấp số nước chống lại mình, hay bởi vì họ cường điệu quá mức về số nước đồng minh sẽ cùng chiến đấu với mình.[24] Những sai lầm như thế thường xảy ra trong một hệ thống bao gồm nhiều quốc gia bởi vì họ phải tiên đoán hành vi của nhiều nước, chứ không phải chỉ một nước, để tính toán cán cân sức mạnh giữa các liên minh.

Hệ thống hai cực vượt trội hơn hệ thống đa cực trên tất cả các khía cạnh này. Không có chuyện bắt nạt và kết bè vì chỉ có hai nước cạnh tranh với nhau, do đó cũng không có bất đối xứng quyền lực do bắt nạt và kết bè phái. Khi cần, sự cân bằng có thể đạt được một cách hiệu quả. Các quốc gia có thể cân bằng với các phương tiện nội tại – như tăng cường khả năng quân sự – hoặc các phương tiện bên ngoài – như chính sách ngoại giao và liên minh. Trong trật tự đa cực, các quốc gia có xu hướng dùng phương tiện bên ngoài để cân bằng quyền lực; trong trật tự hai cực, các quốc gia buộc phải dùng phương tiện nội tại. Các phương tiện nội tại hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước, do đó chúng hiệu quả hơn và khả năng tạo ra được thế cân bằng thực sự là chắc chắn hơn.[25] Những vấn đề đòi hỏi nỗ lực cân bằng quyền lực bằng các phương pháp ngoại giao – những rắc rối về mặt địa lý và khó khăn trong hợp tác – không còn quan trọng nữa. Cuối cùng, những tính toán sai lầm ít có khả năng xảy ra hơn so với trong thế giới đa cực. Các quốc gia ít khi sai lầm về quyết tâm của nước khác vì các luật lệ trong quan hệ với đối thủ chính dần đi vào hiệu quả theo thời gian, khiến cả hai bên nhận thấy những giới hạn mà mình không thể ép được đối phương. Các nước cũng không thể mắc sai lầm trong việc đánh giá số lượng thành viên của liên minh đối địch, bởi vì mỗi bên chỉ đối mặt với một kẻ thù chính. Sự đơn giản tạo ra tính chắc chắn; tính chắc chắn củng cố nền hòa bình.

Không có nghiên cứu thực nghiệm nào đưa ra chứng cứ thuyết phục về ảnh hưởng của trật tự hai cực và đa cực đối với nguy cơ xảy ra chiến tranh. Điều này, không nghi ngờ gì, phản ánh sự khó khăn của nhiệm vụ này: từ khi bắt đầu cho đến năm 1945, hệ thống quốc gia Châu Âu là một hệ thống đa cực, do vậy khó có thể rút ra được những so sánh giữa trật tự đa cực và hai cực. Lịch sử trước đó có cho thấy một số ví dụ rõ ràng về hệ thống hai cực, trong đó có những ví dụ về chiến tranh – cuộc chiến giữa Athens và Sparta, Rome và Carthage – nhưng giai đoạn lịch sử này không thuyết phục bởi nó sơ lược và chưa hoàn chỉnh và do đó không cung cấp đủ thông tin chi tiết để xác thực giá trị của những so sánh này. Thiếu một bản khảo sát lịch sử toàn diện, chúng ta không thể làm gì khác ngoài việc đưa ra những ví dụ về lợi thế và bất lợi mà không biết những ví dụ nào đại diện phù hợp nhất cho tập hợp các trường hợp xảy ra. Kết quả là trường hợp được dùng ở đây thiếu luận chứng thực tiễn và dựa chủ yếu vào suy luận. Tuy nhiên, tôi tin rằng trường hợp suy luận này đã cung cấp nền tảng vững chắc để thừa nhận lập luận rằng trật tự hai cực hòa bình hơn đa cực; suy luận logic này có vẻ thuyết phục, và không có chứng cứ lịch sử rõ ràng nào phản bác lại nó. Dưới đây tôi sẽ chỉ ra rằng những ý tưởng được phát triển ở đây có thể áp dụng cho các sự kiện trong thế kỷ 20 tại Châu Âu, cả trước và sau năm 1945.

….

Những nguyên nhân của nền hòa bình dài lâu: Bằng chứng

Nguyên nhân của nền hòa bình dài lâu: Những giải thích đối lập

Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Su bat on tai chau Au sau chien tranh lanh-p1.pdf

(Còn tiếp phần 2)


[1] Có sự ủng hộ to lớn trong nhóm lãnh đạo cấp cao của NATO, bao gồm chính quyền của Bush, nhằm duy trì NATO sau Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo NATO không thể hiện rõ ràng những mục tiêu cụ thể là NATO sẽ phục vụ tại Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh, nhưng họ hình thành ý tưởng trong đầu về một tương lai trong đó NATO là công cụ bảo đảm an ninh tại Đức, bằng cách đó xóa bỏ những động lực đối với chính sách hiếu chiến của người Đức và cũng là công cụ giúp bảo vệ những quốc gia NATO tránh khỏi cuộc xâm lăng của Đức. Tuy nhiên, người Đức, hiện đang có số quân nhiều nhất trong những lực lượng thường trực của phe Đồng minh, có thể sẽ phản đối vai trò này của NATO. Một cơ cấu an ninh dạng này giả định rằng không thể tin vào Đức và NATO cần phải được duy trì để kiềm chế Đức. Một nước Đức thống nhất về lâu dài sẽ không chấp nhận cơ cấu dựa trên giả thuyết này. Người Đức chấp nhận NATO trong suốt Chiến tranh Lạnh vì nó giúp bảo vệ nước Đức tránh khỏi sự đe dọa của Liên Xô vốn nổi lên sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Không có mối đe dọa rõ ràng như thế, và sự thực là mối đe dọa này hiện đang giảm đi nhanh chóng, Đức có khả năng sẽ phản đối việc tiếp tục duy trì NATO như chúng ta vẫn biết.

[2] Tôi không lập luận rằng Chiến tranh Lạnh hoàn toàn kết thúc là điều chắc chắn xảy ra, rất có thể đó chỉ là kết quả trung gian, trong đó hiện trạng sẽ thay đổi về cơ bản, nhưng những nét chính của trật tự hiện nay vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt là Liên Xô có thể rút phần lớn quân khỏi Đông Âu, nhưng vẫn để lại những lực lượng quan trọng. Nếu vậy thì lực lượng của NATO sẽ có khả năng bị cắt giảm đáng kể, nhưng NATO vẫn có thể tiếp tục duy trì những lực lượng quan trọng tại Đức. Anh và Mỹ sẽ rút một số quân khỏi Lục địa nhưng không rút hết. Nếu kết quả này xảy ra, sự cạnh tranh quân sự lưỡng cực cốt yếu đã định hình bản đồ Châu Âu trong suốt Chiến tranh Lạnh sẽ tiếp diễn. Tôi không xem xét đến tình huống này, thay vào đó, tôi sẽ tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc hoàn toàn tại Châu Âu, bởi vì trong hai tình huống trên, đây là cái ít được để ý hơn, và bởi những hậu quả, và do đó là sự đáng mong muốn của việc kết thúc Chiến tranh Lạnh sẽ vẫn còn là vấn đề lớn nếu kết quả trung gian xảy ra.

[3] Sự ảnh hưởng của thay đổi về mặt nhân quyền tại Đông Âu sẽ không được trực tiếp lưu ý đến trong bài này. Người dân Đông Âu đã phải chịu nhiều khổ sở vì sự chiếm đóng của Liên Xô. Liên bang Xô Viết đã đặt chế độ chính trị áp bức tại khu vực này, tước bỏ của người Đông Âu các quyền tự do căn bản. Việc Liên Xô rút quân khỏi Đông Âu sẽ có thể làm tình hình thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, dù thay đổi này chưa hẳn hoàn toàn là phúc lành như phần lớn mọi người nghĩ. Thứ nhất, không rõ rằng chế độ cộng sản sẽ ngay lập tức được thay thế bởi những hệ thống chính trị ưu tiên bảo vệ quyền lợi thiểu số và quyền tự do của công dân. Thứ hai, mối hận máu lâu dài giữa các dân tộc ở Đông Âu có thể sẽ lại nổi lên ở một Châu Âu đa cực, bất kể trật tự chính trị đã tồn tại sẵn. Nếu chiến tranh diễn ra tại Đông Âu, chắc chắn nhân quyền sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

[4] Người ta thường mô tả đặc điểm của sự phân cực – lưỡng cực hay đa cực – của hệ thống quốc tế nói chung, chứ không phải là một khu vực riêng biệt nào đó. Tuy nhiên trọng tâm của bài này không đề cập đến sự phân chia quyền lực trên toàn cầu, mà là sự phân chia quyền lực ở Châu Âu. Những tranh luận phân cực có thể được dùng để đánh giá triển vọng ổn định tại một khu vực cụ thể, miễn là sự cân bằng trong khu vực và thế giới được phân biệt với nhau và phần phân tích này tập trung vào cơ cấu quyền lực tại một khu vực cụ thể.

[5] Để trở thành một cực trong hệ thống khu vực và quốc tế, một quốc gia phải có khả năng tự bảo vệ mình trước các quốc gia lãnh đạo trong hệ thống ở mức độ hợp lý. Mỹ và Liên Xô có sự vượt trội về quân sự rõ ràng hơn hẳn các nước Châu Âu khác, và cả những nước không thuộc Châu Âu, trong suốt Chiến tranh Lạnh; do đó họ đã tạo nên hai cực của cả hệ thống Châu Âu và thế giới. Những gì đang diễn ra nhằm thay đổi điều này chính là cả Liên Xô và Mỹ đều đang rút các lực lượng khỏi Trung Âu, điều này khiến cả hai gặp khó khăn trong việc thiết lập quyền lực ở Lục địa và như vậy làm suy yếu ảnh hưởng của họ tại đây; cũng như giảm quy mô lực lượng, khiến họ không còn nhiều sức mạnh quân sự để triển khai. Vì yếu tố gần gũi về mặt địa lý với Châu Âu, Liên Xô vẫn là một cực trong hệ thống Châu Âu miễn là họ giữ các lực lượng quân sự quan trọng ở lại lãnh thổ của mình. Mỹ chỉ có thể tiếp tục là một cực ở Châu Âu khi còn có khả năng triển khai sức mạnh quân sự lớn tại Trung Âu.

[6] Sự ổn định được định nghĩa một cách đơn giản là không có chiến tranh và các cuộc khủng hoảng lớn.

[7] Thuật ngữ “nền hòa bình dài lâu” được đưa ra bởi John Lewis Gaddis, “The Long Peace: Elements of Stability in the Postwar International System,” International Security, Vol. 10, No. 4 (Spring 1986), trang 99-142.

[8] Có khoảng 10.000 người chết trên chiến trường trong chiến tranh Nga – Hung vào tháng 10 – tháng 11 năm 1956, và khoảng 1.500 – 5000 người đã chết trên chiến trường trong cuộc chiến ở Cyprus vào tháng 7 – tháng 8 năm 1974. Xem Ruth Leger Sivard, World Military and Social Expenditures 1989 (Washington, D.C.: World Priorities, 1989), trang 22; Melvin Small và J. David Singer, Resort to Arms: International and Civil Wars, 1816-1980 (Beverly Hills, Calif.: Sage, 1982), trang 93-94.

[9] Để tìm hiểu tóm tắt các cuộc chiến trong quá khứ, xem Jack S. Levy, War In the Modern Great Power System, 1495-1975 (Lexington: University Press of Kentucky, 1983); và Small and Singer, Resort to Arms.

[10] Không có cuộc chiến tranh lớn nào diễn ra ở Châu Âu trong giai đoạn 1815 – 1853 và 1871 – 1914, hai giai đoạn này dài gần bằng cuộc Chiến tranh Lạnh trong suốt 45 năm. Tuy nhiên có một sự khác biệt quan trọng giữa Chiến tranh Lạnh và những giai đoạn trước đó. Quan hệ giữa các cường quốc xấu đi rõ rệt vào những năm cuối của hai thời kì này, và mỗi trường hợp dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn. Mặt khác, trật tự trong Chiến tranh Lạnh ngày càng trở nên ổn định hơn theo thời gian và hiện tại không có những mối đe dọa chiến tranh nghiêm trọng giữa NATO và khối Hiệp ước Warsaw. Châu Âu chắc chắn sẽ hòa bình trong tương lai có thể nhìn thấy trước nếu Chiến tranh Lạnh tiếp tục, đây là điểm làm nổi bật tính ổn định ngoại lệ của trật tự Châu Âu ngày nay.

[11] Mức độ quan trọng tương đối của ba yếu tố này không được khẳng định chính xác, nhưng cả ba đều có tầm quan trọng đáng kể.

[12] Hai tác phẩm kinh điển về đề tài này là Hans J. Morgenthau, Politics Among Nations: The Struggle for Power and Peace, 5th ed. (New York: Knopf, 1973); và Kenneth N. Waltz, Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley, 1979).

[13] Những triển vọng răn đe này có thể chịu ảnh hưởng từ các tính toán nhằm ổn định khủng hoảng. Xem John J. Mearsheimer, “A Strategic Misstep: The Maritime Strategy and Deterrence in Europe,” International Security, Vol. 11, No. 2 (Fall 1986), trang 6-8.

[14] Xem Robert Jervis, “Cooperation Under the Security Dilemma,” World Politics, Vol. 30, No. 2 (January 1978), trang 167-214; và Stephen Van Evera, “Causes of War” (unpub. PhD dissertation, University of California at Berkeley, 1984), chap. 3. Như đã nói ở trên, tôi tin rằng sự khác biệt giữa vũ khí tấn công và phòng vệ và, tổng quát hơn, khái niệm về sự cân bằng giữa tấn công – phòng vệ, đều có liên quan ở cấp độ hạt nhân. Tuy vậy, tôi không tin những ý kiến này có liên quan ở cấp độ thông thường. Xem John J. Mearsheimer, Conventional Deterrence (Ithaca: Cornell University Press, 1983), trang 25-27.

[15] Bá quyền tượng trưng cho kiểu phân chia quyền lực thứ ba. Trong trật tự bá quyền, chỉ có duy nhất một cường quốc trong hệ thống. Còn lại là những nước nhỏ không có khả năng thách thức nước lớn, nhưng phải hành động theo mệnh lệnh của nước lớn. Mỗi quốc gia sẽ tìm cách đạt được quyền bá chủ, vì nó sẽ đem lại an ninh lớn: không đối thủ nào dám gây ra một mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên hiếm khi trật tự này xảy ra bởi vì quyền lực có xu hướng được phân chia tương đối đồng đều giữa các quốc gia, vì những quốc gia bị đe dọa có động lực mạnh mẽ để gắn kết với nhau nhằm ngăn chặn một nước bá quyền nhiều tham vọng, và cũng bởi chi phí cho việc bành trướng luôn luôn vượt quá những lợi ích trước cả khi có được quyền thống trị khiến việc mở rộng quyền lực trở nên thái quá. Bá quyền chưa bao giờ là đặc trưng của hệ thống quốc gia Châu Âu ở bất cứ thời điểm nào từ khi hệ thống này nổi lên ở thế kỷ 17, và không có triển vọng nào cho bá quyền trong một tương lai có thể đoán trước được; do đó, bá quyền không thích hợp để đánh giá triển vọng hòa bình tại Châu Âu.

[16] Những tác phẩm quan trọng về trật tự hai cực và đa cực gồm có Thomas J. Christensen và Jack Snyder, “Chain Gangs and Passed Bucks: Predicting Alliance Patterns in Multipolarity,” International Organization, Vol. 44, No. 2 (Spring 1990), trang 137-168; Karl W. Deutsch và J. David Singer, “Multipolar Power Systems and International Stability,” World Politics, Vol. 16, No. 3 (April 1964), trang 390-406; Richard N. Rosecrance, “Bipolarity, Multipolarity, and the Future,” Journal of Conflict Resolution, Vol. 10, No. 3 (September 1966), trang 314-327; Kenneth N. Waltz, “The Stability of a Bipolar World, “Daedalus, Vol. 93, No. 3 (Summer 1964), trang 881-909; và Waltz, Theory of international Politics, chap. 8. Những kết luận của tôi về hệ thống lưỡng cực tương tự như của Waltz, mặc dù có những điểm khác nhau quan trọng trong cách lý giải của chúng tôi, sẽ được thể hiện dưới đây.

[17] Mặc dù sự cân bằng quyền lực có thể giúp ngăn chặn chiến tranh hơn là sự mất cân bằng quyền lực, nhưng sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia không đảm bảo rằng có thể đạt được khả năng răn đe. Các quốc gia thỉnh thoảng tìm ra những chiến lược quân sự mới có thể mang lại chiến thắng trên chiến trường, thâm chí không cần có lợi thế rõ rệt về mặt cân bằng sức mạnh quân sự cơ bản. Hơn nữa, những lực lượng chính trị rộng hơn khiến một quốc gia đi đến chiến tranh đôi khi buộc các nhà cầm quyền theo đuổi các chiến lược quân sự rất mạo hiểm, đẩy các quốc gia tới việc thách thức những đối thủ ngang tài ngang sức hay thậm chí là đối thủ mạnh hơn. Xem Mearsheimer, Conventional Deterrence, đặc biệt chương 2.

[18] Cuộc thảo luận về tính phân cực giả định rằng sức mạnh quân sự của các cường quốc tương đương nhau. Hậu quả của sự bất đối xứng quyền lực giữa những cường quốc sẽ được thảo luận bên dưới.

[19] Xem Stephen M. Walt, The Origins of Alliances (Ithaca: Cornell University Press, 1987); và Waltz, Theory of International Politics, trang 123-128.

[20] Một ngoại lệ cần được đề cập: việc kết bè phái vẫn có thể xảy ra ở trật tự đa cực trong trường hợp chỉ có ba cường quốc trong hệ thống, và do đó nạn nhân sẽ không thể có được đồng minh nào.

[21] Xem Mancur Olson and Richard Zeckhauser, “An Economic Theory of Alliances,” Review of Economics and Statistics, Vol. 48, No. 3 (August 1966), trang 266-279; và Barry R. Posen, The Sources of Military Doctrine: France, Britain, and Germany between the World Wars (Ithaca: Cornell University Press, 1984).

[22] Những cân nhắc về chính trị trong nước thỉnh thoảng cũng có thể gây cản trở hành vi cân bằng quyền lực. Ví dụ như, Anh và Pháp đã miễn cưỡng liên minh với Liên Xô trong thập niên 1930 vì mối ác cảm sâu xa của họ đối với chủ nghĩa cộng sản.

[23] Xem Walt, Origins of Alliances, trang 28-32, 173-178.

[24] Quan điểm này là chủ đề trung tâm của Waltz, “The Stability of a Bipolar World.” Xem  Geoffrey Blainey, The Causes of War (New York: Free Press, 1973), chap. 3.

[25] Waltz, Theory of International Politics, pp. 163, 168 khẳng định hiệu quả lớn hơncủa cân bằng bên trong so với cân bằng bên ngoài