Nguồn: John J. Mearsheimer (1990). “Back to the Future: Instability in Europe after the Cold War”, International Security, Vol. 15, No. 1. (Summer), pp. 5-56.>>PDF
Biên dịch: Mạch Nguyễn Phương Uyên | Hiệu đính: Ngô Thị Thu Hương
Bài liên quan: #101 – Trở lại tương lai: Sự bất ổn tại Châu Âu sau Chiến tranh Lạnh (Phần 1)
Dự đoán tương lai: Sự Balkan hóa Châu Âu?
Trật tự mới nào sẽ nổi lên ở Châu Âu nếu Liên Xô và Mỹ rút về nước và Chiến tranh Lạnh kết thúc? Nó sẽ có những đặc điểm nào? Và nó sẽ nguy hiểm ra sao?
Chắc chắn là trật tự hai cực sẽ biến mất và hệ thống đa cực sẽ nổi lên trong trật tự mới tại Châu Âu. Hai khía cạnh khác của trật tự mới – sự phân chia quyền lực giữa các nước lớn và sự phân bổ vũ khí hạt nhân giữa họ – không được xác định trước, và một số dàn xếp có thể xảy ra. Có sự khác biệt rõ rệt trong tính ổn định của những dàn xếp này. Phần này sẽ xem xét phạm vi những mối nguy hiểm mà mỗi dàn xếp sẽ mang lại và khả năng chúng trở thành hiện thực.
Những mô hình phân bổ và triển khai vũ khí hạt nhân trong một Châu Âu mới là yếu tố ít chắc chắn nhất, nhưng có lẽ là quan trọng nhất, trong trật tự mới. Theo đó, phần này sẽ tiếp tục tìm hiểu đặc điểm của bốn thế giới hạt nhân chính có thể xuất hiện: một Châu Âu không có vũ khí hạt nhân, sự tiếp tục những mô hình hiện tại trong việc sở hữu vũ khí hạt nhân, và sự phổ biến vũ khí hạt nhân ở cả hai khía cạnh được kiểm soát hiệu quả và không được kiểm soát hiệu quả.
Trật tự mới tốt nhất sẽ bao gồm sự phổ biến vũ khí hạt nhân hạn chế và trong tầm kiểm soát. Điều này sẽ nguy hiểm hơn trật tự hiện tại, nhưng an toàn hơn nhiều so với giai đoạn 1900 – 1945. Trật tự tệ nhất sẽ là một Châu Âu không vũ khí hạt nhân mà ở đó, sự mất cân bằng quyền lực sẽ xuất hiện giữa những cực quyền lực chính. Trật tự này sẽ nguy hiểm hơn thế giới hiện tại, và có lẽ sẽ nguy hiểm gần như thế giới trước năm 1945. Sự tiếp nối mô hình hiện tại, hay sự phổ biến vũ khí hạt nhân không được kiểm soát, sẽ tồi tệ hơn thế giới ngày nay, nhưng an toàn hơn thế giới trước 1945.
Một Châu Âu phi hạt nhân
Một số người Châu Âu và Mỹ tìm cách loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Châu Âu và thay thế trật tự Chiến tranh Lạnh bằng một trật tự hoàn toàn phi hạt nhân. Việc xây dựng một Châu Âu không có vũ khí hạt nhân sẽ đòi hỏi Anh, Pháp và Liên Xô phải tự mình loại bỏ vũ khí hạt nhân. Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng một Châu Âu không có vũ khí hạt nhân sẽ là trật tự hòa bình nhất có thể xảy ra; tuy nhiên trên thực tế, một Châu Âu phi hạt nhân sẽ là điều nguy hiểm nhất trong số những trật tự hậu Chiến tranh Lạnh có khả năng xảy ra. Những hiệu ứng ổn định của vũ khí hạt nhân – an ninh mà chúng mang lại, sự cẩn trọng mà chúng tạo, sự cân bằng tương đối mà chúng áp đặt, và tính rõ ràng của sức mạnh tương đối do chúng tạo ra – sẽ không còn nữa. Hòa bình sẽ tùy thuộc vào những khía cạnh khác của trật tự mới – số lượng các cực và sự phân bổ quyền lực giữa chúng. Tuy nhiên, trật tự mới chắc chắn sẽ là trật tự đa cực, và có lẽ là không cân bằng; do vậy hệ thống này rất có xu hướng thiên về bạo lực. Cơ cấu quyền lực ở Châu Âu sẽ rất giống như giữa các cuộc chiến tranh thế giới, và rất có thể gây ra kết quả tương tự.
Hai nước mạnh nhất ở Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh có thể là Đức và Liên Xô. Hai nước này sẽ được phân cách về mặt địa lý bởi một loạt các quốc gia nhỏ và độc lập ở Đông Âu . Không có nhiều thay đổi ở Tây Âu, mặc dù các nước trong vùng sẽ phải lo lắng về sự đe dọa tiềm tàng của Đức ở phía đông.
Khả năng xảy ra xung đột trong hệ thống này rất lớn. Có nhiều cặp xung đột tiềm năng khiến chiến tranh có thể sẽ nổ ra. Sự mất cân bằng quyền lực sẽ trở nên phổ biến do những cơ hội mà hệ thống tạo ra cho việc bắt nạt và kết bè phái. Khả năng xảy ra tính toán sai lầm là rất cao. Rắc rối trong việc kiềm chế sức mạnh của Đức sẽ lại nổi lên một lần nữa, nhưng sự phân bổ quyền lực tại Châu Âu sẽ khiến việc xây dựng một liên minh đối trọng hiệu quả trở nên khó khăn, cũng vì lý do này mà không thể xây dựng được một liên minh đối trọng hiệu quả vào thập niên 1930. Đến một lúc nào đó vấn đề kiềm chế sức mạnh Liên Xô cũng sẽ lại nổi lên. Cuối cùng, xung đột sẽ bùng nổ ở Đông Âu, tạo ra vòng xoáy cuốn cả các nước khác vào một cuộc đối đầu quy mô hơn.
Một nước Đức thống nhất sẽ bị bao quanh bởi những nước nhỏ hơn, những nước khó có thể chống lại sự xâm lược của Đức. Không có các lực lượng đồn trú tại các nước tiếp giáp Đức, cả Liên Xô và Mỹ đều không có vị thế tốt để giúp các nước này kiềm chế sức mạnh của Đức. Hơn nữa, những nước nhỏ nằm giữa Đức và Liên Xô có thể sẽ sợ Liên Xô ngang với Đức, và do đó không sẵn lòng hợp tác với Liên Xô để ngăn cản sự xâm lược của Đức. Vấn đề này thực tế đã nổi lên từ thập niên 1930, và 45 năm chiếm đóng của Liên Xô trong giai đoạn chuyển tiếp đã không giúp xoa dịu nỗi sợ hãi của Đông Âu đối với sự hiện diện của quân đội Liên Xô. Như thế, các kịch bản Đức dùng lực lượng quân sự tấn công Ba Lan, Tiệp Khắc và thậm chí cả Áo là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Liên Xô rốt cuộc cũng có thể đe dọa hiện trạng này. Việc Liên Xô rút quân khỏi Đông Âu không có nghĩa là họ sẽ không bao giờ cảm thấy cần phải quay lại đó. Lịch sử cho thấy rất nhiều trường hợp Nga hay Liên Xô can dự vào Đông Âu. Thật vậy, sự hiện diện của Nga ở Đông Âu lúc nhiều lúc ít lặp đi lặp lại trong suốt vài thế kỷ qua.[1] Do đó, sự rút quân của Liên Xô hiện tại khó có thể đảm bảo một sự ra đi vĩnh viễn.
Xung đột giữa các quốc gia Đông Âu cũng có khả năng gây ra bất ổn ở một Châu Âu đa cực. Không có chiến tranh giữa các nước ở khu vực này trong suốt Chiến tranh Lạnh là vì Liên Xô đã kiểm soát họ rất chặt chẽ. Quan điểm này được minh chứng bởi những căng thẳng nghiêm trọng hiện đang tồn tại giữa Hungary và Rumani về sự đối xử của Rumani đối với những người thiểu số Hungary tại Transylvania, vùng đất trước đây thuộc về Hungary và vẫn có khoảng 2 triệu người Hungary đang sinh sống tại đây. Nếu không phải vì sự có mặt của Liên Xô ở Đông Âu, xung đột này đã có thể đưa Rumani và Hungary tới chiến tranh, và có thể đưa họ đến chiến tranh trong tương lai.[2] Điều này sẽ không phải là mối nguy hiểm duy nhất ở Đông Âu nếu đế chế Liên Xô sụp đổ.[3]
Chiến tranh ở Đông Âu sẽ gây ra những đau khổ khủng khiếp cho người dân Đông Âu. Cuộc chiến này có thể lan rộng ra các nước lớn vì họ sẽ bị lôi kéo vào cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này, đặc biệt nếu sự rối loạn tạo ra một nền chính trị dễ thay đổi mang lại cơ hội cho các nước bên ngoài gây ảnh hưởng, hoặc đe dọa khuất phục những quốc gia thân thiện. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, cả hai siêu cường đều bị kéo vào những xung đột ở các nước Thế giới thứ ba trên toàn cầu, thường là ở những vùng xa xôi có tầm quan trọng chiến lược không cao. Đông Âu nằm kề cả Liên Xô và Đức và có tầm quan trọng chiến lược và kinh tế đáng kể; do đó, những bất ổn ở Đông Âu thậm chí có thể gây ra sự cám dỗ đối với các cường quốc này lớn hơn là những cuộc xung đột trước đây ở Thế giới thứ ba đã gây ra cho các siêu cường. Hơn nữa, do kết quả của những xung đột tại khu vực này phần lớn được quyết định bởi thành công tương đối của mỗi bên trong việc tìm kiếm đồng minh bên ngoài, các quốc gia Đông Âu sẽ có động cơ mạnh mẽ để kéo các nước lớn vào những cuộc xung đột của họ tại khu vực này.[4] Vậy nên sẽ có cả lực kéo và lực đẩy đối với sự can dự của các cường quốc bên ngoài vào các cuộc chiến ở Đông Âu.
Tính toán sai lầm cũng có khả năng trở thành vấn đề của một Châu Âu đa cực. Ví dụ, trật tự mới có thể chứng kiến rõ những mô hình xung đột đang thay đổi, khiến cho các nước đối địch không có đủ thời gian để thống nhất về sự phân chia quyền lợi và các quy tắc tương tác, hoặc liên tục buộc họ tái thiết lập những thỏa thuận và quy tắc mới vì sự thù địch cũ dần biến mất và cái mới sẽ nổi lên. Hoàn cảnh mới sẽ khó cho phép xây dựng một loạt thỏa thuận hiệu quả giống như những thỏa thuận giúp mang lại ổn định cho Chiến tranh Lạnh từ năm 1963. Thay vào đó, tình hình Châu Âu sẽ trở nên giống như thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh, khi mà việc không có luật lệ đã dẫn tới những cuộc khủng hoảng lặp đi lặp lại liên tục. Thêm vào đó, đặc điểm đa cực của hệ thống có thể sẽ gây ra những tính toán sai lầm liên quan đến sức mạnh của những liên minh đối lập.
Rất khó để dự đoán chính xác về sự cân bằng sức mạnh quân sự phi hạt nhân sẽ nổi lên giữa hai cường quốc lớn nhất ở Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh, đặc biệt là khi tương lai sức mạnh của Liên Xô hiện rất khó dự đoán. Liên Xô có thể phục hồi sức mạnh của mình ngay sau khi rút quân khỏi Trung Âu; nếu thế, sức mạnh Liên Xô có thể vượt sức mạnh Đức. Hoặc các lực lượng dân tộc ly khai sẽ làm tan rã Liên Xô, không để lại một nước nào sánh ngang được với nước Đức thống nhất.[5] Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là Đức và Liên Xô nổi lên như những cường quốc gần như cân bằng về sức mạnh. Hai kịch bản đầu tiên, với sự bất bình đẳng rõ ràng giữa hai cường quốc đứng đầu, sẽ đặc biệt đáng lo ngại, mặc dù kịch bản sức mạnh Liên Xô và Đức ngang bằng nhau cũng rất đáng quan tâm.
Chủ nghĩa dân tộc quá khích trỗi dậy sẽ tạo ra ít nguy hiểm hơn những vấn đề đã nêu trên, nhưng một số hình thức chủ nghĩa dân tộc có thể lại nổi lên khi không có Chiến tranh Lạnh và tạo thêm động lực dẫn đến chiến tranh. Một Châu Âu phi hạt nhân sẽ gặp rắc rối đặc biệt với chủ nghĩa dân tộc vì an ninh trong một trật tự như vậy phần lớn là nhờ có lực lượng quân đội đông đảo, và những quân đội này thường không thể duy trì nếu không kích động chủ nghĩa dân tộc quá khích trong xã hội. Vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng nhất ở Đông Âu, nhưng cũng có khả năng gây nên rắc rối tại Đức. Người Đức nhìn chung đã đạt được kết quả rất đáng ngưỡng mộ trong việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa dân tộc trong hơn 45 năm qua và luôn ghi nhớ về giai đoạn đen tối trong quá khứ của mình. Tuy nhiên, những điềm báo đáng lo ngại đang trở nên rõ ràng; nhưng điều đáng lo nhất là vài người Đức có ảnh hưởng gần đây đã khuyên nên tăng cường việc dạy chủ nghĩa dân tộc trong giáo dục lịch sử.[6] Hơn nữa, chủ nghĩa dân tộc sẽ tăng lên do những tranh chấp biên giới chưa được giải quyết nổi lên một khi Mỹ và Liên Xô rút quân. Đặc biệt đáng chú ý là tranh chấp biên giới giữa Đức và Ba Lan mà người Đức sẽ làm thay đổi theo hướng có lợi cho mình.
Tuy vậy, rất khó có khả năng Châu Âu sẽ trở nên phi hạt nhân, bất chấp sự phản đối vũ khí hạt nhân hiện đang rất mạnh mẽ ở đây. Ví dụ, không có khả năng người Pháp, khi không còn sự che chở của Mỹ và phải đối mặt với một nước Đức mới thống nhất, sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình. Và Liên Xô chắc chắn vẫn lo ngại về việc cân bằng khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ, và do đó sẽ duy trì khả năng răn đe của chính mình.
Mô hình sở hữu vũ khí hạt nhân hiện tại sẽ tiếp diễn
Một trật tự hợp lý hơn cho Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh là trật tự trong đó Anh, Pháp và Liên Xô vẫn giữ vũ khí hạt nhân, nhưng sẽ không có thêm cường quốc hạt nhân nào khác xuất hiện ở Châu Âu. Kịch bản này cho thấy một khu vực phi hạt nhân ở Trung Âu, nhưng vẫn để lại vũ khí hạt nhân bên sườn Châu Âu.
Kịch bản này cũng có vẻ khó xảy ra, bởi vì những nước không sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ có động lực quan trọng để phát triển vũ khí hạt nhân cho chính mình. Đức có thể không cần vũ khí hạt nhân để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của các nước láng giềng, vì cả Pháp hay các nước Đông Âu đều không có khả năng đánh bại một nước Đức thống nhất trong một cuộc chiến tranh thông thường. Liên Xô sẽ là mối đe dọa phi hạt nhân chính đáng duy nhất của Đức, nhưng miễn là các nước Đông Âu vẫn độc lập, lục quân Liên Xô sẽ không thể thực hiện một cuộc tấn công trực tiếp. Tuy nhiên người Đức sẽ không sẵn lòng dựa vào người Ba Lan hay Tiệp Khắc để tạo rào chắn và thay vào đó có thể nhận thấy vũ khí hạt nhân là cách tốt nhất để ngăn chặn một cuộc tấn công thông thường của Liên Xô vào Trung Âu. Người Đức có thể chọn sở hữu vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ chính mình khỏi bị đe dọa bởi những cường quốc hạt nhân khác. Cuối cùng, do Đức có sức mạnh kinh tế lớn hơn cả Anh hoặc Pháp, họ sẽ tìm kiếm vũ khí hạt nhân để nâng cao vị thế quân sự cho tương xứng với vị thế kinh tế.
Các nước nhỏ ở Đông Âu sẽ có động lực mạnh mẽ để có được vũ khí hạt nhân. Không có vũ khí hạt nhân, những nước Đông Âu này sẽ dễ dàng bị đe dọa hạt nhân bởi Liên Xô và Đức, nếu nước này có được vũ khí hạt nhân. Không quốc gia Đông Âu nào có thể sở hữu sức mạnh phi hạt nhân sánh được với Đức hay Liên Xô, và điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho những nước nhỏ tìm cách có được khả năng ngăn chặn hạt nhân, ngay cả khi các cường quốc không có. Tóm lại, dường như khó có khả năng hình thức sở hữu hiện tại vẫn tiếp diễn mà không có sự phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trật tự này ổn định như thế nào? Sự tiếp tục hiện diện của vũ khí hạt nhân tại Châu Âu sẽ có tác dụng bình ổn. Vũ khí hạt nhân sẽ khiến cho chính các nước sở hữu chúng phải cẩn trọng hơn, đảm bảo an ninh lớn hơn cho các cường quốc hạt nhân, có xu hướng cân bằng sức mạnh tương đối của các nước sở hữu chúng, và làm giảm nguy cơ tính toán sai lầm. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ bị hạn chế nếu vũ khí hạt nhân không được phổ biến ngoài những quốc gia hiện đang sở hữu, vì bốn nguyên nhân chính sau.
Đầu tiên, vùng trung tâm rộng lớn của Châu Âu sẽ không có được sự cẩn trọng và an ninh mà vũ khí hạt nhân mang lại. Cả khu vực giữa Pháp và Liên Xô, trải dài từ Bắc Cực ở phía Bắc tới Địa Trung Hải ở phía Nam, và bao gồm khoảng mười tám nước quan trọng, sẽ trở thành một vùng rộng lớn “thuận lợi” đối với chiến tranh thông thường. Thứ hai, mối quan hệ quyền lực không cân xứng sẽ buộc phải phát triển giữa những quốc gia hạt nhân và phi hạt nhân cũng như giữa những quốc gia phi hạt nhân, làm gia tăng các mối đe dọa kèm theo sự bất đối xứng. Thứ ba, nguy cơ tính toán sai lầm sẽ tăng lên, phản ánh tính chất đa cực của hệ thống này và sự thiếu vắng vũ khí hạt nhân ở một phần lớn của hệ thống. Sẽ rất khó xây dựng một trật tự chính trị bền vững được được thừa nhận chung vì các liên minh chính trị có xu hướng thay đổi theo thời gian, gây nên những tính toán sai lầm về quyết tâm của các đối thủ. Sức mạnh tương đối của các liên minh chiến tranh tiềm năng sẽ rất khó tính toán vì sức mạnh của liên minh sẽ phụ thuộc rất lớn vào những thay đổi thất thường của ngoại giao. Những bất định về khả năng tương đối như vậy sẽ giảm bớt trong những xung đột nảy sinh giữa các cường quốc hạt nhân: vũ khí hạt nhân có xu hướng cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia hay liên minh có sự chênh lệch lớn về nguồn lực, và do vậy làm mất đi tầm quan trọng của việc gia nhập hay ly khai khỏi mỗi liên minh. Tuy nhiên, sự bất định sẽ sâu sắc hơn giữa những nước vẫn còn trong tình trạng phi hạt nhân. Thứ tư, an ninh của các quốc gia vũ trang phi hạt nhân ở Trung Âu sẽ phụ thuộc vào quân đội đại chúng, tạo động lực cho các quốc gia này tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm cho xã hội để duy trì sự ủng hộ của quần chúng đối với các nỗ lực phòng vệ.
Sự phổ biến vũ khí hạt nhân được kiểm soát tốt hoặc không
Viễn cảnh có khả năng xảy ra nhất sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là sự phổ biến vũ khí hạt nhân rộng hơn ở Châu Âu. Kết quả này mang đầy rủi ro, nhưng cũng có thể mang lại hy vọng lớn nhất để duy trì sự ổn định ở Lục địa. Những tác động của việc này phụ thuộc rất nhiều vào việc nó được kiểm soát thế nào. Sự phổ biến vũ khí hạt nhân không được kiểm soát có thể gây ra thảm họa, trong khi nếu được kiểm soát tốt có thể tạo nên một trật tự ổn định gần như trật tự hiện tại. Thật đáng tiếc, bất cứ sự phổ biến vũ khí hạt nhân nào cũng có thể không được kiểm soát tốt.
Bốn mối nguy chính có thể nảy sinh nếu sự phổ biến vũ khí hạt nhân không được kiểm soát phù hợp. Đầu tiên, quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân tự nó có thể tạo động lực mạnh mẽ cho các cường quốc hiện tại sử dụng sức mạnh ngăn cản các nước láng giềng phi hạt nhân của mình có được vũ khí hạt nhân, giống như Israel từng làm với Iraq.
Thứ hai, thậm chí sau khi quá trình phổ biến hạt nhân kết thúc, một sự cạnh tranh hạt nhân ổn định cũng không thể diễn ra giữa các quốc gia hạt nhân mới. Các nước nhỏ hơn ở Châu Âu có thể thiếu các nguồn lực cần thiết để duy trì sức mạnh hạt nhân của mình; sức mạnh hạt nhân mới còn non yếu có thể tạo ra cho đối thủ động cơ tấn công trước và những bất ổn kèm theo khủng hoảng. Vì nền kinh tế của những nước này khá nhỏ, họ không thể phát triển kho vũ khí lớn như của những cường quốc; kho vũ khí với quy mô nhỏ do đó rất dễ bị tấn công. Hơn nữa, việc không thể bành trướng lãnh thổ khiến cho các nước này không có được các căn cứ khả thi, như căn cứ tên lửa di động giúp bảo đảm các biện pháp răn đe của họ.
Một số nước nằm hoàn toàn trong đất liền, do đó không thể đặt căn cứ vũ khí hạt nhân trên biển, phương thức thiết lập căn cứ an toàn nhất được các siêu cường sử dụng. Hơn nữa, sự gần gũi với một quốc gia khác khiến họ không có thời gian cảnh báo, và do đó không thể giúp tận dụng hiệu quả sự cảnh báo hiệu quả để ngăn ngừa các cuộc tấn công, ví dụ như nhanh chóng khởi động các máy bay ném bom báo động. Cuối cùng, những cường quốc hạt nhân mới nổi cũng có thể thiếu nguồn lực cần thiết để xây dựng hệ thống chỉ huy và kiểm soát an toàn cũng như đầy đủ các thủ tục an toàn trong quản lý hạt nhân, do vậy làm gia tăng nguy cơ khởi động hệ thống không mong muốn, hoặc bị khủng bố chiếm và sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thứ ba, giới cầm quyền và quần chúng ở các quốc gia hạt nhân mới nổi ở Châu Âu có thể không kịp xây dựng các học thuyết và quan điểm phản ánh sự thấu hiểu những hậu quả tàn khốc và khả năng không thể thắng căn bản của chiến tranh hạt nhân. Sẽ có những ý kiến ở Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh cho rằng chiến tranh hạt nhân hạn chế là khả thi, và những cuộc chiến tranh hạt nhân có thể được tiến hành và chiến thắng. Những luận điệu này có thể được chấp nhận một cách nghiêm túc tại những quốc gia chưa từng có nhiều kinh nghiệm trực tiếp trong cuộc cách mạng hạt nhân.
Thứ tư, sự phổ biến vũ khí hạt nhân rộng rãi sẽ gia tăng khả năng khai ngòi chiến tranh hạt nhân, và đến lượt nó làm gia tăng khả năng vũ khí hạt nhân sẽ bị khai hỏa do tai nạn, sử dụng trái phép, bị khủng bố cướp, hoặc do việc đưa ra quyết định thiếu lý trí.
Nếu những vấn đề này không được giải quyết, sự phổ biến hạt nhân sẽ mang lại những nguy hiểm trầm trọng. Tuy nhiên, các cường quốc hạt nhân hiện tại có thể tiến hành các biện pháp giúp giảm những nguy cơ này. Họ có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công dự phòng vào những quốc gia hạt nhân mới nổi bằng cách gia tăng sự đảm bảo an ninh. Họ có thể hỗ trợ kỹ thuật để giúp những cường quốc mới được trang bị hạt nhân bảo vệ hệ thống của mình. Và họ có thể giúp các xã hội hạt nhân mới này hiểu bản chất của sức mạnh mình đang nắm giữ. Sự phổ biến hạt nhân được kiểm soát theo cách này có thể giúp củng cố nền hòa bình.
Vũ khí hạt nhân nên được phép phổ biến tới mức nào? Tốt nhất là sự phổ biến hạt nhân chỉ nên được giới hạn tại Đức chứ không đi xa hơn nữa.[7] Đức có một cơ sở kinh tế lớn mạnh, và do đó có thể duy trì sức mạnh hạt nhân an toàn. Hơn nữa, Đức sẽ cảm thấy không an toàn nếu không có vũ khí hạt nhân; và sức mạnh phi hạt nhân lớn của Đức giúp họ gây ảnh hưởng quan trọng đến Châu Âu nếu cảm thấy bất an. Những nước khác – đặc biệt là Đông Âu – có lẽ cũng muốn sở hữu hạt nhân, nhưng tốt nhất nên tránh sự phổ biến hạt nhân rộng rãi thêm này. Lý do, như đã được nêu trên, là các nước này có thể không đảm bảo được an toàn cho hệ thống hạt nhân của mình, và sự phổ biến không giới hạn sẽ làm tăng nguy cơ vũ khí hạt nhân rơi vào tay khủng bố hoặc các lãnh đạo quốc gia thiếu lý trí. Tuy nhiên, nếu sự phổ biến vũ khí hạt nhân rộng rãi hơn được chứng tỏ là không thể tránh khỏi mà không có các biện pháp cực đoan, những cường quốc hạt nhân hiện tại nên để nó xảy ra, trong khi đó cố hết sức hướng nó theo chiều hướng an toàn.
Tuy nhiên, ngay cả khi sự phổ biến hạt nhân được kiểm soát tốt, những mối nguy đáng kể vẫn tồn tại. Nếu tất cả cường quốc ở Châu Âu đều sở hữu vũ khí hạt nhân, lịch sử cho thấy rằng họ vẫn đấu tranh giành ảnh hưởng ở các nước nhỏ hơn và sẽ bị kéo vào các xung đột của những nước nhỏ. Các cường quốc, dù được đảm bảo an ninh nhờ kho vũ khí hạt nhân, vẫn cạnh tranh giành ảnh hưởng dữ dội tại các khu vực xa xôi, không quan trọng về mặt chiến lược như Nam Á, Đông Nam Á, và Trung Mỹ. Các cường quốc Châu Âu có thể sẽ tiếp tục cạnh tranh, đặc biệt là ở Đông Âu, ngay cả khi họ đã sở hữu khả năng răn đe hạt nhân an toàn.
Khả năng kết bè phái vẫn còn: vài quốc gia hạt nhân có thể liên kết với nhau chống lại một quốc gia hạt nhân đơn độc, có lẽ là để tập hợp đủ sức mạnh để áp đảo hệ thống hạt nhân của quốc gia mục tiêu. Các quốc gia hạt nhân cũng có thể đe dọa những nước láng giềng phi hạt nhân. Vấn đề này sẽ được giảm nhẹ nếu quá trình phổ biến hạt nhân không giới hạn diễn ra, khi đó sẽ chỉ còn vài nước phi hạt nhân trở thành đối tượng bị các nước hạt nhân khác đe dọa, nhưng sự phổ biến hạt nhân rộng rãi này cũng mang theo nó nhiều nguy cơ, như đã nói ở trên.
Sự phổ biến hạt nhân được kiểm soát tốt sẽ giảm nguy cơ các quốc gia tính toán sai lầm về sức mạnh tương đối của các liên minh, vì vũ khí hạt nhân giúp làm rõ sức mạnh tương đối của các nước, và làm mất đi tầm quan trọng của sự gia nhập và rút lui không lường trước khỏi các liên minh. Tuy nhiên, vẫn còn nguy cơ là ý chí quyết tâm của các nước sẽ bị tính toán sai, vì hình mẫu xung đột có khả năng trở nên dễ thay đổi trong một Châu Âu đa cực, do vậy làm cản trở sự hình thành phạm vi quyền lợi và hành vi ứng xử một cách rõ ràng.
Sự phổ biến hạt nhân không giới hạn, ngay cả khi được kiểm soát hiệu quả, sẽ làm gia tăng những nguy cơ xuất hiện khi có quá nhiều khả năng khai ngòi chiến tranh hạt nhân – tai nạn, sử dụng trái phép hay thiếu lý trí, hoặc bị khủng bố chiếm đoạt.
Trong bất cứ trường hợp nào, sự phổ biến vũ khí hạt nhân khó có thể được kiểm soát tốt. Các cường quốc hạt nhân không thể dễ dàng kiểm soát sự phổ biến hạt nhân trong khi cùng lúc đó lại phản đối nó; có một sức ép tự nhiên giữa hai mục tiêu này. Nhưng các nước có lý do để phản đối sự phổ biến này. Các cường quốc hạt nhân hiện tại sẽ miễn cưỡng giúp đỡ kỹ thuật cho các cường quốc hạt nhân mới trong việc xây dựng hệ thống hạt nhân an toàn, vì nó đi ngược lại với bản chất của ứng xử quốc gia khi chuyển giao sức mạnh quân sự cho các nước khác, và vì sợ rằng công nghệ quân sự nhạy cảm có thể trở ngược chống lại những quốc gia hỗ trợ nếu công nghệ đó được chuyển giao cho các đối thủ của những nước này. Các cường quốc hạt nhân cũng sẽ miễn cưỡng làm suy yếu tính hợp pháp của Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968 bằng cách cho phép các nước ký kết có được vũ khí hạt nhân, vì điều này có thể mở lối cho sự phổ biến hạt nhân rộng rãi mà họ tìm cách tránh, ngay cả khi các nước này ủng hộ sự phổ biến hạt nhân rất hạn chế. Vì những lý do này mà các cường quốc hạt nhân sẽ dồn sức vào việc ngăn cản quá trình phổ biến vũ khí hạt nhân hơn là kiểm soát nó.
Sự phổ biến hạt nhân có thể được kiểm soát dễ dàng nếu diễn ra trong thời kỳ thế giới tương đối yên bình. Sự phổ biến hạt nhân diễn ra trong thời kỳ khủng hoảng sẽ đặc biệt nguy hiểm vì các nước đang có xung đột với những cường quốc hạt nhân mới nổi sẽ có động lực mạnh mẽ để dùng vũ lực ngăn cản quá trình này. Tuy nhiên, sự phổ biến hạt nhân sẽ khó có thể bắt đầu cho tới khi bùng nổ khủng hoảng, vì giữa các cường quốc hạt nhân tiềm năng sẽ có sự phản đối trong nước đối với sự phổ biến này, cũng như sẽ có sự kháng cự mạnh mẽ từ những cường quốc hạt nhân bên ngoài. Do đó có thể phải cần tới một cuộc khủng hoảng để thúc đẩy các cường quốc hạt nhân tiềm năng chi trả chi phí di chuyển trong nước và quốc tế để xây dựng sức mạnh hạt nhân. Do đó, sự phổ biến vụ khí hạt nhân có khả năng xảy ra dưới những điều kiện quốc tế bất lợi hơn là trong thời bình.
Cuối cùng, có những giới hạn về khả năng các cường quốc hạt nhân hiện có giúp đỡ những quốc gia hạt nhân mới nổi nhỏ hơn xây dựng hệ thống phòng ngừa an toàn. Ví dụ, những quốc gia nhỏ không giáp biển không thể sử dụng hệ thống hạt nhân đặt trên biển hoặc những hệ thống tên lửa di động trên mặt đất đòi hỏi phải có diện tích đất rộng lớn; có những vấn đề địa lý mà công nghệ không thể vượt qua. Do đó ngay cả khi các quốc gia hạt nhân hiện tại chuyển sang kiểm soát quá trình phổ biến hạt nhân sớm và khôn ngoan, quá trình này vẫn có thể làm gia tăng những hiểm nguy không thể kiểm soát.
Những lý thuyết khác dự đoán hòa bình
Nhiều nhà nghiên cứu chính trị Châu Âu sẽ phản đối phân tích bi quan của tôi về Châu Âu hậu Chiến tranh Lạnh và phản biện rằng một Châu Âu đa cực có khả năng ít nhất là cũng yên bình như trật tự hiện nay. Ba kịch bản cụ thể cho tương lai hòa bình được đưa ra. Mỗi kịch bản đều dựa trên một lý thuyết nổi tiếng về quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, mỗi lý thuyết này đều có vấn đề và do đó không thể dùng làm cơ sở cho những dự đoán đáng tin cậy về trật tự hòa bình ở Châu Âu đa cực; cho nên những viễn cảnh đầy hy vọng mà họ ủng hộ đều thiếu hợp lý.
Trong kịch bản lạc quan đầu tiên, một Châu Âu phi hạt nhân vẫn hòa bình vì người dân Châu Âu nhận ra rằng thậm chí chỉ một cuộc chiến tranh thông thường thôi cũng rất tồi tệ. Các nhà lãnh đạo quốc gia, được lịch sử làm cho sáng mắt, sẽ chú tâm rất nhiều đến việc tránh xảy ra chiến tranh. Kịch bản này dựa trên lý thuyết về “sự lỗi thời của chiến tranh”.
Mặc dù chiến tranh thông thường hiện đại chắc chắn có thể rất tốn kém, lập luận này vẫn còn nhiều thiếu sót. Không có bất kỳ bằng chứng có hệ thống nào cho thấy Châu Âu tin rằng chiến tranh đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên, ngay cả khi khắp Châu Âu đều tin rằng chiến tranh là điều không còn có thể tưởng tượng ra nữa thì quan điểm vẫn có thể thay đổi. Ý kiến của dân chúng về những vấn đề an ninh quốc gia nổi tiếng là không kiên định và dễ bị ảnh hưởng bởi sự vận động của giới lãnh đạo và các sự kiện trên thế giới. Hơn nữa, chỉ cần một quốc gia cho rằng chiến tranh là điều đáng nghĩ đến đã đủ khiến chiến tranh có khả năng xảy ra lần nữa. Cuối cùng, có thể một cuộc chiến thông thường sẽ nổ ra và có chiến thắng mà không kèm theo thiệt hại nghiêm trọng, và những nhà lãnh đạo thấy được khả năng này sẽ cho rằng chiến tranh là một lựa chọn khả thi.
Ở viễn cảnh lạc quan thứ hai, Công đồng Châu Âu (EC) hiện tại sẽ lớn mạnh theo thời gian, một sự phát triển được báo trước bởi Đạo luật chung Châu Âu, vốn được xây dựng nhằm tạo nên một thị trường Tây Âu thống nhất vào năm 1992. Một EC lớn mạnh sẽ đảm bảo rằng trật tự kinh tế này vẫn luôn rộng mở và phát triển, và tính chất mở và phát triển của nền kinh tế Châu Âu sẽ giúp các nước Tây Âu hợp tác với nhau. Theo quan điểm này, cơ cấu EC hiện tại sẽ mạnh hơn, chứ không lớn hơn. Do đó, trong khi xung đột có thể xảy ra ở Đông Âu, nguy cơ từ một nước Đức hung hăng sẽ được gỡ bỏ bằng cách khiến nước Đức mới thống nhất can dự nhiều hơn vào EC. Lý thuyết làm nền tảng cho kịch bản này là “chủ nghĩa tự do kinh tế”.
Một biến thể của kịch bản thứ hai này cho rằng EC sẽ mở rộng và bao gồm cả Đông Âu, có thể là cả Liên Xô, mang lại sự giàu có và hòa bình cho các khu vực này.[8] Vài ý kiến cũng cho rằng trong thập kỷ tới, EC sẽ thành công đến mức nó sẽ phát triển thành một bộ máy nhà nước: một siêu quốc gia Tây Âu thống nhất sẽ nổi lên và Đức cũng nằm trong đó. Ở một thời điểm nào đó trong tương lai, phần còn lại của Châu Âu cũng sẽ được tích hợp vào siêu quốc gia đó. Dù bằng cách nào thì theo những người ủng hộ kịch bản thứ hai này và những biến thể của nó, nền hòa bình đều được củng cố.
Trong kịch bản thứ ba, có thể tránh khỏi chiến tranh vì nhiều nước Châu Âu đã trở nên dân chủ hơn từ đầu thế kỷ 20, và các nước dân chủ tự do đơn giản là không gây chiến với nhau. Ít nhất, sự hiện diện của chế độ dân chủ tự do ở Tây Âu khiến cho một nửa Châu Âu tránh được xung đột vũ trang. Ở mức tối đa, khi nền dân chủ trải rộng ra toàn Đông Âu và Liên Xô, nó sẽ củng cố nền hòa bình giữa những nước này với nhau, và giữa những nước này với Tây Âu. Kịch bản này dựa trên một lý thuyết có thể đặt tên là “các nền dân chủ yêu hòa bình”.
Chủ nghĩa tự do kinh tế
TÍNH LOGIC CỦA LÝ THUYẾT NÀY. Chủ nghĩa tự do kinh tế bác bỏ quan điểm cho rằng triển vọng hòa bình gắn chặt với những tính toán về sức mạnh quân sự, và thay vào đó khẳng định rằng sự ổn định chủ yếu là một tác dụng của những cân nhắc kinh tế quốc tế. Nó giả định rằng những quốc gia hiện đại phần lớn bị thúc đẩy bởi ước muốn đạt được sự giàu có, và rằng lãnh đạo quốc gia luôn đặt phúc lợi vật chất của người dân lên trên những ưu tiên khác, kể cả an ninh. Điều này đặc biệt đúng với các nước tự do dân chủ, ở đó các nhà hoạch định chính sách đang phải chịu áp lực đặc biệt là đảm bảo phúc lợi kinh tế cho người dân.[9] Do vậy, chìa khóa để đạt được hòa bình là thiết lập một hệ thống kinh tế quốc tế nuôi dưỡng sự phồn thịnh cho tất cả các nước.
Gốc rễ của sự ổn định, theo lý thuyết này, là sự hình thành và duy trì một trật tự kinh tế tự do cho phép trao đổi kinh tế không ràng buộc giữa các quốc gia. Một trật tự như thế sẽ làm giảm xung đột và tăng hợp tác chính trị theo ba cách.[10]
Đầu tiên, nó khiến quốc gia thịnh vượng hơn; điều này củng cố hòa bình vì những quốc gia giàu có hài lòng hơn về mặt kinh tế, và những quốc gia hài lòng thường yên bình hơn. Nhiều cuộc chiến được tiến hành để giành lấy hay bảo vệ tài sản, nhưng các quốc gia ít có động lực tiến hành các cuộc chiến tranh như thế nếu họ đã giàu có rồi. Những xã hội giàu có cũng có thể mất nhiều hơn nếu bị chiến tranh tàn phá. Vì những lý do này, họ sẽ tránh chiến tranh.
Hơn nữa, sự phồn thịnh do chủ nghĩa tự do kinh tế sản sinh ra sẽ tự nuôi chính nó, bằng cách khuyến khích những thể chế quốc tế nuôi dưỡng chủ nghĩa tự do lớn mạnh hơn, và sau đó tới lượt nó thúc đẩy sự thịnh vượng. Để vận hành trơn tru, một trật tự kinh tế tự do đòi hỏi phải có các hệ thống và thể chế quốc tế, như Công đồng Châu Âu EC, Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT), và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Những thể chế này thực hiện hai chức năng quan trọng nhưng có giới hạn. Thứ nhất, chúng giúp các quốc gia thẩm tra xem những đồng minh của mình có giữ cam kết hợp tác hay không. Thứ hai, chúng cung cấp nguồn lực giúp các chính phủ đang phải giải quyết các vấn đề ngắn hạn phát sinh từ việc tham gia vào thị trường quốc tế, và bằng cách đó cho phép các quốc gia tránh được chính sách làm nghèo hàng xóm có thể phá hoại trật tự kinh tế hiện tại. Một khi được thiết lập, những thể chế và tổ chức này sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế, do đó củng cố sự thịnh vượng. Chúng cũng tự củng cố cho chính mình: một khi còn hiện hữu, chúng sẽ mở rộng quy mô và ảnh hưởng bằng cách chứng minh giá trị của mình và thuyết phục các quốc gia cũng như người dân. Và khi quyền lực lớn mạnh hơn, các thể chế này sẽ thúc đẩy sự hợp tác tốt hơn, điều này sẽ củng cố thêm sự phồn thịnh, nhờ đó củng cố uy tín và ảnh hưởng của chúng. Về bản chất, một mối quan hệ tốt đẹp phát triển theo đường xoắn ốc được thiết lập giữa các cơ chế thúc đẩy hợp tác và thịnh vượng, ở đó mỗi cơ chế làm cơ sở cho sự phát triển của cơ chế khác.
Thứ hai, một trật tự kinh tế tự do thúc đẩy sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa các nước. Sự phụ thuộc lẫn nhau được định nghĩa là một tình huống trong đó hai nước cùng dễ bị tổn hại; mỗi nước là con tin của nước kia trong lĩnh vực kinh tế.[11] Lý thuyết này cho rằng khi sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức cao sẽ có ít cám dỗ khiến các nước lừa dối hay cư xử hung hăng với nước khác vì tất cả các nước đều có thể trả đũa. Sự phụ thuộc lẫn nhau cho phép các nước buộc nước khác phải hợp tác trong những vấn đề kinh tế, cũng giống như sự đảm bảo tiêu diệt lẫn nhau cho phép các cường quốc hạt nhân buộc những nước khác phải tôn trọng nền an ninh của mình. Tất cả quốc gia đều bị buộc phải ứng xử như đối tác của nhau trong việc cung cấp những tiện nghi vật chất cho người dân.
Thứ ba, một số lý thuyết gia cho rằng với sự hợp tác chính trị ngày càng tăng, các thể chế quốc tế sẽ trở nên mạnh đến nỗi mà chúng ngày càng độc lập hơn, và cuối cùng sẽ phát triển thành một siêu quốc gia. Đây là quan điểm của thiểu số; hầu hết những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế không cho rằng các thể chế sẽ trở nên mạnh đến mức chúng có thể buộc các quốc gia hành xử đi ngược lại những lợi ích hẹp hòi của chính mình. Thay vào đó phần lớn giữ quan điểm rằng những thể chế này về bản chất sẽ phản ánh lợi ích của các quốc gia sáng lập và duy trì chúng, và vẫn phục vụ cho những lợi ích khác của các quốc gia này. Tuy nhiên, quan điểm “phát triển thành siêu quốc gia” phản ánh một nhánh quan trọng trong suy nghĩ của những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế.
Thiếu sót chính trong lý thuyết này là sai lầm trong giả thiết nền tảng của nó – cho rằng các quốc gia chủ yếu bị thúc đẩy bởi mong muốn có được sự thịnh vượng. Những quốc gia này chắc chắn quan tâm đến sự thịnh vượng, và do vậy những tính toán kinh tế không thể nói là không quan trọng đối với họ. Tuy nhiên, các quốc gia vận hành trong cả môi trường chính trị quốc tế và kinh tế quốc tế, và cái đầu sẽ chi phối cái sau trong trường hợp hai hệ thống này có xung đột. Nguyên do rất dễ hiểu: hệ thống chính trị quốc tế là vô chính phủ, điều này có nghĩa là mỗi quốc gia phải luôn luôn lưu tâm đến việc đảm bảo sự sống còn của mình. Vì một quốc gia không có bất kỳ mục tiêu nào cao hơn là sự sống còn, khi tình thế xô đẩy, những cân nhắc chính trị quốc tế sẽ trở thành điều tối quan trọng trong tâm trí những người đưa ra quyết định.
Những người ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế phần lớn đều bỏ qua tác động của tình trạng vô chính phủ đối với hành vi của quốc gia và thay vào đó, họ tập trung nhiều vào những cân nhắc kinh tế. Tuy vậy, khi thiếu sót này được sửa chữa, những lập luận của họ đều sụp đổ vì hai lý do.
Đầu tiên, sự cạnh tranh an ninh gây nhiều khó khăn cho việc hợp tác giữa các nước. Khi an ninh không cao, các quốc gia sẽ quan tâm đến lợi ích tương đối hơn là lợi ích tuyệt đối.[12] Họ không quan tâm đến sự trao đổi, “liệu cả hai chúng ta có được lợi không”, mà thay vào đó sẽ hỏi “ai có lợi nhiều hơn?”[13] Khi an ninh không cao, họ từ chối ngay cả sự hợp tác mang lại lợi ích kinh tế tuyệt đối, nếu quốc gia khác đạt được nhiều lợi ích hơn, vì lo sợ những nước khác có thể chuyển lợi ích này thành sức mạnh quân sự, và sau đó dùng chính sức mạnh này để chiến thắng bằng vũ lực.[14] Hợp tác sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu các quốc gia chỉ quan tâm đến lợi ích tuyệt đối, và điều này dễ xảy ra hơn khi an ninh được đảm bảo. Khi đó, mục tiêu chỉ đơn giản là đảm bảo rằng toàn bộ chiếc bánh kinh tế đang ngày càng lớn hơn và mỗi quốc gia sẽ có ít nhất phần nào lợi ích trong đó. Tuy nhiên, tình trạng vô chính phủ chắc chắn khiến an ninh hiếm khi được đảm bảo; điều này sẽ làm gia tăng những lo ngại của các nước về lợi ích tương đối, khiến cho hợp tác khó khăn trừ khi lợi ích có thể được chia đều để phản ánh, và nhờ thế sẽ không gây nhiễu loạn, sự cân bằng quyền lực hiện tại.
….
Các nền dân chủ yêu hòa bình
Kết luận
Khuyến nghị chính sách
Xem phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Su bat on tai Chau Au sau chien tranh lanh-p2.pdf
[1] Xem: Ivo J. Lederer, ed., Russian Foreign Policy: Essays in Historical Perspective (New Haven: Yale University Press, 1962); Andrei Lobanov-Rostovsky, Russia and Europe, 1825-1878 (Ann Arbor, Mich.: George Wahr Publishing, 1954); và Marc Raeff, Imperial Russia, 1682-1825: The Coming of Age of Modern Russia (New York: Knopf, 1971), chap. 2.
[2] Để hiểu rõ hơn về mối ác cảm giữa Hungary và Rumani đối với vấn đề này, xem Witnesses to Cultural Genocide: First-Hand Reports on Romania’s Minority Policies Today (New York: American Transylvanian Federation and the Committee for Human Rights in Romania, 1979). Những cuộc đụng độ vào tháng 3 năm 1990 giữa người Hungary và Rumani ở Tirgu Mures (Rumani Transylvania) cho thấy khả năng xảy ra bạo lực man rợ tiềm ẩn trong những cuộc xung đột sắc tộc này.
[3] Xem Zbigniew Brzezinski, “Post-Communist Nationalism,” Foreign Affairs, Vol. 68, No. 5 (Winter 198911990), pp. 1-13; và Mark Kramer, “Beyond the Brezhnev Doctrine: A New Era in Soviet-East European Relations?” International Security, Vol. 14, No. 3 (Winter 1989190), trang 51- 54.
[4] Thủ tướng mới của Hungary, Jozsef Antall, đã phát biểu về sự cần thiết phải có một “giải pháp Châu Âu” cho vấn đề đối xử của Rumani với những người Hungary ở Transylvania. Celestine Bohlen, “Victor in Hungary Sees ’45 as the Best of Times,” New York Times, April 10, 1990, trang A8.
[5] Bài viết này tập trung vào ảnh hưởng của những thay đổi trong sức mạnh của Liên Xô và sự co cụm lại của đế chế Liên Xô lên triển vọng ổn định ở Châu Âu. Tuy nhiên, sự tan rã của Liên Xô, một kịch bản không được phân tích chi tiết ở đây, ngoài những mối nguy hiểm được đề cập ở đây, sẽ còn mang lại những mối nguy hiểm khác.
[6] Các khía cạnh của câu chuyện này đã được đềcập trong tác phẩm của Richard J. Evans, In Hitler’s Shadow: West German Historians and the Attempt to Escape from the Nazi Past (New York: Pantheon, 1989). Một nghiên cứu về những nỗ lực của người Đức trong quá khứ nhằm bóp méo lịch sử là Holger H. Herwig, “Clio Deceived: Patriotic Self-censorship in Germany After the Great War,” International Security, Vol. 12, No. 2 (Fall 1987), trang 5-44.
[7] Xem David Garnham, “Extending Deterrence with German Nuclear weapons,” International Security, Vol. 10, No. 1(Summer 1985), trang 96-110.
[8] Jack Snyder, “Averting Anarchy in the New Europe,” International Security, Vol. 14, No. 4 (Spring 1990), trang 5-41.
[9] Quan điểm về những nước tự do dân chủ làm nổi bật thực tế rằng chủ nghĩa tự do dân chủ và lý thuyết về nên dân chủ chuộng hòa bình thường gắn với nhau trong những tác phẩm của các học giả quan hệ quốc tế. Cơ sở của sự liên kết này là những gì mà mỗi lý thuyết nói về động cơ của con người. Lập luận rằng phần lớn các cá nhân đều mong muốn sự giàu có, điểm quan trọng của chủ nghĩa tự do kinh tế, khớp hoàn toàn với niềm tin cho rằng quần chúng là một lực lượng chống chiến tranh mạnh mẽ, điều này, như đề cập dưới đây, là điểm quan trọng của lý thuyết các nền dân chủ yêu hòa bình.
[10] Ba lý giải được bàn ở đây dựa trên ba lý thuyết nổi bật nhất trong các tài liệu kinh tế chính trị quốc tế (IPE). Chúng thường được xem xét như những lý thuyết riêng biệt và được gán cho những tên gọi khác nhau. Tuy nhiên, chúng có chung những yếu tố quan trọng. Do đó, để rõ ràng, tôi xem xét chúng như ba nhánh của một lý thuyết chung: chủ nghĩa tự do kinh tế. Cần phải làm rõ trước một điều. Những tài liệu IPE thường không thành công trong việc tuyên bố những lý thuyết của mình một cách rõ ràng, nên rất khó để đánh giá chúng. Thế nên, tôi đã phân tích những lý thuyết này từ các tác phẩm đôi khi không rõ ràng có thể gây ra những giải thích trái chiều. Những mô tả của tôi về chủ nghĩa tự do kinh tế được rút ra từ những nghiên cứu mà tôi cho là tốt nhất trong dòng IPE: Richard N. Cooper, “Economic Interdependence and Foreign Policies in the Seventies,” World Politics, Vol. 24, No. 2 (January 1972), trang 158-181; Ernst B. Haas, “Technology, Pluralism, and the New Europe,” in Joseph S. Nye, Jr., ed., International Regionalism (Boston: Little, Brown, 1968), trang 149-176; Robert O.Keohane and Joseph S. Nye, Jr., Power and Interdependence: World Politics in Transition (Boston: Little, Brown, 1977); Robert 0.Keohane, After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy (Princeton: Princeton University Press, 1984); David Mitrany, A Working Peace System (Chicago: Quadrangle Press, 1966); Edward L. Morse, “The Transformation of Foreign Policies: Modernization, Interdependence, and Externalization,” World Politics, Vol. 22, No. 3 (April 1970), pp. 371-392; và Richard N. Rosecrance, The Rise of the Trading State: Commerce and Conquest in the Modern World (New York: Basic Books, 1986).
[11] Xem Kenneth N. Waltz, “The Myth of National Interdependence,” trong Charles P. Kindelberger, ed., The International Corporation (Cambridge: MIT Press, 1970), trang 205-223.
[12] Xem Joseph M. Grieco, “Anarchy and the Limits of Cooperation: A Realist Critique of the Newest Liberal Institutionalism,” International Organization, Vol. 42, No. 3 (Summer 1988), trang 485-507; và Grieco, Cooperation among Nations: Europe, America and Non-Tariff Barriers to Trade (Ithaca: Cornell University Press, 1990).
[13] Waltz, Theory of International Politics, trang 105.
[14] Cần nhấn mạnh rằng do một phần quan trọng của sức mạnh quân sự là chức năng của sức mạnh kinh tế, những hậu quả của mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia đôi khi có những ý nghĩa an ninh quan trọng.