Nguồn: Mark Skousen (2007). “From Smith to Marx: The Rise and Fall of Classical Economics” in M. Skousen, The Big Three in Economics: Adam Smith, Karl Marx, And John Maynard Keynes (New York: M.E.Sharpe), pp. 46-63.
Biên dịch và Hiệu đính: Viện Chiến lược Phát triển
Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Big Three in Economics
Có tài nhưng ngoan cố, David Ricardo đã lái bánh xe khoa học kinh tế đi chệch hướng theo con đường mà sau đó nó đã được một người ngưỡng mộ ông, có tài và ngoan cố không kém là John Stuart Mill, đẩy tới mức gây bối rối hơn.
(William Stanley Jevons, (1965, li)
Thời kỳ giữa Adam Smith và Karl Max được đánh dấu bởi cả sự chiến thắng tưng bừng cũng như sự thất bại thảm hại của kinh tế học. Hai đại diện của trường phái ủng hộ tự do kinh tế nước Pháp, Jean-Baptiste Say và Frederic Bastiat, đã phát triển mô hình Smith lên mức cao hơn nhưng đã không tồn tại được lâu dài do mô hình cổ điển của Thomas Robert Malthus, David Ricardo, và John Stuart Mill đã đưa kinh tế học lâm vào tình trạng bế tắc. Chương này sẽ kể về câu chuyện ảm đạm này.
Ngay khi tác phẩm Của cải của các quốc gia (Wealth of Nations) của Adam Smith được xuất bản vào năm 1776, một thời đại lạc quan đã tràn qua Châu Âu. Các nhà cải cách xã hội đã hy vọng đi theo cuộc cách mạng nước Mỹ với sự hứa hẹn về “quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” và cuộc Cách mạng Pháp với cam kết “tự do, bình đẳng và bác ái”. William Wordsworth đã miêu tả thời kỳ đầu của chủ nghĩa lý tưởng của cuộc Cách mạng Pháp trong cuốn Khúc dạo đầu (The Prelude) (Quyển 11, dòng 108-09).
“Còn gì vui bằng được sống mỗi sớm mai thức dậy
Nhưng Thiên đường thực sự chỉ khi ta thanh xuân!”
Kể từ khi Thomas More viết tác phẩm Địa đàng trần gian (Utopia), các triết gia đã mơ đến một thế giới tràn ngập hạnh phúc, không có chiến tranh, tội ác và không có đói nghèo. Sự thiên tài của Adam Smith nằm ở chỗ ông đã phát triển một hệ thống kinh tế mang tính “tự do tự nhiên” – điều có thể mang lại hòa bình, công bằng và sự thịnh vượng cho toàn nhân loại.
Mô hình của Smith về sự thịnh vượng cho toàn nhân loại lại được phát triển lên tầm cao mới bởi những tông đồ đến từ một đất nước mà hàng thập kỷ là kẻ thù hung bạo nhất của Vương Quốc Anh. Các nhà kinh tế học người Pháp Jean-Baptiste Say (1767-1832) và Frederic Bastiat (1801-50), dựa trên những nguyên lý lôgic được phát triển bởi Cantillon, Montesquieu, Turgot và Condillac, đã đấu tranh cho những khả năng không hạn định của thương mại rộng mở và một xã hộ kinh doanh tự do. Dựa trên mô hình cổ điển của Adam Smith, họ đã cải tiến nó bằng cách bác bỏ thuyết giá trị lao động và bóc lột công nhân dưới chủ nghĩa tư bản kinh doanh tự do. Những đóng góp của họ là trường phái nổi tiếng về “tự do kinh doanh, tự do giao thương” (“laissez faire, laissez passer”) và “không kiểm soát quá chặt chẽ” (“pas trop gouverner”). Thương mại tự do và hạn chế sự can thiệp của chính phủ sẽ khuyến khích phát triển kinh tế cũng như khả năng kinh doanh hiệu quả.
Bastiat, một phóng viên suất sắc người Pháp, là một người ủng hộ không mệt mỏi các chính sách về thương mại và thị trường tự do, một người nhiệt tình phản đối chủ nghĩa xã hội và là nhà hùng biện, nhà chính trị cứng rắn. Bastiat rất sắc sảo trong việc vạch trần và kết tội những luận điểm sai lầm như “chiến tranh tốt cho nền kinh tế” và “tự do thương mại hạn chế việc làm”. Trong bài luận kinh điển của mình mang tên Pháp luật (The Law) (1850), Bastiat đã thiết lập một tổ chức xã hội phù hợp bậc nhất cho những con người tự do, tổ chức này sẽ “bảo vệ quyền sống, tự do và tài sản…và chống lại bất công”. Dưới hệ thống pháp luật này “nếu mọi người được tự do phát triển lợi thế của bản thân, được tự ý sử dụng sức lao động của mình thì tiến bộ xã hội sẽ liên tục tiếp diễn” (Bastiat 1998 [1850]).
Smith chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Quesnay, Turgot và Voltaire. Và khi tác phẩm Của cải của các quốc gia được xuất bản, người Pháp đã thành công trong việc công bố mô hình của Smith về tự do kinh doanh, tự do hóa thương mại ra khắp thế giới phương Tây. Tác phẩm của Smith đã được dịch, được xuất bản như một cuốn bách khoa toàn thư đầu tiên về kinh tế và là cuốn sách lịch sử đầu tiên về tư tưởng kinh tế. Họ cũng đã viết một cuốn sách giáo khoa lớn về kinh tế đầu tiên, đó là tác phẩm của Say – Luận bàn về kinh tế chính trị học (Treatise on Political Economy), vốn là cuốn sách giáo khoa cơ bản được dùng ở Mỹ và Châu Âu trong suốt nửa đầu thế kỷ 19. Nhiều triết lý của Smith đã được áp dụng bởi Alexis de Tocqueville trong nghiên cứu sâu sắc của mình – Nền dân chủ Mỹ (Democracy in America), bao gồm chủ nghĩa cá nhân, lòng tương ái, sự chăm chỉ và đoàn kết.
“Adam Smith của nước Pháp”
J.-B. Say (1767-1832) được gọi là “Adam Smith của nước Pháp”. Chứng kiến cả hai cuộc cách mạng Pháp và Mỹ và là một nhà sản xuất bông, ông tin tưởng rằng kinh tế học đúng đắn nên được xây dựng dựa trên các mô hình và lý thuyết tốt đã được kiểm tra bằng các quan sát nhằm bám sát thực tiễn và theo đúng hướng. Ông đã phê phán thuyết giá trị lao động cũng như thiên hướng xây dựng mô hình mang tính trừu tượng đã đưa kinh tế học theo một chặng đường hiểm nguy của David Ricardo. Theo Say, những nhà kinh tế học như Ricardo thường không gắn thực tiễn với các học thuyết của mình, được coi như “những người mơ mộng viển vông, với các học thuyết chỉ thỏa mãn sự tò mò văn chương mà hoàn toàn không có tính ứng dụng trong cuộc sống” (Say 1971 [1880], xxi, xxxv).
Say đã giới thiệu một vài nguyên lý kinh tế đúng đắn trong cuốn Luận bàn về kinh tế chính trị học xuất bản lần đầu năm 1805, đặc biệt là vai trò thiết yếu của các nhà doanh nghiệp và các quy luật thị trường được ông nêu ra đã trở thành những nguyên lý căn bản của kinh tế học vĩ mô cổ điển.
Trong Chương 7, Quyển 2, “Bàn về phân phối” (“On Distribution”), Say đề cập đến vai trò của nhà doanh nghiệp, “người bán hàng cấp cao” hay “nhà mạo hiểm” như là một thực thể kinh tế độc lập khác biệt với chủ đất, công nhân hay thậm chí là nhà tư bản. Theo Say, các nhà doanh nghiệp đóng vai trò như những nhà chế tạo ra sản phẩm và phương thức sản xuất mới, và là người quản lý việc kết hợp thỏa đáng giữa lao động và các nguồn lực. Để thành công, những nhà doanh nghiệp này cần phải có “óc phán đoán, kiên trì và hiểu biết thế giới”. Say lưu ý “Các nhà doanh nghiệp được yêu cầu đánh giá với sự chính xác cao, tầm quan trọng của những sản phẩm cụ thể, lượng cầu tiềm năng và phương tiện sản xuất: ở thời điểm này, họ cần phải tuyển dụng nhiều lao động, ở thời điểm khác họ cần mua hoặc đặt hàng nguyên liệu thô, thu thập người lao động, tìm kiếm các đơn đặt hàng và tiết kiệm. Nói một cách ngắn gọn, họ cần phải sở hữu nghệ thuật quản lý và giám sát”. Họ phải luôn sẵn sàng chấp nhận “rủi ro nhất định” cũng như “khả năng thất bại”, nhưng nếu thành công “tầng lớp các nhà sản xuất này… sẽ tích lũy được tài sản lớn nhất” (Say 1971 [1880], 329-32).
Định luật của Say: Mô hình kinh tế vĩ mô cổ điển
Say còn nổi tiếng về việc phát triển mô hình kinh tế vĩ mô cổ điển, được biết đến như là các quy luật thị trường của Say – “cung tạo ra cầu cho riêng mình”. Những quy luật này là nguồn gốc của sự hiểu nhầm, đặc biệt là từ Keynes, người đã bóp méo ý nghĩa thực sự định luật của Say (xem chi tiết tại chương 5 về Keynes). Trong chương 15 cuốn sách giáo khoa của mình, Say đã đưa ra ý tưởng rằng sản xuất (cung) là nguồn gốc của tiêu dùng (cầu). Ông đã đưa ra ví dụ trong nông nghiệp: “sản lượng càng lớn, sức mua càng cao. Ngược lại, vụ mùa thất thu sẽ gây tổn hại lớn đến lượng tiêu thụ” (1971, (1880), 135). Nói cách khác, định luật của Say có thể được hiểu như sau: cung (lượng bán) của X tạo ra cầu (lượng mua) đối với Y. Một ví dụ cập nhật khác, khi Microsoft chế tạo phần mềm Windows, nó đã tạo ra sự bùng nổ về việc làm và tiêu dung tại Seattle. Khi Microsoft bị chính quyền liên bang kiện về vi phạm luật chống độc quyền, giá cổ phiếu giảm. Nền kinh tế Seattle đã chịu thiệt hại đi kèm với sự sụt giảm tiêu dùng.
Định luật Say có sự thống nhất với số liệu thống kê về chu kỳ kinh tế. Khi sự suy giảm kinh tế bắt đầu, sự sụt giảm sản lượng đi trước sụt giảm về tiêu dùng. Và khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, sản lượng cũng hồi phục trước nhất, theo sau là tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế khởi đầu với tăng năng suất lao động, một sự gia tăng những sản phẩm mới và những thị trường mới. Do vậy, chi tiêu cho sản xuất luôn là chỉ dấu dẫn dắt chi tiêu tiêu dùng. Say kết luận, “một chính phủ tốt thường nhắm đến khuyến khích sản xuất, trong khi chính phủ tồi khuyến khích tiêu dùng” (1971, (1880), 139).
Hệ quả tất yếu trong định luật của Say đó là tiết kiệm có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế. Ông phủ nhận việc căn cơ, tiết kiệm có thể dẫn đến giảm chi tiêu và sản lượng. Tiết kiệm chỉ đơn giản là hình thức khác của chi tiêu và có thể là một hình thức tốt hơn của chi tiêu hơn là mua sắm bởi vì tiết kiệm được sử dụng trong sản xuất tư liệu sản xuất và các quy trình chế biến mới. Rõ ràng Say chịu ảnh hưởng từ việc đọc cuốn tiểu sử của Benjamin Franklin vốn bảo vệ tiết kiệm như một đức tính quý báu, cũng như những câu ngạn ngữ như “một đồng tiết kiệm được là một đồng kiếm được” và “tiền tạo ra tiền”.
Steven Kates đã tổng kết các kết luận về các quy luật thị trường của Say và kinh tế vĩ mô cổ điển như sau (Kates 1998, 29):
- Một quốc gia không thể có quá nhiều vốn.
- Tiết kiệm và đầu tư là nền tảng của tăng trưởng kinh tế.
- Tiêu dùng không những không khuyến khích tạo ra sự giàu có mà thực tế tạo ra điều ngược lại.
- Cầu được tạo thành bởi sản lượng.
- Sự thiếu hụt cầu (ví dụ: sản xuất quá mức) không bao giờ là nguyên nhân của sự xáo trộn kinh tế. Xáo trộn kinh tế chỉ nảy sinh khi hàng hóa này không được sản xuất theo đúng tỷ lệ với các hàng hóa khác.
Mô hình cổ điển và “Ngành khoa học buồn thảm”
Không nơi nào đã hiện thực hóa tầm nhìn lạc quan của Adam Smith tốt hơn những người ủng hộ thị trường tự do của Pháp. Ngoại trừ việc không phân tích cận biên thì họ đã đưa học thuyết về bàn tay vô hình và sự điều hòa tự nhiên của hệ thống thị trường lên mức đỉnh cao. Điều đáng tiếc là câu chuyện về kinh tế học đột ngột chuyển hướng từ một thế giới lạc quan của Adam Smith sang một ngành “khoa học buồn thảm”. Đáng chú ý, sự ngắt quãng khỏi tư tưởng của Smith được bắt đầu bằng bài viết của hai tông đồ của ông trên chính quê hương mình, đó là Thomas Malthus và David Ricardo.
Các nhà kinh tế học người Anh Thomas Robert Malthus (1766-1834), David Ricardo (1772-1823) và John Stuart Mill (1806-73) tiếp tục học thuyết cổ điển bằng việc ủng hộ sự tiết kiệm, thương mại tự do, hạn chế vai trò của chính phủ, chế độ bản vị vàng và quy luật thị trường của Say. Đặc biệt, Ricardo đã ủng hộ quyết liệt và có hiệu quả chính sách chống lạm phát bằng chế độ bản vị vàng của đồng bảng Anh cũng như sự bãi bỏ hai đạo luật – Luật ngũ cốc về hàng rào thuế quan cao hiển nhiên của Anh đối với lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác và Luật cho người nghèo về hệ thống phúc lợi khiêm tốn của Anh.
Nghịch lý Kim cương – Nước
Tuy nhiên đã có một vấn đề. Kinh tế học cổ điển sau Adam Smith vấp phải một thiếu sót nghiêm trọng về mặt lý luận và cung cấp lý do chỉ trích cho các nhà Mác-xít, những người theo chủ nghĩa xã hội và các nhà phê phán chủ nghĩa tư bản khác. Bản thân Smith ủng hộ mô hình lạc quan về điều hòa lợi ích và sự giàu có phổ quát. Ông lấy ví dụ việc chế tạo kim và sản xuất áo len để giải thích việc làm thế nào người lao động và nhà tư bản có thể phối hợp để tạo ra các sản phẩm hữu dụng. Nhưng ông không hề có khái niệm rõ ràng về việc làm thế nào giá cả và chi phí của các nhân tố sản xuất được xác định trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; thiếu sót này làm giảm tính thuyết phục mô hình hài hòa của ông.
Câu hỏi mà Smith và các nhà kinh tế cổ điển cố gắng tìm lời giải đó là: Làm thế nào mà các hàng hóa và dịch vụ, cũng như các yếu tố sản xuất, được định giá trong một nền kinh tế tăng trưởng nhằm thỏa mãn mong muốn của người tiêu dùng? Họ đã cất công tìm ra đáp án bằng việc giải quyết nghịch lý kim cương – nước. Tại sao hàng hóa thiết yếu như nước lại được định giá ít hơn trên thị trường trong khi những viên kim cương có tính thực tiễn thấp lại có giá cao hơn? Đối với Smith và các tông đồ của ông, nghịch lý này không có lời giải. Họ đã bị lạc hướng bởi những quan sát cho thấy một vài hàng hóa được định giá nhiều hơn trong “trao đổi” hơn là trong “sử dụng”. Việc nghịch lý này đã không có lời giải mãi cho đến một thế hệ sau bởi cuộc cách mạng về phân tích cận biên (marginalist revolution) (xem chương 4) đã mang lại những hậu quả tai hại. Các nhà Mác-xít và những người theo chủ nghĩa xã hội đã lấy sự thất bại này để quy kết cho xã hội thương mại là bất công và phi đạo đức, một hệ thống mà lợi nhuận lấn át cả việc làm vừa lòng người tiêu dùng.
Hơn nữa, những tông đồ của Smith, đặc biệt là Ricardo và Mill, đã đề xướng một mô hình mang tính đối kháng về phân phối thu nhập dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Điều này đã khiến cho kinh tế học cổ điển bị mang tiếng xấu, khiến cho nhà phê bình người Anh Thomas Carlyle đặt cho kinh tế học cổ điển cái tên “khoa học buồn thảm”. Thay cho việc tập trung vào quan điểm tích cực của Smith về tạo ra của cải và điều hòa lợi ích, những môn đệ người Anh của ông đã chú trọng vào sự phân bố của cải, xung đột lợi ích và thuyết giá trị lao động.
Malthus thách thức mô hình mới về sự thịnh vượng
Thách thức đầu tiên đối với thế giới tuyệt vời của Smith đến từ một mục sư trẻ tuổi bất kính, Thomas Robert Malthus. Vào năm 1798, ở tuổi 32, Malthus đã xuất bản một tác phẩm khuyết danh với tựa đề Luận bàn về dân số (Essay on Population), lập luận rằng nguồn lực của trái đất không thể đủ để đáp ứng nhu cầu của sự gia tăng dân số. Tác phẩm của ông đã mãi mãi thay đổi khung cảnh chính trị và kinh tế cũng như nhanh chóng rút ngắn tầm nhìn tích cực của Smith, Say và các học giả khác của thời kỳ Khai sáng. Malthus cùng với bạn thân của mình là David Ricardo, đã nhấn mạnh rằng áp lực lên nguồn lực có hạn luôn khiến cho phần lớn loài người chỉ ở mức đủ sống. Malthus và Ricardo đã đảo ngược tư tưởng kinh tế cởi mở của Smith, mặc dù, mỉa mai thay họ lại là những người ủng hộ nhiệt thành các chính sách về thị trường tự do của Smith.
Malthus đã có tác động mạnh mẽ lên tư duy hiện đại. Ông được coi như ông tổ của những nghiên cứu về dân số và nhân khẩu học. Ông được thừa nhận là bậc thầy của những nhà quản lý xã hội vốn ủng hộ sự kiểm soát dân số chặt chẽ và hạn chế tăng trưởng kinh tế. Bài luận về dân số của ông nhấn mạnh tầm nhìn u ám và thuyết định mệnh của nhiều nhà khoa học và nhà cải cách xã hội, những người đã dự đoán nghèo khó, tội ác, đói kém, chiến tranh, suy thoái môi trường sống là do những áp lực về dân số lên nguồn lực. Ông thậm chí đã khơi gợi cảm hứng cho thuyết tiến hóa của Charles Darwin, thông qua việc giải thích làm thế nào sự hữu hạn của nguồn lực đối mặt với sự vô hạn về nhu cầu đã tạo ra sức mạnh của sự lựa chọn tự nhiên và sự sinh tồn của những sinh vật mạnh mẽ nhất. Sau cùng, sự bi quan mang tính định mệnh của Malthus và Ricardo đã khiến cho kinh tế học bị mang tiếng là ngành “khoa học buồn thảm”.
Giả thuyết về ngày tận thế của Malthus cho rằng: “Sức mạnh của lực lượng dân số hoàn toàn lớn hơn rất nhiều so với sức mạnh của trái đất trong việc đáp ứng sự tồn tại của con người. Và vì vậy phần lớn loài người chắc chắn sẽ phải sống cuộc sống sinh tồn khổ sở như nhận định của Hobbes (1985 (1798), 71). Nghiên cứu của Hobbes đã xác định hai định luật cơ bản của tự nhiên: thứ nhất, dân số có xu hướng tăng theo cấp số nhân (ví dụ, 1, 2, 4, 8, 16, 32, v.v…) và thứ hai, sản lượng lương thực (nguồn lực) có xu hướng tăng theo cấp số cộng (ví dụ, 1, 2, 3, 4, 5, v.v…). Các phương tiện hỗ trợ cho cuộc sống của con người bị “hạn chế bởi sự khan hiếm đất đai” và “xu hướng thường xuyên sụt giảm” của việc sử dụng nguồn lực, một liên hệ với quy luật hiệu suất giảm dần. Kết cục là một cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi của “sự cùng khổ và tội lỗi” theo đó các nguồn tài nguyên của trái đất không đáp ứng được sự gia tăng về dân số (Malthus 1985 [1798], 67–80, 225).
Liệu Malthus có đúng khi nói về “quy luật của tự nhiên” đầu tiên rằng dân số tăng trưởng theo cấp số nhân hay không? Thực tế, kể từ khi Malthus viết tác phẩm của mình, dân số thế giới đã tăng vọt từ ít hơn 1 tỷ người lên tới hơn 6 tỷ người. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ lưỡng về sự gia tăng này từ năm 1800, chúng ta nhận thấy nguyên nhân thực tế không bắt nguồn từ các nguyên nhân mà Malthus nêu ra. Sự gia tăng này là do hai nhân tố mà Malthus không dự đoán được. Thứ nhất, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh đã giảm mạnh nhờ vào việc xóa bỏ các bệnh dịch và các căn bệnh đe dọa đến tính mạng thông qua công nghệ y học. Thứ hai, tuổi thọ trung bình của loài người tăng ổn định nhờ vào mức sống cao hơn, các đột phá về y học, cải thiện vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe và chế độ dinh dưỡng. Nhờ vậy, nhiều người sống đến tuổi trưởng thành và có một cuộc đời dài hơn.
Đồng thời, có dấu hiệu tốt cho thấy dân số thế giới sẽ sớm chững lại, đặc biệt do sự sụt giảm mạnh trong tỷ lệ sinh 50 năm qua ở các nước công nghiệp và các nước đang phát triển. Thực tế này phần lớn là do ảnh hưởng của sự giàu có: những người giàu hơn thường có xu hướng sinh ít hơn (điều này đối lập với dự đoán của Malthus). Hơn 50 năm qua, tỷ lệ sinh tại các nước phát triển đã giảm từ 2,8 xuống 1,9 trẻ trong một gia đình và tại các nước đang phát triển là từ 6,2 xuống 3,9. Xu hướng này rất rõ ràng: phụ nữ dần có ít con hơn và ở một vài nước phát triển, đặc biệt ở Châu Âu, tỷ lệ sinh thấp hơn rất nhiều tỷ lệ thay thế.
Lỗi bỏ sót của Malthus
Vậy còn “quy luật của tự nhiên” thứ hai của Malthus về nguồn lực là có hạn và bị hạn chế bởi quy luật hiệu suất giảm dần thì sao? Một lần nữa, lịch sử lại không ủng hộ Malthus. Quy luật hiệu suất giảm dần chỉ được áp dụng nếu chúng ta giả định “mọi vật là không đổi”, nghĩa là công nghệ và số lượng của các nguồn lực khác là cố định. Thực tế tính chất kinh tế quan trọng của đất đai đã bị thu hẹp trong thế giới hiện đại do những kỹ thuật nông nghiệp chuyên sâu và cuộc cách mạng xanh. Malthus đã phớt lờ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, sự phát hiện liên tiếp các khoáng sản mới và các nguồn tài nguyên khác trên trái đất cũng như vai trò của giá cả trong việc xác định nguồn lực được sử dụng nhanh hay chậm như thế nào. Nói tóm lại, ông đã không nhận ra sự khéo léo của loài người.[1]
Malthus đã tỏ ra đặc biệt sai lầm về việc sản xuất lương thực, sự ra đời của công nghệ canh tác, sử dụng phân bón và sự mở rộng thủy lợi. Số lượng đất canh tác và sản lượng lương thực đều tăng đáng kể. Thực tế, hầu hết nạn đói kém đều được đổ lỗi cho những chính sách thiếu khôn ngoan của chính phủ, chứ không phải do tự nhiên.
Câu chuyện của Thomas Malthus mang lại nhiều chỉ dẫn trong việc tìm hiểu các động lực của một nền kinh tế tăng trưởng và sự gia tăng về dân số. Malthus nhận ra rằng sự can thiệp của chính phủ thường phản tác dụng trong việc xóa đói giảm nghèo và kiểm soát sự gia tăng dân số. Do vậy ông đã tham gia cùng với Adam Smith áp dụng các chính sách ủng hộ thị trường tự do (ông đã bị các nhà phê bình phê phán về việc phản đối các chương trình chống đói nghèo, kiểm soát sinh và thậm chí là tiêm phòng vắc-xin). Nhưng cuối cùng ông đã xa rời người thầy của mình bằng việc chối bỏ niềm tin vào Mẹ Trái Đất và năng lực của thị trường tự do trong việc cân bằng giữa việc cung cấp nguồn lực và sự gia tăng nhu cầu do gia tăng dân số. Điều quan trọng là ông đã không hiểu được vai trò của giá cả và quyền sở hữu tài sản như là một động lực nhằm hạn chế sự khan hiếm nguồn lực cũng như là một cơ chế giải quyết vấn đề. Tệ hơn nữa, ông đã hiểu nhầm các động lực của một nền kinh tế dựa vào kinh doanh đang phát triển – cách một dân số lớn hơn sẽ tạo ra hạt giống thịnh vượng của chính nó thông qua sự hình thành những ý tưởng mới và công nghệ mới.
Mặc dù Adam Smith đã gợi ý các ý tưởng về một mức lương tối thiểu, ông tin chắc rằng những người làm công ăn lương có thể nâng cao mức sống tối thiểu thông qua áp dụng các máy móc, công cụ và thiết bị. Chủ nghĩa tư bản theo thị trường tự do là cơ chế thoát khỏi nghèo đói. Trái lại, Malthus bi quan và thậm chí mang quan điểm định mệnh về năng lực thoát khỏi sự khèo khổ và xấu xa của loài người. Đối với ông, nhân loại bị kìm kẹp bởi quy luật sắt về tiền lương.
David Ricardo, vì cái tốt hay vì cái xấu
Công cụ Ricardo hay khiếm khuyết Ricardo?
Ricardo tập trung vào phân phối, không phải tăng trưởng
Ricardo tìm kiếm vô ích giá trị cố hữu trong lao động
John Stuart Mill gia cố cho mô hình cổ điển khiếm khuyết
Ngành khoa học buồn thảm?
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Su thang tram cua kinh te hoc co dien.pdf
———-
[1] Để biết một quan điểm khác đối với thuyết Malthus, xem Julian L. Simon, chủ biên, The State of Humanity (1995) và The Ultimate Resource 2 (1996).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]